Lần này Đổng Ngọc Tú xuống phía Nam không tìm được người cần tìm nhưng dường như cô không hề nản lòng, tinh thần vẫn khá tốt. Trong chiếc túi da đen cô mang về chứa đầy đồ ăn và đồ dùng, toàn là những thứ mới lạ mà thị trấn nhỏ phương Bắc chưa từng thấy.
Cô mang về cho Bạch Tử Mộ hai chiếc áo nhỏ và một túi kẹo sữa thỏ trắng lớn, ngoài ra còn có một túi kẹo dẻo vị cam được mở ra chia cho Lôi Đông Xuyên.
Lôi Đông Xuyên đang giận dỗi nên không chịu nhận mà xoay người chạy mất.
Về đến nhà, Lôi Đông Xuyên trùm chăn kín đầu, trong lòng chua xót, cả buổi chiều không ra khỏi phòng.
Buổi tối, mẹ Lôi gọi cậu ra ăn cơm nhưng cậu không trả lời. Mãi đến khi bà vừa gọi vừa bước vào kéo chăn lên thì mới thấy cậu con trai út đang giận đến mức phồng má như cá nóc.
Mẹ Lôi không nhịn được cười nói: "Ơ kìa, làm sao thế này?"
Lôi Đông Xuyên nghẹn ngào đáp: "Mẹ ơi, con muốn có em trai."
Mặt mẹ Lôi đỏ lên, bà gõ nhẹ vào cậu một cái: "Con nói bậy gì thế! Đang yên đang lành tự dưng muốn có em trai làm gì?"
Lôi Đông Xuyên nằm đó, nước mắt chảy ngang ra từ khóe mắt: "Mẹ đón Bạch Tử Mộ về nhà mình đi, để em ấy làm em trai con, hu hu."
Mẹ Lôi: "..."
Mẹ Lôi nói: "Không được, dậy đi, ăn cơm cho đàng hoàng!"
Lôi Đông Xuyên xoay người, không thèm để ý đến mẹ.
Nhưng rất nhanh sau đó, cậu bị mẹ kéo tai lôi dậy, cậu vừa khóc vừa ngoan ngoãn ăn hết bữa tối.
Hôm sau, Lôi Đông Xuyên không ra ngoài chơi với đám bạn, cũng không đến nhà Bạch Tử Mộ – không phải vì không muốn mà là vì kỳ nghỉ đông sắp kết thúc, cậu bị gia đình bắt quả tang phát hiện cả cuốn bài tập nghỉ đông chưa làm một câu nào nên bị giữ ở nhà ngoan ngoãn làm bài.
Gần trưa, ngoài cửa bỗng vang lên tiếng bước chân "cộp cộp", Lôi Đông Xuyên tưởng mình nghe nhầm, ngẩng đầu lên nhìn thì thấy Bạch Tử Mộ.
Bạch Tử Mộ nghiêng đầu cười với cậu nhưng rất nhanh lại thụt lùi ra ngoài.
Lôi Đông Xuyên gọi: "Này!"
Giọng Bạch Tử Mộ vọng lại từ bên ngoài: "Mẹ ơi, đây là nhà của anh Lôi."
Đổng Ngọc Tú dẫn Bạch Tử Mộ đến nhà thăm hỏi, cô mang theo vài bộ quần áo từ miền Nam, lần này đặc biệt mang đến một chiếc áo sơ mi để tặng mẹ Lôi.
"Hôm qua tôi mới về, nghe Tử Mục nhắc mãi, thằng bé nói có một người anh đối xử với thằng bé rất tốt, luôn dẫn thằng bé đi chơi." Đổng Ngọc Tú đưa áo sơ mi rồi mỉm cười nói: "Chị ơi, đây là chiếc áo sơ mi em lấy từ một nhà máy quốc doanh, nhìn kiểu dáng này chị mặc là vừa đẹp, nếu không chê thì nhận chị lấy nhé!"
Mẹ Lôi cầm chiếc áo sơ mi lên nhìn một lượt, vải trắng tinh như tuyết, vừa mới vừa cứng cáp nên rất thích: "Chiếc áo này đẹp thật đấy nhưng chị không thể nhận không của cô, giá bao nhiêu?"
"Chị cứ lấy đi, em có việc muốn nhờ chị đây!"
"Nhờ chị?"
Mẹ Lôi thấy lạ, bình thường người đến nhà nhờ giúp việc không ít nhưng đều là tìm đến chồng bà, đây là lần đầu tiên có người nhờ đến bà – một người rỗi rãi ở nhà.
