Quảng trường của Trường Lưu Sơn không chỉ là nơi để đám đệ tử luyện kiếm, mà còn là điểm tập trung của mọi sự kết nối với bên ngoài. Nhìn xa trông rộng, quảng trường này giống như một cái bến cảng bận rộn, nơi chim và pháp bảo đưa tin không ngừng bay về đáp xuống. Từ những món quà nhỏ của gia đình gửi cho đệ tử, đến những thư từ giao thiệp với các môn phái khác, tất cả đều thông qua Thư Quán, một toà tháp nhỏ cạnh quảng trường.
Tiểu Bát là một đệ tử trông coi Thư Quán. Mỗi khi có chim hạc, chim én hay những loài đưa thư khác đáp xuống thư quán, Tiểu Bát đều cẩn thận phân loại, ghi chép rồi thông báo cho các đệ tử đến nhận. Công việc này tuy không lấp lánh ánh hào quang như những đệ tử ra trận, ngự kiếm hay luyện đan, nhưng lại là sợi dây liên lạc giữa Trường Lưu Sơn và thế giới bên ngoài.
Mỗi sáng, Tiểu Bát dậy sớm, lau chùi sổ sách và quét dọn Thư Quán. Chỉ một lúc sau, từ xa đã thấy những cánh chim hạc trắng bay lượn trên bầu trời rồi đỗ xuống toà tháp nhỏ. Chim hạc khéo léo bay qua trận pháp, đáp xuống bậc thềm bằng đá trơn tru. Mỏ chim cẩn thận giữ chặt những phong thư, bưu kiện nhỏ được gói gọn gàng, mỗi phong thư đều có dấu ấn của từng môn phái hay gia tộc.
Vốn dĩ Tiểu Bát là người phàm. Không có biến cố năm đó có lẽ đã tậu trâu, lấy vợ, làm nhà như bao phàm nhân khác. Nhưng năm 9 tuổi, một con yêu quái vào làng gϊếŧ hại rất nhiều người, cảnh tượng bi thương không thể tả. Cha mẹ hắn nhốt hắn vào tủ quần áo, một mình lao ra lấy thân xác phàm thai che chở cho hắn. Tất nhiên cả hai đều bị ăn thịt, Tiểu Bát tự giễu nghĩ lại, vừa trào phúng vừa bi thương. Bọn họ thật ngây thơ, biết là vô vọng nhưng vẫn dùng cả tính mạng bảo vệ hắn. Ngay khi con yêu kia chuẩn bị phá tủ lôi hắn ra, một đệ tử Trường Lưu Sơn đi qua kịp thời chạy vào ngênh chiến. Đấu mấy hiệp cuối cùng cũng thắng được. Tên của nàng là Diệu Âm.
Hắn theo nàng về Trường Lưu Sơn. Năm đó hắn cũng từng tuổi trẻ khí thế hừng hực muốn trở lên thật mạnh mẽ để trả thù cho cha mẹ. Nhưng trên đời không có nhiều thiên tài đến thế, mà người bình thường như hắn lại nhiều hơn. Hắn cố gắng đến mấy cũng chỉ có thể miễn cưỡng thành thạo mấy bài kiếm pháp của Trường Lưu Sơn, làm mấy pháp thuật nho nhỏ đủ dùng. Hết một năm huấn luyện tân đệ tử, rồi Đại Hội Kiếm Tiên, chẳng có kì tích nào xảy ra. Hắn bái một sư phụ ở Tàng Thư Các, tiếp tục huấn luyện mấy năm, ngao du sơn thuỷ vài năm với sư phụ rồi quay về đây an phận làm việc.
Hắn cũng từng không cam tâm. Nhưng nhìn Diệu Âm, người đã cứu hắn. Nàng cũng chỉ là một đệ tử tư chất bình thường. Sau này hắn mới biết, nàng chỉ hơn hắn 5 tuổi, năm đó cũng là lần đầu tiên nàng gặp một con yêu quái thực sự, dù là một con yêu hạng thấp nhưng vẫn có chút quá sức với nàng. Vậy mà nàng lại dám đấu với nó mấy hiệp. Hắn mới ngộ ra người bình thường như hắn cũng không hề tệ. Cứ sống một cuộc sống bình thường, lặng lẽ cống hiến, đó cũng là cách bọn họ toả sáng.
