Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 15

Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Tiếng pháo nổ suốt cả đoạn đường, đưa “đoàn xe” nhà trai đến trước cổng chính nhà gái, tuy con la mà đàng trai mượn gấp để kéo xe trông có vẻ già hơn con lừa xám nhà ông ngoại Tôn Biền, nhưng mà lớn tuổi cũng có điểm tốt riêng nha. Đi đường dây pháo nổ suốt mà bộ dạng con la già kia chả thấy chút hoảng sợ nào, vẫn cứ kéo cỗ xe thong dong, ổn định đi trên con đường đất dưới quê, đến cả đóa hoa hồng lớn đeo trên đầu còn không hề xốc xếch tý nào đâu.

So ra thì mấy thanh niên phụ trách đón dâu ngồi trên xe có vẻ hơi hồi hộp, nhất là chú rể mặc âu phục màu xám, đeo hoa hồng trước ngực kia, đã toát hết cả mồ hôi thấm ra bên ngoài vest rồi. Cũng không biết là bởi nóng hay là do đâu nữa.

Phía sau cỗ xe đón dâu còn có sáu, bảy người trẻ tuổi chạy xe đạp tới, bọn họ là người thân, bạn bè của chú rể, cũng cùng đi theo đón dâu. Lỡ đâu bên nhà vợ nhiều người đi đưa dâu thì nhất định phải nhường chỗ trên xe, mấy người này sẽ chịu trách nhiệm đưa mấy người nhường chỗ về.

Khu vực cổng nhà ông chú hai Tôn Biền rất rộng rãi, thế nên xe rước dâu chạy thẳng tới cổng chính mới dừng lại. Thấy đoàn đón dâu đã xuống xe, cổng nhà gái bắn ống pháo mừng, Tôn Ký trong sân thì chỉ huy đám đồng bọn mỗi đứa kiếm chỗ đứng chặn cổng cho tốt.

Bọn nó chỉ chặn cổng chính chứ tuyệt đối sẽ không chốt cửa cài then, mấy đứa khỉ gió này biết thừa, chặn cổng chú rể chỉ là một phương pháp để làm không khí náo nhiệt thôi, cũng không thật sự phải đóng kín cửa không cho người vào.

Nếu bọn nó chặn đoàn rước dâu không thể vào được thì người đầu tiên không muốn chính là cô dâu, đến lúc đó chắc chỉ có chúng vui.

Chú rể rất quen thuộc với nhà cô dâu, tới khi đến nơi thì anh không còn căng thẳng nữa, chờ bạn bè và họ hàng đi theo xuống xe hết, chú rể mới đi tới trước cổng chính, xuyên qua khe hở lớn của cổng rào sắt, liếc mắt là thấy đầu sỏ Tôn Ký.

Chú rể là học trò của ông ngoại Điền, mấy năm trước tới theo ông học làm nghề mộc. Nhắc mới nhớ, ông ngoại Tôn Biền cũng có thể xem như là người làm mai cho mối hôn sự này, dù sao nhà trai với nhà gái cũng do ông giới thiệu quen nhau.

Ông ngoại Điền nhất quyết muốn tự mình dắt theo học trò dạy dỗ, mà ba anh em Tôn Biền chắn chắn sẽ về nhà ngoại vào kỳ nghỉ đông và kỳ nghỉ hè hằng năm, bởi thế mấy đứa bé nhà họ Tôn đều quen học trò của ông hết.

Nhất là thằng Tôn Ký, cái con khỉ thành tinh, chuyện dắt người đi chặn cửa nhất định chính là chủ kiến của nó.

Ngoài cổng lớn nhà cô dâu có hàng rào sắt, độ rộng khe cửa có thể thoải mái thò nắm tay vào, thực tế đa số cửa sân mấy nhà dưới nông thôn đều như vậy, bình thường gần như không cài then, đi ra đi vào cũng chỉ đóng cổng lại, đề phòng chó hoặc heo, mấy loại gia súc lớn trong nhà chạy ra ngoài.

Bây giờ chú rể đang cúi người, cách cánh cổng sắt nói với Tôn Ký: “Tiểu Ký, mở cửa cho chú được không nè? Chú mang kẹo cưới tới, mở cửa đi rồi chú cho con ăn kẹo mừng.”

