Chỉ là nàng chưa bao giờ lười biếng, ngày nào cũng cố sống cố chết tu luyện, cho nên chưa từng đánh thức được cơ duyên này.
Nó cũng không thuộc về hệ linh căn thông thường, mà là một nhánh trong lục căn của nhà Phật: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý.
*Tánh thấy tạo ra nhãn căn (mắt). Tánh nghe tạo ra nhĩ căn (tai). Tánh ngửi tạo ra tị căn (mũi). Tánh nếm tạo ra vị căn (lưỡi). Tánh sờ mó tiếp xúc tạo ra thân thể (thân căn). Tánh biết tạo ra ý căn (não bộ).
Vị tiền bối Tiên Lười ấy, đến cuối đời vì muốn đột phá nên kiêm tu Phật - Đạo, tự nghĩ ra công pháp Tiên Ngủ, cuối cùng thật sự đắc đạo trong lúc ngủ, bước chân vào cảnh giới Đại La Kim Tiên.
Trước khi phi thăng, ngài tách một đạo ý căn để lại cho hậu thế, mong người hữu duyên có thể nhận được truyền thừa, lĩnh hội cái gọi là Đạo Lười.
Ý chính là ý niệm, ý căn mà tiền bối Tiên Lười ngộ ra là ý lười, Giang Ý bèn gọi thẳng là "lười căn".
Nếu muốn tu luyện công pháp Tiên Ngủ, nàng nhất định phải tìm hiểu cái gọi là "ý" trong lười căn, thông qua lười căn, hấp thu một loại lực lượng đặc biệt từ trời đất, thứ mà tu sĩ bình thường không có cách nào nhìn thấy, tạm thời gọi nó là "lười khí".
Giang Ý không khỏi tự giễu: "Ngày trước ta liều mình khổ luyện, dồn hết vào kiếm đạo, bỏ ra công sức gấp ngàn vạn lần người thường, nửa hơi thở cũng không dám lơ là, giờ thì ta lại phải bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa thật sự của "lười", học cách để trở thành một "người lười" thuận theo tự nhiên, tu đến đại đạo vô vi. Hay thật!"
Nếu ví công pháp Tiên Ngủ như một con ngựa, thì lười khí chính là cỏ rơm, không có cỏ, con ngựa không thể nào chạy được.
Vậy làm thế nào để tích lũy lười khí? Truyền thừa không hề nhắc đến, mà Giang Ý cũng chưa tìm ra cách, nhưng bộ công pháp này đã giúp nàng giải quyết tình trạng lửa sém lông mày.
Đợi nàng chữa khỏi tổn thương trên người, rồi dùng công pháp Tiên Ngủ nâng giá trị linh căn lên mức tối đa chín điểm thì nhất định sẽ có những bước tiến xa so với trước đây.
Đừng nói là Kim Đan thượng phẩm, ngay cả Kim Đan thiên phẩm cũng không làm khó được nàng.
Đến lúc đó, liệu mẫu thân có thể...
Giang Ý lập tức lắc đầu. Nàng đã không còn là Giang Dịch trước kia, không thể để những suy nghĩ như vậy ảnh hưởng đến mình nữa. Lần này không còn ai ép nàng, nàng muốn tìm lại bản thân, sống vì bản thân.
Dưới những tia nắng mai mờ nhạt, Giang Ý rời khỏi nơi ẩn thân, ngang qua một vùng trúc xanh, tiện tay bẻ một cành.
Lấy trúc làm kiếm, thuận thế vung ngang, sóng xanh dập dìu, mưa lá lả tả.
Giang Ý trong bộ bạch y, dung nhan thanh thoát mà kiên nghị, dưới rợp trời mưa lá, tận tình trút hết nỗi lòng vào từng đường kiếm, thân thể xoay tròn, tà áo phấp phới, tóc dài tự do tung bay.
Thoắt qua như cánh nhạn, uyển chuyển tựa du long, kiếm khí cuốn lấy lá trúc, hóa thành một cơn lốc nhỏ, lượn mấy vòng trên không trung. Khi nàng thu kiếm, lá trúc như lông nhạn, xếp một đường thẳng tắp, rơi xuống cách nàng ba trượng.
*Ba trượng: khoảng 9.9 mét.
Chỉ là múa kiếm chứ chưa thật sự tu luyện kiếm khí mà Giang Ý đã cảm thấy kinh mạch toàn thân đau đớn, đan điền xuất hiện cảm giác xé rách, trong lòng dâng lên một nỗi cay đắng mơ hồ.
Giang Ý hít sâu một hơi, cầm cành trúc đánh vào lòng bàn tay hai cái, buông bỏ chấp niệm.