Mùa an cư chấm dứt, các vị khất sĩ và nữ khất sĩ còn chưa kịp lên đường hành hóa thì nghe chiến tranh bùng nổ giữa hai vương quốc Câu Tát La và Ma Kiệt Đà. Đại binh của nước Ma Kiệt Đà đã vượt sông Hằng đi vào xứ Ca Thi, thuộc lãnh thổ Câu Tát La. Quốc vương A Xà Thế Videhyputta tự tay thống lãnh binh tướng qua chinh phạt nước Câu Tát La. Tướng lãnh thống suốt cả voi, ngựa, xe và pháo, đang hướng về phía thành Ba La Nại, thủ phủ xứ Ca Thi.
Bên phía vương quốc Câu Tát La sau khi được thám tử thông báo, cũng đã chuẩn bị quân đội gồm đủ voi, ngựa, xe và pháo nhắm xứ Ca Thi tiến tới. Việc binh quá cấp thúc, vua không kịp đến thông báo và từ giã Bụt, vua nhờ thái tử Kỳ Đà tới trình mọi sự với Bụt thay vua.
Bụt đã từng được thông báo rằng sau khi nghe tin A Xà Thế mưu sát cha để lên ngôi, quốc vương Pasenadi đã tỏ ý phản kháng bằng cách lấy lại lãnh thổ của thục ấp vùng Ba La Nại mà ngày xưa thượng hoàng đã tặng cho vua Tần Bà Xa La như vật hồi môn của công chúa Câu Tát Ladevi, khi công chúa về nhà chồng. Thục ấp này từ gần bảy mươi năm nay đã đem lại cho vương quốc Ma Kiệt Đà mỗi năm một số tiền thuế trị giá một trăm ngàn đồng vàng. Vua A Xà Thế không chịu đựng được hành động phản kháng này cho nên đã cất binh sang đánh.
Đại đức Xá Lợi Phất thông báo cho các vị nam nữ khất sĩ ở đâu thì nên hành đạo ngay tại đó, đừng di chuyển nhiều trong thời buổi chiến tranh. Đại đức cũng xin Bụt ở lại Xá Vệ cho đến khi tình hình yên tĩnh.
Hai tháng sau dân chúng kinh hoàng nghe tin binh tướng Câu Tát La đã thất trận tại Ca Thi. Vua Pasenadi và các tướng phải rút tàn binh chạy về kinh đô. Tình hình rất khẩn trương. May thay, hệ thống phòng thủ tại Xá Vệ rất là kiên cố. Binh tướng của vua A Xà Thế đã đuổi theo và công kích ngày đêm mà cũng không hạ được nổi thành.
Sau đó, nhờ kế hoạch của tướng Bandhula, vua Pasenadi phối hợp được quân trong thành và quân từ các địa phương kéo tới để mở một cuộc tổng phản công. Lần này vua thắng lớn, vua A Xà Thế cùng các vị tướng soái dưới quyền đều bị bắt sống. Quân Câu Tát La bắt được trên một vạn tù binh. Số binh lính còn lại, hoặc chết hoặc bỏ chạy tán loạn, có đến trên một vạn. Ngoài ra, quân đội Câu Tát La lại chiếm được rất nhiều voi, ngựa, xe và pháo của bên địch.
Chiến tranh đã kéo dài hơn sáu tháng, dân chúng Xá Vệ được lệnh tổ chức và ăn mừng thắng trận.
Sau khi thu xếp công việc triều đình và binh đội, vua Pasenadi đến thăm Bụt tại tu viện Trúc Lâm.
Vua kể cho Bụt nghe những gian nan của cuộc chiến. Vua nói rằng quốc vương A Xà Thế đã tỏ ý gây hấn; vua chỉ chiến đấu tự vệ thôi chứ không hề chịu trách nhiệm về việc châm lửa chiến tranh. Vua trình với Bụt là có lẽ quốc vương A Xà Thế đã nghe lời những vị mưu thần nhiều quá.
– Bạch Thế Tôn, quốc vương Ma Kiệt Đà dù sao cũng là cháu của trẫm, trẫm không nỡ gϊếŧ, cũng không nỡ bỏ nó vào chốn lao tù, xin Bụt chỉ dạy cho trẫm.
