Con Đường Khoa Cử Của Bần Gia Tử

Chương 14-1: Tới Cũng Tới Rồi

Trong thôn có xe bò chở người đi lên trấn, vào giờ Mẹo sẽ đợi dưới gốc cây hòe già ở đầu thôn. Chỉ cần tốn hai văn tiền là có thể ngồi xe qua lại. Người đánh xe cũng là người trong họ Lâm, tên Lâm Đông, khoảng ba mươi tuổi, là anh em họ hàng xa của Lâm Tam Trụ, cách nhau vài đời.

Người nhà quê muốn có vài đồng tiền để mua dầu mua muối, đều dựa vào việc bán chút trứng gà hoặc nông sản trong đất. Vì vậy, trừ những ngày mưa hay tuyết rơi, hầu như ngày nào trong thôn cũng có người đi lên trấn.

Hôm nay Lâm Tam Trụ ra khỏi nhà từ sớm, khi đến đầu thôn, trên xe bò mới chỉ có bốn năm người ngồi. Lâm Đông đang cho bò uống nước. Có lẽ do trời quá lạnh, mấy hôm nay con bò già ăn uống không được tốt, nên hắn cho nó uống chút nước pha loãng muối ăn để cải thiện sức ăn.

Thấy Lâm Tam Trụ đến, Lâm Đông cười chào, “Anh Tam Trụ đi trấn trên à?” “Đúng vậy, đến trấn trên xem một chút.” Lâm Tam Trụ vừa nói vừa vuốt ve lưng con bò chắc khỏe, trong ánh mắt không giấu được sự hâm mộ. Đây chính là bảo bối vừa có thể giúp cày bừa trong mùa vụ, lại vừa có thể kéo xe kiếm tiền trong lúc nông nhàn.

Nếu nhà hắn có được một con bò như vậy, dù không kiếm được tiền, nhưng ít nhất mười mấy mẫu ruộng nước ở nhà cũng không cần cả gia đình phải còng lưng vác cuốc cày xới nữa. Đáng tiếc giá một con bò ít nhất cũng phải hơn mười lượng bạc, Lâm Tam Trụ cảm thấy nhà mình đời này chắc không bao giờ mua nổi một con bò như thế.

Hâm mộ cũng vô ích, trước mắt phải lo kiếm được tiền mua nghiên mực mới là quan trọng. Nghĩ vậy, Lâm Tam Trụ không lãng phí thời gian nữa, chào tạm biệt Lâm Đông rồi tiếp tục lên đường.

Trên xe bò, Lâm Toàn Hà và vợ là Trương thị đang ngồi phía sau tấm ván chắn gió. Trời rét căm căm, hai vợ chồng đều quấn khăn vải dày che kín miệng mũi.

Cũng vì thế mà khi Lâm Tam Trụ đi ngang qua hai người, không nhận ra đại đường ca và đại đường tẩu. Lâm Toàn Hà cũng không muốn chào hỏi Lâm Tam Trụ, nếu đối phương không nhận ra mình, thì hắn cũng coi như không nhìn thấy.

Vốn dĩ, nhà Lâm Toàn Hà và nhà nhị thúc không mấy thân thiết. Mối quan hệ giữa hắn và Lâm Tam Trụ cũng chỉ ở mức xã giao. Mỗi lần gặp nhau chỉ hỏi vài câu kiểu "Ăn cơm chưa?" hoặc "Đi đâu đấy?", ngoài ra không biết nói gì nữa.

Có thể nói, từ sau khi phân chia tài sản, Lâm Đại Quý và Lâm Kim Tài cũng chỉ gặp mặt nhau khi thực sự cần thiết, còn lại hai nhà ai lo việc nấy. Hơn nữa, trong những năm gần đây, khoảng cách về gia cảnh giữa hai nhà ngày càng lớn. Nhà khá giả thì lo bị vay tiền, mượn lương thực. Nhà nghèo thì không muốn bị khinh thường. Vì vậy, họ càng ngày càng ít qua lại với nhau.

Vậy “ít” đến mức nào đâu? Theo lời người trong tộc, mối quan hệ giữa hai nhà còn không bằng hàng xóm sát vách.

“Tướng công, ngươi nói hắn đi trấn trên sớm vậy làm gì?” Trương thị nhỏ giọng hỏi để tránh người ngồi cùng xe nghe được. Lâm Toàn Hà lắc đầu, làm sao hắn biết được nhân gia đi làm gì.

Nhắc đến Lâm Tam Trụ, trong ấn tượng của hắn thì đây là một người lười biếng có tiếng. Ngày nào cũng phải qua giờ Thìn mới thấy hắn ló mặt ra khỏi nhà.

Đây cũng là lý do vì sao khoảng thời gian trước khi hồng chín, chỉ có Đại Trụ và Nhị Trụ thay nhau gánh đi trấn trên bán, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Tam Trụ. Thế nên, hôm nay dậy sớm như vậy, rốt cuộc là làm gì đâu?

Nhớ đến chuyện con trai út kể vào mấy hôm trước khi từ tộc học trở về, Lâm Toàn Hà thầm đoán: không lẽ Lâm Tam Trụ đi lên trấn để làm gì đó kiếm tiền? Nếu không thì chẳng thể nào giải thích được việc hắn đột nhiên có thể mua sách và bút mực cho Cẩu Tử được.

Trương thị cũng nghĩ đến khả năng này, đang định nói với chồng thì bất ngờ nghe thím Liễu ngồi đối diện cười nói: “Tam Trụ nhà các ngươi cũng thật tiết kiệm, trời lạnh thế mà vẫn dậy sớm đi bộ dưới gió rét chứ không chịu tốn một đồng ngồi xe bò!”

