Bị Giam Cầm Trong Đêm Vĩnh Hằng

Chương 62

“Vâng, để đó đi ạ.”

Nếu không phải say rượu thì Trần Thư Hồi không thể nào nói chuyện này với cậu. Ôn Nhiên bỗng hiểu ra, nói: “Vậy con về phòng trước.”

“Ừ, mai tự liên hệ tài xế đưa con ra sân bay.”

“Vâng ạ.”

Trở về phòng, Ôn Nhiên đóng vali lại thì điện thoại vang lên một tiếng. Cậu cầm lên xem.

Giáo sư Chu Sào: Ôn Nhiên, nghe nói cháu đã về Thủ đô rồi, sức khỏe khá hơn chưa?

Là giáo sư dạy piano của Ôn Nhiên, cũng từng là tiền bối của Trần Thư Hồi trong dàn nhạc giao hưởng Thủ đô. Sau này vì lý do sức khỏe đã rời khỏi dàn nhạc, ra nước ngoài điều dưỡng, tình cờ ở cùng thành phố nên được Trần Thư Hồi mời đến dạy piano.

Ôn Nhiên do dự một chút, lấy hết can đảm trả lời: Cháu khỏe rồi ạ. Thưa giáo sư, cháu có thể gọi video cho thầy được không ạ?

Chu Sào: Được.

Gọi video qua, lập tức được kết nối. Ôn Nhiên nói: “Thưa giáo sư, buổi tối tốt lành. Sức khỏe thầy thế nào rồi ạ?”

Giọng nữ ôn hòa truyền đến từ đầu dây bên kia: “Mọi thứ đều ổn. Tối nay thầy đi ăn ở nhà hàng, thấy có người chơi đàn, bóng lưng rất giống cháu nên thầy hỏi thăm thử.”

“Cảm ơn thầy đã quan tâm. Cháu về Thủ đô được một thời gian rồi ạ, sống rất quen.”

“Dù sao cháu cũng lớn lên ở Thủ đô mà.” Chu Sào cười nói: “Trải qua bao nhiêu sóng gió, lúc nhỏ bị bệnh phải đưa ra nước ngoài, vất vả lắm mới bình an sống được vài năm, đến hơn mười tuổi lại phải nằm viện một thời gian dài. Hy vọng sau này cháu sẽ khỏe mạnh.”

Lúc nhỏ bị bệnh ra nước ngoài là Ôn Nhiên thật, còn hơn mười tuổi nằm viện cấy ghép tuyến thể là Ôn Nhiên giả. Ôn Nhiên nắm chặt bí mật này, cố gắng trả lời một cách tự nhiên nhất có thể: “Vâng ạ, cháu hy vọng sau này sẽ không bị bệnh nữa.” Dừng một chút, cậu hỏi: “Thưa giáo sư, thầy còn nhớ bản nhạc Thập Cửu Nhật Cực Dạ không ạ?”

“À… Nhớ chứ, bản nhạc thầy viết, cháu học rất nhanh, lại còn nói với thầy là rất thích bản nhạc đó.”

“Vâng, cháu cũng đột nhiên nhớ ra, nên muốn hỏi thầy xem bản nhạc này có ý nghĩa đặc biệt gì không?”

Cậu không tin sẽ có sự trùng hợp đáng kinh ngạc đến vậy. Tên bản nhạc tự sáng tác lại trùng hợp cao độ với lai lịch của cái tên Cố Duẫn Trì, xác suất này quá nhỏ.

“Thực ra nó là một món quà sinh nhật, nhưng cuối cùng lại không thể tặng đi.” Chu Sào nói: “Ban đầu là bản song tấu piano và violin, khi đó thầy vẫn còn ở dàn nhạc giao hưởng Thủ đô, nhạc trưởng nhờ thầy cùng viết nhạc phổ, nói là muốn tặng cho một cậu bé làm quà sinh nhật sáu tuổi, nhưng không lâu sau thầy bị bệnh, phải tạm thời rút lui, ra nước ngoài chữa bệnh điều dưỡng.”

“Nhạc phổ cũng bị bỏ dở. Sau đó nghe nói bố mẹ của cậu bé qua đời trong năm đó, thầy nghĩ sinh nhật sáu tuổi đối với cậu bé hẳn là rất đau buồn. Tên của bản nhạc này lấy từ ngày sinh của cậu bé, không thể để cậu bé khi đó nghe được, có lẽ là sự an ủi của ông trời, không muốn để cậu bé thêm đau buồn nữa.” Giọng điệu của Chu Sào có chút cảm khái: “Phần violin là do nhạc trưởng tự soạn, không biết sau này ông ấy có cho cậu bé học hay không.”

Nói đến đây, Ôn Nhiên đã đoán được đáp án, đây chẳng phải là một kiểu trùng hợp của số phận sao?

Cậu hỏi: “Thầy có biết cậu bé đó tên gì không ạ?”

“Hình như bằng tuổi cháu đấy. Cháu ở Thủ đô chắc chắn đã từng nghe tên cậu bé, biết đâu còn quen biết nữa.” Chu Sào nói: “Cậu bé tên Cố Duẫn Trì.”

Số học sinh tham gia trại hè không ít, trường dự bị đã bao trọn một chuyến bay riêng. Sau khi lên máy bay, Ôn Nhiên nhìn quanh một lượt, không thấy Cố Duẫn Trì, ngay cả Lục Hách Dương và Hạ Úy cũng không thấy đâu, có lẽ ba người đã hẹn nhau không tham gia.

Đào Tô Tô cũng không đến, nghe nói bị kangaroo nhà cô ta đánh, chảy máu mũi dữ dội. Khi gửi tin nhắn thoại cho Ôn Nhiên, cô ta còn nức nở không ngừng, khóc lóc nói rằng mình còn nhỏ như vậy mà đã phải đi sửa mũi, rồi lại gửi cho Ôn Nhiên đủ loại hình mẫu phẫu thuật thẩm mỹ, hỏi cậu nên sửa thành kiểu nào thì đẹp hơn.