Chương 4: Trận ĐIỆN BIÊN PHỦ
Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến trận Điện Biên Phủ-Sau một loạt các thất bại liên tiếp về quân sự, những khó khăn về tài chính thêm chồng chất, nước Pháp hầu phải tìm một kế hoạch để hoặc là xuống thang chiến tranh trong thế thượng phong, hoặc là đè bẹp được Việt Minh. Tướng Nava được cử làm chỉ huy các lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương
- Tướng Nava vạch ra một kế hoạch đại thể gồm hai bước, được thực hiện khoảng 18 tháng để nước Pháp có thể xuống thang chiến tranh có "danh dự"
Bước thứ nhất: Thu đông 1953 và xuân 1954 giữ thế phòng ngự ở miền Bắc và thực hiện tấn công chiến lược tại miền Trung và miền Nam.
Bước thứ hai: Chuyển từ phòng ngự sang tấn công chiến lược ở phía Bắc để tiêu diệt chủ lực của Việt Minh.
Để thực hiện kế hoạch này Pháp cho tiến hành xây dựng và tập trung lực lượng cơ động lớn, mở rộng quân đội bản địa, càn quét bình định vùng kiểm soát. Thực hành tấn công chiến lược ở vùng Khu V., Navarre được nhà nước Pháp cấp thêm cho chín tiểu đoàn tinh nhuệ. Viện trợ Mỹ tăng vọt, chiếm đại đa số chi phí chiến tranh.
Về phía Việt Minh, sau khi CHNDTH thành lập, viện trợ quân sự của khối XHCN cho VNDCCH tăng lên rất nhanh, tạo điều kiện để VNDCCH có thể tiến hành các chiến dịch quân sự tương đối và lớn, tổ chức và huấn luyện các đơn vị quân sự cấp Sư đoàn, bộ binh và các đơn vị pháo binh, công binh.
Sau năm chiến dịch tấn công quân Pháp trên toàn Đông Dương (Lai Châu, Hạ Lào và Đông Campuchia, Tây Nguyên, Trung Lào, Thượng Lào), Pháp buộc phải điều quân phân tán khắp nơi để đối phó lại, và trong số đó, Điên Biên Phủ là nơi tập trung binh lực lớn thứ hai của Pháp tại Đông Dương (sau đồng bằng Bắc Bộ), Bộ chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam nhìn nhận trận Điện Biên Phủ như cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó chấm dứt kháng chiến trường kỳ, và đã chấp nhận thách thức của quân Pháp để tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là trận quyết chiến chiến lược của QĐNDVN.
Các phe tham chiến:
+Quân đội Liên Hiệp Pháp chiến đấu với lực lượng VNDCCH (Việt Minh)
Chỉ huy lực lượng Việt Minh là Võ Nguyên Giáp.
+Bên quân đội Liên Hiệp Pháp là Christian de Castries và Pierre Langlais và Tướng Christian de Castries
Lực lượng hai bên:
+Quân đội Nhân Dân Việt Nam: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia gồm 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu), 1 trung đoàn pháo binh 75 ly (24 khẩu) và súng cối 120 ly (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ 24 khẩu 37 ly (367)(sau được tăng thêm một tiểu đoàn 12 khẩu) vốn là phối thuộc của đại đoàn công pháo 351 (công binh – pháo binh). Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm tham mưu trưởng chiến dịch. Thiếu tướng Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm cung cấp chiến dịch. Ông Lê Liêm làm Chủ nhiệm chính trị chiến dịch.
Tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư Lệnh chiến dịch Điên Biên Phủ.
Thiếu Tướng Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng chiến dịch.
Gồm các đơn vị sau:
- Đại đoàn bộ binh 304 (thiếu). Mật danh: Nam Định. Danh hiệu: Vinh Quang. Chỉ huy là Chính ủy Lê Chưởng, tham mưu trưởng Nam Long. Biên chế: Trung đoàn bộ binh 9( Trần Thanh Tú), Trung đoàn bộ binh 57(Nguyên Cận) – riêng Trung đoàn này tham gia từ đợt 3.
- Đại đoàn bộ binh 308. Mật danh:Việt Bắc. Danh hiệu: Quân Tiên Phong. Chỉ huy là Đại tá Vương Thừa Vũ, chính ủy Song Hào. Đại đoàn này gồm 3 trung đoàn:
· Trung đoàn bộ binh 36. Mật danh: Sa pa. Danh hiệu: Bắc Bắc. Chỉ huy: Phạm Hồng Sơn. Biên chế: Tiểu đoàn 80, Tiểu đoàn 84,Tiểu đoàn 89.
