Sa Bà

Chương 15: Niếp Niếp

Khương Xương bưng cơm đi, đứng ở cửa sau của phòng bếp.

“Niếp Niếp.” Hắn ta gõ cửa: “Ca ca vào nhé.”

Bên trong không có tiếng động.

Khương Xương lại gõ: “Niếp Niếp, mở cửa cho ca ca nào.”

Hắn ta đợi ngoài cửa một lát, đang muốn gõ đến lần thứ ba thì đột nhiên cánh cửa được hé ra một khe nhỏ. Đợi khi ngón tay hắn ta chạm lên mặt gỗ, một luồng khói đen khó nhận ra bằng mắt thường bay qua khe cửa nhỏ đó.

Luồng khói đen kia lượn lờ, chỉ quanh quẩn ở phần bụng Khương Xương, kích cỡ như cổ tay, ở giữa đen đặc, càng ra ngoài càng nhạt hơn. Chỉ trong chớp mắt, vòng khói vốn đang yên lặng lại quấn quanh eo hắn ta, siết chặt như trói lấy hắn ta, Khương Xương cúi đầu, còn chưa nhìn kỹ thì đã bị lôi vào trong phòng, sau đó cánh cửa đóng lại vang lên bịch một tiếng.

Hai người cách đó một bức tường chỉ nghe thấy Khương Xương bất ngờ hô lên một tiếng, sau đó là tiếng đóng cửa vang lên, lúc này hai người nhìn nhau, Đề Đăng buông bát đũa xuống, gọi vọng sang: “Khương Xương?! Sao thế?!”

Vốn tưởng rằng không nghe thấy tiếng trả lời, y sẽ lập tức xông vào, ai ngờ tới bọn họ lại nghe thấy tiếng Khương Xương vọng từ bên kia sang: “Không... không sao! Hai người ăn tiếp đi! Ta không sao!”

“Không sao thật chứ?”

“Thật mà!”

Hai người lại nửa tin nửa ngờ mà ngồi xuống, ăn được mấy miếng, Tạ Cửu Lâu vẫn không yên tâm: “Ta qua đó xem thử.”

Vừa mới bước ra thì hắn đã bị Đề Đăng kéo trở lại: “Ngươi nghe đi.”

Tạ Cửu Lâu dỏng tai lên, thế mà lờ mờ nghe thấy tiếng cười của Khương Xương. Họ trò chuyện không ngớt, dù không thân thiết lắm nhưng cũng không khó để nghe ra đối phương cực kỳ tự nhiên, giống như động tác vừa rồi chỉ là hắn ta tùy ý đá vào cửa mà thôi.

Tạ Cửu Lâu nghi hoặc, sau đó hắn nghe thấy Đề Đăng hỏi: “Có nghe ra thứ gì là lạ không?”

“Cái gì lạ?”

Đề Đăng: “Ngươi nghe kỹ lại xem.”

Tạ Cửu Lâu lại tập trung nghe, nhíu mày: “Sao lại chỉ có mình hắn ta đang nói...”

Hắn lại nhìn Đề Đăng: “Lẽ nào em gái hắn ta nói chuyện nhỏ tiếng, không thường ra ngoài nên làm gì cũng dè dặt.”

Đề Đăng lắc đầu: “Kể cả là như lời ngươi nói, nhưng vừa rồi thì sao?”

“Vừa rồi?”

“Vừa rồi Khương Xương vào phòng, động tĩnh lớn như thế, ta với ngươi cách hắn ta cả một bức tường kín còn kinh ngạc hô lên, thế mà em gái hắn ta lại không phát ra tiếng động nào.”

Tạ Cửu Lâu bừng tỉnh: “Em gái hắn ta là người câm?”

Đề Đăng: ...

Trong nháy mắt Đề Đăng á khẩu.

Theo logic của Tạ Cửu Lâu, những thứ không hợp lý từ nãy đến giờ lại trở nên có lý rồi.

“Nhưng ta luôn cảm thấy là lạ.” Đề Đăng im lặng rồi nhớ ra cảnh tượng khi lần đầu gặp Khương Xương: “Ngươi có nhớ sao chúng ta đến được đây không?”

Tạ Cửu Lâu nói: “Không phải ngươi muốn đến thành Tu Du sao?”

“Ta muốn đến thành Tu Du là thật nhưng sao chúng ta lại hôn mê bất tỉnh ở bờ sông?”

Tạ Cửu Lâu bị hỏi cho ngớ người.

Hắn im lặng nghĩ: Bản thân theo Đề Đăng ra khỏi âm ty, thấy Đề Đăng gặp kẻ ăn xương rồi tự mình nhảy vào trong nước, chẳng bao lâu sau thì Đề Đăng lại trồi lên, khi hắn cho rằng không sao nữa thì Đề Đăng lại chìm xuống. Lúc đó hắn thấy tình hình không đúng nên lập tức nhảy vào trong nước, sau đó...

Tạ Cửu Lâu không nhớ ra nữa.

Hắn đang muốn hỏi Đề Đăng thì đối phương đã cướp lời trước: “Lúc ta qua sông, gặp phải kẻ ăn xương nên mới rơi xuống, không dễ dàng gì mới bơi được vào gần bờ, thế nhưng chân lại bị mất sức, chìm vào trong nước.”

“Sau đó thì sao?” Tạ Cửu Lâu hỏi.

Đề Đăng đen mặt: “Thì thấy Khương Xương.”

“Lúc đó tại sao chúng ta không thể lên bờ? Nếu lúc đó không lên được thì sao có thể hôn mê rồi vô duyên vô cớ trôi dạt vào vệ sông?” Tạ Cửu Lâu ngồi lại, nhíu mày: “Hay là nước có vấn đề...”

“Nước không có vấn đề gì.” Đề Đăng ngắt lời hắn: “Nếu không lần đầu rơi xuống, ta đã không nổi lên được.”

Lúc này Tạ Cửu Lâu mới vỡ lẽ: “Vậy thì là chúng ta gặp chuyện dưới nước, lúc tỉnh lại thì quên mất.”

“Trùng hợp được Khương Xương cứu.”

Đang nói, bên ngoài bỗng có bóng người lướt qua.

“Ai đó?”

Người kia chẳng hề sợ hãi, nghe thấy thế, người đó thò đầu vào nhìn rồi bước ra.

Là một người phụ nữ, khoảng hơn ba mươi tuổi.

Đề Đăng với Tạ Cửu Lâu chưa từng thấy bà ta, nhìn cách ăn mặc, bà ta cũng không giống người sống gần đây nên hai người chỉ cho rằng bà ta lạc đường. Khi hai người đang muốn mở lời hỏi thì thấy bà ta kinh hoảng ngăn lại rồi thì thầm: “Khương Xương đi rồi à?”

“Đi?”

Người phụ nữ kia mặc kệ hai người họ có hiểu hay không, bà ta túm lấy cánh tay Đề Đăng, đau khổ cầu xin: “Để ta gặp Niếp Niếp, để ta đi gặp con bé đi, xin các người...”

Ghé lại sát như thế, Đề Đăng thấy trên đầu tóc đen của bà ta có lẫn không ít sợi bạc, ngũ quan thanh tú, khóe mắt, khuôn mặt có vết hằn của gió sương qua nhiều năm tháng. Bàn tay đưa ra túm chặt Đề Đăng, ống tay áo có giá trị không thể coi thường nhưng mu bàn tay lại thô ráp, lòng bàn tay cũng có nhiều vết chai.

Một người từng chịu khổ, dù có đeo vàng bạc khắp người cũng không thể giấu nổi.