Lâm Xuất Trần là ca nhi xinh đẹp nhất thôn, gả cho Trần Trình Tài, tú tài duy nhất trong thôn. Mọi người đều khen bọn họ là “nam tài ca nhi mạo”, thật xứng đôi vừa lứa. Thế nhưng, phu quân y vì muốn trèo cao mà liên thủ cùng gia đình, hãm hại y đến chết.
Trước khi thành thân, Lâm Xuất Trần từng mơ mộng về cuộc sống sau hôn nhân. Người trong thôn đều nói, phu quân sẽ thương ca nhi, là chỗ dựa vững chắc, ca nhi gả rồi mới có chốn nương thân, mọi việc trong nhà đều có người lo liệu.
Nào ngờ sau khi thành thân, y mới phát hiện, cuộc sống sau hôn nhân cách xa mộng tưởng như trời với đất. Trần Trình Tài lên huyện học được mấy ngày, liền khinh thường người thôn quê, lại càng coi rẻ y – một ca nhi quê mùa. Giọng y mang âm sắc địa phương, mềm mại nhỏ nhẹ, thế mà Trần Trình Tài lại luôn bắt y im miệng, không cho nói chuyện trong nhà, sợ cái chất quê mùa ấy làm hỏng thanh danh của mình.
Ngày thứ hai sau khi thành thân, Trần Trình Tài đã vội vã lên huyện học. Ban đầu còn chịu khó về nhà vào dịp lễ Tết, sau đó thì ngay cả năm mới cũng chẳng buồn quay về, lấy cớ là việc học nặng nề.
Có lần mẹ chồng sai y may áo bông gửi đến thư viện huyện cho hắn ta. Trời giá rét, cha chồng sợ con lừa nhà mình chịu không nổi, liền để y một mình giẫm tuyết, từng bước từng bước đi đến huyện thành.
Tới cổng thư viện, Trần Trình Tài đang cùng vài đồng học cười nói trở về. Thấy y đến, hắn ta lập tức thu lại nụ cười, nhíu mày khó chịu nhìn y.
Cuối cùng thì cũng nhận áo, nhưng khi đồng học hỏi y là ai, Trần Trình Tài lại nói y là người hầu trong nhà. Đồng học biết thừa y quê mùa, liền cười nhạo:
"Ồ, nhà ngươi còn có cả người hầu à?"
Trần Trình Tài như chẳng nhận ra ánh mắt chế giễu của họ, ngược lại còn cảm thấy nở mày nở mặt, đáp lại:
"Tất nhiên rồi."
Từ đó trở đi, Lâm Xuất Trần không bao giờ tới huyện thành nữa. Sáu năm sau, Trần Trình Tài đỗ đạt làm quan, được Vương gia coi trọng, còn được giới thiệu một mối hôn sự tốt đẹp.
Hắn ta vì muốn cưới tiểu thư nhà quyền quý, bèn dối gạt rằng mình chưa có phu lang. Để không bại lộ lời nói dối, hắn ta vội vã trở về quê giải quyết Lâm Xuất Trần.
Hắn ta về đến nhà liền viết hưu thư, nhưng trưởng bối trong nhà nói Lâm Xuất Trần bao năm nay hiếu thuận với cha mẹ chồng, không dễ gì mà hưu được. Nếu y thấy không cam lòng rồi đi cáo quan, tiền đồ của hắn ta sẽ bị hủy hoại.
Thế là tộc trưởng và các bô lão trong Trần tộc bàn bạc với nhau, bịa ra chuyện Lâm Xuất Trần sáu năm không sinh được con, rồi muốn làm lễ “đập mừng”, mong y nhiễm được hỉ khí, sang năm sinh đứa con bụ bẫm.
“Đập mừng” là phong tục của thôn – nếu ca nhi sau ba năm thành thân vẫn chưa có con, sẽ bị thực hiện nghi lễ này: cả nhà trưởng bối sẽ dùng roi mây, gậy gỗ đánh vào người ca nhi, miệng niệm lời chúc may mắn.
Nhưng lễ này cũng có khác biệt – có nhà làm lấy lệ, đánh nhẹ vài cái cho qua, có nhà lại thật sự muốn đổi ca nhi, đánh tới chết rồi mới nói một câu: “Phúc khí này y gánh không nổi, vô dụng!”
Ca nhi chết trong lễ này, người thân không được đòi công lý, nhà mẹ đẻ cũng thấy mất mặt, chẳng dám ngẩng đầu nhìn người khác trong thôn.
Lâm Xuất Trần bị bắt trói mà chẳng hề hay biết, toàn bộ trưởng bối Trần gia cầm gậy vây đánh y. Miệng y bị nhét giẻ, không thể kêu gào, chỉ có thể phát ra những tiếng rêи ɾỉ đau đớn từ mũi.
Cha y – Lâm Hà, khi ấy đang hái thuốc trên núi. Là Vương thợ săn trong thôn chạy vào núi báo tin cho ông.
Sau khi chết, linh hồn Lâm Xuất Trần trôi lơ lửng giữa không trung, thấy cha mình vì gấp gáp mà ngã gãy chân trên đường xuống núi. May thay có Vương thợ săn cõng về.
Nhưng khi về tới nơi, thứ ông thấy chỉ còn là thi thể lạnh băng của nhi tử.
Lâm Hà nhìn đứa nhi tử được nuôi nấng nâng niu từ nhỏ, giờ toàn thân không còn chỗ nào lành lặn, chỉ biết gào khóc đến ngất lịm.
Y nhớ cha mình xưa nay không tin vào quỷ thần, thường dặn:
“Nếu một ngày cha chết, không cần đốt vàng mã. Người chết rồi là một đống thịt nát, đốt bao nhiêu tiền cũng tiêu không được, chỉ tổ phí của.”
Vậy mà khi y chết, cha lại đốt hết bó này đến bó khác.
Chân chưa khỏi, Lâm Hà đã chống gậy xuống đất, nhất quyết lên huyện cáo quan. Người trong thôn đều khuyên can – nói đó là phong tục địa phương, ngay cả quan huyện cũng không quản, mà Lâm Xuất Trần cũng không phải con ruột, chẳng đáng để liều mạng.
Thế nhưng Lâm Hà không nghe, cứ nhất định lên huyện kêu oan.
Trần gia không ngờ ông có thể làm tới mức này, liền thuê người giả làm sơn tặc, phục kích trên đường đánh chết ông, kéo xác ông vào núi cho dã thú xé xác.
Lâm Xuất Trần khóc rống trong núi ba ngày ba đêm, cũng không xua được bầy dã thú kia. Y chỉ hận không thể hóa thành ác quỷ, dù đời đời không được siêu sinh, tan hồn nát phách, y cũng muốn gϊếŧ cả nhà Trần Trình Tài!