Đổng Ngọc Tú khoác tay bà, vừa đi vào trong vừa cười nói: "Chị ơi, chị nào phải rảnh rỗi không có việc gì làm, chị giỏi giang lắm ấy chứ. Ai ở khu nhà gia đình cán bộ mà nhắc đến chị chẳng khen chị là người công bằng? Em vừa mới về đây nên không rõ tình hình quê nhà, có vài việc muốn hỏi ý kiến chị, nhờ chị chỉ bảo giúp."
Mẹ Lôi tò mò hỏi: "Việc gì thế?"
"Em muốn hỏi xem ở khu nhà mình có ai là công nhân nữ không hoặc vợ của công nhân làm ở mỏ cũng được. Em muốn tìm vài người chịu khó, thật thà để làm việc, có thể trả lương theo ngày." Đổng Ngọc Tú không giấu giếm mà nói thẳng: "Lần này em xuống miền Nam gặp một người bạn cũ, là người của một nhà máy quốc doanh. Họ đưa cho em một lô hàng và một suất tổ chức triển lãm. Em định tìm vài người làm cùng để bán hàng lưu động, khu nhà mình ít người nhưng bên Duy Thủy đông người lắm, chắc chắn không lo ế."
"Thế cô định bán giá bao nhiêu một chiếc?"
"Sơ mi vải diệt thì ba đồng một chiếc, loại vải cao cấp thì đắt hơn, tùy kiểu dáng mà bán năm đồng hoặc tám đồng." Đổng Ngọc Tú đã suy tính kỹ, báo giá rất nhanh.
“Mấy cái áo này rẻ thế?” Mẹ Lôi ngạc nhiên rồi đưa tay sờ thử chiếc áo sơ mi. Với mức giá này thì hai năm trước thì còn hợp lý, huống chi bây giờ vật giá tăng lên từng ngày: “Nếu mà giá như vậy, chị cũng muốn lấy mấy chiếc cho lão Lôi nhà chị mặc đi làm, vừa khéo.”
Đổng Ngọc Tú cười nói: “Có gì đâu, chị cứ bảo với em là em để dành cho chị.”
Mẹ Lôi hơi do dự rồi nói tiếp: “Ngọc Tú à, đã gọi chị một tiếng chị rồi thì chị cũng phải nói thẳng. Chỗ áo này… không có vấn đề gì chứ?”
“Chị yên tâm, áo này không vấn đề gì, giá rẻ là vì ở miền Nam dạo gần đây không chuộng kiểu áo sơ mi cổ nhỏ như thế này nữa, mà bên đó xưởng may lại nhiều, thành ra lô áo này bị tồn kho. Người quen trong nhà máy quốc doanh đó là bạn cũ của chồng em, lần này em về tìm người, dù chưa có kết quả....” Đổng Ngọc Tú kiên nhẫn giải thích nhưng nhắc đến chồng thì đôi mắt cô thoáng đỏ lên, cố nén cảm xúc, cô gượng cười nói: “Nhưng ít ra cũng làm được một việc làm. Em nghĩ nếu có chút tiền trong tay, lần sau em lại xuống miền Nam tìm tiếp. Danh sách thiệt mạng của đội công trình không có tên anh ấy thì sớm muộn gì cũng tìm thấy thôi.”
Những lo lắng ban đầu của mẹ Lôi bị lời nói của cô làm tan biến. Bà vỗ vai Đổng Ngọc Tú, an ủi vài câu.
Ở bên ngoài, trong phòng khách.
Bạch Tử Mộ ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh bàn trà, người đổ về phía trước, cằm đặt trên hai bàn tay nhỏ bé vẫn còn đầy thịt.
Lôi Đông Xuyên ngẩng đầu liếc nhìn cậu, cậu bé chớp mắt gọi một tiếng: “Anh.”
Lôi Đông Xuyên tỏ vẻ bận rộn, trong lòng vẫn còn giận dỗi nhưng cũng có chút tự hào vì được cậu bé chú ý.
“Anh đang làm gì thế ạ?”
“Làm bài tập.”
“Là trò chơi à?”
“Không phải, đừng có động vào, khó viết lắm.”
Bạch Tử Mộ cúi đầu nhìn qua rồi nhỏ giọng nói: “Anh viết sai rồi.”
Lôi Đông Xuyên dừng bút: “Hả?”
Bạch Tử Mộ giơ ngón tay nhỏ chỉ vào: “Số 5, bà dạy rồi.”
Lôi Đông Xuyên chăm chú nhìn bài toán trong sách bài tập nghỉ đông rồi nhíu mày, không chắc chắn hỏi: “Thật à? Thế cái này thì sao, 12 trừ 7 bằng bao nhiêu?”
Bạch Tử Mộ nghiêng đầu nhìn cậu, ngây thơ hỏi lại: “Anh ơi, 12 là gì ạ?”
“Bà em không dạy à?”