Bụt nói:
– Đại vương, xung quanh đại vương có biết bao nhiêu người thần tử và bạn hữu trung thành. Đại vương thắng trận này không có gì là lạ, nhưng xung quanh quốc vương A Xà Thế có nhiều phần tử xấu, và vì vậy vua ấy đã đi lầm đường lạc nẻo. Như Lai xin đề nghị là đại vương nên lấy lý lẽ để tiếp đãi quốc vương Ma Kiệt Đà cho đúng cung cách của một ông vua đối xử với một ông vua, nhưng đại vương cũng phải có thì giờ để dạy quốc vương Ma Kiệt Đà như dạy một người cháu ruột. Đại vương hãy nhấn mạnh đến sự cần thiết của những người bạn hữu tốt và những kẻ thần tử trung kiên, và cuối cùng đại vương có thể đặt tiệc và đưa vua xứ Ma Kiệt Đà về nước, nền an bình của trăm họ tùy thuộc nơi sự khéo léo của đại vương.
Rồi Bụt cho gọi một vị khất sĩ trẻ tên là Silavat lên và giới thiệu vị này với vua Pasenadi. Khất sĩ Silavat vốn là một vị thái tử, con vua Tần Bà Xa La, em cùng cha nhưng khác mẹ với vua A Xà Thế. Silavat là một người con trai khá thông tuệ; từ mười sáu tuổi, chàng dã được theo học với đại đức Mục Kiền Liên và đã là một người đệ tử tại gia xuất sắc của đại đức.
Sau cuộc chính biến xảy ra tại thủ đô Vương Xá, chàng đã xin đại đức cho chàng xuất gia. Sau lễ xuất gia, khất sĩ Silavat đã được gởi về tu viện Kỳ Đàvana ở thủ đô Xá Vệ để tu học. Đại đức Mục Kiền Liên nghĩ rằng dù Silavat không có ý tranh giành quyền hành với vua A Xà Thế, nhưng gởi vị khất sĩ này qua tu học ở nước Câu Tát La vẫn là có an ninh hơn.
Vua Pasenadi hỏi thăm đại đức Silavat về tình trạng hoàng gia bên Vương Xá và thầy đã cung kính nói hết cho vua nghe tất cả những gì thầy tai nghe mắt thấy.
Đại đức cho vua biết là năm ngoái đã có một người từ thủ đô xứ Ma Kiệt Đà tới với sứ mạng ám sát đại đức, nhưng đại đức đã cải hóa được người ấy và độ cho người ấy được xuất gia. Hiện vị khất sĩ kia đang được tu học ở một trung tâm không xa thành phố.
Quốc vương Pasenadi cung kính lạy tạ Bụt và trở về cung điện.
Vua A Xà Thế sau đó được trả tự do và đưa về nước. Lấy tình thương để xóa bỏ hận thù, vua Pasenadi lại đem công chúa Vajira mà gả cho vua A Xà Thế nữa. Quốc vương A Xà Thế đã là cháu nay lại trở nên con rể của vua. Vua còn hứa sẽ trả lại thục ấp ở Ba La Nại mà ngày xưa thượng hoàng Maha Câu Tát La đã tặng cho xứ Ma Kiệt Đà. Quốc vướng xứ Câu Tát La đã nghe lời Bụt một cách đúng mức.
Chiến tranh đã kết thúc, các vị khất sĩ và nữ khất sĩ lại được phép lên đường hoằng hóa.
Vua Pasenadi truyền xây dựng một tu viện mới cho giáo đoàn khất sĩ tại ven thủ đô. Tu viện này lấy tên là Rajakarama.
Bụt ở lại vương quốc Câu Tát La liên tiếp trong hai năm, an cư mùa mưa tại tu viện Kỳ Đàvana và đi giáo hóa ở nội địa trong những thời gian còn lại. Thỉnh thoảng có tin tức từ vương quốc Ma Kiệt Đà do các vị khất sĩ du hành đem về cho Bụt. Các vị ấy kể sau khi Bụt rời vương quốc, đại đức Đề Bà Đạt Đa không còn được vua A Xà Thế kính nể nữa.
Trong số hơn một trăm vị khất sĩ còn ở lại với đại đức, tám mươi vị đã bỏ đại đức để trở về với giáo đoàn của Bụt và đều được đón nhận trở lại tại tu viện Trúc Lâm. Đại đức càng ngày càng bị cô lập. Gần đây đại đức bị ốm nằm liệt trên núi Tượng Đầu, không đi đâu được cả.
Từ ngày chấm dứt chiến tranh giữa hai nước Câu Tát La và Ma Kiệt Đà, vua A Xà Thế cũng không còn gặp gỡ đại đức Đề Bà Đạt Đa. Vua cũng không có liên lạc nào với giáo đoàn khất sĩ của Bụt. Vua chỉ thân cận với các vị lãnh đạo của những giáo phái khác.
