Chỉ Mong Người Lâu Dài

Chương 22: Kẻ gây chuyện.

Tối nay, người trằn trọc khó ngủ, suy nghĩ ngổn ngang phức tạp còn có Tôn Cánh Việt. Trên bàn ăn, anh ấy từ chối căn nhà đó, không phải vì lý do gì khác mà vì anh ấy là anh cả, là con trai cả trong gia đình.

Trên bàn ăn, vợ anh ấy không nói một lời, trên đường về nhà cũng không nói gì, mãi cho đến khi đỗ xe, cô ấy bảo Dục Nhất dẫn con trai út lên lầu trước, sau đó mới nhìn anh ấy đầy hận ý, hỏi anh ấy có tư cách gì mà thay mặt hai con từ chối căn nhà đó?

Cô ấy hỏi anh ấy có biết Dục Nhất đã nói dối với bạn cùng phòng ký túc xá rằng ba mình là cục trưởng hay không? Anh ấy rất sốc. Bởi vì anh ấy chỉ là một đội trưởng mà thôi.

Vợ anh ấy mặt không chút biểu cảm, chậm rãi nói: “Em đã đến ký túc xá của Dục Nhất hai lần, bốn người, hai người ở địa phương, một người khác là người Thiên Tân. Giường và bàn học của Dục Nhất là gọn gàng sạch sẽ nhất, ngăn nắp đến mức không hợp với cả ký túc xá. Còn ba bạn cùng phòng thì tùy tiện hơn nhiều, trên bàn đủ thứ lọ lọ hũ hũ, đồ dùng học tập ra đồ dùng học tập, đồ trang điểm cao cấp ra đồ trang điểm cao cấp.”

“Em tìm mãi trên bàn của con gái chúng ta, mới tìm thấy bộ đồ trang điểm nội địa của con bé ở vị trí khuất nhất. Em nói trưa rồi, mời các con đi ăn cơm, các bạn của con rất vui, bắt đầu mặc quần áo, đi giày, còn con gái chúng ta thì ngồi xổm ở đó từ từ buộc dây giày. Lúc đó em đổi ý ngay, dẫn con và các bạn đến nhà hàng ngon nhất gần trường. Các bạn của con rất tự nhiên giới thiệu món cho em, nói món này ngon, món kia ngon, con gái chúng ta cũng cười, nhưng không nói gì mấy, vì con bé vẫn luôn ăn ở căn tin bình thường, không biết các món ăn ở đây.”

“Anh có thể nói một cách thản nhiên rằng chúng ta cứ sống cuộc sống của mình thôi, hà cớ gì lại đem mình ra so sánh với người khác?” Vợ anh ấy nhìn anh ấy, “Nhưng mà Tôn Cánh Việt… em không thể nào nói với đứa con gái của mình, khi nó đang ở cái tuổi đang thích thể hiện, mới chỉ có 19 tuổi, rằng: ‘Con cứ sống tốt cuộc sống của mình, đừng đi so bì với bạn bè’.”

“Em thậm chí hoàn toàn có thể hiểu tại sao khi mọi người hiểu lầm con bé là con gái cục trưởng, con bé lại không giải thích. Bởi vì… khi Lâm Tĩnh tùy tiện tặng em một sợi dây chuyền, em cứ tưởng nó chỉ là một chiếc dây chuyền cỏ bốn lá chẳng đáng giá, thế rồi khi em đeo ra ngoài, đồng nghiệp hỏi mua ở đâu thì em mới biết nó là hàng Van Cleef & Arpels, giá tầm hai, ba chục ngàn một sợi. Lúc đó, em đã lặng lẽ tháo nó ra, cất đi để đưa cho con mình đeo.”

“Tại sao em lại cam chịu vất vả ở nhà anh? Vì em là chị dâu cả sao? Là vì anh, vì trong số những đứa em của anh, năng lực kinh tế của anh là bình thường nhất, còn em cũng là người bình thường nhất trong số những chị em dâu, em chồng? Lương em không cao bằng Chu Ngư, cũng không biết kiếm tiền như Lâm Tĩnh… Em hâm mộ Lâm Tĩnh nhất, thím ấy lúc nào cũng đẹp rạng ngời, có thể an tâm không phải vào bếp, tùy tiện tặng chị em dâu một món đồ xa xỉ là được rồi. Khi người khác ban ơn, em phải biết điều mà nhận lấy chứ, vì dù em có nhận hay không thì em vẫn phải làm thôi. Vậy thì tại sao em lại không nhận?”

