Tác Giả: |
Chu Lai
|
Tình Trạng: |
Hoàn Thành
|
Cập Nhật: |
2024-02-03 09:56:19 |
Lượt Xem: |
393 |
Quản Lý: |
Minh Sơn
|
Source: |
https://truyenhdx.com/truyen/nang-dong-bang/ |
Chu Lai là một trong những nhà văn quân đội có tên tuổi trong nền văn học sau 1975. Đã từng một thời khác áo lính, ông rất thành công với đề tài chiến tranh. Và tiểu thuyết là thể loại mà Chu lai đã khẳng định được tài năng và phong cách của mình. Nắng Đồng Bằng là một trong những tác phẩm để đời của nhà văn khi viết về đề tài chiến tranh với câu chuyện và những phận người đầy gai góc. Người lính trong Nắng đồng bằng không chỉ biết có chiến đấu vì lý tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn... nhưng cuối cùng họ vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Chính Chu Lai từng bộc bạch "Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính". Có thể nói mỗi trang văn của Chu Lai là một câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cùng, nỗi khổ niềm vui, hy vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả đều được nổi lên một cách đậm nét và hết sức chân thực.-----------
Rừng miền Đông không thấy tiết xuân. Sáng ra có gió lạnh se se. Trưa đến, nắng lại bừng lên oi ả. Chiều có cái mát mẻ của thu sang. Và khi đêm xuống thì rét thực sự. Mắc võng giữa rừng đã phải đốt củi sưởi. Nhưng vẫn chưa phải là xuân. Rừng vẫn xanh tươi một màu của cây lá Tịnh không có một ngày mưa dầm rả rích.
Xuân về nơi đây chỉ là dấu hiệu chấm dứt những trận mưa dầm và bắt đầu vào mùa khô dằng dặc.
Thượng nguồn sông Sài Gòn vẫn chở nặng trong lòng nguồn nước của sáu tháng mưa tích tụ lại. Sông đỏ đắn hồng hào, nhưng hai bên bờ không tìm thấy một vạt phù sa. Gió vẫn mang theo cái vị nồng nồng tanh tanh của dòng sông lắm tôm nhiều cá. Mùa khô này, chiến sự đã giạt về phía dông bằng. Rừng đã yên tĩnh trở lại. Đang vào mùa rừng dầu trút lá. Tàu lá dầu liệng xuống như cánh diều phủ vàng mặt đất. Mỗi khi có con hoẵng chạy qua, thảm lá khô vang động như có ai đang bẻ chiếc bánh đa. Những cây dầu con mới lớn, phiến lá đã to gần bằng lá già rụng xuống. Lá như cái quạt nan che lấp cả thân cây Đang giữa trưa nắng, gặp rừng dầu non, mắt bỗng dịu lại như đang lạc vào một vùng rau xanh trù phú.
Hết rừng dầu lại tới rừng cao su. Màu xanh lá dầu chỉ có thể so sánh với màu cao su vừa thay lá. Những cánh rừng cao su thăm thẳm, huyền bí như những cái hang động màu ngọc bích. Sắc lá càng xanh biếc trong màu đất ba dan đỏ tươi.
Măng lồ ô đã lớn vượt lên thành những thân non màu hồng mượt mà. Rừng sạch sẽ và thoáng đãng đến nỗi muốn ngả lưng nằm xuống thảm lá ngủ một giấc. Thỉnh thoảng lại gặp một, hố bom dầy ắp nước, trong vắt. Xung quanh bờ mơn mởn những vạt mắc cỡ, rau tàu bay, lá giang chua... Chiều xuống hay những buổi sớm tinh mơ đã nghe tiếng dọc, vượn hú gọi nhau. Rừng yên ổn, chúng kéo nhau trở về từng bầy, chuyền thoăn thoắt trên những ngọn cây cao.
Trên con đường đất rộng bò ngoằn ngèo trong rừng, có một đoàn người đang lặng lẽ cất bước. Con đường còn hằn lại những vết bánh xe ô tô trũng sâu, nước đã cạn khô. Nhìn hai bên đường còn vương lại những đoạn phên tre mục nát mới chợt nhớ rằng con đường thồ bùn nước lép nhép năm nào đã chạy qua đây. Đoàn người đi chậm rãi, thong thả qua những cánh rừng già. Cứ trông cách ăn mặc, đồ đoàn trang bị, người ta đoán ngay đó là một đơn vị mới ở vùng sâu lên. Chân họ đi dép mềm, dép lỗ, thảng hoặc mới gặp một đôi dép râu. những ống quần buông chùng vẫn còn những đường ly thẳng băng. Thắt lưng người nào cũng đeo toòng teng một cây đèn pin ngoéo đen bóng. Họ hầu như không có súng, trừ một vài cây tiểu liên cực nhanh và M.79. Đầu họ để trần hoặc đội mũ vải rộng vành. Thoạt trông, đoàn người giống như những chàng trai thành thị hiếu kỳ lên rừng đi săn, nếu như trên nét mặt trầm mặc của họ không có những con mắt ánh lên vẻ khắc khổ, dạn dày.
