Chỉ Mong Người Lâu Dài

Chương 51: Những lời nói tổn thương.

Nháy mắt đã đến cuối tháng mười, Tôn Cánh Phi đã ly hôn được hai tháng. Hai tháng này chị sống cực kỳ khổ tâm.

Vì nghĩ mình đã tự do rồi, tranh thủ thời gian hướng về cuộc sống tốt đẹp, nên chị đã… trước sau ngủ với hai gã trai trẻ.

Trời ơi đất hỡi, ngủ xong chị bắt đầu hoài nghi về nhân sinh của mình, nhắn tin chửi Tôn Cánh Thành, nói đàn ông thật vô dụng! Đàn ông là gối thêu hoa!

Trước tiên là nói đến anh chàng đầu tiên: Anh chàng đẹp trai sinh năm 95 này có lông mày rậm, sống mũi cao. Hai người đã trò chuyện được nửa tháng, cảm thấy bầu không khí đã rất tốt rồi, hay là hẹn hò?

Tắm rửa xong, chị ngồi ở mép giường xem cậu ta biểu diễn một đoạn ảo thuật, tiếp đó là võ thuật… Cuối cùng nhìn cậu ta khoa trương khoe cơ bắp vai của mình, xem thân hình cậu ta tuyệt đẹp như thế nào!

Thôi đừng có múa may xàm xí nữa, nếu không có thân hình đẹp thì chị đây có thể để ý đến cậu sao? Nhưng với tư cách là một người văn minh, chị hiểu rõ không thể nói như vậy, đành phải uyển chuyển thúc giục cậu ta, nên sử dụng sức lực vào đúng chỗ.

Sau đó cậu ta đi tắm rồi lên giường, màn dạo đầu cũng đủ, nhưng – chỉ kết thúc sau ba phút mà không hề báo trước.

……

Để giải thích cho điều này, cậu ta đã đưa ra lời giải thích như sau: vì là lần đầu tiên nên cậu ta bị kích động, lần thứ hai mới chính thức phát huy sức lực! Tiếp đó cậu ta lại nói chị là người có “vũ khí lợi hại”, nói chị đồi núi trập trùng, đàn ông bình thường không thể kiềm chế được.

Tôn Cánh Phi duy trì mỉm cười, đồng ý cho cậu ta một cơ hội thứ hai.

Lần thứ hai mạnh hơn lần thứ nhất, kéo dài hơn một phút.

Khi ra khỏi khách sạn, nhìn cái nắng như thiêu đốt trên đầu, chị lấy điện thoại ra, xóa anh ta.

Tiếp đó là một anh chàng khác: Họ gặp nhau ở trung tâm thể thao, hai người cùng tham gia lớp học đấm bốc. Người đàn ông này ăn nói khéo léo, hài hước trong lời nói và việc làm, diện mạo rất hợp ý chị.

Bọn họ đã trò chuyện có chủ đích được một tháng. Thấy cũng được. Hẹn nhau thôi? Hai người tắm rửa sạch sẽ rồi lên giường, khi Tôn Cánh Phi định lấy chiếc bαo ©αo sυ đã chuẩn bị sẵn dưới gối, người nọ lại lấy ra một cuốn sách dày có tựa đề “Lời thú tội”, một kiệt tác của văn học thế giới – Pháp, tác giả Rousseau.

Cậu ta đã nói với Tôn Cánh Phi về nhân quyền và phẩm giá, về cuộc sống lang bạc kỳ hồ của một nhà văn và về hoàn cảnh thê lương của ông ấy trong những năm cuối đời. Nói đến phần cảm động, cậu ta nhiều lần nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt, cảm xúc sâu sắc đến mức Tôn Cánh Phi xin lỗi phải ngáp dài. Khi chị tưởng rằng cả một đêm sẽ trôi qua như vậy, cậu ta mới chậm rãi kể lại trải nghiệm cuộc đời bất hạnh của mình, mẹ cậu ta bỏ cậu ta từ sớm, cậu ta được ba mình nuôi dưỡng… Vừa nói, cậu ta vừa đóng sách lại, nhắm mắt nằm vào trong lòng của chị, kéo lấy tay chị muốn chị vuốt tóc cho mình.