Tuy vậy giáo đoàn khất sĩ vẫn được tiếp tục hành đạo một cách yên ổn. Dân chúng cũng như các vị khất sĩ rất mong ước được Bụt trở về. Núi Linh Thứu và tu viện Trúc Lâm vẫn còn chờ đợi Bụt. Y sĩ Kỳ Bà cũng rất tha thiết mong Bụt trở về.
Mùa lạnh năm ấy hoàng hậu Mạt Lợi băng. Vua Pasenadi buồn quá, tìm tới Bụt để được an ủi. Hoàng hậu là một người bạn đời rất xứng đáng của vua và đã được vua thương yêu hết lòng. Hoàng hậu là một người theo Bụt thuần kính, thông minh, sáng suốt, thông hiểu giáo pháp một cách sâu xa. Ngay trước khi vua được gặp Bụt và tin Bụt, bà đã khuyên vua hành động cho phù hợp chánh pháp. Có lần vì nằm mộng thấy những điều quái gở, vua Pasenadi nghĩ rằng sẽ có những việc rủi ro xảy đến cho mình. Tin vào các vị Bà la môn và đạo sĩ ngoại đạo, vua đã cho chuẩn bị tổ chức tế đàn, sát hại trâu bò để cầu thần linh phù hộ. Chính hoàng hậu đã can gián vua, thuyết phục vua hủy bỏ dự án thiết lập tế đàn. Hoàng hậu còn tham dự và bàn bạc về cả chính sự và soi sáng cho vua rất nhiều trong lúc vua đi tìm những quyết định có liên hệ tới vận mạng của đất nước. Hoàng hậu là một trong những nữ đệ tử tại gia xuất sắc của Bụt. Bà rất ham học hỏi về giáo lý. Bà có thành lập một công viên với một hàng rào cây tinduka bao quanh, có hội trường để tham cứu về giáo pháp. Bà đã có mời Bụt và các cao đức tới hội trường này để thuyết pháp và hướng dẫn những cuộc thảo luận. Công viên này cũng mở cửa cho những vị lãnh đạo các giáo phái khác.
Đau khổ vì bị mất người bạn đời đã bốn mươi mấy năm sống chung, vua tìm đến Bụt. Ngồi yên lặng thật lâu bên Bụt, vua cảm thấy tâm hồn an tịnh trở lại. Vua nghe lời Bụt để thêm thì giờ vào việc tu tập thiền quán. Bụt nhắc lại lời vua nói trước đây là khi tuổi về già, mình phải tinh cần sống đúng theo chánh pháp và tạo hạnh phúc cho mọi người. Bụt khuyên vua tìm cách cải thiện guồng máy tư pháp và kinh tế.
Người nói những hình phạt như đánh đập, tra tấn, giam cầm và tử hình không phải là biện pháp có hiệu lực nhất để ngăn chận trộm cướp. Gặp thời đói kém và loạn lạc, những vụ trộm cướp và bạo động tự nhiên tăng lên bội phần, vì vậy chánh sách an dân và giúp dân xây dựng lại kinh tế là chánh sách căn bản.
Những biện pháp cần làm là cấp thực phẩm, lúa giống và phân bón cho nông dân nghèo để họ có thể sinh sống và sản xuất, cấp vốn cho nhà buôn, tăng lương bổng cho công tư chức, miễn thuế cho dân nghèo, phế bỏ phương pháp đe dọa, bắt buộc và đàn áp người lao công, cho họ chọn làm những nghề mà họ thật sự ưa thích, tạo cơ hội và phương tiện cho họ được hành những nghề ấy. Bụt nói chánh sách kinh tế phải là một chánh sách tự nguyện.
Những lời dạy về chính trị này, nhờ ngồi bên Bụt, hôm ấy đại đức A Nan Đà đã được nghe.
Đại đức đã trùng tuyên lại những ý này trong kinh Kutadanta.
Một buổi chiều tại tu viện Lộc Mẫu, đại đức A Nan Đà thấy Bụt xoay lưng về phía mặt trời, đại đức không hiểu tại sao, bởi vì Thế Tôn thường ưa nhìn cảnh mặt trời khuất bóng, đại đức tới gần và hỏi Bụt.
Bụt nói Bụt đứng như thế để cho ánh sáng mặt trời sưởi ấm lưng người. Đại đức lấy tay xoa lưng Bụt một hồi lâu cho ấm, rồi đại đức mời Bụt ngồi xuống ghế tre và xoa bóp hai chân cho Bụt.
