Tam thiếu gia này chính là cháu ruột của Hầu gia, tên Quý Văn Dục. Vì con trai đích tôn của Hầu gia hoặc là không màng gia sự, hoặc tuổi còn quá nhỏ không thể quản lý công việc trong phủ, nên Quý Văn Dục được giao phụ trách các công việc thường nhật. Hắn đặt chén trà xuống, mỉm cười nói: “Vân tiên sinh, mời ngồi, ngồi xuống rồi hẵng nói chuyện.”
Vân Thành Nguyên liền ngồi ở ghế dưới, Ánh Kiều đứng sau cha nàng, lặng lẽ xoắn tay áo.
“Hầu gia đi vắng. Ta đã xem qua danh thϊếp của tiên sinh, nói rằng ông là nhân sĩ đến từ Nam Dương, thật đúng là lặn lội đường xa. Đường đi vất vả, cứ nghỉ ngơi trong phủ vài ngày, đợi Hầu gia trở về, rồi hãy bàn chuyện dạy học.” Quý Văn Dục nói.
Vân Thành Nguyên vừa buồn vừa vui, buồn vì Hầu gia không có ở phủ, vui vì cha con ông không phải ngủ ngoài đường. Ông hỏi: “Xin hỏi Tam gia, Hầu gia khi nào mới về, để Vân mỗ còn liệu định.”
Quý Văn Dục xoa cằm suy tư: “Thúc phụ ta thích chu du, tiết hoa xuân tháng ba, cảnh sắc khắp nơi đẹp thế, e rằng phải đến lập hạ mới quay về.” Sau đó hắn cười nói: “Nếu tiên sinh không vội, cứ ở lại trong phủ đợi thúc phụ.”
Vân Thành Nguyên khách khí: “Sao dám làm phiền Hầu gia. Cha con ta tạm thời rời đi, khi nào Hầu gia về sẽ lại đến bái phỏng.” Miệng nói vậy nhưng trong lòng ông sợ hắn sẽ thật sự đuổi họ đi.
Trong lòng Vân Ánh Kiều cũng hồi hộp, lo rằng cha mình số khổ, chẳng may lời khách khí này bị coi là thật, lại rước thêm rắc rối.
“Ôi dào, Hầu gia luôn tiếp đãi khách quý, sao có thể không chiêu đãi? Tiên sinh cứ yên tâm ở lại, cả Vân cô nương cũng vậy, thiếu gì thì cứ nói.”
Chỉ đích danh mình, Ánh Kiều vội hành lễ: “Tạ Tam gia.”
Quý Văn Dục khẽ cười, gọi người dẫn họ xuống nghỉ ngơi. Vân Thành Nguyên hiếm khi gặp người tốt, ông rối rít cảm tạ. Hắn mỉm cười hờ hững: “Tiên sinh không cần khách sáo.” Đợi cha con họ lui ra, hắn đứng dậy chỉnh lại thắt lưng, bước đến cửa, nở nụ cười đầy ẩn ý.
Hầu gia nổi tiếng thích kết giao với nhân tài, hàng năm đều ‘thu thập’ những người được gọi là tài năng từ khắp nơi về để làm khách thanh nhã, bầu bạn chuyện phiếm. Cha con nhà họ Vân chính là một trong số những ‘kẻ ăn không ngồi rồi’ ấy, ít nhất trong mắt Thạch quản gia dẫn họ đi nhận phòng thì là như vậy.
Những vị môn khách này trong bụng chẳng có bao nhiêu tài cán, nhưng lại giỏi xu nịnh. Chủ nhân viết một bài thơ ngẫu hứng cũng có thể được tâng bốc hết lời.
Thạch Quản gia bảo gã tiểu đồng mở một gian phòng ở khu khách phòng phía nam, sát tường, rồi nói với cha con Vân Thành Nguyên: “Chỉ còn phòng này có thể ở được, tổng cộng hai gian, phiền tiên sinh và cô nương trước tiên tạm nghỉ ở đây. Phủ sẽ lo cơm nước. Hai vị có gì cần hỏi thêm không? Nếu không, Thạch mỗ xin cáo lui, không làm phiền hai vị nghỉ ngơi nữa.” Nói xong, ông quay người rời đi.
Lúc này, chỉ nghe một tiếng bụng sôi ọc ọc vang lên. Vân Ánh Kiều ngượng ngùng cười gượng: “… Cha, con đói quá.”
Vân Thành Nguyên cũng cười méo xệch: “… Cha cũng vậy.”
Như mọi lần, hễ nàng nói đói bụng thì cha nàng lại nói ông cũng vậy, rồi cuối cùng vẫn là Ánh Kiều phải tìm cách kiếm đồ ăn.
Vân Ánh Kiều đảo mắt bất mãn, trong đầu chỉ có một suy nghĩ: Sau này nếu lấy chồng, đánh chết nàng cũng không chọn kiểu người như cha mình!