Chỉ Mong Người Lâu Dài

Chương 29: “Chú ơi, sau khi ba ngã xuống thì đi đâu rồi?”

Hai người ăn xong thạch đậu thì cũng không về, cứ chở nhau đi dạo dưới trời đầy tơ liễu. Tôn Cánh Thành mua cho cô một chiếc giỏ đựng quần áo bẩn đan thủ công lớn, trong chiếc giỏ lớn còn chồng hai chiếc giỏ nhỏ, Chu Ngư nói một cái để đựng đồ lót bẩn, một cái để đựng vớ bẩn.

Cô nói đựng cả một con rùa luôn cũng được! Tôn Cánh Thành không phản bác câu nào.

Hai người trước giờ đều cởi đồ lót ra là tiện tay giặt luôn, còn có thể dồn đồ để trong giỏ sao?

Cô thích mua thì cứ mua thôi.

Nhìn cô ngồi xổm ở đó chọn mãi, lúc thì hỏi cái này có đẹp không, lúc thì hỏi cái kia có đẹp không, anh cũng không trả lời, cứ ngồi trên xe điện mở mã trên điện thoại, đợi cô chọn xong thì thanh toán.

Chờ đến khi cô ôm giỏ ngồi vững, anh mới quay đầu lại nói: “Cô giáo Chu xinh quá!”



Cô giáo Chu đúng là giáo viên, dù đang mặc quần jean, tư thế ngồi cũng rất đẹp, nhưng cô vẫn sờ ra sau lưng, xem có bị hở lưng… hay hở viền qυầи ɭóŧ không.

Cô giáo Chu dễ thương quá!

Nghĩ như vậy, Tôn Cánh Thành liền bật cười, Chu Ngư thấy anh bị thần kinh, cũng không thèm để ý đến anh. Chỉ nói là giỏ đựng quần áo bẩn ở nhà hư rồi, cô mua cái này vừa rẻ vừa đẹp.

Tôn Cánh Thành thực sự không hiểu, một chiếc giỏ đựng quần áo bẩn còn có thể hư kiểu gì? Quay đầu trêu cô, “Sao lại hư? Tự nổ tung hả?”

……

Chu Ngư nhéo eo anh.

Tôn Cánh Thành cười lớn, nói với cô: “Mua thì cứ mua, còn tìm nhiều lý do này nọ.” Nói xong thì dừng ở trước một quán bán canh lòng dê lâu năm, xếp hàng mua một tô canh, đứng bên đường cùng cô ăn. Có một túm tơ liễu rơi vào tô, anh dùng đũa gắp ra, tiếp tục ăn.

Ăn xong anh sang đối diện mua nước, súc miệng, sau đó ngẩng cằm về phía Chu Ngư đang ăn canh.

Thật chẳng ra làm sao, Chu Ngư ăn canh không thèm để ý đến anh.

Anh đứng đó nhìn quanh bốn phía, thấy một người bán diều lớn, chỉ cho Chu Ngư xem, tiện tay nhét chai nước khoáng vào túi sau mông, đi tới chọn diều.

Chu Ngư ăn xong trả tô, cưỡi xe máy điện đi tới, lấy chai nước trong túi sau mông của anh ra, uống một ngụm súc miệng, nhìn thấy hoa tử đinh hương trên cây bên kia đường, không khỏi một lần nữa cảm thán cảnh xuân tươi đẹp! Trời xanh xanh, mây từng cụm, gió hiu hiu, phố xá đông đúc, vừa có tơ liễu bay đầy trời, vừa có một cây hoa tử đinh hương.

Bên kia bọn trẻ lén chạy ra khỏi phòng khám đến tiệm tạp hóa gần trường. Đồ ăn vặt trong siêu thị không những không ngon mà còn không có hương vị như thứ đồ một hai tệ trong tiệm tạp hóa.

Tôn Gia Hưng và Gia Duệ cầm đồ cay ăn, vừa ăn vừa chậm rãi quay về theo đường cũ, phải ăn hết trước khi quay về, nếu không bà nội sẽ mắng. Kha Vũ lớn rồi, thấy đồ ăn vặt của những xưởng sản xuất nhỏ này không đảm bảo vệ sinh, nên chỉ mua một chai nước ngọt uống. Tôn Dục Ngôn nhỏ tuổi nhất, trên tay cầm que cay màu đỏ, miệng cay đến mức luôn hít hà, nhưng mắt thì vẫn nhìn chằm chằm vào que cay trong tay hai anh trai, sợ rằng ăn chậm sẽ bị lấy mất.

