Người Đi Âm

Chương 1

Người ta hay bảo, dương gian có đường của dương gian, âm phủ có lối của âm phủ. Thế nhưng có những người, rõ ràng là người sống, lại được coi là đang tồn tại giữa hai cõi âm dương - họ được gọi là người đi âm.

***

Trà My xách một đống gạo nếp, đậu đỏ, muối, gừng,... đi từ chợ về nhà. Người trong làng ai thấy cô cũng chào hỏi, chỉ là trong vẻ tươi cười còn có cả sợ hãi và xa cách.

Cô không để ý, ai làm cái nghề như gia đình cô mà không khiến người ngoài sợ hãi? Nhất lại là đàn bà con gái, nhưng nó kiếm được nhiều, đủ để hai mẹ con cô sống sung túc đủ đầy.

Trà My là con gái bà Tiếu, cũng là truyền nhân của nghề trang điểm cho người chết trong gia đình. Mọi người trong làng đồn nhà bà Tiếu vốn là người Bắc vào Nam lập nghiệp, nghe nói gốc gác cũng từng là con cháu ông lý, ông bá ngoài tận Hà Nội. Còn tại sao con cháu quan quyền lại di cư vào tận cái làng Vân nhỏ bé đìu hiu này thì không ai biết.

Vừa về đến nhà, My đã nghe mẹ gọi: “Có ‘khách’.” Khi có người tới nhà, mẹ cô sẽ nói thẳng tên người đó ra, còn nếu chỉ nói có ‘khách’ - thì tức là có việc.

My nhíu mày. Giờ là tháng bảy âm lịch, một trong những thời điểm âm khí nặng nhất năm, mẹ cô chẳng mấy khi nhận ‘khách’ vào dịp này. Cô cũng từng vài lần nhìn thấy thứ không sạch sẽ nên khá ngại chuyện này.

“Thế nào ạ?” My vừa xếp đồ vào nhà vừa hỏi.

“Bình thường.” Bà Tiếu trả lời cụt ngủn. Rồi lúc sau bà nói thêm: “Con gái chú Tranh.”

‘Bình thường’ ở đây có nghĩa là cái xác bình thường, không vỡ nát, không phân hủy, nói tóm lại là tình trạng tốt nhất mà một người thợ trang điểm cho xác chết có thể mong đợi.

My gật đầu, chú Tranh là em họ trưởng thôn, từ lúc mẹ con cô dọn về đây được vợ chồng trưởng thôn giúp đỡ rất nhiều, thảo nào bà Tiếu chịu nhận ‘khách’ vào ngày này.

Chín giờ tối, My mang đồ nghề tới nhà chú Tranh. Hai vợ chồng chú ngồi bần thần trong phòng khách, ống đèn tuýp tỏa ra thứ ánh sáng trắng lạnh lẽo càng khiến ngôi nhà trống rỗng thêm phần u ám. Chị Ngọc được họ đặt trong phòng ngủ, Thắng - em trai Ngọc - ngồi ngoài cửa, tiếng nhạc điện tử vang lên từ chiếc điện thoại nó cầm.

Ngọc nằm trên chiếc giường kê giữa phòng. My đổ gạo nếp vào bát, cắm ba nén hương để ở đầu giường rồi rắc một vòng muối trộn lẫn hương tro quanh giường, cuối cùng đặt dưới bốn chân giường bốn bát nước trong. Xong xuôi, My ngồi xếp bằng dưới đất, miệng ngậm một miếng gừng ngâm muối, nhắm mắt nhẩm lại một lượt các kiêng kỵ mà mẹ cô truyền lại.

Mỗi nghề trong giới đi âm đều có quy tắc riêng, các quy tắc đó lại thay đổi tùy theo từng vùng, từng nhánh. Như nhà My, nghề trang điểm cho người chết này đã truyền được vài đời, truyền nhân đều là con gái. Mỗi lần làm việc thì chỉ được bắt đầu sau khi mặt trời đã xuống núi, trước khi gà gáy phải kết thúc công việc. Gặp ‘khách’ cũng chỉ được được gặp một lần là phải xong, không được bỏ dở nửa chừng. Và còn rất nhiều kiêng kỵ khác mà cô đã thuộc lòng từ tấm bé.

Tới khoảng mười một giờ đêm, khi miếng gừng trong miệng đã trở nên nhạt thếch, My đứng lên chuẩn bị làm việc. Cô bẻ miếng gừng thành bốn phần rồi thả vào bốn bát nước, bôi đất kín đế giày rồi đeo một túi lớn hương tro lên cổ. Sau đó cô châm nén hương đứng giữa trong bát gạo đầu giường, vái một vái rồi bắt tay vào trang điểm cho chị Ngọc.

Chị Ngọc là con gái cả của chú Tranh, nổi tiếng khắp vùng là thông minh xinh đẹp, lại có công ăn việc làm ổn định trên thành phố, nào ngờ lại yểu mệnh. My nghe người xung quanh kháo nhau là chị ấy trúng gió nên mất đột ngột, vợ chồng chú Tranh đau buồn quá, đưa chị về nhà xong là nhanh chóng lo việc hậu sự, muốn chị mồ yên mả đẹp càng sớm càng tốt.

Vì là đột tử, trên người không có vết thương nên công việc hoàn thành rất nhanh, cũng rất suôn sẻ, chỉ có vết lằn hình bán nguyệt trên hai cổ chân chị là có hơi lạ một chút, nhưng có lẽ là loại trang sức gì mới của người trên thành phố nên cô cũng không để tâm lắm.

Vào một giờ sáng thì tất cả đã đâu vào đấy. My tiến về phía bát gạo đầu giường, điểm hai nén hương trong đó rồi vái ba vái, nhưng vừa bén lửa thì cả hai đã tắt. My hơi rợn, cô rút chúng ra rồi cắm ba nén hương mới vào, thắp lên rồi vái lần nữa. Nhưng hai nén hương hai bên mới cháy đã tắt phụt, chỉ còn nén ở giữa thong thả nhả khói.

My tái mặt. Mẹ cô dạy: ba nén hương, trái cho gia tiên, phải cho thổ địa, giữa cho ‘khách’. Nay chỉ có nén ở giữa cháy… trong phòng có ma!