Một năm trước Diệu Âm tỉ tỉ xin xuất sư, nàng muốn lấy chồng. Chồng nàng là một đệ tử Mao Sơn thi đấu ở Đại hội Tiên kiếm. Ngày nàng xuất giá hai tỉ đệ nước mắt lưng tròng. Nàng sống hạnh phúc ở Mao Sơn, hắn lặng lẽ cống hiến ở Trường Lưu. Việc bảo vệ lục giới có Tôn Thượng và những đệ tử thiên tài được trời chọn. Hắn giúp đỡ bọn họ cũng là giúp đỡ những người được họ bảo vệ. Thế là đủ rồi.
Hôm qua vừa nhập thêm một đám tân đệ tử, hôm nay các bưu kiện thư từ cũng phá lệ nhiều hơn. Có lẽ các bậc phụ huynh đều nóng lòng muốn biết con em mình ở Trường Lưu Sơn ra sao. Hắn làm những việc tuần tự như đã là thông lệ, nhận đồ, cho đám chim đưa thư một ít hạt rồi kiểm tra xem bưu kiện có gì vi phạm không, gửi hạc giấy đến đám đệ tử để chúng đến nhận. Đồ gửi cho các vị có chức vụ cao trong môn phái sẽ được giao cho mấy người khác đem đi giao ngay lập tức.
Tiếng chuông trên cửa vang lên, Tiểu Bát ngẩng đầu nhìn cô nương mới bước vào thư quán, thoáng ngẩn người trước vẻ đẹp thanh tú của nàng. Một tân đệ tử trẻ, chừng 14-15 tuổi, nhưng dung mạo đã lộ rõ nét xinh đẹp, đôi mắt phượng sắc sảo và đôi mày dài như vẽ, trên người mặc bộ váy của tân đệ tử Trường Lưu Sơn. Ánh mắt của nàng tràn đầy sự tự tin, nhưng lại mang theo chút tò mò và thận trọng như bao tân đệ tử khác.
Cô nương này chỉ cần lớn thêm chút nữa thì Trường Lưu Sơn chắc sẽ thêm phần rộn ràng đây. Đám nam đệ tử sẽ không dễ gì mà bình yên mà luyện kiếm được rồi. Hắn cố gắng che giấu nụ cười mỉm và lấy lại sự chuyên nghiệp thường ngày.
"Xin hỏi sư muội đến đây có việc gì?" Hắn hỏi bằng giọng ôn hòa.
Nàng nhẹ nhàng tiến đến trước bàn, nhìn quanh một lượt những cuộn thư và bưu kiện đang được sắp xếp cẩn thận. "Ta là Nghê Mạn Thiên, ta vừa nhận được hạc giấy báo tới đây để nhận thư nhà" nàng đáp, giọng nói trong trẻo nhưng mang chút lạnh nhạt. Tiểu Bát nhận ra đây chắc hẳn là một tiểu thư từ gia đình quyền thế nào đó, dù là tân đệ tử nhưng vẻ cao ngạo thì không lẫn vào đâu được.
Hắn nhanh chóng kiểm tra danh sách, rồi lục tìm một bưu kiện nhỏ với tên người gửi từ Bồng Lai Đảo, trao cho nàng. "Đây là bưu kiện của ngươi."
Nàng gật đầu nói, "Cảm ơn sư huynh.", rồi quay người bước ra khỏi thư quán, dáng vẻ tao nhã như gió thoảng qua. Tiểu Bát nhìn theo bóng nàng, lại tự mình cười thầm một lần nữa.
------
Nghê Mạn Thiên trở về phòng sau khi lấy bưu kiện từ thư quán. Nàng mở chiếc hộp nhỏ từ Bồng Lai Đảo, bên trong có một lá thư gấp gọn và vài chiếc bánh kẹo được gói cẩn thận trong lớp giấy mỏng. Chỉ cần nhìn thoáng qua thôi, nàng đã nhận ra đây là đồ ăn mẹ nàng tự tay làm, thứ hương vị quen thuộc.
Nàng mở bức thư, từng dòng chữ hiện ra như một giọng nói dịu dàng vang vọng trong đầu:
"Thiên Nhi,
Mấy hôm nay ở nhà cha mẹ đều khỏe, nhưng nhớ con rất nhiều. Môi trường mới ra sao? Cha con vẫn như thường lệ, bận rộn với công việc, còn mẹ thì dành thời gian chuẩn bị ít bánh kẹo mà con thích. Mẹ biết con không thể về thường xuyên, nên gửi ít quà này để con có thứ gì đó ăn khi nhớ nhà. Nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm chỉ tu luyện.
Cha mẹ lúc nào cũng dõi theo con.