Vào thời đại này, bánh kẹo cũng không phải loại quà vặt trẻ con dưới quê cứ muốn là ăn được, mặt hàng đường viên bên hợp tác xã mua bán cũng cần có phiếu đường, hơn nữa giá còn rất mắc. Gia đình bình thường cũng không nỡ đưa thứ này cho con cái ăn thỏa thích.

Nếu như mọi khi thì chiêu này chắc là đã dùng được, tiếc rằng ông chú hai Điền gả con gái nên vui, cho quan khách ăn kẹo, hạt dưa, đậu phộng thoải mái. Giờ cái đám khỉ này trong túi mỗi đứa còn đựng không ít đường đâu.

Tôn Ký còn chứa không ít hàng tồn trong túi áo, dứt khoát từ chối chú rể “đút lót”, ra vẻ tướng nhí làm cách mạng, nắm chặt bàn tay vung nắm đấm hùng hồn: “Không được, hôm nay công việc của bọn con chính là phải bảo vệ tốt cái cổng này.”

“Bạn nhỏ, làm tương đối thôi là được mà, mau cho tụi chú đi vào đi.”

Trong đám tới rước dâu bên nhà trai có người thấy đám Tôn Ký còn vắt mũi chưa sạch, mới nghĩ trò lừa cho qua chuyện.

Ai ngờ Tôn Ký nghe thế lại dõng dạc đáp: “Vị đồng chí này, xin gọi tôi là đồng chí nhí, quần chúng cách mạng không phân biệt lớn nhỏ.”

Người lúc nãy mới nói thật không ngờ có thể nghe được một câu như vậy, trợn tròn mắt giật mình, không biết nên trả lời như thế nào.

Chú rể cũng tự nhủ may mà mình sớm nghe tin, biết thừa thằng nhóc này bày kế canh cửa, bằng không thì hôm nay không dễ đi vào cổng.

Nghĩ tới đây chú rể mới nháy mắt về phía sau, có người hiểu ý ngay đưa sang một cái túi, bên trong đựng mớ tiền lẻ anh đã sớm đổi, toàn bộ đều là đồng một, hai xu.

Chú rể thuận tay vốc mấy đồng trong túi, đám người bên cạnh hỗ trợ hô những lời may mắn, vừa kêu đại cát đại lợi xong mấy đồng bạc đã rơi khắp sân. Nhóm khỉ gió vốn đứng chặn cổng chính thấy vậy cũng không thèm lo gì nữa, lập tức hí hửng chạy khắp nơi trong sân cướp tiền lẻ.

Phải biết là thời đại này còn chưa có khái niệm tiền tiêu vặt đâu, những năm tháng mà dầu muối tương giấm đều nhờ cả vào gà vịt đẻ được nhiều trứng, có thể cho ăn cho mặc cho đến trường đã rất tốt rồi, muốn tiêu tiền thì tự mình nghĩ cách đi.

Bình thường bọn nhỏ còn phải giúp gia đình đốn củi, làm việc, chỉ khi nghỉ đông và nghỉ hè có thời gian mới đi đào chút dược liệu, tìm cây nấm, thổ sản… tới chợ phiên đổi mấy hào, tiền đổi được đưa cho nhà một ít, còn lại thật đúng là một xu cũng muốn chia làm hai nửa dùng.

Mấy đồng vung vào trong sân kia, có lẽ cộng lại cũng không nhiều mấy, nhưng mà đối với bọn nhỏ nông thôn tay không đồng bạc, vô cùng khát khao tiền tiêu vặt mà nói thì sức hấp dẫn thật quá lớn. Khiến cho chúng nó đến cả “tình nghĩa anh em” cũng không màng.

Tôn Ký đứng giậm châm nhìn trong sân, kêu mấy tiếng đây là viên đại bọc đường của quân địch, các anh em chớ có bị lừa.

Nhưng mà không ai nghe nó nói, bọn nhỏ vẫn chỉ lo cúi đầu ra sức nhặt tiền. Tôn Ký một thân một mình chỉ có thể trơ mắt nhìn “phe địch” mở cổng lớn ra nhanh chóng rồi tiến quân thần tốc.

