Em Tựa Gió Xuân

Chương 5: Gia Đình Giáo Dưỡng

Trình Hi bật cười.

"Bà nội, con đã ăn tối rồi, không uống được nhiều như vậy đâu, con uống một bát là đủ rồi ạ."

"Không được, đây là canh hầm riêng cho con, con phải uống nhiều một chút. Con xem con kìa, dạo này toàn thức khuya, môi trắng bệch như vôi! Sau này không được thức khuya nữa, nghe rõ chưa."

"Vâng ạ." Trình Hi ngoan ngoãn đứng nghe dạy bảo.

Ngược lại, ông Trình lại không nỡ nhìn, một tay bưng bát sứ, một tay kéo bà bạn già: "Thôi mà, bà đừng cằn nhằn nữa, Tiểu Hi là giáo viên, bây giờ lại đang đầu năm học, nhiều việc phải làm, bận rộn là chuyện đương nhiên."

"Hồi trước chúng ta đi dạy học cũng đâu có bận rộn như vậy?"

"Bà Trình à, bà phải nhận thức được rằng thời thế đã thay đổi rồi."

Bà Trình suy nghĩ một lát: "Cũng đúng."

Bà có chút cảm thán: "Haizz, chúng ta đều già cả rồi."

"Con người ai rồi cũng phải già, có gì mà phải buồn chứ? Cẩn thận lại có thêm nếp nhăn bây giờ." Ông Trình thản nhiên uống một ngụm canh gà, thỏa mãn thở dài.

"Ông chê tôi già rồi phải không?"

Ông trừng mắt, tỏ vẻ vô tội: "Tôi nào dám."

Nghe hai ông bà trêu chọc nhau, Trình Hi không khỏi cong khóe mắt, hơi ấm của bát canh gà từ từ lan tỏa từ đầu ngón tay đến khắp cơ thể, thật ấm áp.

Khoảng tám giờ tối.

Trình Hi mặc áo khoác vào, gõ cửa thư phòng.

Bên trong vọng ra một giọng nói trầm ấm, có chút khàn: "Vào đi."

Cô mở cửa bước vào, đặt cuốn sổ dày trong tay lên bàn: "Ông nội, bài cảm nhận sách tháng này con viết xong rồi, ông xem giúp con ạ."

Ông Trình đang sắp xếp tài liệu trước bàn sách, nghe tiếng bèn ngẩng đầu lên: "Ừ, để ông xem nào."

Đặt tập tài liệu sang một bên, ông đưa tay cầm lấy cuốn sổ đọc sách hàng tháng của cô, rồi với lấy cặp kính lão đặt bên cạnh đeo lên.

Mỗi tháng đọc một cuốn sách, viết một bài cảm nhận dài một nghìn chữ, là nhiệm vụ mà ông giao cho cô từ năm lớp ba.

Lúc đó, cô không hiểu ý nghĩa của việc này, chỉ cảm thấy đó là một gánh nặng học tập.

Nhưng ông nội đã nói với cô: "Kiến thức tích lũy ngày qua ngày sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho con sau này. Đọc sách học tập không phải để làm hài lòng thầy cô, cha mẹ hay xã hội, mà là để bản thân con trở nên tốt đẹp hơn, con phải có ý thức như vậy thì việc học mới không cảm thấy mệt mỏi."

Cứ như vậy, nhiều năm qua, cô kiên trì viết, ông kiên trì chấm bài.

Trong lúc ông đọc và nhận xét, Trình Hi đứng nghiêm trang bên cạnh bàn, hai tay nắm nhẹ, buông thõng tự nhiên, giống như một học sinh đang chờ giáo viên chấm bài tập.

Trên thực tế, ông nội cũng được xem như là một người thầy của cô.

Trước khi nghỉ hưu, ông từng là giáo sư sử học của một trường đại học, cả đời dạy học, giáo dục học sinh, giáo dục con cháu, học sinh của ông đều kính trọng gọi ông là thầy, hoặc là giáo sư Trình.

Nhà họ Trình từ đời cụ cố đã theo nghề giáo, đến nay vẫn tiếp nối truyền thống, đời đời dạy học, có thể xem là gia đình có truyền thống giáo dưỡng.

"Viết tốt lắm." Ông Trình dành năm phút cẩn thận đọc xong bài cảm nhận sách của cô, hài lòng nhận xét một câu.

Ông cầm cây bút đỏ lên, viết một chữ "Đã đọc" vào chỗ trống bên dưới bài cảm nhận, đồng thời ký tên mình bằng chữ hành khải — Trình Hoa Khế.

(Chữ hành khải là phong cách viết chữ Hán, vừa cứng cáp, dễ đọc, vừa có nét uyển chuyển nhanh gọn. Chữ hành khải thường được sử dụng trong chữ ký, viết thư pháp, hay trong văn bản mang tính thẩm mỹ cao).

Sau khi chấm xong, ông đưa lại cuốn sổ cho cô: "Đã chọn được cuốn sách muốn đọc tháng sau chưa?"

Trình Hi hai tay nhận lấy: "Dạ chưa ạ."

"Vậy hãy đọc các tài liệu về Hải Hôn Hầu Lưu Hạ đi."

Hiếm khi ông chỉ định nội dung đọc cho cô, Trình Hi mỉm cười đáp: "Vâng ạ."

"À đúng rồi, còn một việc nữa, ngày mốt ông Giang khai trương cửa hàng mới, ông có việc bận không đi được, cháu có thể giúp ông mang quà đến tặng không?"

Ngày mốt vừa hay là chủ nhật.