“Được rồi… em biết anh sắp nói gì rồi, rằng cửa đóng then cài thì sống sao cũng được, so bì với người khác làm gì? Nhưng mà họ không phải người khác, họ là em ruột của anh, là em chồng của em. Họ không phải hàng xóm láng giềng, cũng không phải người ở tận chân trời góc bể, mà là những người có mối quan hệ thân thiết nhất với chúng ta.”

“Thực ra thì em đã nghĩ thông suốt từ lâu rồi, đây chính là số phận của em, em là chị dâu, cũng là vợ của cảnh sát, em phải chấp nhận những ấm ức này. Nhưng mà chúng ta cũng là cha mẹ, đến lúc anh nhận ra khả năng của mình có hạn, cần đến sự giúp đỡ, thì anh có thể đừng giả vờ thanh cao, đừng bày đặt ra vẻ là anh cả, người con cả nữa được không?”

Nghĩ đến đây, Tôn Cánh Việt trở mình, động tác quá mạnh nên ngã thẳng xuống khỏi sô pha. Anh ấy lại bò lên sô pha, thấy điện thoại bên gối có tin nhắn, anh ấy mở ra xem, là tin của mấy đứa em gửi đến, mục đích chỉ có một: khuyên anh ấy nhận lấy căn nhà, còn họ thì không cần.

Anh ấy cũng chẳng trả lời, lấy nửa cánh tay che mắt rồi cố gắng chợp mắt. Một lát sau, em trai thứ hai gọi đến, hai anh em trò chuyện một lúc ở ngoài ban công, em trai thứ hai cũng nói vậy, khuyên anh ấy nên nghĩ cho con cái, nghĩ cho chị dâu.

Anh ấy hợp ý với đứa em thứ hai này nhất, cũng hay tâm sự, có một số chuyện chẳng cần nói ra, chỉ cần im lặng cũng hiểu nhau. Còn khi nói chuyện với hai đứa kia thì rất dễ cáu gắt, cứ cáu gắt là muốn chửi tục, dù chỉ cách nhau có năm, sáu tuổi mà khoảng cách thế hệ lại quá lớn. Hai người chuyển sang nói xấu Tôn Cánh Thành, bóng gió nói chú ấy suốt ngày lông bông, công ty sắp phá sản đến nơi rồi! Phá sản thì sẽ bị vợ bỏ! Sau đó lại nói đến Tôn Cánh Phi, nói tính cách của cô ấy giống hệt đàn ông, nói cô ấy từ nhỏ đến lớn đều là đồ tai họa, hai anh em nói chuyện một lúc… em trai thứ hai bất ngờ hỏi sao Tết này không thấy Kha Dũng về? Anh ấy cũng thấy lạ, hay là cãi nhau rồi? Hai anh em thủ thỉ bàn bạc, định sẽ hỏi thăm thằng em thứ tư, chắc chắn nó sẽ biết.

Cúp điện thoại, một nửa sự ấm ức trong lòng Tôn Cánh Việt đã tan biến, anh ấy vận động đôi chân tê cứng định đứng dậy, nhưng thấy người đằng sau thì sợ đến hồn bay phách lạc. Hứa Vĩ Hoa mặc một chiếc váy ngủ màu trắng, chả biết từ lúc nào đã đứng bất động ở cửa ban công.

Hứa Vĩ Hoa bực bội, “Anh ngồi đây làm gì vậy?”

Tôn Cánh Việt giơ tay ra, “Vợ kéo anh dậy với, chân anh tê quá, không đứng dậy nổi.”

Hứa Vĩ Hoa kéo anh ấy dậy, rồi vào bếp nấu mì ăn liền. Buổi tối hôm qua vì trong lòng có chuyện nên anh ấy không ăn được mấy. Tôn Cánh Việt mở bếp trước chị ấy, kêu chị ấy ra bàn ngồi chờ, để anh ấy nấu cho chị ấy ăn. Anh ấy còn cắt giăm bông, chiên trứng, cho thêm rau xanh vào nữa.