Tôn Ký bị mất cổng thành thấy thật sự không ngăn được nữa, cuối cùng đành phải từ bỏ, hô chừa mình một chút xong cũng gia nhập đám khỉ cướp tiền lẻ luôn.

Mấy cô bé đứng trong nhà thấy rõ tất cả mọi chuyện diễn ra trong sân nãy giờ, mọi người cười nói lần này xem như Tiểu Ký đυ.ng phải đối thủ rồi. Đây cũng là lần chặn cửa thất bại nhất của cu cậu từ trước đến nay.

Thấy đội rước dâu sắp đi qua sân vào trước cửa gian nhà chính, mẹ Tôn vốn đang giúp cô em họ sửa soạn đồ cưới, nữ trang ở phòng phía Tây đột nhiên chạy chậm ra bảo: “Tiểu Biền, con mau tới giúp ngăn chồng dì nhỏ một lúc đi, chậu đồ cưới dì con còn chưa được thêm đầy.”

“Cái gì? Không phải đã chuẩn bị xong hết rồi sao hả mẹ? Mẹ bắt con cản làm sao đây?” Tôn Biền trước nay đều là người qua đường khi chặn cửa, nghe thế đau hết cả đầu.

“Ai mà ngờ cái thằng Tiểu Ký kia vô dụng thế, hồi trước nó cũng cản được hơn mười phút, đều nhờ vào nó tạo không khí, lần này khéo cũng không bận rộn được một phút để giúp đỡ. Mà chẳng bảo con ngăn bao lâu đâu, năm, ba phút thôi là được rồi. Còn mấy con bé này nữa, mau giúp chặn lại đi, dì về nhét đồ vào đây.”

Chậu đồ cưới chính là một cái chậu rửa mặt có màu đỏ mà lúc ra cửa cô dâu sẽ bưng trên tay, bên trong đựng, gương, lược, một vài đồ trang điểm cô dâu sử dụng, quan trọng nhất chính là một hộp sủi cảo sinh(1)

trong nhà gói kỹ cho. Thời đại này dựng vợ gả chồng cũng không quá chú trọng, chỉ món này phải có, đây là lời chúc phúc nhà mẹ đẻ dành tặng cho vợ chồng mới cưới, cũng là sự mong đợi đối với sinh mệnh mới.

Trước khi cô dâu vào nhà chồng không thể để ông xã nhìn thấy thứ sủi cảo này được, cho nên nhất định phải đựng trong một chiếc hộp màu đỏ, sau khi vào cửa thì nhờ cô em chồng đun sôi giúp. Tôn Biền đoán chắc là mọi người đang sửa soạn cái này, nếu không thì đã chẳng cố ý kêu đi chặn cửa.

Mẹ Tôn nói xong cũng đi mất, Tôn Biền và mấy đứa con gái khác ở lại ngơ ngác nhìn nhau.

Bọn họ mới nói chuyện một lúc, đội đón dâu đã qua sân đi thẳng tới cửa, Tôn Biền thấy cửa gỗ sắp bị đẩy ra, trong tình thế gấp gáp, cô không nói hai lời mà trực tiếp xông lên.

Đùng một cái, cửa vốn đã hé ra được một tý bị người trong phòng đóng lại, chú rể bên ngoài vốn đang định đẩy cửa vào xém chút nữa là bị đập vào mặt.

Vẻ mặt chàng rể ngạc nhiên đứng ngoài cửa cẩn thận nhớ lại, lòng tự nhủ vợ đâu có nói cho anh biết là còn có lần chặn cửa thứ hai đâu.

Chú rể bối rối đứng gõ cửa, không dám dùng quá sức, chỉ vừa gõ nhẹ vừa nói: “Có thể mở cửa ra chút được không?”

Nói xong mới móc mấy cái bao đỏ trong túi ra, nhét vào khe cửa.

Thời này chặn cửa đòi bao đỏ chưa phổ biến đâu, bên đàng gái chỉ có chị dâu xếp chăn và em trai, em gái phụ trách đưa dâu mới được cầm. Bên đàng trai thì là em trai áp giường với chị dâu giúp nấu sủi cảo sinh cho em chồng mới vào cửa.

