Con Đường Khoa Cử Của Bần Gia Tử

Chương 12-1: Không Có Nghiên Mực

Tuyết rơi suốt một ngày rồi ngừng, nhiệt độ không khí dần tăng lên. Những khối băng vốn treo lủng lẳng ở mái hiên, khi trời ấm lên cũng bắt đầu tan ra, nhỏ từng giọt nước tí tách rơi xuống. Tuyết trắng phủ kín mái ngói cũng chậm rãi hóa thành nước.

Người ta thường nói, khi tuyết tan mới là thời điểm lạnh nhất. Lâm Viễn Thu cảm nhận rõ đôi tay mình hôm nay còn tê cứng hơn cả ngày hôm qua.

May mắn là thầy Vương đã cho cả lớp nghỉ hai ngày cuối tuần. Nên hôm nay và ngày mai cậu không cần phải đến tộc học để đi học.

Vì thế, cậu thoải mái nằm trên giường đất ấm áp, cuộn mình trong chăn đệm mềm mại, ngủ một mạch đến tận cuối giờ Thìn (khoảng 9 giờ sáng) mới tỉnh dậy.

Ban đầu, Lâm Viễn Thu cứ nghĩ mình là người dậy trễ nhất nhà. Nhưng khi quay đầu lại, cậu thấy cha mình vẫn nằm ngủ ngon lành trên giường đất, hơi thở đều đều, chưa có dấu hiệu gì là sẽ tỉnh dậy.

Lâm Tam Trụ không thể chịu được công việc nặng nhọc, huống chi là việc khuân vác ở bến tàu. Hôm qua hắn làm việc quá sức khiến cả cơ thể mệt mỏi, hôm nay toàn thân đau nhức đến mức nằm bẹp trên giường.

Đây cũng là lý do tại sao hôm nay bà Ngô không mang cây chổi vào để đánh thức hắn. Ngày thường, nếu là hắn nằm lì đến giờ này chắc chắn đã bị bà đập cho một trận rồi.

Lâm Viễn Thu ngồi dậy, nhanh chóng mặc quần áo. Mặc dù được nghỉ, nhưng thầy Vương vẫn cho rất nhiều bài tập về nhà. Ăn sáng xong, cậu phải bắt tay vào làm ngay.

Đúng lúc này, cửa phòng kêu "kẽo kẹt" một tiếng mở ra, một cái đầu nhỏ thò vào. Đó là Xuân Yến, em gái lớn của cậu.

Cô bé thấy cha vẫn còn ngủ say nên không dám gây tiếng động lớn, rón rén đi đến bên cạnh anh trai, khẽ nói: "Ca ca, mẹ bảo em gọi anh dậy ăn sáng."

Bụng Lâm Viễn Thu sớm đã réo ùng ục từ lâu, cậu không trì hoãn thêm, nhanh chóng đứng dậy xỏ đôi giày bông vào, dắt tay em gái đi về phía nhà chính.

Bữa sáng hôm nay là màn thầu làm từ bột mì đen ăn cùng cháo loãng. Đặc biệt, bà Ngô còn phá lệ đập thêm hai quả trứng gà cho vào cháo.

Dù mỗi người chỉ có vài miếng trứng mỏng nổi trên chén, nhưng ai nấy đều vui vẻ vì ‘hôm nay được ăn trứng’, niềm hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt.

Lâm Viễn Thu cũng không ngoại lệ. Đã gần một tháng kể từ khi xuyên không đến đây, hôm nay là lần đầu tiên cậu được ăn trứng gà. Tuy chỉ có vài miếng bé xíu, nhưng cậu đã cảm thấy rất mãn nguyện.

Không để bụng đói lâu thêm nữa, cậu ăn hết sạch màn thầu và cháo một cách nhanh chóng.

Xoa cái bụng đã ăn no, Lâm Viễn Thu mới chợt nhớ ra cha mình vẫn chưa ăn sáng. Nhưng nhìn lên bàn, ngoài một chén lớn củ cải muối, chẳng còn thứ gì khác.

Cậu vội vàng bước vào bếp, thầm nghĩ có lẽ phần cơm sáng của cha vẫn còn được để lại trong nồi. Thế nhưng khi mở nắp nồi ra, cậu chỉ thấy một nồi nước lớn, có lẽ được chuẩn bị sẵn để dùng cho việc rửa chén sau bữa ăn.

Vậy cơm sáng của cha đâu rồi? Chẳng lẽ vì ngủ dậy muộn mà không được ăn sáng sao? Trong nhà chỉ ăn hai bữa một ngày. Nếu bỏ lỡ bữa sáng, phải chờ đến tận giờ Dậu (5-7 giờ tối) mới có bữa tiếp theo, còn tận mấy canh giờ đâu.

Thấy cháu nội cứ lượn lờ quanh quẩn khắp nơi, bà Ngô đứng dậy định xem có chuyện gì. Ngay lúc này, bà thấy Lâm Viễn Thu ôm một cái chén lớn, vừa thở hổn hển vừa chạy lại: “Nội ơi, cơm sáng của cha con đâu rồi?”

