Phi Hồng Tuyết Trảo

Chương 1: Tiết Tử

Canh một điểm (*) ba, trống chiều văng vẳng, gió thu rít gào, từng trận lạnh căm căm.

(*) điểm: đơn vị tính thời gian ban đêm của người xưa, một đêm chia làm năm canh (更), một canh chia làm năm điểm (点).

Diệp Ngọc Đường trốn dưới mái che quán rượu của người Hồ, tiếng động bên tai từng chút hóa tĩnh lặng.

Nàng chưa từng nghĩ tới trên đời này lại có người hận mình đến như vậy, đã thấy nàng toàn thân trúng cổ độc hoảng hốt bỏ chạy như chó nhà có tang mà vẫn không chịu nương tay, một lưỡi đao Hộ Tát (*) bén nhọn nặng nề đâm xuống gần như xuyên thủng cơ thể nàng.

(*) đao Hộ Tát (户撒刀): hay còn được gọi là đao A Xương, là một loại vũ khí của dân tộc A Xương sống ở thôn Hộ Tát, huyện Lũng Xuyên, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Hai tay nàng nắm lấy chuôi đao nhổ lưỡi đao ra khỏi thân thể, vừa rút ra được khoảng cách một đốt ngón tay, máu đen đã nhanh chóng thấm ra áo chẽn màu trắng.

Đau ngứa thấu tim lan ra hơn nửa người. Máu tươi dính trên nửa tấc lưỡi đao lộ ra bên ngoài cơ thể đã biến đen, nàng đã mất đi cơ hội cuối cùng để bức độc bò cạp ra khỏi cơ thể.

Ánh sáng rời rạc, tường ngói nơi hẻm nhỏ người Hồ ở chợ tây đã chìm vào bóng tối.

Nàng chỉ cảm thấy mệt mỏi đến cùng cực, thân thể dần dần nặng trĩu.

Hôm nay ắt phải táng mệnh tại đây.

Nghĩ tới một đời của Diệp Ngọc Đường nàng...

Hồi tưởng lại cuộc đời ngắn ngủi của mình, vào khoảnh khắc hai mắt khép lại, người mà nàng nhớ đến lại là Trưởng Tôn Mậu.

Trưởng Tôn Mậu mười bảy tuổi rắn rỏi xuất chúng, đường nét rõ ràng, trong mắt luôn toát ra vẻ lạnh nhạt và bất cần.

Năm đó, gió xuân tháng ba thổi khắp Giang Đô, Diệp Ngọc Đường nghe lệnh sư phụ xuống núi du lịch, gặp hắn lần đầu bước chân vào giang hồ đã chịu vô số quả đắng bèn thiện tâm chỉ điểm mấy câu. Nào ngờ người này nghe nói nàng võ nghệ siêu quần, cơ duyên run rủi thế nào lại quấn lấy nàng, cứ vậy dây dưa suốt ba năm.

Thế sự khó lường, chớp mắt đã ba năm, lần từ biệt ở bến đò Tuyết Bang lại biến thành âm dương cách biệt.

Có lẽ là nàng chẳng tiêu thụ nổi sự hạ mình nhân nhượng của một quý công tử hào môn như thế nên mới phải chết yểu khi đương độ tuổi xuân rực rỡ nhất thế này.

Ban đầu, Diệp Ngọc Đường thấy hắn phiền chết đi được.

Người này ngoài việc có mất đồng tiền thối thì chẳng có gì sất. Bản lĩnh trêu mèo chọc chó, mặt dày mày dạn lại lợi hại hơn bất cứ ai, từng có vô số lần nàng chỉ muốn một cước đạp hắn bay xa mười dặm, bảo hắn cút được bao xa thì cút.

Sư phụ thường bảo nàng phải nhẫn nhịn.

Nàng bèn hỏi, nếu không nhịn được thì sao ạ?

Sư phụ nói rằng, Á Thánh (*) từng nói: “Vậy là để khích lệ tâm chí, rèn đức nhẫn nại, bổ sung cho ngươi năng lực ngươi còn thiếu sót.” Vi sư bấm đốt ngón tay tính được, trong mệnh của con có một kiếp này, bèn mặt dày xin cho con một pháp hiệu gọi là “Năng Nhẫn”. (Có thể nhịn)

(*) Á Thánh (亚圣) chỉ Mạnh Tử, ông là triết gia Nho giáo Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử. Ông được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm “Á thánh Mạnh Tử” (chỉ đứng sau Khổng Tử).

...

Nàng thực sự rất mệt. Sư phụ hỏi nàng mệt cái gì, nàng đáp tâm mình rất mệt.

Nhờ phúc của sư phụ, tính nóng nảy bộp chộp của Diệp Ngọc Đường gần như được trị dứt. Suốt ngày nghe người khác gọi mình là “Năng Nhẫn”, dần dà cũng nhẫn được thật, thậm chí chẳng còn hơi sức đâu mà quản Trưởng Tôn Mậu có chọc người chán ghét hay không. Mỗi lần hắn giở chứng trước mặt nàng, nàng thậm chí còn tự khuyên mình: đừng giận, người này chính là một con mẹ nó kiếp, họ kép Trưởng Tôn, tên Nhất Kiếp.

Tiếc rằng nàng học chẳng đâu vào đâu, quên mất đằng sau chữ “kiếp” thường đi kèm với một chữ, quên mất sư phụ từng nói với mình “Qua được là duyên, không qua được là nạn.”

Diệp Ngọc Đường chợt nghĩ, nếu ngày ấy mình có thể nhịn thêm một chút nữa, đợi Trưởng Tôn Mậu cùng ngồi thuyền đến Trung Nguyên, có khi nào kết quả sẽ khác.

Nhưng chuyện trên đời chẳng có nếu, không chân thành thì cuối cùng cũng sẽ biệt ly, nàng không còn cơ hội làm lại nữa.

Có vẻ như nàng vẫn chẳng qua được kiếp này.