Lạc Du Ký - Quyển Thượng

Mở đầu

Đêm mùng năm tháng năm âm lịch, Kinh Thành rực rỡ đèn hoa. Nói hội thì thì cũng không phải hội, lễ cũng chả ra lễ. Đại khái là tam phu nhân nhà Lâm đại nhân, Lâm Chấn, Lâm thừa tướng vừa hạ sinh được một người con trai. Cái đáng nói thì đây là cậu con trai duy nhất của Lâm đại nhân. Phố phường cũng vì một phen này mà có thêm chuyện để tám.

Nào là “Lâm thừa tướng gần sáu mươi rồi mà tinh lực vẫn dồi dào…”; “Tam phu nhân vừa mới hai mươi trăng tròn, rước về phủ chưa đầy hai năm đã sinh được quý tử v..v…”

Lâm thừa tướng là đại thần của triều đình. Hai đời vua dều giữ chức thừa tướng. Vừa là thầy, vừa là cha vợ của đương kim thánh thượng. Đại phu nhân Lý Y là em gái của thái thượng hoàng. Nhị phu nhân Nguyên Tự Yên là thiên kim của Nguyên Thừa, Nguyên đại tướng quân

Gia cảnh có ăn, có tiêu nhưng được cái là phúc của Lâm thừa thướng khá lớn. Ông chăm chỉ làm thừa tướng mười năm cũng ngót nghét được tám cô con gái. Đại phu nhân sinh ba người con gái. Nhị phu nhân lại đóng góp cho ông thêm năm nàng tiên nữa. Đại tiểu thư con của đại phu nhân là quý phi nhất đẳng, được Hoàng Thượng vô ùng sủng ái. Ngay cả con trai mới mười tuổi cũng đã được phong vương cắt đất. Nhị tiểu thư, tam tiểu thư đều là phu nhân của các vương gia trong triều. Tứ tiểu thư tính tình ngay thẳng, không thích vinh hoa, phú quý, làm vợ hiền, dâu thảo. Từ nhỏ nàng đã tinh thông y thuật, bái Dương ngự y, Dương Trung Sơn làm thầy. Cách đây ba năm cáo biệt cha mẹ theo thầy đi khắp chốn học thuốc, thỉnh thoảng mới viết thư gửi tin về. Ngũ, lục, thất, bát thiểu thư thì quanh năm phòng khuê, ngấp nghé tuổi lấy chồng cũng đang khiến Lâm thừa tướng muốn đau đầu.

Nhưng nay thì ông tạm gác chuyện nhà đang có bốn quả bom nổ chậm sang một bên. Lý Vân Thao, tam phu nhân, vốn là cháu họ gọi đại phu nhân hai tiếng cô mẫu vừa hạ sinh cho Lâm thừa tướng một cậu con trai. Già trẻ trên dưới, trong ngoài phủ vui mừng ra mặt. Nhất là Lâm thừa tướng vốn cứ tưởng kiếp này mang tội bất hiếu với liệt tổ liệt tông vì không thể có một cậu con trai nối hương hỏa, cuối cùng lại nhờ đại phu nhân rộng lượng mà tìm được cho ông thêm một người vợ thảo, lại thêm được cậu con trai qúy như vàng.

Hoàng Thượng trọng dụng Lâm gia, nhân dịp này phong ông là nhất phẩm công thần, lập Lâm Uyển Vân, đại thiểu thư của ông là quý phi, ban hiệu Thân quý phi thay mặt thánh thượng gửi một bức tượng Kì Lân vàng, chúc mừng thừa tướng. Từ cung đến cửa lớn nhà Lâm thừa tướng đèn hoa náo nhiệt, người xem đông đúc. Ai cũng muốn chiếm ngưỡng Kì Lân vàng, đúc từ vàng khối nguyên chất. Trên mình nạm chín trăm lẻ bảy chiếc vảy ngọc phỉ thúy. Mắt đính mã não to bằng quả trứng gà. Sừng khảm từ ngọc mỡ dê trắng ngần. Miệng ngậm dạ minh châu ngàn năm, ban đêm không thắp đèn cũng tỏa sáng. Quả là một báu vật mấy đời mới được nhìn thấy một lần. Thế nên dân chúng cũng chẳng nề hà gì mà bỏ thời gian xếp hàng chật kín cả phố để ngắm báu vật được rước qua.