Mẹ của con
Tô Nhị"
Đọc đến đây, Nghê Mạn Thiên khẽ mỉm cười. Nàng nhón lấy một chiếc bánh, cảm nhận vị ngọt ngào và hương thơm quen thuộc lan tỏa trong miệng, làm nàng bỗng thấy lòng ấm áp lạ thường. Tiện tay đưa mấy cái bánh cho Chi Chi, con củ cải này rất thích đồ ngọt. Sau đó, nàng cầm bút và bắt đầu viết thư trả lời cha mẹ:
"Cha mẹ,
Con đã nhận được thư và bánh kẹo của mẹ. Bánh mẹ làm vẫn ngon như ngày nào.
Ở Trường Lưu Sơn mọi việc đều ổn. Bọn con đã bắt đầu khoá học dành cho tân đệ tử. Có rất nhiều môn học khác nhau mà con rất háo hức trải nghiệm. Con vẫn đang cố gắng tập luyện và học hỏi từ các tiên sư. Không có gì quá khó khăn cả, con sẽ không phụ lòng mong đợi của cha mẹ.
Mong cha mẹ giữ gìn sức khỏe. Khi nào có cơ hội, con sẽ về thăm nhà.
Con của cha mẹ,
Mạn Thiên."
Nghê Mạn Thiên cẩn thận gấp lá thư lại, rồi niệm phép cho nó bay lên bầu trời, mang theo những dòng chữ yêu thương của nàng trở về Bồng Lai Đảo.
Những ngày tiếp theo của Nghê Mạn Thiên diễn ra đều đặn và bình lặng. Nàng bắt đầu quen thuộc với nhịp sống ở Trường Lưu Sơn. Sáng dậy, ăn sáng, lên lớp rồi nghỉ trưa một canh giờ trước khi học tiếp buổi chiều. Sau giờ học, nàng thường dành thời gian khám phá những góc nhỏ chưa biết đến của Trường Lưu Sơn, rồi về ăn tối. Mỗi tối, Nghê Mạn Thiên lại dành chút thời gian cho những thú vui như đọc sách, thêu thùa trước khi yên giấc.
Một tuần ở Trường Lưu Sơn có mười ngày, trong đó các đệ tử học bốn ngày, nghỉ một ngày giữa tuần rồi lại tiếp tục học bốn ngày nữa. Trong số các môn học, Nghê Mạn Thiên đặc biệt yêu thích môn Ngũ Hành. Môn này được chia thành năm lớp: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, và Thổ, mỗi lớp một tiết cố định trong tuần. Nhưng có một môn đặc biệt, chiếm lĩnh tiết cuối của tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày đầu tiên và ngày nghỉ, đó chính là Kiếm thuật.
Kiếm thuật Trường Lưu Sơn không giống với bất kỳ môn học nào mà Nghê Mạn Thiên từng tiếp xúc tại nhà, vì nó dạy kiếm pháp đặc trưng của nơi đây. Tuy nhiên, thay vì cảm thấy khó khăn, nàng lại vô cùng hào hứng. Khả năng kiếm thuật của nàng không hề tệ, nếu không muốn nói là xuất sắc, nhưng những bài học ở đây hoàn toàn mới mẻ và kí©ɧ ŧɧí©ɧ sự tò mò của nàng.
Ngoài Kiếm thuật, còn có môn Thể năng nhằm rèn luyện sức bền và sự dẻo dai. Các môn Phòng thủ, Đối nghịch, và Chú thuật sơ đẳng là những kỹ năng vô cùng quan trọng để trừ yêu diệt ma trong tương lai. Các môn lý thuyết cũng vô cùng đa dạng: Tiên dược và trị liệu, Địa lý lục giới, Ma vật, Tử vi và kinh dịch, Cổ ngữ, Thiên văn thiên tượng—tất cả như mở ra một chân trời kiến thức mới cho các đệ tử.
Trường Lưu Sơn còn dạy các môn văn hóa cơ bản như Thư pháp và thư họa, Nhạc lý, Văn học thường thức, và cả Đại số. Nghê Mạn Thiên không khỏi cảm thán về sự hoàn thiện và quy củ của hệ thống giáo dục nơi đây. Không phải tự nhiên mà nhiều tiên nhân từ khắp nơi, dù đã sinh ra với tiên thân vẫn mong muốn được đến Trường Lưu Sơn để bái sư học nghệ.
Nghê Mạn Thiên như cá gặp nước, đắm chìm trong biển kiến thức và những con người tận tâm tận lực trong lĩnh vực của mình.