Gia Hưng đưa hết nửa gói đồ cay trong tay mình cho nó, nó mới yên tâm, cầm nửa gói đồ cay vừa ăn vừa nghỉ. Nhưng vừa ăn được một lát thì đột nhiên nghĩ đến ba, nó liền ngẩng đầu hỏi anh trai, ba nó đi đâu rồi?

Có lẽ không phải thực sự muốn có câu trả lời, có lẽ chỉ là nghĩ đến nên thuận miệng hỏi, đợi sau khi nó uống mấy ngụm nước ngọt vì đồ cay quá thì chuyện này đã bị bỏ lại sau đầu.

Còn ba đứa trẻ được hỏi đến thì vô cùng lo lắng, trước khi đến chúng đã được ba mẹ dặn đi dặn lại là sau này phải yêu thương em trai, không được nhắc đến chuyện ba của em trước mặt em.

Kha Vũ đương nhiên hiểu tại sao, Gia Hưng cũng hiểu, còn Gia Duệ dù không hiểu hết nhưng biết là không thể nhắc lung tung, sau khi Dục Ngôn hỏi xong, vội vàng an ủi nó: “Ba em đi công tác rồi!”

Hai đứa kia cũng góp lời: “Đúng vậy, ba em đi công tác rồi!”

Ba đứa vừa nói, vừa chia hết đồ ăn vặt trên tay cho em, sợ về đến nhà mà vẫn chưa ăn hết, chúng liền ngồi xuống ghế dài bên cạnh trạm xe buýt để ăn.

Gia Duệ cảm thấy rất buồn, quay đầu hỏi: “Anh Kha Vũ, trở thành người lớn có tốt không?”

“Ngốc à, 18 tuổi mới là người lớn, anh Kha Vũ giống chúng ta, đều vẫn là… vẫn là vị thành niên!” Gia Hưng nói.

Kha Vũ cũng rất buồn phiền, già trước tuổi trả lời: “Có tốt, mà cũng có không tốt.”

“Vậy tốt nhiều hơn, hay là không tốt nhiều hơn?”

Kha Vũ im lặng một lúc, “Tốt nhiều hơn.”

“Em cũng thấy trở thành người lớn rất tốt!” Gia Duệ rất vui, “Có thể tự quyết định mua đồ chơi mình thích!” Người lớn lúc nào cũng thích quản nó, nó rất muốn ba mẹ giống bác cả, lúc không muốn gặp thì lên trời, lúc muốn gặp thì xuống lại.

Còn Dục Ngôn thì lắc đôi chân ngắn, uống nước ngọt nói: “Em không muốn lớn, em muốn mãi mãi làm em trai của các anh.” Nói xong ngây thơ cười khúc khích, nó rất lo lắng sau khi lớn lên sẽ trở thành anh trai.

Gia Duệ vui vẻ ôm chặt nó, “Em trai, anh cũng muốn mãi mãi làm anh trai của em!”

“Anh trai–“

“Em trai–“

Ôi ôi… Hai đứa tình cảm ôm nhau, quên mất rằng trước đây cả hai đã đánh nhau không ít lần vì giành đồ chơi.

Gia Hưng nói với hai đứa ngốc này: “Dù hai đứa có sống đến một trăm tuổi thì vẫn là em trai! Khi hai đứa lớn thì bọn anh cũng lớn theo.”

Dục Ngôn vui vẻ nhảy cẫng lên, mãi mãi được làm em trai thật tốt biết bao!

Bên kia, Kha Vũ nhìn thấy ba người mù cầm gậy dò đường đi tới, vội vàng gọi Gia Hưng, hai đứa chuyển những chiếc xe đạp chia sẻ dừng trên vỉa hè dành cho người khuyết tật đi.

Gia Duệ cũng muốn đến phụ giúp, nhưng nó còn nhỏ, không nhấc được chiếc xe lớn như vậy. May thay, trước khi người mù đến, tám chiếc xe đạp này đã được chuyển hết đi. Sau đó, bọn trẻ im lặng đi theo phía sau, đợi đến khi người mù rẽ vào một tiệm massage dành cho người mù, mới yên tâm quay về phòng khám.