· Trung đoàn bộ binh 88. Mật danh:Tam Đảo. Danh hiệu:Tu Vũ. Biên chế: Chỉ huy: Nam Hà. Tiểu đoàn 23, Tiểu đoàn 29, Tiểu đoàn 322
· Trung đoàn bộ binh 102. Mật danh: Ba Vì. Danh hiệu: Thủ đô. Chỉ huy: Nguyễn Hùng Sinh. Biên chế: Tiểu đoàn 18, Tiểu đoàn 54, Tiểu đoàn 79
- Đại đoàn bộ binh 312. Mật danh: Bến Tre. Danh hiệu: Chiến thắng. Chỉ huy: Đại tá Lê Trọng tấn, chính ủy Trần Độ. Biên chế gồm Trung đoàn bộ binh 141(Quang Tuyến); Trung đoàn bộ binh 165( Lê Thùy chỉ huy, mật danh Đông Triều, danh hiệu Lao Hà Yên, thành đồng biên giới); Trung đoàn bộ binh 209 (Hoàng Cầm).
- Đại đoàn bộ binh 316. Mật danh Biên Hòa. Chỉ huy là Đại tá Lê Quảng Ba, chính ủy Chu Huy Mân. Biên chế gồm Trung đoàn bộ binh 98 ( Vũ Lăng); Trung đoàn bộ binh 174 ( chỉ huy là Nguyễn Hữu An, mật danh Sóc trăng, danh hiệu Cao Bắc Lạng); Trung đoàn bộ binh 176.
- Đại đoàn công pháp 351. Mật danh Long Châu. Chỉ huy là Quyền Tư Lệnh Đào Văn Trường, chính ủy Phậm Ngọc Mậu. Biên chế gồm Trung đoàn Pháo Binh 45( Nguyễn Hữu Mỹ chỉ huy, trang bị 24 lựu pháp 105mm);Trung đoàn pháo binh 675(Doãn Tuế chỉ huy, trang bị 20 sơn pháo 75mm);Trung đoàn pháo binh 237 (trang bị 54 súng cối 82mm, 12 pháo phản lực H6 và một số DKZ 75mm); Tiểu đoàn súng cối 83( trang bị 20 súng cối 120mm);Trung đoàn cao xạ 367 (thiếu)( Chỉ huy là Lê Văn tri, trang bị 24 cao xạ 37mm, sau tăng cường thêm 12 cao xạ 37mm); Trung đoàn Công binh 351 (Phạm Hoàng) gồm 4 tiểu đoàn công binh.
Dân công hỏa tuyến khoảng hơn 26 vạn người. Phương tiện vận chuyển gồm 628 ô tô, 11800 thuyền, hơn 20 vạn chiếc xe đạp thồ.
+ Quân đội Liên Hiệp Pháp:
Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M-24 của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). Lực lượng này gồm khoảng 16.100 quân được tổ chức thành 3 phân khu:
· Bắc: Him Lam – Béatrice, Độc Lập – Gabrielle, Bản Kéo – Anne Marie 1, 2.
· Trung tâm: Các điểm cao phía Đông – Dominique, Eliane, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía Tây Mường Thanh – Huguette, Claudine, đây là khu vực mạnh nhất của quân Pháp.
· Nam: cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm – Isabelle.
Tổng cộng tất cả là 8 trung tâm đề kháng (Béatrice, Gabrielle, Anne Marie, Dominique, Eliane, Huguette, Claudine, Isabelle) gồm 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn trang bị hỏa lực mạnh yểm trợ lẫn nhau; có 2 sân bay: Mường Thanh và Hồng Cúm để lập cầu hàng không. Đại tá Christian de Castries (trong thời gian chiến dịch được thăng hàm Thiếu tướng) là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm.
Hỗ trợ cho Điện Biên Phủ là lực lượng không quân Liên hiệp Pháp, và không quân dân sự Mỹ.
Khi lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã đánh giá sai khả năng của đối phương và đều cho rằng Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả chiến bại.
Về phía Việt Minh tuy có quân số đông đảo hơn nhiều đối phương nhưng chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn trên cấp tiểu đoàn. Và đặc biệt khó khăn lớn nhất của Việt Minh là khâu tiếp tế hậu cần. Phía Pháp cho rằng các khó khăn đó của Việt Minh là không thể khắc phục nổi nhất là khi mùa mưa đến.