Nấu tổng cộng ba gói mì, vợ chồng hai người chụm đầu nhau ăn hết sạch. Hứa Vĩ Hoa ăn xong, lau miệng rồi nói với anh ấy: “Nếu anh ngại thì em sẽ đi nói với mẹ, để mẹ cho Dục Nhất căn nhà đó, sau này chị em chúng nó chia nhau. Về sau em sẽ coi mình như là người giúp việc cho nhà anh, vậy thì trong lòng em cũng sẽ thoải mái hơn.”

“Em nói gì vậy…”

“Anh đã làm được gì cho cái gia đình này?” Hứa Vĩ Hoa hạ giọng, “Trong bài văn của con anh cũng có viết về anh đó, anh về nhà làm có ba việc: thay giày, đi vệ sinh, rồi nằm sô pha.”

“Tại anh mệt quá…”

“Em thì không mệt?”

“Em ăn no rồi nên gây sự với anh đó hả?”

“Em lười gây sự với anh lắm. Có gây sự xong cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, làm vậy để làm gì?”

“Vợ anh sáng suốt!” Tôn Cánh Việt giơ ngón tay cái lên.

“Trong số các em anh, có mỗi chú tư là biết thương vợ nhất.” Hứa Vĩ Hoa nói chuyện gia đình, “Chu Ngư chỉ bị bỏng tay khi nấu ăn thôi mà chú ấy đã cãi nhau với cô ba rồi. Còn em cho dù có mệt chết, anh cũng chẳng bênh vực em lấy một câu.”

“Chú ấy là thằng ngốc…”

“Có khi đời chú ấy sung sướиɠ nhất đó chứ. Vợ chồng chú ấy không có nhiều tiền, nhưng cũng không phải lo lắng vì tiền nhiều hay ít.” Hứa Vĩ Hoa hơi ghen tị, “Đừng có thấy Chu Ngư lúc nào cũng âm thầm lặng lẽ, chỉ cần thím ấy muốn sống tốt thì cũng dễ thôi.”

“Lâm Tĩnh muốn Dục Nhất đến chỗ thím ấy xăm chân mày, Dục Nhất ngại nên Chu Ngư nói sẽ đi cùng. Không phải vô cớ mà mẹ anh thiên vị thím ấy nhất, thím ấy nói năng, làm việc lúc nào cũng khiến người khác cảm thấy thoải mái.”

“Anh không thấy mẹ thiên vị thím ấy.” Tôn Cánh Việt không thích chị ấy nghĩ lung tung.

“Chỉ cần thím ấy vào bếp là mẹ anh sẽ lập tức đi theo giúp ngay, sợ thím ấy mệt. Còn em, em thường vào bếp làm cả buổi trời mới thấy mẹ anh đưa tay giúp. Mẹ đối xử với thím ấy khác hẳn đối xử với em, vì thím ấy dạy học ở trường phổ thông trọng điểm, vô hình chung khiến người khác phải nể.” Hứa Vĩ Hoa thở dài, tự giễu, “Nói ra thì em cũng làm việc trong ngành công an, nhưng em chỉ làm công tác hành chính cấp cơ sở, phải đối xử hòa nhã với quần chúng nhân dân…”

“Ngày mai chúng ta đổi chỗ cho nhau, để em đi phá án, còn anh thì ngồi ở đó đối xử hòa nhã với quần chúng nhân dân.”

Hứa Vĩ Hoa không thèm để ý đến anh ấy nữa, đi về phòng ngủ.

Nói nói cười cười, cãi nhau mắng nhau, cuộc sống vẫn phải tiếp tục.

Ngày hôm sau, chị ấy đến phòng khám, nếu căn nhà này chắc chắn là của mình thì sau này Dục Nhất muốn đi du học, chị ấy cũng có đủ tự tin. Hai đứa con, ít nhất phải có một căn nhà để đảm bảo. Nhưng ở trên lầu, lúc chị ấy loay hoay làm đủ thứ, cứ định mở miệng thử thì lại nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch. Cả đời này, chị ấy chưa từng mở miệng xin ai thứ gì.

Ngay khi chị ấy đang chần chừ không biết làm sao, tiến thoái lưỡng nan đến mức muốn khóc thì Tôn Hữu Bình đột nhiên xuất hiện ở đầu cầu thang, hỏi chị ấy Dục Nhất đi đâu rồi? Chị ấy vội nói là đi cùng Chu Ngư đến chỗ Lâm Tĩnh rồi, Tôn Hữu Bình nói chị ấy ngày mai theo mẹ Tôn đến cục quản lý nhà ở để sang tên tài sản.