Viên Tiêu, Viên đại tổng quản cưỡi ngựa đi trước. Kiệu tám người khiêng rước tráp tượng theo sau. Hai bên kị mã đội ngự lâm tháp tùng gần một trăm người. Nguyên đoàn người dài cả hơn trăm thước kéo tới phủ của Lâm thừa tướng. Kèn trống náo nhiệt, từ xa đã nghe tiếng pháo hoa phủ đại thừa tướng đốt mừng. Chả phải dịp lễ gì mà dân chúng Kinh Thành cũng được phen huyên náo cả đêm.

Phủ thừa tướng nhận thánh vật Hoàng Thượng ban tặng xong làm đại lễ rước vào phủ long trọng, còn cho sửa sang cả một tòa đại phủ để giữ Kì Lân vàng. Tiền thì ôi coi như hai mươi ba năm làm quan cũng tích góp được một khoản không lớn không nhỏ. Gia quyến cộng gia nô trong phủ cũng khoảng năm mươi người. Bổng lộc hàng năm cũng đủ dùng, chưa kể nhà ngoại cũng hậu hĩnh không lo thiếu tiền tiêu. Trừ hết mấy khoản để dành cho con gái đi lấy chồng thì cũng còn kha khá. Chả có dịp gì xài nay đem ra xài cho bõ. Thế là dân chúng Kinh Thành được thêm vài ngôi trường xây mới, cầu cống phố xa cũng tự dưng được sửa sang gọn gàng, không bị mang tiếng là Kinh Thành mà cứ mưa xuống là lụt như sông nữa. Riêng mấy chuỗi y quán của Dương ngự y cũng được xây lại, người nghèo có thể chữa bệnh và được phát thuốc miễn phí cả năm. Lâm thừa tướng vì thế mà tiếng thơm không ít. Ai ai cũng chúc mừng Lâm gia có song hỉ. Lâm thừa tướng vui mừng ra mặt, cả ngày cười ngoác hết cả mồm đến nỗi trước khi đại lễ nhận sắc phong và thánh vật một canh giờ, vì cười nhiều quá thành ra cơ mặt bị chuột rút không ngậm mồm lại được, khiến cả phủ nháo nhào tìm đại phu đến kê thuốc. May có Lạc Tâm đại đệ tử của Dương ngự y vẫn đang ở Kinh Thành vốn tinh thông châm cứu mới gỡ được cái phiền phức này giúp Lâm gia.

Nói về thập thiếu gia nhà họ Lâm, vừa sinh ra đã như trứng nằm trong bọc, như ngọc được bọc trong chăn. Tuy còn chưa đủ tuổi mà đã đưọc mọi người tôn kính gọi một tiếng Thập Gia. Tam phu nhân bế ẵm quý tử trên tay không rời một phút. Chốc chốc lại quay sang nhìn cửu tiểu thư được bà vυ' bế ngửa đang say ngủ. À, quên mất là không phải chỉ có Thập Gia được sinh ra trong hôm nay. Trước đó vài canh giờ là cửu tiểu thư đã ra đời trước. Tính thì coi như sinh ra đêm mùng bốn tháng năm. Thai long phụng khiến Lâm gia một phen hoảng hồn, tưởng rằng Lâm thừa tướng kiếp này có lấy thêm vài bà vợ nữa cũng vẫn mãi chỉ lên được chức bố vợ với ông ngoại thôi. May mà cái đầu thứ hai cũng tòi ra khiến bà đỡ thêm một phen mệt bở hơi tai, kéo mãi mà cái tên Thập Gia này không chịu hiện nguyên hình.

Thêm một vấn đề nữa là cái tên cho Thập Gia cũng khá rắc rối. Lâm thừa tướng cả đời mới có một cậu con trai thành thử vắt nát óc nghĩ một cái tên thập toàn thập mĩ. Tên viết ra cũng gần cả trăm cái mà chưa chọn được cái nào. Thành thử Thập Gia ra đời đã hơn nửa ngày rồi mà vẫn chưa có tên. Mọi người trong nhà cũng hoang mang, đến khi đại phu nhân gọi một tiếng “Thập Gia, khiến cả nhà đợi người lâu quá!” Cả đám đầy tớ mới truyền tai nhau gọi luôn thiếu gia là Thập Gia. Và vì có Thập Gia rồi nên gọi luôn cửu tiểu thư là Cửu Gia. Vì hai người giống nhau như hai giọt nước, con gái mà còn khóc to hơn cả con trai. Ai không biết lại tưởng Lâm thừa tướng có hai cậu con trai sinh đôi.