Trên đường đi, Gia Duệ không hiểu tại sao không dẫn họ đi vòng qua, mà lại phải mất sức chuyển xe đạp. Gia Hưng mắng nó: “Em ngốc hả, đó là vỉa hè dành cho người khuyết tật của họ! Nếu ra khỏi con đường đó, họ sẽ… sẽ mất phương hướng! Đúng không anh Kha Vũ?”

Kha Vũ chỉ vào những viên gạch màu vàng nổi bật trên vỉa hè, phổ biến cho bọn trẻ, “Tất cả những gạch có sọc dọc trên đường đều là gạch dành cho người khuyết tật! Nó có nghĩa là có thể đi về phía trước. Còn loại có chấm tròn là gạch có nghĩa là dừng lại.”

“Ở đâu có gạch dành cho người khuyết tật vậy anh?” Bọn trẻ đổ xô nhau tìm.

Kha Vũ dẫn bọn trẻ đến trạm xe buýt, chỉ vào một vài viên gạch dành cho người khuyết tật, “Ngay ở đây.”

“Anh Kha Vũ giỏi quá! Em chỉ biết đèn giao thông thôi!”

“Anh cũng học được từ cậu tư!” Kha Vũ nói.

Trên đường quay lại phòng khám, bốn đứa trẻ nhốn nháo đi trên vỉa hè dành cho người khuyết tật để trải nghiệm, thấy một số vỉa hè dành cho người khuyết tật đột nhiên bị chặn hoặc bị chiếm dụng, chúng thảo luận với nhau tại sao lại như vậy? Kết luận nhất trí được đưa ra – có lẽ chính phủ chưa kịp bảo dưỡng!

Thời tiết quá đẹp, sau bữa trưa, Tôn Cánh Thành và Chu Ngư dẫn bọn trẻ đến công viên thả diều, trước khi tối sẽ đưa từng đứa về nhà. Có lẽ vì quá lâu không gặp nhau nên mấy đứa trẻ vui vô cùng, nếu là mọi khi… chắc là đã gào khóc om sòm từ sớm rồi!

Chu Ngư ngồi trên tấm vải dã ngoại xem bọn trẻ thả diều, qua lại hết nửa tiếng đồng hồ… diều vẫn không bay cao quá năm mét. Tôn Cánh Thành sắp mất hết kiên nhẫn, bọn trẻ vô cùng lo lắng, dứt khoát giật diều từ tay anh để tự thả.

Tôn Cánh Thành đi tới, chống nạnh đứng một lúc, ra vẻ thanh minh: “Không có gió, không thả được.”

“Đúng vậy, không có gió.” Chu Ngư giả vờ như mắt mù, không nhìn thấy trên bầu trời xa xa có đến bảy con diều lớn.

Tôn Cánh Thành nhìn quanh, tất cả đều là khuôn mặt tươi cười của bọn trẻ, đứa thì thổi bong bóng, đứa thì chơi cát và trượt cầu trượt. Dường như anh đã hiểu được ý nghĩa thực sự của câu “trẻ em là niềm hy vọng vô hạn”. Đặc biệt là khi thấy một bé gái chổng mông đào cát, loay hoay mãi mới hài lòng, nhưng đứng dậy quá nhanh nên ngã đầu vào trong hố cát, anh theo đó mà ngửa đầu cười ngốc nghếch. Rồi trái tim anh mềm nhũn đến không chịu được, xách một túi đồ ăn vặt đi tới chia cho mọi người. Ba mẹ đứa bé thấy anh là ông chú kỳ quặc nên không dám nhận, nhưng trước sự nhiệt tình quá đỗi của anh, cuối cùng cũng chỉ đành lấy đại một món.



Đợi đến khi anh quay về, Chu Ngư nói với anh: “Anh đúng là con trai của mẹ anh.”

Anh không vội, anh muốn im lặng, đợi cảm xúc kích động lắng xuống rồi mới nói chuyện sau! Sau đó anh nằm lên tấm vải dã ngoại, đầu gối trên đùi Chu Ngư nghỉ ngơi.