Vừa nãy, Lâm Viễn Thu đã mở tủ chén ra xem, nhưng bên trong ngoài vài cái chén trống thì chẳng có món gì ăn được. Vì vậy, cậu đành phải đi tìm bà nội để hỏi.

Nhìn cháu trai với vẻ mặt "đừng hòng để cha con bị bỏ đói", bà Ngô vừa bực mình vừa buồn cười, nhưng trong lòng lại rất vui mừng.

Xem ra, con trai thứ ba của bà thật không uổng công thương yêu thằng bé. Còn nhỏ mà đã biết quan tâm đến cha mình. Đúng là ‘tre xấu mà mọc ra măng tốt’.

Quay sang nhìn con dâu thứ ba Phùng thị – đang ngồi vừa húp cháo vừa gắp dưa muối ăn ngon lành. Thấy vậy, bà Ngô không nhịn được mà lườm một cái rõ dài.

Phùng thị thấy thế thì ấm ức, nhưng cũng chẳng dám nói gì. Trong lòng nghĩ, chẳng phải do nàng chưa được ăn no hay sao? Hơn nữa, ngày hôm qua bữa sáng của tướng công không phải cũng là nàng tự tay bưng về hay sao?

Nhưng nhìn thấy con trai mình hiểu chuyện như vậy, nàng nghĩ bị mẹ chồng lườm vài cái cũng chẳng sao.

Ở bên cạnh nhìn, Chu thị và Lưu thị cũng có suy nghĩ giống hệt với mẹ chồng, đó chính là tre xấu lại có thể mọc ra măng tốt.

Bà Ngô cầm chén gốm vào phòng, Lâm Viễn Thu lẽo đẽo đi theo sau. Cậu thấy bà nội đi đến bên giường đất, nơi có một cái sọt lớn làm bằng cỏ khô đặt trên giường.

Bà nhẹ nhàng mở nắp sọt, lấy ra hai cái màn thầu đen và một bình gốm nhỏ đựng cháo, vẫn còn nóng hổi.

Lâm Viễn Thu thắc mắc, chỉ là màn thầu với cháo thôi mà, sao bà nội lại cất kỹ đến vậy, còn giấu trong phòng! Chẳng lẽ sợ bị người khác ăn trộm?

Nhưng khi cậu mang bữa sáng vào phòng, thấy cha mình rất thành thạo lấy từ đáy bình ra hai quả trứng gà đã bóc vỏ.

Lúc này, cậu mới hiểu vì sao bà nội lại cố ý giấu cháo trong phòng mình – hóa ra là muốn bí mật để dành đồ ngon cho con trai út, sợ người khác biết được.

Lâm Tam Trụ lấy hai quả trứng ra, dự định để một quả cho con trai, còn quả kia chia cho hai cô con gái, mỗi người một nửa.

“Cha, cha ăn đi!” Lâm Viễn Thu đặt quả trứng gà trở lại bát cháo. Xuân Yến và Xuân Thảo dù rất thèm, hai đôi mắt cứ nhìn chằm chằm vào quả trứng trắng mịn, nhưng cuối cùng hai chị em vẫn đẩy quả trứng về phía cha mình, “Để cho cha ăn!”

Cuối cùng, Lâm Tam Trụ cắt hai quả trứng gà làm đôi, chia đều cho ba đứa con, mỗi người nửa quả. Bốn người đều vui vẻ ăn, ai cũng hài lòng.

Sau khi ăn xong, Lâm Tam Trụ cẩn thận dặn dò: “Không được kể chuyện này với ai hết, nhớ chưa?”

“Biết rồi ạ!” Xuân Yến và Xuân Thảo ngoan ngoãn gật đầu. Dù hôm qua được ăn màn thầu trắng, các nàng cũng không nói với ai.

Khi cầm chén đũa trở về phòng bếp, Lâm Viễn Thu chỉ thấy đại bá mẫu và nhị bá mẫu đang ở đó. Một người rửa chén, một người chà nồi. Còn mẹ cậu – Phùng thị – không cần phải đoán, chắc chắn lại chạy ra ngoài buôn chuyện với hàng xóm rồi.

Lâm Viễn Thu bất giác nhớ lại lời nhận xét của bà nội về mẹ mình: lười biếng, ham ăn và mê buôn chuyện với người khác.

Có lẽ do tư duy của người hiện đại, Lâm Viễn Thu không thấy việc ham ăn là vấn đề gì to tát. Huống hồ, mẹ cậu từ nhỏ đã phải chịu khổ do sự bất công của cha mẹ, lại sống trong hoàn cảnh khó khăn, nên mới có sự chấp nhất với chuyện ăn uống như vậy.

Còn việc lười biếng, chẳng phải có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" sao? Hai vợ chồng sống với nhau lâu rồi, tự nhiên ảnh hưởng tính cách lẫn nhau là điều dễ hiểu.

Chẳng hạn, kể từ khi biết cha đi bến tàu vác bao tải, Lâm Viễn Thu phát hiện mẹ mình đã bắt đầu thêu miếng lót giày để kiếm thêm thu nhập. Nàng nói rằng không thể để tướng công vất vả một mình, nàng cũng muốn nghĩ cách kiếm tiền phụ thêm cho con trai đi học.