So với chuyện ham ăn hay lười biếng, Lâm Viễn Thu cảm thấy thói quen thích tám chuyện phiếm, đông gia trường tây gia đoản (nói xấu người này, nói hay người kia), mới là điều không thể chấp nhận được.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, lâu dần chắc chắn sẽ gây ra mâu thuẫn với hàng xóm.
Ví dụ như mấy ngày trước, trong tộc đã có người xảy ra tranh cãi chỉ vì những lời đồn thổi, mà mẹ cậu cũng dính dáng chút ít. May mắn là chuyện không quá nghiêm trọng, chỉ dừng lại ở mức cãi vã vài câu rồi tan.
Sau chuyện đó, Lâm Viễn Thu đã suy nghĩ rất nhiều, tự hỏi làm thế nào để giúp mẹ mình sửa thói quen xấu này.
Về chuyện lười biếng của Phùng thị, Chu thị và Lưu thị cũng đã thói quen từ lâu. Ban đầu họ còn bực bội, nhưng lâu dần cũng chẳng để tâm nữa.
Nhận lấy chén đũa từ tay Lâm Viễn Thu, hai người liền bảo cậu mau ra chơi với Viễn Hòe và Viễn Bách đi.
Nhưng Lâm Viễn Thu nào có thời gian rảnh rỗi. Hai ngày cuối tuần, ngoài việc mỗi ngày phải học thuộc Tam Tự Kinh, cậu còn phải luyện viết ba trang chữ lớn.
Trước đây, vì không có giấy bút nên những bài tập luyện chữ kiểu này Lâm Viễn Thu chưa từng có điều kiện làm. Nhưng bây giờ đã có đầy đủ bút, mực và giấy, cậu không thể bỏ lỡ được.
Vì thế, trở về phòng, Lâm Viễn Thu lấy bút và giấy từ trong túi ra, tranh thủ lúc trời còn sáng để viết ba trang chữ lớn hôm nay. Nếu để trời tối, ánh sáng yếu đi, thì chẳng nhìn rõ gì nữa.
Đến nỗi vì sao không thắp đèn dầu? Ở thời đại này, không phải cứ muốn là được, bà Ngô kiểm soát rất chặt lượng dầu cho từng phòng. Tất cả cũng chỉ vì một vì nguyên nhân đơn giản là nghèo thôi!
Nhà họ Lâm có bốn cây đèn dầu. Vợ chồng ông Lâm và ba người con trai, mỗi phòng được chia một cây.
Tuy nhiên, số lần họ thắp đèn cũng không nhiều, đèn chỉ được thắp khi cần thiết, vì một cân dầu đã tốn đến một trăm văn tiền. Nếu không thực sự cần thiết thì chẳng ai dám dùng.
Vào buổi tối, nếu muốn đi vệ sinh, như lời bà Ngô nói, chỉ cần giấy cửa sổ phát ra quang cũng đủ sáng rồi, cần gì đèn.
Nghe con trai nói sẽ viết chữ, Lâm Tam Trụ phấn khích đến mức khó tả. Trước đây, dù con mỗi ngày đều đi học ở tộc học, hắn vẫn chưa cảm nhận rõ ràng việc con trai là một người đọc sách.
Nhưng giờ đây, khi thấy sách, giấy, bút mực được bày biện ngay trên giường đất, tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Phải đến lúc này, hắn mới ý thức được rằng, hóa ra nhà mình cũng có một người biết chữ.
Như bao người nông dân mù chữ khác, Lâm Tam Trụ luôn kính nể ngưỡng mộ những người biết chữ. Nay con trai hắn cũng trở thành một người như thế, bảo sao hắn không hưng phấn cho được?
“Con ngoan, để cha đi lấy cái bàn thấp cho con nhé!” Nói chưa dứt lời, hắn đã chạy vọt ra khỏi cửa phòng như một cơn gió.
Bà Ngô đang ngồi ở trong phòng bận rộn xe sợi gai, thấy lão tam nhà mình vội vã chạy vào, bê ngay cái bàn thấp trên giường đi, chỉ để lại một câu: “Cha, mẹ, Cẩu Tử nhà ta giờ thành người đọc sách rồi!”
Sau đó, "vèo" một cái, Lâm Tam Trụ đã chạy mất dạng. Bà Ngô ngạc nhiên hỏi: “Cha nó, lão tam vừa nói gì thế?” Ông Lâm gõ gõ cái tẩu thuốc rồi trả lời: "Nó nói Cẩu Tử giờ là người đọc sách rồi."
Bà Ngô nghe xong thì ngẩn người ra, chẳng phải thằng bé đã là người đọc sách từ nửa tháng trước rồi sao? Hay là mình nhớ nhầm?
Còn bên này, Lâm Viễn Thu vừa lấy giấy trắng ra chuẩn bị viết, bỗng phát hiện ra một vấn đề lớn: cậu không có nghiên mực! Giờ phải làm sao đây?
Không có nghiên mực thì không thể mài mực, không có mực thì làm sao viết chữ được? Lâm Tam Trụ ngớ người, vì hắn cũng chẳng nghĩ tới việc phải mua nghiên mực.
Mà cho dù có nghĩ tới, hắn cũng không có tiền để mua. "Đừng lo, để cha nghĩ cách!" Lâm Tam Trụ an ủi con.