……

Rạng sáng, Tôn Cánh Phi bước từng bước nặng nề ra khỏi khách sạn, chị đã làm điều ác gì sao? Gió thu thổi qua, chị cảm thấy mệt mỏi quá, chị bắt đầu suy nghĩ lại bản thân, sáu tháng qua có phải chị đã quá nhàn rỗi rồi không? Nên mới khiến đầu óc trở nên rỉ sét, lãng phí thời gian chơi đùa với những gã đàn ông chết tiệt này, còn không bằng tự mình giải quyết! Chị quyết định quay đầu là bờ, suy nghĩ nghiêm túc về việc bắt đầu gây dựng sự nghiệp!

Đang sầu não đi ở ven đường thì gặp Tưởng Kình lái xe dừng lại ở ngã tư, hai người nhìn nhau, cũng không ai để ý đến đối phương.

Đã hơn một tháng họ không liên lạc với nhau rồi.

Cách đây hai tháng hai người có hẹn nhau, nhưng đến kỳ kinh nguyệt nên không xảy ra chuyện gì cả, một tuần sau Tưởng Kình lại hẹn gặp, lần đó thì xảy ra. Thành thật mà nói thì lần đó còn khá vui vẻ, anh ấy không giống những người kia.

Sau đó hai người trò chuyện trên WeChat, thỉnh thoảng gặp nhau đi ăn tối, cũng không khác gì thường lệ… Nếu có thì có lẽ là trong lời nói có một vách ngăn vô hình, thỉnh thoảng cũng nói một hai câu tựa như tán tỉnh.

Nhưng có lần chị và chàng trai trẻ đầu tiên đi ăn, hai người tình cờ gặp nhau, lúc đó cả hai đều chào hỏi tự nhiên, cũng không thấy có gì không ổn. Nhưng sau khi tạm biệt, chị nhận được tin nhắn WeChat của Tưởng Kình: “Anh ta là ai?”

Chị thành thật trả lời: “Có thể coi là đối tượng đi.”

Sau đó anh ấy lại hỏi: [Là hay không phải là. Chứ “Có thể coi là” là có ý gì?]

Chị dứt khoát trả lời: “Là.”

Nếu mọi mặt đều có thể vượt qua thử thách, chị có ý định phát triển thành mối quan hệ ổn định với anh ấy. Chị không cân nhắc đến hôn nhân, nhưng cũng không từ chối tình yêu.

Lúc đó anh ấy trả lời: “Tôi hiểu rồi.”

Từ đó hai người không còn liên lạc nữa.

Thấy anh ấy xuống xe mua thuốc lá, Tôn Cánh Phi lịch sự gật đầu về phía anh ấy, coi như chào hỏi. Tưởng Kình vốn đã đi qua chị, lại quay ngược lại chào hỏi, “Sớm vậy?”

Tôn Cánh Phi nói: “Không sớm đâu, đã sáu giờ rồi.”



“Vừa nãy tôi thấy chị từ khách sạn đi ra?”

Tôn Cánh Phi nhìn khách sạn phía sau, “Đúng vậy, anh cũng mới từ đó ra sao?”



“Tôi vừa từ bệnh viện về, ba tôi bị bệnh.”

“Ồ. Nghiêm trọng không?”

“Ung thư đại tràng.”



“Ồ.” Tôn Cánh Phi giục anh ấy, “Vậy anh đi làm việc đi! Có gì trò chuyện sau.” Chị cũng muốn nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện ngại ngùng này.

Hai người chia tay được năm phút, Tôn Cánh Phi nhận được tin nhắn của anh ấy: “Người trong khách sạn là bạn trai sao?”

Ngộ ghê, ở trước mặt thì không hỏi, giờ lại nhắn tin? Chị không muốn nói nhiều, chỉ trả lời: “Chia tay rồi.”

Một lúc sau, anh ấy lại nhắn: “Hay là mình thử tìm hiểu nhau?” Nhắn xong lại xóa đi.

Nhưng xóa muộn mất rồi, Tôn Cánh Phi đã đọc được.

Chị vào quán ăn sáng ven đường, uống một ly sữa đậu nành, ăn một dĩa bánh bao nước chiên, trả lời anh ấy: “Nếu là tình yêu không hướng đến hôn nhân thì chúng ta thử tìm hiểu nhau cũng được. Trong thời gian tìm hiểu, không ai được làm điều gì có lỗi. Còn nếu như muốn hướng đến hôn nhân thì coi như tôi chưa nói gì.”