Vừa xoa bóp, đại đức vừa nói:
– Thế Tôn, con đã được làm thị giả cho Thế Tôn mười lăm năm nay, con nhớ những năm trước, nước da của người còn vàng ánh và óng mướt, nay da Thế Tôn đã nhăn và những bắp thịt nơi chân Thế Tôn đã teo lại rất nhiều, những lóng xương lộ ra rất rõ.
Bụt cười:
– Sống lâu thì già, có sao đâu A Nan Đà! Mắt và tai của Như Lai cũng không còn được tinh nhuệ như trước. A Nan Đà! Thầy có nhớ núi Thứu và những khóm tre ở tu viện Trúc Lâm không? Thầy có muốn về leo lên núi Thứu để nhìn cảnh mặt trời khuất bóng không?
– Lạy Bụt, nếu Bụt muốn về Linh Thứu, con xin đi theo hầu người.
Mùa nóng năm ấy Bụt lên đường trở về thủ đô nước Ma Kiệt Đà. Người đi thong thả: lộ trình được chia ra nhiều chặng. Người ghé thăm những trung tâm tu học, dạy dỗ giới xuất gia, thuyết pháp và nhắc nhở giới tại gia. Người đi qua nội địa các vương quốc Thích Ca, Mạt La, Videha, Vajji, và cuối cùng vượt sông Hằng qua nước Ma Kiệt Đà. Trước khi về thủ đô, người ghé thăm trung tâm tu học tại Nalanda.
Tu viện Trúc Lâm và núi Linh Thứu vui như ngày hội khi Bụt về tới. Dân chúng thủ đô và các miền lân cận đổ xô về thăm Bụt rất đông. Cả một tháng sau khi Bụt về tới, y sĩ Kỳ Bà mới có dịp mời được Bụt về vườn xoài của ông. Tại vườn xoài xanh mát này, y sĩ đã dựng được một giảng đường lớn đủ chỗ cho Bụt nói chuyện với khoảng một ngàn vị khất sĩ.
Ngồi trước tịnh thất của người tại vườn xoài, Bụt nghe Kỳ Bà kể lại những chuyện đã xảy ra trong triều đình và vương quốc. Ông nói hiện thái hậu Videhi đã tìm lại được nếp sống an tĩnh. Bà ăn chay, tập thiền, quán niệm về Tam Bảo một cách thường xuyên.
Vua A Xà Thế đang bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, bị ám ảnh bởi cái chết của thượng hoàng, bị lương tâm cắn rứt ngày đêm, vua sinh ra mất ngủ. Thần kinh của vua suy nhược; vua hay mất bình tĩnh và thường nằm mơ thấy những ác mộng, tỉnh dậy mồ hôi tháo chảy dầm dìa. Y sĩ đã đến chữa trị cho vua gần nửa năm nay, nhưng tâm bệnh của vua vẫn còn là nguồn gốc của nhiều biến chứng khác.
Vua đã vời những vị đạo sĩ thuộc các giáo phái tới để tham vấn và chữa trị tâm bệnh cho vua, nhưng không có vị nào đã giúp được gì. Những vị này thuộc về các giáo phái Makkali Gosala, Ajita Kosakambali, Phù Đà Ca Chiên Diên, Ni Câu Đà Nhã Đề Tử và cả Sanjaya Belatthiputa nữa. Vị nào cũng muốn làm vừa lòng vua để giáo phái mình được thừa hưởng ân huệ nhưng không vị nào thành công.
Có một hôm, vua vời thái hậu vào ăn cơm chung với hoàng hậu và thái tử Udayibhadda. Thái tử Udayibhadda chưa đầy ba tuổi, nhưng tính tình đã khó khăn và không điềm đạm chút nào. Vua thương yêu thái tử rất mực, thái tử đòi gì được nấy. Hôm đó thái tử đòi đem con chó vào bàn ăn chung. Đây là một điều cấm kỵ, nhưng vì chìu con, vua đã cho phép thái tử đem chó vào. Trong bữa ăn, hơi ngượng với thái hậu, vua nói:
– Đem chó vào bàn ăn thật không dễ chịu tí nào.
Thái hậu nói:
– Con thương con của con, cho nên con để nó đem chó vào ngồi chung, điều này có gì là lạ. Con nhớ ngày xưa cha con vì thương con mà hút máu mủ trong tay của con không?