Mặc dù không biết chữ, nhưng Lâm Tam Trụ vẫn biết nghiên mực trông như thế nào. Cách đây không lâu, hắn còn thấy một cái ở nhà tộc trưởng.
Trong suy nghĩ của Lâm Tam Trụ, nghiên mực chẳng qua cũng giống một cái đĩa đựng bánh kẹo, chỉ khác ở chỗ cái đĩa đó có thể mài thỏi mực ra thành nước.
Lâm Tam Trụ đi đi lại lại trong phòng, suy nghĩ xem thứ gì vừa có thể đựng mực vừa có thể mài được mực.
Đĩa thì đựng được mực, nhưng lại không thể mài thỏi mực thành nước. Bỗng nhiên, hắn sực nhớ ra điều gì, vỗ trán cái “bốp” rồi chạy ngay vào bếp.
Chưa kịp chờ Lâm Viễn Thu xuống giường đi theo xem, hắn đã quay lại với vẻ mặt vui mừng: "Cẩu Tử, nhìn này, cha làm cho con cái nghiên mực này!"
Nói xong, hắn đặt "nghiên mực tự chế" lên cái bàn thấp. Trên bàn là một cái đĩa nhỏ lớn bằng bàn tay, bên trong đặt nửa cục đá mài dao, kèm thêm nửa chén nước và một cái muỗng nhỏ.
Không để con trai kịp hiểu rõ ý đồ của mình, Lâm Tam Trụ đã múc hai muỗng nước đổ lên cục đá mài, sau đó cầm thỏi mực lên và bắt đầu xoay tròn để lấy mực.
Cả quá trình này khiến Lâm Viễn Thu nhìn mà ngơ ngác. Cậu tự hỏi không biết cách làm này liệu có hiệu quả không? Kết quả, cậu thấy nước trên cục đá mài từ từ chuyển thành màu đen. Thế này là thành công rồi sao?
Nhìn màu mực ngày càng đậm, Lâm Tam Trụ đắc ý không thôi, ha ha ha, chính mình thật đúng là thông minh mà!
Lâm Viễn Thu cũng cảm thấy vui vẻ, quả nhiên là khó khăn nào cũng có cách giải quyết. Chỉ cần chịu suy nghĩ, không có vấn đề nào là không thể giải quyết.
Mở sách ra, Lâm Viễn Thu cầm bút chấm mực, chuẩn bị viết từ câu đầu tiên trong sách: "Nhân chi sơ, tính bản thiện" (Con người khi sinh ra, tính vốn thiện).
Thực ra, viết chữ bằng bút lông không phải là việc khó khăn đối với Lâm Viễn Thu. Ở kiếp trước, cậu từng học ngành mỹ thuật, trong đó bao gồm cả môn thư pháp. Dù là chữ Khải, chữ Hành, chữ Triện, chữ Lệ hay chữ Thảo, cậu đều viết rất thành thạo.
Dù kiểu chữ mà thầy Vương mới dạy là Quán Các Thể, một kiểu chữ cậu chưa từng luyện, nhưng kỹ thuật cầm bút và viết cũng không khác nhau là mấy.
Do đó, điều làm Lâm Viễn Thu lo lắng không phải là chữ mình viết có đẹp hay không, mà là làm sao để không lộ ra việc mình đã có nền tảng thư pháp từ trước.
Nhưng nỗi lo này lập tức tan biến khi đầu bút lông của cậu chạm vào tờ giấy. Nhìn vết mực loang rộng trên tờ giấy trắng, Lâm Viễn Thu ngơ ngác. Đây chẳng phải là giấy Sinh Tuyên(*) sao?
Cậu vội cầm tờ giấy lên xem kỹ. Quả nhiên, không thấy ánh sáng lấp lánh phản quang của phèn, đúng là Sinh Tuyên thật.
Lâm Viễn Thu không nhịn được cười. Lúc trước còn lo chữ viết quá đẹp sẽ khiến người khác nghi ngờ, giờ thì cậu lại phải đau đầu nghĩ cách làm sao để viết chữ thật gọn gàng tinh tế trên loại giấy dễ loang mực này.
May mắn là cậu vẫn còn nền tảng thư pháp từ kiếp trước. Sau khi luyện viết hết một tờ giấy lớn, Lâm Viễn Thu đã dần kiểm soát được lượng mực và viết trông ổn hơn nhiều.
Nhìn con trai mình ngày càng chăm chú, nét chữ càng cẩn thận, khóe miệng Lâm Tam Trụ không kìm được mà nhếch lên. Trong lòng hắn tràn đầy niềm vui và cảm giác tự hào, nghĩ rằng những vất vả khiêng từng bao tải nặng nề trước đây thật không uổng phí.
Đang mải suy nghĩ, hắn chợt nghe thấy tiếng Lâm Đại Trụ từ ngoài sân vọng vào: "Ơ, cục đá mài dao nhà mình sao lại thành ra thế này rồi?"
(*) Sinh Tuyên: loại giấy thư pháp không qua xử lý chống loang mực, không có keo hoặc phèn, có đặc tính giữ ẩm mực tốt, phản ứng nhanh với mực. Nó chủ yếu được sử dụng để vẽ tự do và thư pháp chuyển động nhanh. Nói chung, giấy thô càng mỏng thì độ thấm càng mạnh.