Thêm nữa, tuy quân Pháp bị bao vây vào giữa lòng chảo Điện Biên, Pháp ở đáy một chiếc mũ lộn ngược còn Việt Minh ở trên vành mũ, nhưng đó là ở tầm qui mô chiến dịch. Từ đồn Pháp ra đến rìa thung lũng trung bình là 2 đến 3 km, vậy nên ở qui mô từng trận đánh thì Pháp lại ở trên cao, còn quân Việt Minh ở dưới thấp.
Trong từng trận đánh cụ thể, việc tiếp cận đồn Pháp cũng không dễ dàng. Khi người Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20 tháng 11 năm 1953, một trong những công việc đầu tiên của họ là săn phẳng mọi chướng ngại vật trong thung lũng. Lý do chính là để tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn và tầm tác xạ của các loại hoả lực, tiếp đó là để lấy nguyên vật liệu nhằm xây dựng tập đoàn cứ điểm. Hàng nghìn dân vốn sống ở trung tâm Điện Biên Phủ được dồn vào khu vực bản Noong Nhai. Hơn nữa, các loại hoả lực như xe tăng, lựu pháo, cối, súng phóng lựu, DKZ v.v. không bao giờ ngồi yên. Để có thể xung phong tiếp cận hàng rào, bộ đội Việt Minh phải chạy khoảng 200 m giữa địa hình trống trải.
Việc bắn tỉa cũng hoàn toàn không đơn giản. Giống như phục kích, không phải chỗ nào cũng có thể là chỗ bắn tỉa được. Việt Minh tuy có lợi thế hơn, nhưng thường thì những địa điểm bắn tỉa hiệu quả chỉ tập trung vào một vài đoạn hào chủ yếu. Một khi phía bên kia đã kê súng máy, hay chiếm được lợi thế trước thì công việc gần như là bất khả thi. Với những khoảng cách lớn, việc bắn tỉa không có hiệu quả.
--Các nỗ lực hậu cần của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Để một lực lượng mạnh cho chiến dịch Điện Biên Phủ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã huy động tối đa về sức người và sức của: hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Chính phủ đã huy động dân công từ vùng do Việt Minh kiểm soát đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động tới hàng chục vạn người (gấp nhiều lần quân đội) và được tổ chức biên chế như quân đội. Riêng đội xe đạp thồ đã lên trên 20.000 người, mỗi xe chở được 200-300kg. Đây là việc ngoài tầm dự tính của các cấp chỉ huy Pháp vì họ cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy được.
Xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngoài hàng chục ngàn tấn vũ khí đạn dược, Việt Minh huy động được hơn 27000 tấn gạo, hơn 1800 tấn thịt.
Ngoài ra, Pháp cũng đã đánh giá sai khả năng pháo binh của Việt Minh khi cho rằng đối phương không thể mang pháo lớn (lựu pháo 105 mm và pháo cao xạ 37 mm) vào Điện Biên Phủ mà chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháo 75 mm trợ chiến mà thôi. Phía Việt Minh đã dùng sức người để đưa được lựu pháo 105 mm lên các hầm pháo khoét sâu vào các sườn núi từ trên cao có khả năng khống chế rất tốt lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại rất an toàn trước pháo binh và máy bay
Tướng Võ Nguyên Giáp bàn thảo kế hoạch tác chiến.
Ngày 14 tháng 1 năm 1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh và Ban chỉ huy mặt trận của Việt Minh phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20 tháng 1. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng Lao động Việt nam, Quân uỷ Trung ương cùng Bộ tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc.
Do một đơn vị đại bác Việt Minh vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày đến 17 giờ ngày 25 tháng 1. Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị lộ, Pháp biết được, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26 tháng 1.
Ngày và đêm 25 tháng 1, Đại tướng Tổng tư lệnh quân Việt Minh Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và quyết định phải cho lui quân do ba khó khăn rõ rệt
1. Bộ đội chủ lực Việt Minh cho đến thời điểm đó chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm. Ví dụ tại trận Nà Sản bộ đội đã không thành công, và bị thương vong nhiều.
2. Trận này là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập.
3. Bộ đội Việt Minh từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phương án "đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "đánh chắc thắng chắc" dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm.
Cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận của Việt Minh sáng 26 tháng 1 không đi đến được ý kiến thống nhất tuy không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng. Tuy nhiên, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.