– Con không nhớ, xin thái hậu kể lại cho con nghe.
– Một hôm, ngón tay trỏ của con bị đau và sưng vù lên. Một cái nhọt đã mọc ngay dưới móng tay, làm nhức nhối khiến con khóc suốt ngày đêm. Không có đêm nào con ngủ được, cha và mẹ của con cũng không tài nào nhắm mắt. Cha con ẵm con để lên đầu gối, ngậm ngón tay đau của con trong miệng để chuyền hơi ấm qua, một mặt để con đỡ đau, một mặt để cái nhọt nhờ sức ấm mà cương mủ sớm. Như thế trong suốt bốn ngày đêm, khi cái nhọt đã cương mủ, và mủ đã chín, cha con mới bắt đầu mυ'ŧ cho mủ thoát ra khỏi ngón tay. Nhờ vậy mà con lành bệnh, cha con mυ'ŧ hết mủ và máu độc rồi, nhưng không dám rút tay con ra sợ con bị rát. Cha con cứ giữ mủ và máu trong miệng như thế cho đến khi không chịu nổi thì cha con nuốt máu và mủ cho con đỡ rát. Mẹ nói như vậy để con biết ngày xưa cha con thương con như thế nào. Bây giờ con thương con của con, cho nó đem chó vào bàn ăn, điều đó mẹ hiểu, mẹ có trách gì con đâu.
Nghe thái hậu kể, vua ôm đầu chạy vào cung, bỏ cả bữa ăn. Từ đó tâm bệnh càng ngày càng nặng.
Kỳ Bà tới chữa trị cho vua, nghe vua kể đủ mọi thứ chuyện, kể cả chuyện tham vấn với các vị Bà la môn và đạo sĩ, nhưng Kỳ Bà vẫn không nói gì. Vua hỏi:
– Kỳ Bà, tại sao anh không nói gì hết?
Kỳ Bà tâu:
– Tôi chỉ muốn nói với bệ hạ một điều mà thôi, tôi nghĩ chỉ có sa môn Gotama mới giúp được bệ hạ cởi bỏ được những khổ đau ẩn ức trong tâm. Bệ hạ nên tìm tới Bụt để được người chỉ dạy.
Vua im lặng, một lát sau, vua nói:
– Trẫm sợ sa môn Gotama còn thù ghét trẫm.
– Bệ hạ đừng nói thế, sa môn Gotama không hề thù ghét ai cả, Bụt là thầy của thượng hoàng, và cũng là người bạn thân thiết nhất của thượng hoàng, bệ hạ tới với Bụt thì cũng như tới với thượng hoàng vậy. Bệ hạ tới với Bụt để tìm lại sự an ổn trong tâm hồn và cũng là để hàn gắn lại những gì đã đổ vỡ trong quá khứ, tài y khoa của tôi không bằng được một phần triệu tài chữa trị của Bụt, Bụt không phải là một ông thầy thuốc mà là vua của những ông thầy thuốc. Có người đã gọi Bụt là y vương.
Sau cuộc đàm đạo đó, vua đã chấp nhận việc đi thăm Bụt.
Y sĩ Kỳ Bà xin Bụt nghỉ ngơi trên núi ít tháng và đi thăm hỏi các trung tâm tu học trong vùng. Y sĩ mong ước sẽ được thỉnh Bụt về vườn xoài an trú một tháng trong mùa nóng.
Chính trong vườn xoài của ông mà y sĩ Kỳ Bà đã sắp đặt cuộc gặp gỡ giữa vua và Bụt. Lần đầu vua ngự giá tới Bụt là vào một đêm trăng. Vua cùng đi với hoàng gia và các cung phi mỹ nữ, có quân lính đi hộ tống. Đi gần tới chỗ Bụt, bỗng nhiên vua phát ra sợ hãi, tóc gáy dựng ngược, vua cảm thấy cảnh tượng an tĩnh quá, Kỳ Bà đã nói Bụt ở chung với gần một ngàn vị khất sĩ, vậy mà tại sao khung cảnh quá im lặng như thế này? Vua sợ bị người ta lừa vua tới để đánh úp. Vua hỏi Kỳ Bà có phải là y sĩ đang lừa vua đi vào chỗ hiểm địa của kẻ thù không? Kỳ Bà cười ngất. Ông chỉ cho vua một ngôi nhà có cửa sổ tròn, từ đó có ánh sáng phát ra. Ông nói: Bụt hiện đang ngồi trong giảng đường với các vị khất sĩ.