Mẹ Tôn cũng dang ở trong phòng la hét hỏi giấy tờ nhà đất để ở đâu.

Vào thời khắc này, vào thời khắc này đây, mọi sự đã được giải quyết, chị ấy thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng, nhắn tin cho Tôn Cánh Việt: “Tối nay chúng ta đi xem phim đi.”

Tôn Cánh Việt trả lời: “Anh sợ ở cục bận.”

Chị ấy trả lời: “Chúng ta xem suất chiếu đêm.”

Tôn Cánh Việt trả lời: “Được, vợ yêu, hôn em.”

Chị ấy nhìn vào tin nhắn “hôn em”, bật cười thành tiếng, đúng là làm khó cho anh ấy quá.

Chu Ngư dẫn Tôn Dục Nhất đi làm lông mày, khi gần làm xong, Tôn Cánh Thành cũng đến, bảo người ta tỉa lông mày cho mình. Sau khi tỉa lông mày xong, anh lại kêu người ta giúp anh rửa mặt, nói trên mũi có mụn đầu đen. Rửa mặt xong, đương nhiên phải làm cả chăm sóc da mặt, sau đó lại nói chuyện rôm rả với người ta, rồi lại đi chăm sóc thận nữa.

Màu mè gì đâu!

Chu Ngư đã làm xong lông mày từ lâu, vì phải chờ Tôn Cánh Thành, cô tiện thể đi massage. Còn Tôn Dục Nhất thì đi làm móng tay. Người thợ có tay nghề rất tốt, độ tuổi tầm bốn, năm mươi, nhìn là biết đây là nghề kiếm sống của người ta. Tôn Cánh Thành đang nói chuyện rôm rả với người ta, người thợ nói mình đã làm nghề này hơn hai mươi năm, mấy năm đầu còn thi lấy chứng chỉ chuyên nghiệp, giờ thì đã có chứng chỉ hành nghề rồi, khác với mấy tay làm chui làm ùa bên ngoài.



Chu Ngư sắp ngủ gật đến nơi rồi, thấy bàn tay buông thõng ở một bên giường của mình bị ai đó móc lấy, cô mở mắt ra, Tôn Cánh Thành ngồi cạnh giường đang nhìn cô. Không có biểu cảm gì, rất dửng dưng.

Sáng nay anh nghe điện thoại rồi đi ra ngoài, nói là nói chuyện công việc, chỉ mới hai, ba tiếng đã về, có thể thấy là không suôn sẻ. Bình thường hai người đã đạt được một sự thỏa thuận ngầm, là không nói về công việc của nhau, cũng không mang tâm trạng công việc về nhà. Về lý do cụ thể tại sao không nói, Chu Ngư nghĩ rằng nói cũng vô dụng, ngoài việc khiến đối phương thêm gánh nặng, sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề thực chất nào. Hơn nữa, công việc của hai người khác nhau, nói ra cũng chẳng thể hiểu.

Tôn Cánh Thành không có thói quen này, từ nhỏ Tôn Hữu Bình cũng không nói về công việc ở nhà. Sau khi mọi người kết hôn, vào những bữa cơm cuối tuần, mấy anh em họ cũng không nói về công việc. Anh cả làm công tác bảo mật, không thể nói về vụ án trên bàn ăn; nếu anh hai có nói thì cũng sẽ nói những chuyện vui vẻ, như là đã mở thêm chi nhánh ở đâu đó; còn nếu là chị ba nói thì cũng sẽ là ở đâu đó mở phiên giao dịch rồi, ai muốn mua thì cứ nói chị.

Tóm lại… ai cũng tự giải quyết nỗi khổ của mình, cho dù cuộc sống có không như ý thì cũng ít khi mang ra nói. Nếu nói đến thì sẽ chỉ nói về những chuyện khiến mọi người vui vẻ.

Nếu ai cần tiền, cần quan hệ… thì có thể nói chuyện riêng, không cần nói hai lời sẽ giúp giải quyết ngay. Còn những thứ hư vô, không thể nắm bắt, không thể nhìn thấy thì đừng nói đến. Ví dụ như khủng hoảng tuổi trung niên; hay như ngã rẽ cuộc đời của Tôn Cánh Thành.

