Chị dâu của Thanh Âm, chính là Lâm Tố Phân, trước đây vốn làm ở phòng tuyên truyền của nhà máy thép. Nhưng sau khi Thanh Tuệ Tuệ - con gái lớn của chị, tốt nghiệp cấp ba và muốn không phải về nông thôn lao động, chị ta đã chủ động nhường công việc của mình cho con gái. Hiện tại, cả nhà họ Thanh chỉ có một người đi làm kiếm tiền, chính là Thanh Tuệ Tuệ.
Ngày trước, mặc dù y thuật của Thanh Dương bình thường, nhưng ít nhất thâm niên làm việc của anh ấy cao, gười lại hiền lành, gặp ai cũng tươi cười niềm nở. Thêm vào đó, các lãnh đạo trong nhà máy vì nể mặt ông Thanh nên cũng rất quan tâm anh ấy.
Nhờ đó mà Thanh Dương có thể được nhận mức lương dành cho bác sĩ trưởng khoa, lên tới 115 đồng. Cả khu tập thể này chỉ có mình anh ấy được mức lương đó!
Nhưng lúc mới bắt đầu, Thanh Tuệ Tuệ chỉ nhận mức lương cơ bản dành cho nhân viên văn phòng là 33 đồng.
Mấy năm gần đây, cô ta không hứng thú học hành hay thi cử gì cả. Những đồng nghiệp vào làm cùng một đợt với cô ta giờ đã thi lên cấp nhân viên văn phòng chuyên nghiệp, có người còn lên tới cấp quản lý.
Trong khi cô ta chỉ dựa vào chút danh tiếng ít ỏi còn sót lại của nhà họ Thanh và bằng cấp 3 để miễn cưỡng leo lên cấp nhân viên văn phòng với mức lương 37 đồng rưỡi.
37 đồng rưỡi, phải nuôi ba miệng ăn, hơn nữa lại là ba người đã quen sống tiêu xài phung phí, quả thực rất khó khăn.
“Tuệ Tuệ thật tội nghiệp, bản thân còn là một cô gái trẻ, vậy mà phải nuôi cả cô út của nó nữa.” Ai đó lên tiếng, những bà thím xung quanh liền đồng loạt gật đầu tán thành.
“Sau này mà tìm đối tượng, biết nó còn phải gánh thêm hai người ăn bám, e rằng hôn sự của con bé khó mà thành.”
“Thanh Âm à, không phải bác nhiều chuyện đâu, nếu cháu biết nghĩ cho cháu gái và chị dâu mình thì…”
“Hay thôi đừng đi học nữa, dù sao sau này cháu cũng phải lấy chồng. Học nhiều như thế có thi đại học được đâu.”
Thanh Âm không nói gì, chỉ lặng lẽ ghi nhớ người đã thốt ra câu nói này.
Cô luôn tin rằng, bất cứ ai, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, mà khuyên con gái không nên học, nói rằng con gái đi học là phí công, thì đều là những kẻ chẳng ra gì.
Chủ nhân cơ thể này vốn không quan tâm thế sự, đến giờ vẫn giữ nguyên tâm lý của một đứa trẻ, thường chơi đồ hàng, nấu ăn giả với mấy bé gái bảy tám tuổi trong khu tập thể. Ngoài việc biết lễ phép, chào hỏi người khác, cô chẳng biết gì về tính cách của mấy bà thím ở đây, chẳng rõ ai thân với ai, ai không hòa hợp, hay nhà nào có mâu thuẫn với nhà mình hay không.
Thật đúng là một cô gái… ngốc nghếch, ngây thơ mà!
Thanh Âm rà lại trong đầu những hành động và lời nói của mọi người, sau đó đánh răng, rửa mặt xong liền quay về phòng.
Với Thanh Âm mà nói, nếu đã xác định không thể trở lại nơi cũ thì điều quan trọng nhất lúc này là bảo toàn tính mạng. Thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt, biết đâu khi cần sẽ có tác dụng bất ngờ. Vì vậy, cô chỉ im lặng nghe ngóng. Mọi người nhìn thấy sự bất thường ở cô cũng chỉ nghĩ rằng cô trở nên kỳ lạ là do biến cố bất ngờ, nên cũng không để tâm nhiều, nói gì cũng không e ngại trước mặt cô.
Trong nguyên tác, Thanh Âm không phải bất ngờ trở thành "bia đỡ đạn" mà không có lý do.
Cô vẫn nhớ rõ một số điểm quan trọng trong câu chuyện: đầu tiên là nghỉ học cấp ba, sau đó mất việc, phải xuống nông thôn lao động; tiếp theo là của hồi môn bị mượn, nhà cửa bị bán... Cuối cùng, cô chết thảm trên đường phố vào đầu những năm 1980. Khoảng thời gian từ bây giờ đến lúc đó cũng đủ để cô tìm cách bảo vệ bản thân rồi.
Hiện tại, xem ra mọi người trong khu tập thể đều thương cảm cho Thanh Tuệ Tuệ. Sau lưng, họ không ngừng đưa ra ý kiến, khuyên cô ta thuyết phục cô út của mình nghỉ học. Vì vậy, trong nguyên tác, Thanh Âm đã bị tẩy não, cảm thấy mình là gánh nặng của cháu gái, để cháu không quá vất vả, cô đã tự nguyện bỏ học.
Nhưng cô không ngờ rằng, những gì cha mẹ để lại cho anh cả và chị dâu thực chất đã đủ để nuôi cô - một cô gái nhỏ - sống thoải mái. Cô chưa từng tiêu của ai, cũng không nợ ai.
Sau đó, vì công việc mà anh cả để lại bị cái thứ não yêu đương kia trao cho chị ba của nam chính, nên Thanh Âm do không có bằng tốt nghiệp cấp ba nên không thể tham gia kỳ thi tuyển công chức tạm thời. Cô chỉ có thể xuống nông thôn làm thanh niên trí thức.
Những năm sống ở vùng nông thôn, Thanh Tuệ Tuệ chỉ viết cho cô một bức thư khi cần động đến của hồi môn của cô, ngoài ra chưa từng đến thăm. Sau nửa năm đầu, ngay cả thư từ cũng ngừng hẳn...
Thậm chí, Thanh Tuệ Tuệ chỉ gửi cho cô một khoản tiền sinh hoạt phí rồi mặc kệ cô tự sinh tự diệt ở nông thôn.
Cứ thử nghĩ mà xem, một cô gái thành thị mới mười tám tuổi, không cha không mẹ, xinh đẹp và hiền lành, bị đưa đến một nơi xa lạ không người thân thích ở vùng nông thôn, thì cuộc sống của cô sẽ như thế nào? Nguyên tác không miêu tả chi tiết, nhưng độc giả với tư duy bình thường cũng đủ hình dung được.
Vì vậy, khi cô út chết thảm ở cuối câu chuyện, rất nhiều độc giả đã phẫn nộ.
Thanh Âm nghĩ đến tình cảnh đó, trong lòng lại bùng lên cơn giận. Những kẻ trong não chỉ toàn tình tình yêu yêu, đúng là dễ khiến người ta phát điên!