Vua xuống voi, đi với Kỳ Bà và những người hộ vệ, đuốc thắp sáng trưng, vào tới cổng giảng đường, Kỳ Bà chỉ cho vua thấy một người đang ngồi trên pháp tòa, dựa lưng vào cột nhà chính giữa, trước mặt pháp tòa các vị khất sĩ đang trang nghiêm ngồi. Kỳ Bà nói: Bụt là người ngồi chính giữa đó.
Vua rất lấy làm cảm phục. Gần một ngàn người ngồi mà im lặng không có một tiếng động nào, cảnh tượng trang nghiêm quá đỗi. Ngày xưa vua đã từng thấy Bụt trong cung, nhưng đã có bao giờ vua tới tu viện để gặp Bụt và nghe thuyết pháp đâu?
Bụt mời vua và hoàng gia ngồi. Thái hậu Videhi cũng có mặt đêm ấy. Vua lên tiếng hỏi Bụt:
– Trẫm chỉ được nghe Thế Tôn giảng đạo có một lần ở hoàng cung hồi trẫm còn nhỏ. Thế Tôn, hôm nay trẫm muốn hỏi Thế Tôn câu hỏi này: tu hành không biết có kết quả gì không mà trẫm thấy hàng ngàn, hàng chục ngàn, có khi cả hàng vạn người bỏ nhà đi tu như thế?
Bụt hỏi vua đã hỏi ai câu ấy chưa. Vua trả lời là vua đã hỏi nhiều vị chức sắc lớn trong các giáo phái, nhưng chưa có câu trả lời nào làm vua vừa ý cả, kể cả câu trả lời của đại đức Đề Bà Đạt Đa.
Bụt nói:
– Đại vương, hôm nay Như Lai sẽ nói cho đại vương nghe về những hoa trái của sự tu học trong đạo pháp này, những hoa trái có thể thấy được trong hiện tại và những hoa trái sẽ hái gặt được trong tương lai. Đại vương sẽ không cần đi vào các ngõ ngách của lý luận: đại vương chỉ cần nhận xét cho tinh tường thì đã có thể thấy được những hoa trái ấy của sự tu học, rõ ràng như thấy trái xoài để trên một bàn tay.
Đại vương, ví dụ một người nọ đang làm tôi tớ cho người ta, thức khuya dậy sớm hầu hạ và làm theo mệnh lệnh của chủ, một hôm bỗng có tư tưởng như sau: “Chủ là người, mình cũng là người, tại sao mình phải đày đọa mình như thế này?” Nghĩ như thế, người ấy từ bỏ thân phận tôi đòi, xin được xuất gia tu đạo, đi vào chánh pháp, sống theo nếp sống phạm hạnh, tinh cần, tỉnh thức, ăn ngày một bữa, tập thiền hành, thiền tọa, đi đứng trang nghiêm, trở nên một vị khất sĩ có uy nghi, có dung hạnh, có đạo đức. Đại vương nghĩ sao? Biết được vị khất sĩ ấy ngày xưa vốn là thân phận tôi đòi, đại vương có gọi người ấy tới và nói: “Này người kia, hãy lại đây, hãy làm nô bộc cho ta, hãy thức khuya, dậy sớm và thi hành mọi mệnh lệnh của ta” hay không?
Vua nói:
– Thế Tôn, trẫm sẽ không làm như vậy, sẽ không nói như vậy, trái lại trẫm sẽ cung kính làm lễ người ấy, mời người ấy xuống để cúng dường, và sẽ ra lệnh bảo vệ cho người ấy đúng theo luật pháp.
Bụt nói:
– Đại vương, đó là hoa trái đầu tiên mà người sa môn khất sĩ gặt hái, người ấy thoát được sự kỳ thị giai cấp, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giàu nghèo, và khôi phục được phẩm cách của một con người.
Vua nói:
– Hay lắm, Thế Tôn! Xin người dạy thêm.
Bụt nói:
– Đại vương, nhân phẩm tuy vậy chỉ là những hoa trái đầu. Vị khất sĩ nhờ hành trì hai trăm mươi giới mà được an trú trong một trạng thái vô ưu và thanh tịnh. Những người không giữ giới có thể phạm vào các tội lỗi như gϊếŧ người, trộm cắp, tà da^ʍ, dối gạt, say sưa và tự đưa mình tới những hình phạt đớn đau về thân thể cũng như về tâm thần.