“Bà chỉ dạy đến 10 thôi.”
“Lại đây, để anh dạy em!”
Khi Đổng Ngọc Tú và mẹ Lôi bàn bạc xong, bên ngoài Lôi Đông Xuyên cũng gần như hoàn thành cuốn bài tập toán của mình, cậu cảm thấy cực kỳ hài lòng với “em trai” này.
Đúng sai không quan trọng, miễn là làm xong hết!
Em trai cậu tính toán đúng là nhanh thật!
.........
Mẹ Lôi giới thiệu cho Đổng Ngọc Tú một số nữ công nhân, đều là những người trong khu gia đình cán bộ chăm chỉ thật thà, một số gia đình khó khăn khi nghe nói cô trả lương theo ngày thì lộ rõ vẻ vui mừng.
Hàng hóa của Đổng Ngọc Tú được lấy từ ga tàu, số lượng đến bảy tám bao tải to.
Những nữ công nhân đều trầm trồ, vì họ vốn sinh ra và lớn lên ở thị trấn nhỏ, chưa từng đi xa hay thấy số lượng quần áo lớn như vậy. Những chiếc áo đã lỗi mốt ở miền Nam vài năm trước, khi đưa đến thị trấn miền Bắc lại trở nên cực kỳ hút khách.
Người dân ở đây không thích kiểu cổ áo mới lạ mà lại đánh giá cao những chiếc cổ nhỏ vì cảm thấy chúng vừa đứng đắn vừa giản dị. Lô áo sơ mi vải diệt với giá ba đồng một chiếc, vừa bày ra đã bị tranh mua hết.
Đổng Ngọc Tú lập tức quyết định tăng giá lên năm đồng, trong khi áo sơ mi vải phú sồi cũng không khó bán. Vải phú sồi vốn không được ưa chuộng ở miền Bắc nhưng nhờ kiểu dáng cánh dơi hiện đại và màu sắc tươi sáng như hồng nhạt và xanh nhạt cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý của các cô gái trẻ.
“Xem kìa, giống kiểu cánh áo dơi mà người dẫn chương trình trên Xuân Vãn mặc đấy!”
“Ui, tay áo đẹp quá!”
Có một hai cô gái gan dạ hơn tiến đến xem, khi nghe nói có thể thử đồ thì mắt càng mở to. Ở thị trấn nhỏ này dù cũng có cửa hàng bách hóa nhưng thái độ phục vụ chẳng mấy dễ chịu. Thông thường chỉ khi quyết định mua thì nhân viên mới lấy đồ xuống, chứ chưa bao giờ chủ động cho khách thử.
Đổng Ngọc Tú rất khéo làm ăn, cô bảo hai nữ công nhân dùng tấm vải chống thấm màu đen vây lại thành một phòng thử đồ đơn giản. Có cô gái gan dạ liền thử mặc ngay, trong khi có người ngại thay đồ thì chỉ khoác áo thử bên ngoài chiếc áo len. Dù có hơi cồng kềnh nhưng nhờ các cô gái đều trẻ trung xinh đẹp, toát lên vẻ năng động của tuổi thanh xuân, tiếng cười nói của họ thu hút ánh mắt của không ít người xung quanh.
Chỉ trong một ngày, áo sơ mi diệt bán hết trước thời hạn, còn áo dơi dù giá cao hơn cũng bán được không ít, số lượng quần áo còn lại chưa đầy nửa bao tải.
Những nữ công nhân ai nấy đều rất phấn khởi, đặc biệt là khi Đổng Ngọc Tú trả tiền công ngay trong ngày và còn thưởng thêm cho mỗi người 5 đồng.
Trong đó, một chị lớn họ Tần có chút ngại ngùng nói: “Ngọc Tú, chị em mình đã thỏa thuận tiền công rồi, chỗ này cô đưa thừa rồi này?”
Đổng Ngọc Tú mỉm cười nói: “Không sao, mọi người cứ cầm lấy đi.”
Chị Tần còn giúp cô thu dọn đồ đạc, đặt lên xe kéo rồi cùng đẩy về nhà, vừa đi chị vừa nói:
“Nhà chị tiện đường với nhà cô, để chị đưa cô về.”
Đổng Ngọc Tú không từ chối, tươi cười đồng ý.
Khi về đến nhà, chị Tần hơi ngại ngùng, nhỏ giọng hỏi lần tới làm việc là khi nào. Đổng Ngọc Tú trả lời: “Không vội, khi nào có hội chợ triển lãm, em sẽ gọi các chị.”
Bạch Tử Mộ ở nhà suốt cả ngày, cậu bé nghe thấy tiếng động liền lập tức chạy ra, dang tay ôm chầm lấy mẹ.