Sau khi thấy tôi nằm ngay đơ – tim ngừng đập, cổ gãy – các bác sĩ không phải mất nhiều thời giờ để đưa ra phán quyết. Tôi đã chết.Điều khốn khổ nhất của tôi là: biết ráo những gì đang xảy ra chung quanh. Ước gì tôi có thể xin ông Crepsley cho thêm liều thuốc ngủ. Thật khủng khϊếp khi phải nghe tiếng khóc của ba má và tiếng kêu gào của Annie gọi tôi trở lại.
Tôi mong sao tránh được cảnh này. Tôi đã muốn trốn đi cùng ông Crepsley lúc nửa đêm, nhưng ông ta bảo như thế sẽ không ổn: “Nếu mi trốn đi, người ta sẽ truy tìm. Hình ảnh mi sẽ tràn lan khắp nơi, rồi báo chí, cảnh sát sẽ vào cuộc. Chúng ta chẳng được yên đâu.”
Tạo ra cái chết giả là thượng sách. Họ tưởng tôi chết, tôi sẽ được tự do. Chẳng ai truy lùng một người chết bao giờ.
Nhưng lúc này, nghe những tiếng khóc than thê thảm, tôi nguyền rủa ông Crepsley và cả chính mình. Đáng lẽ tôi không nên làm điều này. Không nên để người thân chịu đựng đến thế.
Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, ít nhất cảnh này đã chấm dứt mọi chuyện. Người thân của tôi buồn khổ một thời gian, nhưng sẽ nguôi ngoai dần (tôi hy vọng thế). Còn nếu tôi chỉ đơn giản bỏ trốn, sự bất hạnh này sẽ kéo dài mãi mãi: họ sẽ nuôi hy vọng suốt những tháng năm còn lại trên đời – tìm kiếm, tin tưởng ngày tôi trở lại.
Một nhân viên mai táng đến, mời mọi người tránh xa ra nơi khác. Anh ta và một cô y tá cởϊ qυầи áo và xem xét toàn thân tôi. Một vài giác quan đã trở lại, nên tôi có thể cảm thấy bàn tay lạnh ngắt của họ bóp nắn thân thể tôi. Anh chàng của tổ mai táng bảo cô y tá:
- Ít khi tôi gặp trường hợp này. Tình trạng xác chết thật tuyệt vời: rắn chắc, tươi rói, chẳng có dấu vết gì. Chỉ cần một tí phấn cho hai má cậu ta hồng hào thêm một chút.
Anh ta vạch mắt tôi lên. Đó là một con người tròn xoe, vui vẻ. Tôi đã sợ anh ta phát hiện ra tôi còn sống. Nhưng anh ta chỉ nhẹ nhàng xoay trở đầu tôi, làm chỗ xương gãy kêu lên răng rắc.
- Con người là sinh vật mong manh thật!
Anh nhân viên nhà đòn, thở dài, triết lý.
Sau đó họ chuyển tôi vào nhà, đặt tôi lên mặt chiếc bàn dài, trong phòng khách. Và hàng xóm, người thân, bạn bè lần lượt đến nói lời vĩnh biệt.
Thật kỳ dị khi nghe mọi người bàn tán về mình, như mình không hề có mặt tại đó. Ngày còn bé tôi ra sao, tôi là một đứa con trai ngoan ngoãn thế nào, và nếu còn sống, sau này tôi sẽ trở thành một người đàn ông mẫu mực.
Tưởng tượng họ sẽ chết khϊếp, nếu tôi nhảy vọt ra, la lớn: “HÙ!”
Thời gian như ngừng lại. Tôi không thể cắt nghĩa được hết nỗi buồn chán khi phải nằm im thin thít nhiều giờ đồng hồ, không nhúc nhích, không cười, không gãi mũi được. Thậm chí không thể nhìn lên trần, vì hai mắt tôi… nhắm tịt.