Tiếp đó nhắn thêm một tin nữa: “Chúng ta đều không còn trẻ nữa, cũng đã từng trải qua một cuộc hôn nhân, hiểu chuyện rồi. Hợp thì đến, không hợp thì tan, cả hai chỉ cần vui vẻ về mặt tinh thần và thể xác là được.”

Bên kia nhanh chóng trả lời: “Được. Theo ý chị.”

Tôn Cánh Phi không trả lời nữa.

Bên kia lại hỏi: “Tối nay đi ăn cơm nhé?”

Tôn Cánh Phi trả lời: “Hôm nay là chủ nhật, chiều tôi phải đến nhà chồng cũ đón con trai.” Tiếp đó là một tin nhắn nữa: “Trưa mai thì rảnh.”

Bên kia trả lời: “Được, trưa mai gặp.”

Tôn Cánh Phi hỏi: “Dạo này anh toàn ở đây sao?”

Bên kia trả lời: “Một tuần năm ngày ở đây, hai ngày về thị trấn.” Tiếp đó gửi tọa độ một khu chung cư: “Nhà tôi ở đây. Tôi ở một mình.”

Tôn Cánh Phi trả lời: “Ừ.”

Nhắn xong, chị lái xe về phòng khám, trên xe có bữa sáng mua cho bọn trẻ. Con nhà người khác dậy sớm đi học, cuối tuần ngủ đến tám chín giờ. Nhà họ thì cuối tuần dậy sớm… kêu gào đói muốn chết, còn lúc đi học nếu không ai gọi thì có thể nằm dài ngủ đến giữa trưa.

Trước cửa phòng khám, mẹ Tôn và Tôn Hữu Bình mặc áo khoác mỏng đang ngồi nhặt rau hẹ. Một người hàng xóm bên cạnh cũng ngồi ở đó tán gẫu.

Từ xa đã nghe thấy bà hàng xóm ở đó khoe khoang đắc ý, kể rằng con trai mình tuy ly hôn nhưng không hề chịu thiệt! Bà ta chỉ cho mẹ Tôn, nếu con trai muốn ly hôn, trước tiên hãy để nó âm thầm chuyển tài sản trong thời kỳ hôn nhân, nhà cũng sang tên mình, còn về con thì nếu phía người phụ nữ đó muốn nhận thì cứ giao hết, sau đó tự mình đi cưới một cô gái trẻ để sinh con! Liên tiếp chia sẻ nhiều chiêu về cách để có lợi về mặt tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Mẹ Tôn và Tôn Hữu Bình nhìn nhau, không ai đáp lời.

Bà hàng xóm vẫn thao thao bất tuyệt, nói rằng ly hôn chẳng có gì quan trọng, quan trọng nhất là giữ được tiền trong tay! Kể rằng con trai cậu của bà ta, bốn mươi mấy tuổi, ly hôn, sau đó lại cưới một cô mới hai mươi mấy tuổi. Vì sao ư? Còn không phải vì có tiền sao! Có tiền thì muốn cô nào cưới cô đó, không có tiền thì suốt đời ế vợ…

Mẹ Tôn tinh mắt, thấy Tôn Cánh Phi xách đồ ăn sáng về, bèn gào lớn vào phòng khám: Đồ ăn mua về rồi! Tiếng gào quá lớn, khiến bà hàng xóm giật mình.

Tôn Gia Duệ xông xuống trước, miệng nôn nóng kêu: “Con muốn ăn súp cay…”

“Cô, con cũng muốn ăn súp cay.” Tôn Dục Ngôn cũng vây lấy chị nói.

“Có tàu hũ non và cháo bát bảo, không có súp cay.” Tôn Cánh Phi nói.

“Con muốn ăn súp cay…”

“Con cũng muốn ăn súp cay…”

Sao chúng chẳng biết điều gì hết vậy? Tôn Cánh Phi nhấn mạnh một lần nữa, “Ăn thì ăn tàu hũ non hoặc cháo bát bảo. Không ăn thì thôi!”

“Vậy thì con chỉ ăn bánh bao nước chiên thôi…”

“Con cũng vậy…”

Hai đứa cầm hai túi bánh bao nước chiên đi lên lầu, bỏ lại Tôn Cánh Phi đang xách cháo bát bảo và tàu hũ non.