Chu Ngư đẩy anh ra, chẳng ra thể thống gì hết.

Tôn Cánh Thành ngủ của mình, mặc kệ ánh mắt của người khác.

Chu Ngư sợ anh bị nắng, cởϊ áσ khoác đắp lên đầu anh, sau đó chống hai tay ra sau, để anh nằm thoải mái hơn.

Tôn Cánh Thành áp mặt vào bụng cô, lặng lẽ vén áo phông lên hôn một cái, Chu Ngư lười biếng nói: “Anh đáng đánh đòn ghê.”

“Em vỗ về anh… thì anh sẽ ngủ.” Tôn Cánh Thành mặt dày nói.

Chu Ngư điều chỉnh tư thế, nhẹ nhàng vỗ vai anh. Đợi đến khi Tôn Cánh Thành ngủ rồi, cô nhìn những đứa trẻ đằng xa, cũng từ từ cúi đầu ngủ gật.

Tôn Dục Ngôn chạy theo diều của anh trai, chạy được một lúc thì mệt rồi, sau đó đi đào cát trong hố cát, đào mãi đào mãi, nó lại nhớ đến ba, nhớ đến bức tường thành mà ba đã dựng cho nó, rồi nhìn xung quanh thấy các bạn đều có ba đi cùng, nó đi tìm chú, lay chú đang ngủ dậy.

Chú nó xoa mắt, ngồi dậy, hỏi nó có chuyện gì?

Nó học theo động tác cuối cùng lúc nhìn thấy ba, ôm ngực ngã xuống trong tư thế bị trúng đạn, hỏi: “Chú ơi, sau khi ba ngã xuống thì đi đâu rồi?”

Mãi rất rất lâu sau này, đến khi nó lớn lên trở thành một người lớn dũng cảm không sợ hãi, nó vẫn không thể quên được chuyện xảy ra vào năm bốn tuổi. Ví dụ như – ba từ từ ngã xuống và không bao giờ đứng dậy nữa; ví dụ như – phản ứng của chú khi nó làm động tác đó; và sau đó tại buổi họp phụ huynh ở trường mẫu giáo, sau khi nó thành thạo thực hiện động tác này, mẹ nó lại một lần nữa suy sụp.

Khi nó còn là một đứa trẻ, nó đã nhiều lần, liên tục xé toạc vết thương đẫm máu của người lớn. Mà những người lớn bị tổn thương đó vẫn vô điều kiện, nhân từ tha thứ cho nó. Đồng thời hết sức khoan dung, che chở, dạy dỗ nó cho đến khi nó cũng trở thành một người lớn dũng cảm và không sợ hãi.

Vì động tác đó của Dục Ngôn, mà Tôn Cánh Thành tại đám tang của anh cả cũng không khóc, đã ôm Chu Ngư khóc nức nở vào tối hôm đó. Anh đau lòng khi đôi mắt trong sáng của Dục Ngôn nhìn anh, hỏi bao giờ ba mới về? Anh không biết phải trả lời thế nào.

Vì sẽ không bao giờ quay về nữa.

Vài ngày sau, ba anh em họ đến những nơi khác nhau, gặp ba người lạ khác nhau. Họ không vội vàng đến chào hỏi, chỉ lặng lẽ nhìn, sau đó quay về.

Các bộ phận của anh cả đã được hiến tặng cho ba người đó.

Vào bữa tối ngày trở về, anh nghiêm túc bàn bạc với Chu Ngư về việc sinh con. Chu Ngư không phản đối, hai người tính ngày, quyết định chăm sóc sức khỏe trong hai tháng trước khi nghỉ hè để lên kế hoạch mang thai.

Kỳ nghỉ hè là thời gian tốt nhất, thiên thời địa lợi nhân hòa, vừa có thể khiến cả hai yên tâm kiếm con; vừa có thể thuận lợi sinh con vào mùa xuân năm sau.

Mùa xuân đẹp biết bao!

Vạn vật phục hồi, tươi mới thay da đổi thịt!

Tôn Cánh Thành vui miệng thốt ra: “Vậy thì tên của con sẽ là Tôn Canh Tân!”



Chu Ngư nghe mà muốn choáng! Nói rằng họ “Tôn” quá… thế nào đó, chỉ nói đến đây, ám chỉ để anh tự hiểu.