Vì những cảm giác bắt đầu trở lại, tôi phải rất cảnh giác với thân thể mình. Ông Crepsley đã báo trước là chuyện này sẽ xảy ra: cảm giác rần rần, ngứa ngáy sẽ xuất hiện.
Sự ngứa ngáy làm tôi gần phát điên. Tôi cố quên đi mà không được. Khắp người tôi như có những con nhện nhỏ xíu đang bò. Khổ nhất là vùng đầu và cổ, nơi xương bị bẻ gãy.
Mọi người ra về dần. Có lẽ khuya lắm rồi, vì căn phòng dường như trống rỗng và hoàn toàn im lặng.
Rồi tôi chợt nghe một tiếng động.
Cửa phòng nhẹ nhàng mở.
Tiếng chân bước lại bên bàn. Ruột gan tôi lạnh toát, không vì thuốc. Ai đến đây? Trong một thoáng, tôi tưởng là ông Crepsley, nhưng ông ta không có lý do để mò vào nhà giờ này.
Người đó vô cùng lặng lẽ. Suốt mấy phút không hề gây một tiếng động nào.
Rồi tôi cảm thấy bàn tay đặt lên mặt tôi.
Người đó vạch mắt tôi lên, rọi một tia sáng nhỏ vào con ngươi tôi. Gian phòng quá tối, tôi không thể nhìn rõ ai, nhưng tôi nghe tiếng lầm bầm. Người đó khép mắt tôi lại, rồi vạch miệng, đặt lên lưỡi tôi một thứ giống miếng giấy mỏng, nhưng đắng lạ lùng.
Người đó cầm tay tôi lên, dòm ngó những đầu ngón tay. Tiếp theo tôi nghe tiếng bấm “lách tách” của máy chụp hình.
Sau cùng, người đó đâm một vật nhọn – như kim tiêm – vào tôi, nhưng thận trọng tránh những chỗ có thể chảy máu. Giác quan tôi chưa hoàn toàn hồi phục, nên tôi không cảm thấy đau.
Rồi tôi nghe tiếng bước chân trở ra, tiếng mở và đóng cửa rất nhẹ.
Người khách bất ngờ và bí mật bỏ tôi lại với nỗi lo sợ và thắc mắc.
Tinh mơ hôm sau, ba vào ngồi bên tôi. Ông nói, nói mãi về những dự định ông hằng ấp ủ về tôi: đại học, việc làm…
Ba tôi khóc thật nhiều.
Khi má vào ngồi bên ba, hai người gục lên vai nhau mà khóc và an ủi lẫn nhau: Ít ra vẫn còn Annie và có thể sinh thêm đứa nữa, cùng lắm thì nhận con nuôi.
Như tôi nghĩ và mong ước, mọi khổ đau rồi cũng sẽ qua đi.
Tôi rất ghét mình là nguyên nhân gây nên quá nhiều đau khổ. Tôi muốn đổi tất cả những gì tôi có trên đời, để tránh khổ đau cho ba má.
Sau đó mọi hoạt động rộn rịp hẳn lên. Tôi được đặt vào quan tài. Một linh mục tới ngồi cùng gia đình và họ hàng thân thuộc. Căn phòng lúc nào cũng đầy người ra vào.
Tôi nghe tiếng Annie khóc lóc. Nó năn nỉ tôi đừng đùa nữa, dậy chơi với nó đi. Tôi chỉ mong có ai đưa nó tránh đi nơi khác, nhưng tôi cũng biết không ai nỡ để sau này nó nghĩ rằng, người ta đã không cho nó vĩnh biệt người anh nó từng yêu quý.
Sau cùng thì nắp quan tài cũng được đóng lại và tôi được đưa lên xe tang. Trên đường đám tang từ từ di chuyển tới nhà thờ, tôi không nghe rõ lắm những tiếng nói rì rầm. Sau buổi lễ, người ta chuyển tôi ra nghĩa địa. Tôi lại nghe tiếng cầu kinh, tiếng khóc và than vãn.
Và rồi người ta chôn tôi.