Mẹ Tôn nói chị: “Mẹ đã dặn con mua súp cay…”

Tôn Cánh Phi rất có lý, “Súp cay quá cay, ăn tàu hũ non mới có dinh dưỡng.”

“Xem bây giờ con kiếm cớ chưa kìa.” Mẹ Tôn nói: “Hồi nhỏ con cái gì cũng ăn, chỉ không ăn cái có dinh dưỡng.”



Tôn Hữu Bình giục bà đi ăn tàu hũ non, để cháo bát bảo cho ông. Nói xong, ông cầm chổi và đồ hốt rác quét sạch lá rau thừa, rồi rửa tay, bắt đầu tập bài thể dục buổi sáng số tám. Tập xong, ông về lại tầng trên ăn cháo bát bảo, sau đó xuống phòng khám mở cửa.

Trên lầu, bọn trẻ ăn bánh bao nước chiên, bữa này còn chưa ăn xong đã hỏi về bữa kế tiếp: “Bà nội ơi, trưa nay ăn gì vậy bà?”

“Ăn sủi cảo nhân rau hẹ trứng.”

“Con không muốn ăn, con muốn ăn lẩu.”

“Con cũng vậy, con muốn ăn cua lông.”

“Bà còn muốn ăn cả sao trên trời nữa kìa!” Mẹ Tôn đáp chúng.

Tôn Cánh Phi đi vào phòng mẹ Tôn để ngủ bù, ngủ được hai tiếng, bị tiếng trẻ con nô đùa bên ngoài khu chung cư đánh thức, chị xoa xoa mắt, thấy mẹ Tôn ngồi quay lưng với mình ở đầu giường, khàn giọng hỏi: “Mẹ ơi, mấy giờ rồi?”

“Mới mười giờ, con cứ ngủ tiếp đi.” Mẹ Tôn đeo kính lão ngồi sửa khóa áo đồng phục, “Mẹ đã đuổi hết chúng nó ra ngoài chơi rồi, chắc đến giờ cơm mới về.”

Tôn Cánh Phi nhìn mái đầu bạc phơ của mẹ mình, chị ghé vào tấm lưng dày của mẹ, hỏi: “Trưa nay làm sủi cảo chay hả mẹ?”

“Ăn nhân chay, ba con muốn ăn.”

“Dạ, con sẽ cán bột cho mẹ.”

Mẹ Tôn bắt đầu nói chuyện phiếm trong nhà, trước tiên là kể về thằng tư và Chu Ngư, nói hồi Tết Trung thu anh hai gửi hai thùng cua lông và sầu riêng, “Thằng tư gọi điện riêng cho mẹ, dặn để dành mấy con cua và sầu riêng cho Chu Ngư, nó không thích gì ngoài hai thứ này.”

“Chiều hôm đó tan làm nó đến hấp hết cả mười sáu con cua, trước hết lột vỏ hai con cho ba con, hâm rượu vàng rồi mang xuống, lại lột cho mẹ hai con, nhất định bắt mẹ ăn hết. Số còn lại thì một nửa lột cho bọn nhỏ, một nửa mang đến trường cho Chu Ngư đang trực.

“Nó lớn đến chừng này rồi mà vẫn chưa từng lột cua, sợ bị đứt tay. Ba con và mẹ không thích ăn cua là vì thấy lột vỏ phiền phức, lột xong ăn không được bao nhiêu mà bỏ thì nhiều.” Trong lúc sửa khóa áo, mẹ Tôn chậm rãi nói: “Nói thằng tư là đứa chu đáo nhất trong số mấy đứa con thì con lại không vui, tối hôm đó ngồi lột cua cùng Kha Vũ, nó vừa lột vừa nói với thằng bé rất nhiều điều, nói cái gì mà phải bảo vệ mẹ con… Mẹ đều không hiểu, nhưng thấy rất có lý. Ngay cả Kha Vũ cũng chẳng nói năng gì, chỉ im lặng lắng nghe.”

“Nếu sau này nó làm ba thì sẽ có trách nhiệm hơn bất kỳ ai trong số các con, cũng tốt hơn mẹ nhiều.” Mẹ Tôn đẩy đẩy kính lão, nói với chị: “Như con đã nói hôm đó, khả năng của ba mẹ quá kém, không thể dẫn dắt con cái thành tài. Lời này của con cũng đúng… nhưng quá tuyệt đối, giống như là nói ba mẹ không có học thức thì không xứng làm ba mẹ vậy.”

