Nghiêm Gia Trang không có mỏ đá như thôn Vương Gia, toàn thôn chỉ dựa vào nông nghiệp. Mỗi năm sau mùa gặt, sẽ phân lương theo công điểm.
Nhà nào có nhiều công điểm hoặc đất riêng tốt thì có thể dư để bán cho trạm thu mua. Còn nếu nhà nhiều con, ít lao động, thì phải mua ngược lại từ đội, thậm chí mắc nợ.
Năm ngoái cô nằm liệt giường nửa năm, nhà nuôi được chục con gà, nhờ bán trứng mới miễn cưỡng giữ được cân bằng thu chi, nói gì đến chuyện trả nợ. Thời buổi buôn bán bị cấm, dù cô có muốn liều mình quay lại nghề cũ, mua cá từ biển rồi bán khắp thôn cũng chẳng lời được bao nhiêu, chỉ như muối bỏ biển.
Mà chuyện đáng lo hơn tiền là vấn đề tâm lý của Kế Cương.
Năm ngoái cậu bé bỏ học, dù đã nộp học phí rồi nhưng lại lén trốn về. Lúc cô phát hiện, mặt em trai trắng bệch. Qua năm nay cậu bé tròn mười tuổi, chẳng lẽ còn không đến trường?
Cho dù cô có thể ở nhà dạy em trai đọc viết tính toán, chẳng lẽ nó định trốn cả đời, không gặp người khác?
Nghĩ đến đây, động tác nhai bánh của Nghiêm Tuyết chậm lại. Nghiêm Kế Cương tưởng chị không nỡ ăn hết, cúi đầu nhìn cái bánh của mình, bẻ nửa phần chưa cắn đưa cho cô:
“Em ăn không hết.”
“Chị cũng vậy.” Nghiêm Tuyết sực tỉnh, đẩy bánh lại.
Cô uống một ngụm canh cải bẹ trắng bên cạnh, trầm ngâm hỏi:
“Kế Cương, nếu mình chuyển đi nơi khác sống, em có dám thử bước chân ra ngoài không?”
Kế Cương khựng lại, miệng mở ra rồi lại khép, chẳng nói được gì, chỉ cúi đầu xấu hổ.
Nghiêm Tuyết không hỏi thêm. Ăn xong, cô dọn bát đũa, nồi bếp. Lúc quay lại, Kế Cương đã lau sạch bàn ăn, bày vở bút ra, đợi cô dạy học.
Tối hôm ấy, Nghiêm Kế Cương lại gặp ác mộng.
Nghiêm Tuyết nghe tiếng thở dồn dập bên cạnh là biết ngay, vươn tay vỗ nhẹ qua lớp chăn. Đợi khi cậu bé tỉnh hẳn, cô khoác áo bông ra ngoài rót cho em trai một cốc nước ấm.
Kế Cương khẽ nói lời cảm ơn, uống xong lại chui vào chăn. Rõ ràng cậu bé còn sợ hãi đến mức run rẩy, nhưng vẫn cố nhắm mắt giả vờ mình có thể ngủ được.
Khoảnh khắc ấy, Nghiêm Tuyết lại nhớ đến người cha kiếp trước của mình.
Những ngày ông nằm viện trước khi mất cũng vậy, dù đau đớn đến mất ngủ suốt đêm, vẫn sợ làm phiền đến con gái, nằm im không dám trở mình.
Có phải ông trời thấy cô chẳng còn ai thân thích, cho nên mới ném cô trở về thập niên sáu mươi, còn tặng cô thêm một đứa em trai ruột thịt hay không?
Chẳng lẽ vì cuốn tiểu thuyết mà cô gái cùng phòng bệnh rủ cô đọc cùng?
Trong cuốn tiểu thuyết đó cũng có một nhân vật tên là Nghiêm Tuyết, nhưng số cô ấy may mắn hơn nhiều, không những đầu thai vào chỗ tốt mà còn lấy được chồng là kỹ sư cao cấp trong viện nghiên cứu.