Cậu quay đầu, khẽ hỏi: “Văn Sinh, huynh dậy rồi à?”
Văn Sinh là con trai của Nhị phòng, năm nay vừa tròn sáu tuổi.
Nhà họ Giang đông người, phòng ốc lại chật chội, thế nên bọn trẻ phải ngủ chung một phòng.
Giang Khải nằm trong cùng, bên cạnh là Văn Sinh – đứa trẻ ngoan ngoãn, ít khi trở mình, còn mé ngoài cùng là Hổ Oa, con trai lớn của Đại phòng.
Hổ Oa năm nay đã bảy tuổi.
Giang gia có sáu đứa trẻ, bốn trai và hai gái. Con trai lớn của Đại phòng đang đi học, được ưu tiên một căn phòng riêng. Còn lại, bọn con trai khác ở chung một phòng, hai cô con gái thì ở một phòng khác.
Văn Sinh ngồi dậy mặc áo, nghe Giang Khải hỏi thì quay đầu trả lời: “Đến giờ rồi, không dậy là lát nữa bị bà mắng cho xem.”
Ngoài trời vẫn mưa, Giang Khải không biết giờ đã là mấy giờ, nhưng nghe loáng thoáng tiếng người lớn ăn cơm xong nãy giờ, cậu đoán chắc cũng gần muộn. Nếu để đến lúc người lớn ăn xong rửa bát mà bọn trẻ vẫn chưa dậy, thế nào cũng bị mắng.
Cảm thấy thời điểm không còn sớm, Giang Khải cũng ngồi dậy, vơ lấy bộ quần áo để bên cạnh rồi bắt đầu mặc.
Hai đứa lại lay gọi Hổ Oa: “Dậy đi Hổ Oa, nhanh lên.”
Hổ Oa lầm bầm vài tiếng trong cơn ngái ngủ, do dự thêm một lúc rồi mới dụi mắt, ngáp ngắn ngáp dài, miễn cưỡng ngồi dậy mặc đồ với vẻ mặt nhăn nhó.
Ba đứa trẻ lần lượt rời khỏi phòng, chuẩn bị đi rửa mặt, đánh răng. Ra đến ngoài, chúng phát hiện thấy biểu tỷ và biểu muội cùng nhà đã dậy từ bao giờ và đang líu ríu trò chuyện trước hiên nhà.
Thấy bọn trẻ, Giang lão thái thái ân cần hỏi: “Tiểu Lục hôm nay thấy thế nào? Trong người có chỗ nào không khỏe không?”
Trong sáu đứa trẻ, Giang Khải là nhỏ tuổi nhất. Tên của cậu khá khó gọi, nên cả nhà dần dần quen gọi cậu là Tiểu Lục.
"Nãi nãi ơi.” Giang Khải nhoẻn miệng cười, ngoan ngoãn đáp: “Cháu không thấy khó chịu gì cả, hôm nay cháu khỏe hẳn rồi.”
“Khỏe là tốt. Mặc thêm áo vào, đừng để bị lạnh.” Giang lão thái thái dặn dò kỹ càng.
Giang Khải mềm mại đáp lại: “Dạ vâng, thưa nãi nãi.”
Có lẽ vì Giang Khải sinh ra đã hay ốm đau, lại là đứa út ít trong nhà, tính tình ngoan ngoãn hay làm nũng, thêm gương mặt đáng yêu xinh xắn hơn người, nên trong số các cháu, Giang gia lão thái thái đặc biệt thương yêu cậu.
Cũng chính vì vậy, khi nữ chính tiết lộ sự thật về thân thế của Giang Khải, Giang lão thái thái đã tức giận đến mức lâm trọng bệnh và qua đời. Điều này càng đẩy mẫu thân của Giang Khải - nữ phụ trong tiểu thuyết vào tình cảnh bi thảm hơn.
Sau khi rửa mặt xong, cả đám trẻ ngồi vào bàn ăn sáng.
Vì Giang Khải nhỏ tuổi nhất nên phụ thân luôn là người mang bát cơm từ trong bếp ra cho cậu. Phụ thân cậu – Giang Triệu Hằng – là một người đàn ông lạnh lùng, ít nói, nhưng vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh. Thân hình rắn rỏi, cơ bắp không quá đồ sộ nhưng săn chắc, đến mức Giang Khải từng thoáng thấy bụng hắn còn có cả múi cơ, khiến cậu không khỏi ngưỡng mộ.
Ôm bát cơm, Giang Khải ngước mắt, ngọt ngào nói: “Cảm ơn phụ thân ạ.”
Giang Triệu Hằng nhìn nhi tử bằng ánh mắt dịu dàng, đưa bàn tay to lớn xoa đầu cậu: “Ăn ngoan đi.”
Giang Triệu Hằng là con trai thứ ba của Giang lão thái thái. Trước đây, hắn làm nghề bảo tiêu, nhưng mấy năm trước, trong một lần đυ.ng độ với bọn cướp, hắn bị thương ở chân và trở thành người khập khiễng, buộc phải về nhà.
Khi còn khỏe mạnh, hắn từng được coi là một trong những trai độc thân sáng giá nhất làng. Nhưng từ khi chân bị tật, những cô gái sẵn lòng lấy hắn cũng biến mất.
Lúc ấy, Trương Vận Thu – mẫu thân của Giang Khải – sau khi chật vật hòa li với gã phu quân trước, không thể tiếp tục sống ở nhà mẹ đẻ. Nghe tin gia đình đang bàn chuyện gả nàng cho một ông già góa vợ ngoài sáu mươi hay một kẻ độc thân không lấy được vợ, nàng tuyệt vọng. Bấy giờ, trong bụng nàng đã mang thai Giang Khải được hơn một tháng, nên đành đến cầu xin Giang Triệu Hằng cưới mình.
Nàng hứa hẹn sẽ tận tâm chăm sóc hắn, khiến hắn không phải chịu thiệt thòi gì.
Giang Triệu Hằng tuy có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng bên trong lại là người ấm áp. Sau cùng, hắn đồng ý và hai người nhanh chóng thành thân.
Dĩ nhiên, về sự tồn tại của Giang Khải, mẫu thân của cậu đã nói rõ ngay từ đầu.
Nhưng cả hai quyết định giấu kín chuyện này với Giang gia. Nếu không, dù Giang Triệu Hằng có tật ở chân, Giang lão thái thái cũng tuyệt đối không cho phép nhi tử của mình cưới một người phụ nữ đang mang thai.
Ăn sáng xong, Giang Khải cùng mấy huynh đệ tỷ muội trong nhà ríu rít chạy ra sân, bắt đầu những trò chơi con trẻ.
Trẻ con không ra ngoài vẫn có đủ trò để chơi. Gần đây, chúng mê mẩn một trò chơi gọi là “ném sỏi”. Quy tắc rất đơn giản: lấy một nắm sỏi nhỏ, ném xuống đất. Sau đó, chọn một viên ném lên không trung, trong lúc viên sỏi chưa rơi xuống, tay phải nhanh chóng nhặt một viên khác trên mặt đất rồi bắt lại viên đang rơi.