Vị sa môn khất sĩ không những hành trì năm giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà da^ʍ, không dối gạt, không say sưa, mà còn hành trì trên hai trăm giới khác, vì vậy vị ấy sống trong một trạng thái thật an ninh, thật nhẹ nhõm, trạng thái mà những người không giữ giới không thể nào có được.
Giới luật ngăn ngừa không để cho ta rơi rớt vào lỗi lầm, đem lại cho ta một trạng thái an ninh và nhẹ nhõm. Đó là một loại hoa trái khác của sự tu học, có thể gặt hái ngay trong thời gian hiện tại.
Vua nói:
– Hay lắm! Thế Tôn, xin người dạy tiếp cho!
Bụt nói:
– Đại vương, vị sa môn khất sĩ không có gì ngoài ba chiếc áo cà sa và một chiếc bình bát. Người ấy không gây thù oán, không sợ ai ban đêm tới hành thích mình. Vị ấy có thể ngủ một mình trong rừng, dưới một gốc cây, thanh thản, vô ưu, lặng lẽ. Không sợ hãi là một niềm hạnh phúc lớn. Đó là một loại hoa trái khác của sự tu học, có thể gặt hái ngay trong thời gian hiện tại.
Vua rùng mình, rồi vua nói:
– Hay lắm, Thế Tôn! Xin người dạy tiếp cho trẫm.
Bụt nói:
– Đại vương, vị sa môn khất sĩ sống đơn giản tới mức tối đa, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, bình bát một chiếc nhưng cơm ngàn nhà, không nghĩ đến chuyện làm giàu, không chạy theo danh vọng, không tích trữ, không tom góp, sống đúng theo phép tri túc, và không chạy theo một tham vọng hay một ước muốn nào. Sự thảnh thơi là một niềm hạnh phúc lớn. Đó là cũng là một loại hoa trái của sự tu học, có thể gặt hái ngay trong giờ phút hiện tại.
Vua nói:
– Hay lắm, Thế Tôn! Kính xin người dạy tiếp cho trẫm.
Bụt nói:
– Đại vương! Nếu đại vương biết quán niệm hơi thở, biết thực tập thiền quán thì đại vương mới có được ý niệm về hạnh phúc của người tu. Hạnh phúc đó là thiền duyệt. Vị sa môn khất sĩ biết giữ gìn sáu căn của cảm giác, biết đối trị lại năm loại trở lực của tâm ý là tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ; trong khi sử dụng phép quán niệm hơi thở để thực tập thiền quán, vị ấy làm phát sinh những trạng thái hỷ và lạc trong thân tâm mình để nuôi dưỡng thân tâm và đi tới trên con đường ngộ đạo, những cảm giác dễ chịu do ngũ dục đem đến không thể nào bì kịp với thứ hỷ lạc do thiền định thực hiện. Hỷ và lạc này thấm nhuần thân tâm, trị lành tất cả những âu lo, sầu khổ, thất vọng, đưa người hành giả tiếp xúc với những gì mầu nhiệm nhất của thực tại. Đại vương, đây là một loại hoa trái quan trọng của sự tu học, loại hoa trái này cũng có thể gặt hái được ngay trong giờ phút hiện tại.
Vua nói:
– Hay lắm, Thế Tôn! Xin người cứ dạy tiếp cho trẫm.
Bụt nói:
– Đại vương! Vị sa môn khất sĩ nhờ an trú tinh cần trong giới luật và chánh niệm mà có định tâm, lấy định tâm ấy mà quán chiếu vạn pháp trên thế gian. Nhờ quán chiếu mà vị sa môn khất sĩ thấy được tính cách vô thường và vô ngã của vạn pháp. Nhờ thấy được tự tính vô thường và vô ngã của vạn pháp nên vị sa môn khất sĩ không bị tham đắm vào bất cứ pháp nào, và không bị bất cứ pháp nào trói buộc. Vị sa môn khất sĩ nhờ đó cắt đứt được những sợi dây phiền não thường trói buộc con người, đó là những sợi dây tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến. Cắt đứt được những sợi dây phiền não ấy rồi, vị sa môn khất sĩ đạt tới trạng thái giải thoát, thảnh thơi. Đại vương! Giải thoát là một hạnh phúc lớn một loại hoa trái lớn nhất của sự tu học. Đại vương! Trong số những vị khất sĩ ngồi ngay trong thính chúng đây, có vị đã chứng đắc được thứ hoa trái đó. Hoa trái này, đại vương, cũng có thể gặt hái được ngay trong kiếp hiện tại.
Vua nói:
– Hay lắm, Thế Tôn! Xin người tiếp tục dạy dỗ cho trẫm.