“Theo con, những người bị điếc, câm, mù, què, khuyết tật hay những người nghèo… đều không được sinh con sao? Nhà nước cũng không quy định như vậy mà? Mẹ chỉ nói thoáng qua vài câu thằng tư không thành tài là con đã cãi nhau một trận với mẹ, mẹ cũng chưa thấy thằng tư oán trách mẹ và ba vì không có năng lực.”

“Con nói vậy hồi nào?” Tôn Cánh Phi thấy khó hiểu.

“Ngày hai mươi tám tháng Chạp năm ngoái, lúc con đang lau máy hút mùi.”



Tôn Cánh Phi vốn định phản bác: Mẹ đúng là thích suy nghĩ lung tung, con đã quên chuyện đó từ lâu rồi, sắp một năm rồi mà mẹ vẫn nhớ là con nói lúc đang lau máy hút mùi sao?

Nhưng chị không nói, bỗng nhiên chị nhận ra rằng mẹ chị có thể nhớ rõ ràng như vậy, thì chắc chắn những lời này đã làm tổn thương mẹ rất sâu. Chị im lặng, không biết nói gì cho phải, mẹ Tôn lại đổi giọng, “Nhìn thấy vợ chồng nhà thằng tư ngày càng tốt hơn, ba con và mẹ vui hơn bất cứ ai, ngủ cũng thấy yên tâm.”

“Vợ chồng nhà thằng hai thì không cần lo, hai đứa nó trải đời nhiều, cho dù có cãi nhau mỗi ngày thì ba mẹ cũng không lo; còn thằng tư, hai đứa nó mới quen nhau một năm đã kết hôn, cũng chỉ có bốn năm năm tình cảm, lại thêm bản tính của nó tự cao tự đại, trước đây mẹ rất là rầu… bây giờ cũng hoàn toàn yên tâm rồi; chị dâu cả của con còn trẻ, sau này nó sẽ tự đưa ra quyết định; còn con thì mẹ cũng không lo nữa, sắp bốn mươi rồi, Kha Vũ cũng lớn như vậy, hơn nữa nó biết suy nghĩ và hiền lành, tương lai con già rồi có thể trông cậy vào, nên dù con có không tái hôn thì mẹ cũng không ép.”

“Nhưng mà con cũng không được quá quắt, sống ở đời phải biết giữ thể diện. Dù sao con người cũng cần sĩ diện, cần giữ gìn danh tiếng, sau này Kha Vũ mới dễ lấy được vợ tốt. Nếu con sống buông thả, người khác sẽ nói rằng hãy nhìn mẹ của cậu ta kìa, đứa con mà bà ta dạy ra được thì tốt lành gì.”

“Người ta nói nuôi dạy con cái là bằng lời nói và việc làm, xà trên thẳng thì xà dưới tự nhiên không cong. Người đứng đầu phải làm gương thì gia đình mới yên ổn được… Cả ngày các con cứ nói rằng thời buổi này thế này không tốt, thế kia không tốt. Giống như ba các con đã nói, rất nhiều chuyện đều từ gốc rễ mà ra, nếu như ba mẹ đều có thể dạy dỗ tốt con cái của mình thì đến khi chúng lớn lên, cuộc đời này chẳng phải sẽ tốt đẹp hơn sao…”

Tôn Cánh Phi từ từ tựa đầu vào lòng mẹ, không nói gì mà chỉ lắng nghe. Mẹ Tôn thấy trên đầu chị có một sợi tóc bạc, liền buông bộ đồng phục đang cầm trên tay, nhổ sợi tóc ấy cho chị, sau đó tiếp tục vạch tìm. Miệng vẫn tiếp tục nói: “Con vẫn nên tìm một công việc tử tế, hoặc là học một sở thích nào đó, về già sẽ nhàn hạ hơn rất nhiều.”

“Hồi đó ba mẹ không có điều kiện, giờ già rồi ngoài trông cháu thì chẳng biết làm gì khác. Ba con còn có thể khám bệnh, còn mẹ thì làm được gì chứ? Nói nhiều các con còn chê.”

“Nếu con học một cái gì đó thì về già khi chẳng có ai bầu bạn, con cũng sẽ không quá cô đơn. Giống như bà ở tầng trên nhà chúng ta… chồng mất rồi bà ấy cứ như hồn ma lang thang trên đường, nhìn buồn lắm.”