Nhưng người chủ trì hiểu biết rộng rãi vẫn lặng lẽ dặn dò chú rể đi rước dâu chuẩn bị mấy cái phong bì. Không cần bỏ nhiều tiền bên trong, cho một hào là được, chính là để phòng bên nhà gái có trường hợp giống như bọn Tôn Biền, đám đồng lứa hoặc đám “nhóc tỳ” quá hân hoan gây náo nhiệt.

Chú rể cho rằng mình đang gặp phải tình huống này, nhưng không ngờ bao đỏ nhét vào chưa được vài giây đã bị trả lại, một cô bé trong phòng cất giọng lanh lảnh pha chút lúng túng nói: “Dượng nhỏ, không cần phải đưa bao tiền gấp vậy đâu, chúng ta chơi trò chơi đi, con hỏi dượng đáp được không?”

Chẳng đợi chú rể suy nghĩ rõ ràng đã nghe câu hỏi: “Tác giả của ‘Nhạc Dương lâu ký’ là ai?”

Đội rước dâu: “…”

Đợi một lúc thấy không ai trả lời, người ra đề bên trong đại khái cũng biết rằng mình đã phạm sai lầm, vội đổi đề: “Lý Bạch là thi nhân của triều đại nào? Không thì đọc thuộc lòng bài “Mẫn nông”(*)

cũng được.”

(*)

Bài thơ Mẫn nông của Lý Thân đời Đường (Trung Quốc) có bản dịch là bài ca dao mà người Việt ta rất quen thuộc:

Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi, bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Đoàn đón dâu mặt mơ màng nhìn nhau, họ chẳng phải không biết, mà là đang ngỡ ngàng, nghi ngờ bản thân tới rước dâu hay là tới dự thi?

Cũng chả nghe nói nhà cô dâu có họ hàng gần với giáo viên dạy văn mà?

Lúc Tôn Biền chặn cửa, Tôn Ký đã nhặt đồng xu xong túm áo chạy đến, quan sát đám người bị câu hỏi ngăn ngoài cửa kia, vỗ đùi bảo: “Chị làm tốt ghê, thời khắc mấu chốt đồng chí lão thành vẫn được việc.”

Tôn Biền ở trong phòng đang mạnh mẽ kiên trì đến cùng nghe thế hít sâu, hiện tại cô đang rất muốn lao ra cho thằng em biết thế nào là sự phẫn nộ của “đồng chí lão thành”.

May mà ngay trong khoảng thời gian cô chặn cửa, mọi thứ trong phòng đều đã được chuẩn bị ổn thỏa, mẹ Tôn ra hiệu cho con gái có thể thả rồi. Tôn Biền thở dài, buông cánh cửa ra nhiệt tình tiếp đón, lòng tự nhủ sau này đi xem trò vui cũng không đứng gần như vậy đâu, cảm giác bị người ta nắm thóp thiệt không dễ chịu.

Cô dâu chú rể cùng nhau tạm biệt bố mẹ, thấy con gái và con rể, hai cụ khóc sướt mướt, không ngừng dặn dò con mình tới nhà chồng phải sống thật tốt.

Cứ thế, cuối cùng cô dâu cũng được đón ra ngoài, người nhà mẹ đẻ lập tức cùng nhau tiến lên, vai gánh lưng vác đặt đồ cưới lên xe lừa. Cậu cả cô sẽ chịu trách nhiệm điều khiến chiếc xe đưa dâu hân hoan này.

Thấy cô dâu mới gả đã được nhà chồng tới đón đi, đám người thân bạn bè trong thôn cũng coi như hoàn thành nhiệm vụ. Người trong thôn xúm lại cùng nói chuyện phiếm, ông chú hai vừa gả con gái đi tới bên cạnh anh cả đưa một hộp thuốc lá Hatamen nói: “Anh, rút một điếu đi.”

Ông ngoại Điền nghe thế mới khoát tay với em trai: “Hút miệng chán lắm.”

Nói xong mới lấy ống thuốc giắt sau thắt lưng ra, sau khi cho lá thuốc vào bên trong tẩu đồng, châm lửa hút.

Hết chương 15.