Trương thị cười cười không nói gì, nhưng trong lòng lại thầm đảo mắt. Cái gì mà ‘Tam Trụ nhà các ngươi’? Hừ, liên quan gì đến nhà họ chứ? Nhà nàng và nhà nhị thúc đã phân gia từ hơn hai mươi năm trước rồi, được chưa?

Ở một bên, Lâm Toàn Hà nghe lời của thím Liễu nói, suy nghĩ trong lòng cũng đã thay đổi. Một người ngay cả một đồng tiền xe cũng không dám bỏ ra, thì làm gì có công việc để kiếm ra tiền chứ? Xem ra, là chính mình nghĩ quá nhiều rồi.

Lâm Tam Trụ tất nhiên không biết cuộc nói chuyện trên xe bò. Sau khi lên quan đạo (đường chính), hắn sải bước đi nhanh về phía thị trấn. Đến giờ Thìn, Lâm Tam Trụ đã đến trấn Hoành Khê. Đi hơn một canh giờ, bụng hắn đã đói đến mức kêu réo ầm ĩ.

Sờ sờ túi, bên trong chỉ có hai đồng tiền. Lâm Tam Trụ quyết định mua một cái màn thầu ăn trước, phải ăn no thì lát nữa mới có sức lực tranh tiền mừng.

Đến tiệm bán màn thầu lần trước, Lâm Tam Trụ móc ra một đồng tiền mua hai cái màn thầu bột thô. Ăn ngấu nghiến một cái và nhét cái còn lại vào vạt áo để dành.

Không biết hôm nay có nhà nào làm hỷ sự hay không, Lâm Tam Trụ quyết định sẽ dạo quanh trấn một vòng. Dựa vào kinh nghiệm lần trước, chỗ nào có tiếng pháo nổ thì chắc chắn không sai được.

Nghĩ vậy, Lâm Tam Trụ bắt đầu từ phố Xương Bình, một đường hướng đông đi, tới chỗ có ngõ hẻm thì quẹo vào xem xét, những ngôi nhà nhỏ nối liền nhau hiện lên trước mắt. Hắn đi qua từng căn, chăm chú nhìn vào cửa từng nhà, mong tìm được một nhà nào đó đang giăng đèn kết hoa.

Thế nhưng, sau khi đi qua bảy tám con ngõ, mất hơn nửa canh giờ, hắn vẫn chưa thấy được căn nhà nào trang hoàng đỏ rực. Người qua lại trên đường thì cứ nhìn hắn chằm chằm, chắc là đã coi hắn như kẻ trộm rồi.

Lâm Tam Trụ chợt cảm thấy hành động của mình thật nực cười. Hắn ngẫm lại, bản thân mình ngớ ngẩn đến mức nào mà lại trông chờ vào việc người ta ném tiền ra ngoài cho mình nhặt chứ?

Trong đầu hắn hiện lên câu chuyện cha từng kể khi hắn còn nhỏ: Có một người nông dân đi làm cỏ ngoài ruộng, đột nhiên một con thỏ đang chạy trốn đâm đầu vào cuốc của ông ta mà chết. Người nông dân vui mừng khôn xiết vì bỗng dưng nhặt được một con thỏ béo. Hôm sau, ông dậy sớm đi ra ruộng, đặt cuốc đúng chỗ cũ và ngồi chờ thỏ tiếp tục đâm đầu vào. Nhưng một ngày, hai ngày, rồi cả tháng trôi qua, chẳng còn con thỏ nào xuất hiện. Trong khi đó, lúa trong ruộng vì không được chăm sóc nên mất mùa.

Lúc này, Lâm Tam Trụ nhận ra mình chẳng khác gì người nông dân ấy, chỉ vì một lần tình cờ được lợi nên cũng muốn ngồi chờ may mắn đến. Càng nghĩ, gương mặt càng nóng bừng vì xấu hổ, hắn vội dừng chân và quay người bước nhanh về phía đầu ngõ.

Bên phải ngõ hẻm có một cửa hàng bán bánh bao, chủ quán cố tình mở nắp l*иg hấp, để hương thơm của bánh bao nhân thịt theo gió lan tỏa khắp nơi.

Mùi thơm này thu hút không ít khách hàng đến mua, đồng thời cũng gọi đến mấy người ăn xin. Những người ăn xin cầm cái bát mẻ giơ ra, hy vọng chủ quán động lòng, bố thí cho họ một cái bánh bao hoặc chỉ là một cái màn thầu thôi cũng được.

Nhưng trên đời này làm gì có chuyện tốt như vậy. Sau mấy lần nài nỉ, tất cả đều thất vọng, cuối cùng họ đành chán nản ngồi tựa vào góc tường, ánh mắt buồn bã nhìn ra xa.

Lúc này, có một người ăn xin tinh mắt nhận ra Lâm Tam Trụ, thầm nghĩ: Đây chẳng phải là người mấy ngày trước được phân đến mười hai cái màn thầu sao, đã có vài ngày không thấy hắn.

Tò mò, người ăn xin nọ bước tới hỏi: "Tiểu huynh đệ, mấy ngày nay không thấy ngươi, dạo này ngươi đi xin ở con phố nào thế?" Lâm Tam Trụ sửng sốt, tự hỏi từ khi nào mình lại trở thành huynh đệ với người ăn xin, và từ khi nào mình lại đi xin ăn rồi?