Điều này đã xúc phạm đến Tôn Cánh Thành, anh đã nêu ra vô số danh nhân lịch sử: Tôn Tử, Tôn Tẫn, Tôn Quyền, Tôn Tư Mạc, Tôn Trung Sơn… Tôn Ngộ Không!

Sau đó anh lại nói họ “Chu” của cô cũng tục!

Ồ, thế là Chu Ngư cũng kể tên vô số danh nhân: Chu Du, Chu Đôn Di, Chu Ân Lai, Chu Thụ Nhân! Nếu ngược dòng thời gian, thì Chu Văn Vương Cơ Xương cũng có họ Chu!

Còn chưa có mang thai, nhưng hai người vì cái họ mà trở mặt, hơn nữa tối hôm đó Tôn Cánh Thành còn bị đuổi sang phòng bên cạnh ngủ.

……

Chớp mắt đã đến kỳ nghỉ lễ lao động, tình hình dịch bệnh ở tỉnh này vẫn chưa lắng dịu, ở tỉnh kia đã lại phát hiện thêm ca mắc bệnh, hai người ngoan ngoãn ở nhà, ban ngày về phòng khám hoặc nhà tập thể ăn cơm, buổi tối thì về khu đô thị mới chơi cầu lông.

Level chơi cầu lông của Chu Ngư đã tiến bộ vượt bậc! Đập bồm bộp – đập dồn dập, đập đến nỗi Tôn Cánh Thành phải cặm cụi nhặt cầu.

Khi Tôn Cánh Thành biết rằng để thắng anh, cô đã lén thuê huấn luyện viên luyện tập vất vả bốn năm tháng, anh hoàn toàn bất lực, trực tiếp nhận thua, không chơi với kiểu người này nữa.

Chơi không lại!

Vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, hai người đi dạo trung tâm thương mại, tình cờ gặp chị dâu cả đã lâu không gặp. Đó là lần thứ hai cô gặp lại chị dâu cả sau khi anh cả qua đời.

Trước đây, anh hai đã dặn họ, nói rằng phụ nữ chu đáo, các cô nên thường xuyên đến thăm chị dâu cả. Cô đã bí mật thương lượng với chị dâu hai và Tôn Cánh Phi, nhất trí là sẽ không đi, vì tính cách của chị dâu cả không thích hợp để cố ý an ủi.

Có một số nỗi đau hãy để cho thời gian giải quyết, thuận theo tự nhiên rồi cũng sẽ qua.

Khi bốn mắt bất ngờ chạm nhau, Chu Ngư vô thức gọi: “Chị dâu cả.”

Hứa Vĩ Hoa rõ ràng là sững sờ, miễn cưỡng cười cười, muốn nói vài câu cho đàng hoàng, nhưng phát hiện rằng chẳng biết nói gì, chưa kịp nói đã bật khóc.

Chu Ngư nhẹ nhàng ôm chị ấy, sau đó chỉ tay vào chiếc túi trên tay, “Dục Nhất cứ khen em biết chọn đồ, sắp đến lúc quay lại trường rồi, em đang định tặng cháu nó mấy bộ quần áo mùa hè.” Nói rồi cầm một tờ khăn giấy giúp chị ấy lau nước mắt, mời chị ấy cùng ăn trưa.

Tâm trạng của Hứa Vĩ Hoa dịu đi nhiều, chị ấy sợ mất bình tĩnh trước mặt người khác, càng sợ người khác xem mình như trò cười. Chu Ngư rất tự nhiên vuốt lưng chị ấy, hỏi chị ấy định mua gì?

Hứa Vĩ Hoa nhớ đến chuyện quan trọng, nói là sắp đến sinh nhật 69 tuổi của Tôn Hữu Bình, chị ấy đi xem thử mua gì đó tặng ông. Hai người vừa nói vừa lên nhà hàng trên lầu, còn Tôn Cánh Thành thì rất hiểu ý, khi chị dâu cả nức nở, anh đã đi sang một bên mua trà trái cây.

Cuộc sống này, chính là vào lúc vết thương của bạn vừa mới đóng vảy, ngay khi bạn sắp đắc ý quên đi thì bất ngờ lại giáng cho bạn một đòn đau.