Năm Vĩnh An thứ mười hai, xuân về ấm áp, trời đất chan hòa.
Kinh thành phồn hoa náo nhiệt, từ thành Đông đến thành Tây, khắp nơi đều là cảnh mua bán tấp nập. Các tiệm châu báu, lụa là, lương thực kẻ đến người đi, từng món hàng trao tay, vàng bạc luân chuyển không ngớt.
Dọc theo những con phố lớn, ngõ nhỏ, tiếng rao hàng vang vọng không dứt bên tai, hấp dẫn không ít đứa nhỏ móc ra từng đồng tiền khó nhọc kiếm được, mua chút quà vặt, kẹo đường mà cười vui hớn hở.
Ở vùng ngoại thành Kinh Giao, người từ các điền trang lân cận cũng lục tục kéo đến hẻm Thanh Phong để họp chợ. Tiếng rao hàng xen lẫn âm thanh lạch cạch của đồng tiền chạm vào nhau, vẽ lên một bức tranh thái bình, an cư lạc nghiệp.
Thế nhưng giữa khung cảnh sôi động ấy, tại khoảng trống giữa một lò rèn và một tiệm tạp hóa, có một hiệu cầm đồ nhỏ bé lặng lẽ đứng đó. Trên cửa treo một lá cờ trắng, nền trắng chữ đen đề chữ "Cầm đồ", hai bên cổng là đôi đèn l*иg trắng lay động theo gió, càng khiến hiệu cầm đồ trông cô quạnh, lạc lõng giữa nhân thế phồn hoa. Người qua kẻ lại khi đi ngang qua đây, dẫu đang trò chuyện rôm rả cũng không khỏi hạ giọng, đôi ba lời bàn tán.
Trước lò rèn, mấy quầy hàng nhỏ bán đồ ăn, đậu hũ, trứng gà, thấp giọng trao đổi:
"Đại nương, hiệu cầm đồ này xảy ra chuyện gì vậy?"
"Hầy... Đường chưởng quỹ hơn mười ngày trước đã mất rồi, hôm trước mới lo liệu tang sự xong xuôi."
"Trời xanh thấy còn thương... Ta nhớ không lầm thì nương tử chưởng quỹ cũng mất ba năm trước đúng không?"
"Đúng vậy, chỉ còn lại một trưởng nữ cùng hai hài tử nhỏ dại, chẳng biết bọn chúng sẽ xoay sở ra sao..."
"Hiệu cầm đồ này chắc về sau cũng khó mà mở lại được."
"Muốn mở cũng khó, cuối năm ngoái đã có chuyện, mọi người có biết hay không... Chưởng quỹ chỉ e đã đổ cả gia tài vào đó."
Mặc cho bên ngoài bàn tán thế nào, bên trong hiệu cầm đồ vẫn tĩnh lặng như cũ.
Đừng nhìn mặt tiền nhỏ bé của hiệu cầm đồ mà để bị đánh lừa, vì nó ứng với câu "Đường khó đi mới đến cầm đồ".
Kết cấu nơi đây gồm hai dãy sân nối liền nhau. Tiền viện có ba gian phòng, chính giữa là đại sảnh dùng làm nơi giao dịch, hai bên là phòng thu chi cùng kho chứa. Bên trái, dãy hành lang dẫn đến hai gian nhà kho; bên phải, xuyên qua cổng vòm hình trăng non là ba gian phòng dành cho bếp núc, phòng tắm và phòng khách. Hậu viện là nơi sinh hoạt của Đường gia, trong đó có một gian phòng nay đã vĩnh viễn đóng kín.
Đường Nguyệt chậm rãi bước ra, ánh mắt lập tức chạm đến hai đệ muội, Đường Minh Tùng và Đường Ức Uyển. Hai hài tử chỉ lẳng lặng ngồi đó, ánh mắt trống rỗng, vô hồn mà nhìn chằm chằm vào căn phòng phụ thân từng ở.
Cửa phòng đóng chặt, im lặng đến lạnh lẽo. Sẽ không còn ai từ trong đó bước ra, không còn ai dịu dàng hỏi han bọn chúng hôm nay ra sao, tối đến muốn ăn gì, cũng không còn ai thúc giục bọn họ chuyên tâm học hành, sắp xếp thời gian ổn thỏa. Trước kia, người ấy từng cười bảo sáng phải đi làm công, nhưng kỳ thực chỉ cần vài bước chân đã ra đến tiền viện buôn bán mưu sinh.
Tiếng cửa mở khiến hai đứa nhỏ giật mình, kéo tâm trí trở về thực tại. Đường Minh Tùng cố lấy lại tinh thần, ngẩng đầu nhìn tỷ tỷ:
"Đại tỷ, thân thể tỷ đã khá hơn chưa? Sáng nay Lưu thẩm có mang ít thịt heo và nấm đến, muội muội và đệ tính lát nữa xào một đĩa thịt xào nấm, thêm một ít rau xanh, tỷ thấy có được không?"