Trong vòng gần 2 tháng sau đó, pháo được kéo ra, quân Việt Minh tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.
Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc phải chuẩn bị lại hậu cần cho chiến dịch, nhu cầu hậu cần sẽ tăng lên gấp nhiều lần, diễn ra trong mùa mưa và phải bố trí lại sơ đồ các trận địa pháo, phải kéo pháo ra khỏi các sườn núi rồi kéo lại vào các vị trí mới. Phía Việt Minh đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được với một nỗ lực rất lớn.
Sau này khi tổng kết về chiến thắng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất được với nhau: một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Việt Minh tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn nguồn sức người để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một việc mà đối phương cho rằng không thể giải quyết được.
Diễn biến
Lược đồ chiến dịch Điện Biên Phủ
Trận đánh diễn ra trong 55 ngày đêm vì quân Việt Minh có khó khăn trong hậu cần nên không thể tiến công liên tục mà chia thành các đợt tiến công. Sau mỗi đợt lại tổ chức lại quân số, bổ sung hậu cần.
Đợt 1 từ 13 tháng 3 đến 17 tháng 4, Quân Việt Minh tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. 17 giờ 5 phút chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, trận đánh bắt đầu. Quân đội Nhân dân Việt Nam sau đợt bắn pháo dữ dội, tiến công một trong các cứ điểm kiên cố nhất là cụm cứ điểm Him Lam (Béatrice) và sau một đêm đã chiếm xong cụm cứ điểm này; sau đó đến 17 tháng 4 Việt Minh lần lượt mỗi ngày diệt một cứ điểm: đồi Độc Lập (Gabrielle), Bản Kéo (Anne Marie 1, 2) và toàn bộ phân khu Bắc.
Ngay từ những ngày đầu (từ 23 tháng 3) pháo binh của Việt Nam đã loại bỏ khả năng cất, hạ cánh của sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, từ đó trở đi các máy bay Pháp chỉ còn tiếp tế được cho tập đoàn cứ điểm bằng cách thả dù điều này cho thấy cầu hàng không mà bộ chỉ huy Pháp đặt nhiều kỳ vọng thực tế là rất yếu kém trước cách đánh áp sát của đối phương.
Nói riêng về đạn pháo, trong quá trình chiến đấu tại ĐBP người Pháp đã bắn hết hơn 110.000 quả đạn lựu pháo cỡ 105mm trở lên. Việt Minh đã bắn 20.000 quả 105mm, trong số này có 5.000 quả là đoạt được từ dù tiếp tế của đối phương.
Ngay từ những ngày đầu của đợt 1 quân Pháp đã nhận thức rõ được những điểm yếu chết người của mình và tương lai thất bại rõ ràng nhưng họ vẫn tăng cường cầm cự Điện Biên Phủ đến mức tối đa vì hy vọng khi mùa mưa đến Việt Minh không thể giải quyết vấn đề hậu cần và sẽ bỏ cuộc, Điện Biên Phủ sẽ tránh được đầu hàng. Sau đó khi mùa mưa không giúp được, bộ chỉ huy Pháp hy vọng cầm cự càng lâu càng tốt để Hội nghị Genève sẽ nhóm họp vào đầu tháng 5, sẽ có ngừng bắn trước khi tập đoàn sụp đổ. Nhưng hy vọng này cũng không có được, Điện Biên Phủ đầu hàng một ngày trước khi nhóm họp Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương.
Dù thả xuống Điện Biên Phủ từ máy bay Pháp.
Đợt 2 từ 30 tháng 3 đến 26 tháng 4, Việt Minh đánh phân khu trung tâm đặc biệt là dẫy điểm cao quan trọng phía đông, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công vào phân khu trung tâm chủ yếu nhằm chiếm dẫy đồi phía đông khống chế cánh đồng Mường Thanh (các cụm Dominique và Eliane). Tại đây hai bên đánh nhau giành đi giật lại các mỏm đồi có tính sống còn đối với tập đoàn cứ điểm, đặc biệt là các đồi A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), D1 (Dominique 2), thương vong của hai bên rất lớn. Phía Pháp dựa vào hầm ngầm, lô cốt để cố thủ và đưa quân từ các điểm khác dùng xe tăng và lính dù, lính lê dương (légionnaire) để phản kích, các cứ điểm này vì có tính sống còn với quân Pháp đã được quân phòng ngự chiến đấu ngoan cường, quyết liệt phản kích liên tục để giữ vững và đã chống cự đến ngày cuối cùng của tập đoàn cứ điểm.
Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, quân đội Việt Minh đã áp dụng chiến thuật "vây lấn" rất có hiệu quả bằng hệ thống chiến hào họ đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp. Các chiến hào này tránh cho quân tiến công thương vong vì pháo binh và không quân địch và vào sát được vị trí của quân địch, làm vị trí bàn đạp tấn công rất thuận lợi. Quân Pháp ngay từ ngày đầu tiên của trận đánh đã nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của cách đánh này mà không có phương sách nào để khắc chế. Quân Việt Minh vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể hẹp hơn.
Cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ càng ngày càng yếu thế cho phía Pháp. Quân Pháp chỉ còn trông đợi vào dù tiếp tế nhưng phạm vi chiếm đóng bị thu hẹp và máy bay bị hệ thống phòng không của Việt Minh đánh mạnh nên dù tiếp tế và cả lính nhảy dù phần nhiều rơi sang phía đối phương. Mùa mưa lại tới, hầm hố của quân phòng thủ trở nên lầy lội thương binh không di tản đi được, lính chết không có chỗ chôn, bệnh tật, đường ruột phát sinh, đối phương lại áp sát bắn tỉa, tiếp tế thiếu mà việc lấy được dù cũng vô cùng khó khăn đi kèm với thương vong: quân Pháp thường phải đói khát đến đêm mới dám ra lấy dù. Tình cảnh của quân Pháp ngày càng bi đát và đi đến cùng cực. Điện Biên Phủ cho thấy khi bị bao vây cô lập thì một tiền đồn dù mạnh đến đâu rồi cũng sẽ bị tiêu diệt.
Đợt 3 từ 1 tháng 5 đến 7 tháng 5, Việt Minh đánh dứt điểm dẫy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Sau khi lực lượng của Pháp đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt, bổ sung bằng dù không còn đủ để duy trì sức chiến đấu, và quân Pháp ở Bắc bộ cũng đã hết lính dù và lính légionnaire có thể ném tiếp xuống Điện Biên Phủ, quân Việt Minh tổ chức đợt đánh dứt điểm các quả đồi phía đông. Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ không thể xung phong đánh chiếm được trên đồi A1 có vị trí quyết định, bộ đội công binh Việt Nam đã đào một hầm ngầm phía dưới và cho nổ 1 tấn thuốc nổ hất tung hệ thống hầm ngầm cố thủ cuối cùng. Đến sáng ngày 7 tháng 5 các quả đồi phía đông này đã thất thủ hoàn toàn mà phía Pháp không còn lực lượng khả dĩ chiếm lại, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổng tiến công trên khắp các mặt trận quân Pháp đã sức tàn lực kiệt quyết định đầu hàng, Quân đội Nhân dân Việt nam bắt Thiếu tướng chỉ huy Christian de Castries và toàn ban tham mưu tập đoàn cứ điểm.
Cụm phân khu Nam Hồng Cúm mưu toan chạy sang Lào nhưng bị quân Việt Minh đuổi theo tất cả đã bị bắt không đi thoát. Gần 10.000 số quân Pháp còn lại tại Điện Biên Phủ đã bị bắt làm tù binh.
Kết quả
Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Thiệt hại về phía Pháp là 1.747 người chết, 5.240 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh. Ngoài ra còn có 2 phi công Mỹ chết và 1 bị thương.
Thiệt hại về phía Việt Minh theo Việt Minh là 4.020 người chết[, 10.130 người bị thương, và 792 mất tích. Hiện nay tại ĐBP, có 3 nghĩa trang liệt sỹ trận này là nghĩa trang phía gần đồi Độc Lập, nghĩa trang gần đồi Him Lam và nghĩa trang gần đồi A1, lần lượt các nghĩa trang trên có 2432, 896 và 648 ngôi mộ. Tổng cộng là 3976 ngôi. Do một trận lũ lớn vào năm 1954 mà 3972 ngôi là liệt sỹ chưa biết tên. Chỉ có 4 ngôi được đặt riêng biệt là mộ các anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can là còn biết được.
Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Hậu quả
Hiệp định Geneve được Ký kết với việc chia cắt Vn làm đôi (vĩ tuyến 17 – sông Bến Hải), chờ năm 1956 tổng tuyển cử.
TruyenHD
Clip The VietNam war, DienBienPhu:
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD
TruyenHD