Thập Niên 60: Bác Sĩ Xinh Đẹp Ăn Dưa Xem Kịch Ở Đại Viện

Chương 7

Như thể càng giải thích lại càng khiến người ta nghi ngờ.

Thím hai vừa lên tiếng, cả thôn liền tụ tập bàn tán rôm rả.

Có người nói Bảo Trân dẫn trai vào rừng, có người thì nói cô ở nhà ăn không ngồi rồi, chẳng biết làm gì, như tiểu thư con nhà địa chủ thời xưa.

Nói ra nào là rõ rành, cứ như là tận mắt chứng kiến.

Khi lời đồn càng ngày càng quá đà, bỗng nhiên Bảo Trân lên tiếng, “Bác Tống, có phải bác thấy tiền lễ cưới 66 đồng là quá nhiều nên mới tới hủy hôn không?”

Lúc này, lễ cưới ở vùng nông thôn đa phần là 10 hay 20 đồng, gia đình khá giả thì cho ba mươi đồng là hết mức.

66 đồng làm lễ cưới!

Chưa nói đến người dân trong thôn bị dọa đến rùng mình, ngay cả mẹ Tống cũng lộ vẻ bối rối.

“66 đồng nào?” Mẹ Tống nói theo bản năng: “Cháu nói bậy bạ gì thế, hồi đó bàn rõ ràng là 8 đồng lễ cưới, đâu ra 66 đồng.”

Mẹ Lý đầy vẻ ngơ ngác nhìn con gái mình.

Chỉ có Bảo Trân là vẫn giữ được sự bình tĩnh, thậm chí còn tỏ vẻ lạnh lùng, nhấp một ngụm trà rồi nói, “Bác Tống, có phải bác lú lẫn rồi không, rõ ràng là 66 đồng.”

Cô nói chắc như đinh đóng cột, chẳng hề có chút gì gọi là hoang mang, liếc nhìn mẹ Tống một cái, rồi hỏi lại: “Nếu chỉ có tám đồng lễ cưới, sao cháu lại phải gả cho con trai bác, lớn hơn cháu năm sáu tuổi chưa nói, còn là người góa vợ, dẫn theo ba đứa con, cháu còn trẻ, sao phải đi chăm sóc con cho người khác chứ.”

Thôn dân vừa rồi đang bàn tán sôi nổi, nghe Bảo Trân nói, lập tức bị cuốn theo dòng suy nghĩ của cô.

Có người gật đầu nói: “Nói cũng phải, tuổi của Bảo Trân cũng chưa lớn, muốn tìm nhà tử tế đâu có khó.”

“Đúng vậy, người ta còn có ba đứa con đấy, lương một người phải nuôi mấy miệng ăn, nhiều lễ cưới thế mới hợp lý chứ.”

Chưa để mọi người phản ứng lại, Bảo Trân lại xòe tay, thoải mái nói, “Thực ra lễ cưới bao nhiêu cũng không quan trọng, nhà bác không muốn cho thì có thể nói thẳng, không cần đồng ý rồi lại nuốt lời, đã nuốt lời thì thôi, lại còn bôi xấu cháu nữa, thế thì chẳng có nhân nghĩa gì. May mà giờ tiền lễ cưới cũng chẳng còn quan trọng nữa, nhà cháu không cưới nữa rồi.”

Mẹ Tống bị cô làm cho sững sờ, đứng lặng ở đó, đầu óc trống rỗng.

Bảo Trân nhìn bà ta, cười mỉa mai, “Cháu chỉ mong sau này nhà bác làm việc đừng có thất đức như vậy, muốn làm gì thì nói thẳng, đừng bôi nhọ người khác. Ai cũng là con người được sinh ra, tại sao lại bị nhà bác hạ nhục như thế.”

Chỉ trong vài câu, Bảo Trân đã chuyển hướng sự chú ý của mọi người, còn hất nước bẩn lại cho mẹ Tống.

Mẹ Tống tức đến nỗi đầu óc quay cuồng, giận dữ không chịu được.

Bà ta nhìn chằm chằm vào Bảo Trân, vừa định nghĩ cách mắng lại cô cho ra trò!

Đúng lúc này, "đồng đội heo" của bà ta lại nhảy ra phá đám!

Trong khi mẹ Tống còn chưa kịp mắng, bỗng dưng có tiếng hét to vang lên từ ngoài sân!

Một tiếng “rầm” vang lên, cánh cửa gỗ bị đẩy mạnh bật ra, người đi vào là thím hai của Bảo Trân, mặt hầm hầm đầy giận dữ!

Thím hai chẳng nhìn ai, tiến đến trước mặt mẹ Tống, chỉ tay vào bà ta mà chất vấn, “Lễ cưới gì mà tận 66 đồng chứ?! Thông gia, không ai làm như thế cả!”

Giọng bà ta vốn đã chói tai, lúc này cơn giận bốc lên đầu, chẳng thèm để ý gì nữa, trừng mắt nhìn mẹ Tống, “Đúng là không công bằng! Không công bằng! Đều là con gái nông thôn, làm gì có ai cao quý hơn ai chứ! Sao nhà bà đồng ý cho Bảo Trân 66 đồng làm lễ cưới, còn đến con gái Phán Nhi nhà tôi chỉ cho 6 đồng thôi? Nhà bà làm thế có còn công bằng không!”

Thím hai cứ kêu gào đòi công bằng, chẳng hề hay biết rằng mọi người đang há hốc mồm nhìn, mắt tròn xoe, ngỡ ngàng không thốt nên lời!

Thôn dân mang vẻ mặt như vừa được ăn quả dưa ngọt, lập tức nhìn về phía mẹ Tống, muốn xem phản ứng của bà ta ra sao.