Người đi đầu khoảng gần ba mươi tuổi, dáng người chắc lẳn, khuôn mặt cân đối, đẹp trai, có mái tóc mềm vươn xuống trán. Anh như đang mê mải suy nghĩ điều gì, mắt dõi ra xa nhưng vẫn không giấu được vẻ bồn chồn, sốt ruột. Ở đó, phía đoàn người đang đi tới, đang vẳng đến tiếng rì rầm của một dòng sông.
Một chiến si trẻ, to lớn, nước da dỏ hồng, xăm xăm chạy lên đầu:
- Sắp tới rồi phải không anh?
Người có mái tóc xoã gật đầu.
- Cho nghỉ một chút anh nhé!
Người ấy cũng chỉ gật đầu không nói, rồi lặng lẽ cầm lấy tay người chiến sĩ trẻ bước gấp lên.
Con đường đang ngược lên một dình dốc. Rừng thấp dần xuống. Đột ngột, trước mắt đoàn người hiện ra một khoảng trống trải, bao la. Cái bao la của một khúc sông thượng nguồn.
Sau ngày ký kết hiệp định Pa-ri, cuộc chiến đấu ở vùng sâu càng diễn ra gay gắt, ác liệt. Kẻ thù lật lọng điên cuồng phá hoại thành quả Cách mạng. Những người bám đất, bám dân hàng chục năm đang khao khát đón đợi một ngày hoà bình, lại tiếp tục cầm lấy cây súng. Khói lửa lại ngày đêm bao phủ lên khắp các bưng biền, sông rạch.
Theo chỉ thị của Bộ, để giữ truyền thống của một đơn vị binh chủng, tiểu đoàn đặc công tập trung trở lại. Các chiến sĩ trinh sát rải rác từ khắp các địa bàn hóc hiểm kéo về. Họ nhìn nhau trào nước mắt. Ngày nào xuống hai trăm người mà bây giờ chỉ còn lại gần ba chục anh em... Linh đã được chỉ thị thay Sáu Hoá làm tiểu đoàn trưởng. Và hôm nay, anh dẫn tiểu đoàn đặc công của mình, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ bám giữ địa bàn, hành quân trở về hậu cứ. Họ sẽ được nghỉ ngơi, bổ sung quân số một thời gian để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.
Linh ngồi trên đỉnh ngọn bằng lăng cao nhất đang nở xòe những cánh hoa màu tím nhạt. Sau lưng anh là dòng sông. Bên cạnh anh là trung đội trưởng Ma Hồ Lang. Hai anh em đang đau đáu nhìn về một vùng nắng xa xa. Dưới ấy là dông bằng. là vùng ven thành phố. Trên cao nhìn xuống, chỉ thấy một màu xanh thoai thoải và một vệt nắng dài lấp loáng như sông. Không hiểu sao. Linh tin chắc rằng đó là dòng sông Sài Gòn.
- Anh Linh ơi! Quê chị Năm đó phải không? Mảng sáng phía bên kia sông Sài Gòn đó? - Lang bỗng rối rít hỏi.
Linh nhìn theo hướng tay Lang chỉ, không trả lời. Mắt anh mờ đi như có nước. Anh nhớ lại những ngày tháng đã qua với những căn cứ nhỏ bên sông, những dải rừng chồi lá thấp, những trận đánh ban đêm, những khóm lục bình trôi theo tiếng chim bìm bịp kêu...Nhiều đồng đội của anh dã không cùng trở lại hôm nay. Anh nhớ tiếng cười rộng rãi, phóng khoáng của anh Sáu Hoá. Nhớ cả ánh mắt hằn học, lạnh lùng của thằng Kiêu. Kẻ thù vẫn tồn tại dưới đó. Và những người còn ở lại bám trụ địa bàn như Phận, Hải, anh Út "Cò ngẳng", Rổn… đang đón đợi anh trở về.
Thế rồi, trên cái vệt dài lấp loáng nắng kia, anh như nhìn thấy Thúy đang mềm mại đưa đẩy mái chèo, tà áo bà ba bay là là mặt nước, một bên mái tóc xõa ra, kín đáo che đi vết sẹo màu hồng nhạt...
- Thúy ơi! Anh sẽ trở lại. Nhất định anh sẽ trở lại dòng sông quê hương em!
Lúc ấy, sau lưng anh, bên kia sông xuất hiện những toán bộ đội đầu tiên. Trong chốc lát, cả cánh rừng rộn rịch tiếng những bước chân, những chiếc mũ cối trùng điệp nhấp nhô. Họ là những binh đoàn chủ lực đang chuẩn bị vượt sông tiến về đồng bằng...
Sông Sài Gòn - Hè 1978
CHU LAI
.