Mang Theo Hệ Thống Xuyên Về Năm 70 Làm Chủ Nông Trường

Chương 24: Thùng tiền thứ nhất (2)

Ví dụ như thị trấn Mã Đề, thị trấn nhỏ này có một xưởng đóng hộp, có thể mua được một số thứ "đồ không đạt chất lượng" ở chỗ này, những thứ này được tuồn ra bên ngoài, chỉ cần không biến chất thì cũng chẳng ai để ý hết.

Đồ ở bên trong vẫn còn tốt, cái hộp cũng tốt, như vậy là được rồi.

Những gì Lưu Bình làm là mua lấy một ít, quay về lại tăng giá lên một chút để bán cho bạn bè thân thiết, chỉ cần có lời giải thích thống nhất thì ông ấy chỉ là mang đồ về hộ bạn bè mà thôi.

Bọn họ làm nghề vận chuyển, chạy xe tứ xứ giang hồ, tiền lương đúng là không thấp, nhưng thêm chút nữa thì cũng đủ để bọn họ sống thoải mái chút, đây cũng là điều thường thấy trong nhóm người này, chỉ là lúc này quản việc đầu cơ tích trữ rất chặt, trắng trợn làm là không được, chỉ có thể lén lút làm chút xíu thôi.

Trần Kiến Quân làm theo ông ấy.

Anh có không gian nông trại đấy!

Chỉ cần bỏ đồ vào trong đó thì ai có thể tìm được chứ?

Ngày nào anh cũng vào nông trại, thu hoạch được một đống rau củ, bán được chín đồng bạc, ngày nào cũng ghé thăm chỗ giảm giá đặc biệt, mua một con dao phây bị mẻ một miếng nhỏ, ba cân đường trắng đã nấu chảy.

Những thứ khác không giá cao quá thì cũng không dùng được, nên không mua.

Đường trắng là đồ hiếm, lúc được hoạt động tự do anh đã chia ra bán được mấy lần, được bốn tệ, giá anh nhập về là hai đồng vàng, qua tay như vậy là kiếm được hai đồng vàng rồi.

Hoa quả đóng hộp kia thì anh mua mười hộp, tốn mười tệ, để lại hai hộp, còn lại đều bán hết ở những nơi khác nhau, bởi vì những loại đồ khó có được thì sẽ được hoan nghênh, anh nâng giá lên gấp hai để bán cho những người muốn làm quà tặng trong ngày lễ, kiếm được tám tệ!

Trời đất, một tháng anh kiếm được có hai mươi lăm tệ thôi, một bát bún năm xu nữa!

Đây mới là phương thức chính xác để kiếm tiền chứ!

Như vậy thì không cần phải động đến đồng vàng cần gấp của nông trại nữa, bằng vào không gian nông trại là có thể phát tài làm giàu, sống những ngày tháng ăn no mặc ấm rồi!

Mỗi khi đến một nơi khác, anh lại mua những đặc sản của địa phương đó mà được bán rất chạy ở bên ngoài, sau đó bán lại đến nơi khác. Bởi vì anh có không gian nông trại, ở trong đó có nhà kho, bảo đảm chất lượng và hạn sử dụng có thể kéo dài, cũng không sợ bị bắt nữa, cho nên làm một con buôn trung gian một cách cẩn thận. Sau một thời gian ngắn đã gần bằng tiền lương một tháng của anh, trong nhà kho của anh cũng tích trữ không ít thứ hàng hóa, có một vài thứ trong số đó là các món dân dã phơi khô mà anh dùng một số phiếu tiểu ngạch để đổi lấy khi đi ngang qua các thôn, cũng có cả đặc sản miền núi mà anh dùng vải bố và đường để trao đổi.

Đổi tới đổi lui như vậy, dù cho không có số lượng lớn phiếu trên tay thì anh vẫn kiếm được không ít thứ, có nhiều món còn có thể mang về nhà dùng được nữa.

Đương nhiên là đội trưởng Lưu biết đến những hành vi của anh, chẳng qua là bọn họ đều làm những chuyện này cả, mở một mắt nhắm một mắt mà thôi, vả lại ở mặt ngoài, đồ đạc của bản thân Trần Kiến Quân chỉ có một cái túi vải không to lắm, trọng lượng cũng bình thường, chắc cũng chỉ làm chút xíu mà thôi.

Đến khi làm việc xong, trở về huyện lỵ thì đã được gần một tháng, đội trưởng Lưu cho anh và bản thân ông ấy được nghỉ ngơi. Một tháng có bốn ngày nghỉ, nhưng mà hiện giờ chỉ có thể nghỉ ngơi hai ngày, hai ngày nghỉ còn lại thì chờ sau này rảnh rồi sẽ bổ sung sau.

Anh không về nhà ngay mà đi mua đồ trước.

Trong tay anh có tiền và vật tư đổi được trong khoảng thời gian này, còn thêm hai mươi lăm tệ tiền lương vừa được phát nữa, anh rút một tờ mười tệ ra.

Anh muốn mua chút thịt heo tươi, nhưng chỉ còn lại xương ống của con heo thôi. Mua hai cân xương cuối cùng xong, anh đi vào hợp tác xã mua bán, xách hai cái túi vải đi ra từ trong đó.

Sau đó bỏ hết vào trong cái gùi được che kín mít.