Chu Ngư có thể nhận ra được anh đang thất vọng và hoang mang, nhưng cô cũng không làm gì được, chỉ có thể móc một ngón tay đáp lại anh. Cô thích sự rõ ràng của Tôn Cánh Thành, công việc là công việc, cuộc sống là cuộc sống, tuyệt đối không mang tâm trạng công việc vào cuộc sống. Về điểm này, lâu nay cô vẫn không bằng Tôn Cánh Thành. Cô chỉ biết kiềm nén cảm xúc, cho rằng mình không biểu lộ ra, cho rằng mình đã tiêu hóa được, nhưng thực ra, cô lại giải tỏa theo những cách méo mó khác.

Tôn Cánh Thành thì giải tỏa hoàn toàn. Áp lực công việc thì đi leo núi, đi tập thể dục, chơi đàn piano… có rất nhiều cách giải quyết. Còn trong cuộc sống thì rất thẳng thắn, ai chọc anh, anh sẽ chọc lại, chuyện thì đối chuyện, người thì đối người, nếu anh không được thoải mái thì anh cũng không cho người khác thoải mái.

Phùng Dật Quần nói anh có tính cách đơn giản, trên một phương diện nào đó thì đúng là như vậy. Trong ba năm kết hôn, ngoài những mâu thuẫn của chính hai người, cô chưa bao giờ phải chịu nỗi oan ức nào.

Hai người massage xong, Tôn Cánh Thành kéo tay cô đi ra ngoài, Tôn Dục Nhất thấy vậy thì ngượng ngùng một lúc. Chu Ngư gỡ tay anh ra, liếc anh một cái. Tôn Cánh Thành rất vô tội, anh làm gì chọc đến em hả?

Ba người đến đây trước bữa trưa, giờ ra về thì đã là hoàng hôn. Tôn Dục Nhất sắp khai giảng, cô bé muốn Chu Ngư giúp tư vấn mua mấy bộ quần áo mùa xuân. Chu Ngư kêu Tôn Cánh Thành về phòng khám ăn tối, còn cô và Dục Nhất đi mua sắm.

Tôn Cánh Thành không muốn về, anh muốn theo sau họ đi dạo. Chu Ngư thấy anh vướng víu, “Anh không bận sao?”

Tôn Cánh Thành nhìn cô, “Em chê anh phiền?”



“Ngày hôm nay chúng ta kết hôn, thành đôi thành cặp. Mong rằng về sau sẽ mãi mãi bên nhau, như hương thơm của hoa quế và hoa lan… Vậy những gì viết trên giấy hôn thú của em đều là giả dối sao?”



“Còn chưa đến lúc bạc đầu mà em đã chê anh phiền rồi…”

“Đi theo, đi theo… Tối nay em mời anh ăn cơm.” Chu Ngư vội vàng ngắt lời anh.

Tôn Dục Nhất thấy họ cãi nhau rất vui, cô bé đứng bên cạnh cười khúc khích. Lúc này Chu Ngư nhận được tin nhắn của Kha Vũ, cậu có một bài toán không giải được, cô thuận miệng hỏi cậu có muốn ra ngoài ăn cơm không, nói là mình đang ở cùng Dục Nhất, buổi tối định ăn lẩu. Vừa dứt lời, Tôn Dục Nhất liền nhắn tin cho Kha Vũ: “Em đến một mình thôi, nếu mà kéo theo mấy cái đuôi kia thì đừng có đến.”

Tôn Cánh Thành dặn cô bé: “Con nói nó nếu kéo theo mấy cái đuôi kia thì chúng ta sẽ không ăn nữa.”

Trong nhà có ba cái đuôi. Đứa nhỏ nhất là Tôn Dục Ngôn, bốn tuổi rưỡi, đứa vừa vừa là Tôn Gia Duệ, bảy tuổi, còn đứa lớn nhất là Tôn Gia Hưng, mười ba tuổi. Đúng là cái tuổi khiến người ta phát bực nhất. Nếu bọn chúng đến, thì thôi đừng mong ăn uống gì.

Quả nhiên… đến khi Kha Vũ thoát khỏi chúng chạy đến họp mặt, thì điện thoại của mẹ Tôn gọi đến, mắng Tôn Cánh Thành xối xả, hỏi anh đi ăn sao không dẫn mấy đứa nhỏ theo? Để bọn nó ở nhà khóc lóc thảm thiết!