Bên ngoài truyền tới tiếng pháo hoa tưng bừng, tiếng người cười chúc huyên náo. Đại lễ có vẻ đã xong, mọi người đang vào bàn tiệc. Nghe tiếng của Lâm thừa tướng sang sảng thay mặt Lâm gia cảm ơn Thánh ý, cảm ơn chư vị khách quý đến chúc mừng ông song hỉ lâm môn. Tam phu nhân nhìn hai hài tử dang ngủ say mỉm cười. Hai gương mặt giống nhau như đúc. Ngũ quan vẫn còn đỏ hỏn, chưa rõ chân tướng sau này thế nào. Tam phu nhân vốn dịu dàng, không tranh đua, chỉ mong hai con sống khỏe mạnh, đóng góp công sức cho Lâm gia, cho triều đình là mãn kiếp một đời được gả vào Lâm phủ của bà.

Canh ba, tiệc tan, gà chó cuối cùng cũng được yên thân. Lâm phủ dần dần trở về yên tịnh. Diệu Y viên của tam phu nhân vẫn sáng đèn. Bà đợi Lâm thừa tướng đến nhìn mặt hai hài tử lần nữa. Ngoài cửa có tiếng bước chân, tiếng đầy tớ khè nhau đỡ Lâm thừa tướng bước vào.

- A, phu nhân, phu nhân yêu quý của ta! Để ta xem, để ta xem.

- Lão gia cẩn thận, đừng để con nhỏ tỉnh giấc.

Lâm thừa tướng bế cả hai đứa bé trên tay. Nhìn một hồi, mặt không khỏi nở nụ cười mãn ý.

- Là nàng vất vả, sinh cho Lâm gia ta hai hạt ngọc minh châu thế này. Đa tạ nàng.

- Lão gia nói quá lời rồi, là Lâm gia có ơn với thϊếp. Kiếp này báo đáp được cho người là tâm nguyện của Thao nhi.

- Nàng nhìn xem, hai đứa bé ngũ quan rõ ràng, đường chân mày vừa đen vừa dài, đích thị là mĩ nam, mĩ nữ. Ha ha ha, ợ!

Lâm thừa tướng cao hứng quá “ợ” luôn một phát rõ to làm hai đứa bé giật mình tỉnh dậy, khóc oe óe.

Tam phu nhân nhìn hai đứa trẻ mặt nhăn như cái đít khỉ mà nghĩ đến hai chữ mĩ nam, mĩ nữ không khỏi buồn cười.

- Người xem, Thao nhi đã nói lão gia cẩn thận rồi mà.

- Là ta sai, ta sai, đắc tội với Thao nhi!

- Người nói cũng nói nửa ngày rồi, vẫn chưa đặt tên cho con. Người xem cũng chả biết gọi chúng nó là gì để mà dỗ nữa.

- À, ù ừ ta biết rồi. Ta nghĩ kĩ rồi. Nàng sinh con lúc rạng đông nên gọi nữ tử là Lâm Uyển Mẫn, nam tử là Lâm Chấn Minh.

- Cả hai đều mang nghĩa tươi sáng, đa tạ lão gia. Hài nhi sẽ ngoan ngoãn trưởng thành không phụ lòng của lão gia.

- Không cần đa lễ nàng nghỉ ngơi đi. Hôm nay vất vả cho nàng rồi.

Thế là ngày mùng năm tháng năm năm ấy kết thúc. Lâm thừa tướng nghĩ nát óc cả ngày được hai cái tên mà cuối cùng ngoài tam vị phu nhân và ông ra chả ai nhớ cả. Vì từ ngày đó cái tên nhị vị Cửu Gia, Thập Gia đã lan truyền khắp cả Kinh Thành mãi đến tận hơn hai mươi năm sau, người ta vẫn tưởng Lâm gia có hai cậu con trai sinh đôi.