Bụt nói:
– Đại vương! Vị sa môn khất sĩ nhờ quán chiếu về tự tính của vạn pháp, thấy sâu vào trong tự tính ấy và biết rằng các pháp là không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, không một, không nhiều, không đến, không đi. Vị sa môn khất sĩ do đó đạt được cái thấy thanh tịnh, không phân biệt, nhìn vạn pháp trong thế gian bằng con mắt tuyệt đối bình tĩnh, không sợ hãi, không lo lắng, cỡi trên sóng sinh tử mà đi vào cuộc đời để cứu độ cho chúng sanh, chỉ bày cho chúng sanh con đường chánh pháp để chúng sanh cũng được nếm hương vị của giải thoát, của vô ưu và của hỷ lạc.
Đại vương! Được giúp đỡ người khác, được dắt dẫn người khác ra khỏi vũng lầy của tham vọng, hận thù và si mê, đó là một niềm vui lớn. Niềm vui này là một loại hoa trái rất đẹp đẽ của sự tu học, có thể thực hiện ít ra là một phần nào đó trong hiện tại và sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai.
Đại vương! Các vị khất sĩ trong những tiếp xúc hàng ngày với dân chúng, có nhiệm vụ hướng dẫn dân chúng đi trên con đường đạo đức và giải thoát.
Đại vương! Các vị khất sĩ tuy không làm chánh trị nhưng cũng đóng góp vào công trình xây dựng an lạc và đạo đức cho xã hội. Hoa trái của sự tu học không phải là để riêng cho người sa môn tu sĩ hưởng thụ mà là gia tài của cả quốc gia và nhân loại.
Vua đứng dậy, chắp hai tay lại một cách cung kính, vua bạch:
– Vi diệu thay, Thế Tôn! Bằng những lời đơn giản, Thế Tôn đã soi sáng cho trẫm đã giúp trẫm thấy được giá trị chân thật của chánh pháp. Thế Tôn đã dựng lại những gì đã ngã xuống, phơi bày ra những gì đã bị che kín, chỉ đường cho những kẻ lạc hướng, đem ánh sáng rọi vào nơi tối tăm. Xin Thế Tôn nhận cho con làm đệ tử của người, cũng như ngày xưa Thế Tôn đã nhận phụ hoàng và mẫu hậu con làm đệ tử của Thế Tôn.
Và vua lạy xuống.
Bụt mỉm cười, chấp nhận lời thỉnh cầu của vua. Người bảo đại đức Xá Lợi Phất dạy cho vua và hoàng hậu đọc ba lời quay về nương tựa. Lễ quy y xong, vua nói:
– Bây giờ trời đã khuya, chúng con xin phép Thế Tôn để trở về cung an nghỉ. Sáng mai chúng con sẽ phải có buổi chầu rất sớm.
Bụt dạy:
– Đại vương hãy làm những gì đại vương nghĩ là phải làm.
Tuy buổi gặp gỡ này giữa vua và Bụt không phải là một buổi gặp gỡ riêng tư, và Bụt giảng kinh Sa Môn quả không phải chỉ để cho vua nghe mà cũng là để cho tất cả các vị khất sĩ có mặt đêm ấy, sau buổi đó, bệnh tình của vua đã thuyên giảm đi quá nửa. Đêm ấy vua nằm mơ thấy thượng hoàng nhìn vua mỉm cười, vua có cảm tưởng đã nối lại được một cái gì đã gãy, dựng lên được một cái gì đã ngã xuống. Buổi gặp gỡ đã làm đẹp lòng vua mà cũng làm đẹp lòng dân chúng.
Sau lần gặp gỡ đó, vua thường đến thăm Bụt mà không cần qua sự sắp đặt của y sĩ Kỳ Bà nữa. Vua cũng không đem theo voi ngựa và binh sĩ hộ tống. Vua cũng đã trèo những bậc đá để lên núi Linh Thứu như vua Tần Bà Xa La ngày xưa.
Trong những buổi gặp gỡ riêng với Bụt, vua đã có dịp thổ lộ tâm tình và sám hối với Bụt về những tội lỗi của vua trong quá khứ. Bụt đối với vua ngọt ngào như đối với một đứa con của người.
Bụt khuyên vua nên dùng người có đạo đức trong giới quần thần và cố vấn.
Cuối mùa an cư năm ấy, y sĩ Kỳ Bà xin Bụt được xuất gia. Ông được Bụt ban cho pháp danh là Tỳ Ma La Kiều Trần Như.