Chủ nhiệm lớp Giáp của Nghê Mạn Thiên, Hồ Thanh Khâu, là người đảm nhiệm giảng dạy môn Ngũ Hành hệ Thổ. Môn này được sắp xếp ngay sau tiết Thể năng vào buổi sáng ngày thứ hai trong tuần. Hồ Thanh Khâu nổi tiếng là một người nghiêm túc và ít nói, thuộc dạng không cần nhiều lời vẫn có thể dẹp yên trật tự trong lớp. Chỉ riêng sự hiện diện của nàng cũng đủ khiến các đệ tử tập trung toàn bộ sự chú ý vào bài học.
Điều khiến Hồ Thanh Khâu đặc biệt là nàng rất coi trọng thực lực, bao gồm kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành. Đối với nàng, lý thuyết chỉ là nền tảng, còn việc thực hành mới là điều quyết định thành công.
Mặc dù đệ tử lớp khác thường e ngại và sợ sự nghiêm khắc của nàng, nhưng đối với đệ tử lớp Giáp, Hồ Thanh Khâu lại là niềm tự hào. Như vậy mới là chủ nhiệm lớp Giáp, một lớp gồm toàn những tân đệ tử ưu tú nhất!
Ngày đầu tiên của môn Ngũ Hành hệ Thổ, sau khi lớp học kết thúc, Hồ Thanh Khâu bảo lớp Giáp nán lại. Sau khi nhìn quanh một lượt, nàng hỏi các tân đệ tử lớp Giáp: "Các ngươi đã quen với nơi này chưa?" Lần này, không giống sự im lặng thường thấy, các đệ tử lớp Giáp phá lệ nhao nhao trả lời.
Hồ Thanh Khâu vẫn giữ bộ mặt hoàn toàn nghiêm túc, khiến tiếng ồn trong lớp nhanh chóng dịu xuống. Nàng nói: "Đã làm quen thì tốt. Tiện đây ta sẽ giới thiệu với các ngươi về một sự kiện quan trọng trong con đường tu tiên của mỗi người - Đại hội Kiếm Tiên."
Nghê Mạn Thiên nghe đến đây bỗng cảm thấy sống lưng mình thẳng hơn, đôi mắt sáng lên đầy kỳ vọng. Đại hội Kiếm Tiên! Đó là đại hội luận võ lớn nhất Tiên giới, là thế vận hội của giới tiên nhân. Biết bao cô bé, cậu bé đã gối đầu giấc mơ được bước lên bục cao nhất của đại hội này.
Hồ Thanh Khâu tiếp tục, giọng nói của nàng vang lên trong không khí yên tĩnh của lớp học: "Đại hội Kiếm Tiên trước đây được tổ chức năm năm một lần. Nhưng từ khi yêu ma càng ngày càng lộng hành, đại hội này đã được nâng lên tổ chức mỗi năm một lần. Đây không chỉ là nơi để các đệ tử của Trường Lưu Sơn thi thố mà còn có các đệ tử từ các môn phái khác đến tham dự. Đây là sự kiện quy tụ những tiên nhân ưu tú nhất."
Nghê Mạn Thiên cảm thấy tim mình đập nhanh hơn. Bao nhiêu năm qua, nàng đã không ít lần tưởng tượng mình thi đấu trong Đại hội Kiếm Tiên, trở thành một trong những người xuất sắc nhất, được tất cả mọi người ngưỡng mộ.
Hồ Thanh Khâu nhìn đám đệ tử, ánh mắt sắc bén: "Đối với các tân đệ tử của Trường Lưu Sơn, Đại hội Kiếm Tiên còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Đây là cuộc thi diễn ra sau khi các ngươi kết thúc một năm rèn luyện tân đệ tử. Thực lực mà các ngươi thể hiện trong đại hội cũng chính là cơ sở để các trưởng lão và tiên tôn chọn lựa đệ tử chân truyền. Các ngươi không được phép lơ là, đừng tưởng rằng mình là đệ tử lớp Giáp mà có thể tự tin chiến thắng. Trong thi đấu, vô vàn bất ngờ có thể xảy ra."
Lời cảnh báo của Hồ Thanh Khâu như một cái tát vào lòng tự tôn của không ít đệ tử. Dù lớp Giáp luôn được biết đến là nơi tụ họp những tân đệ tử ưu tú nhất, nhưng điều đó không đồng nghĩa với chiến thắng dễ dàng. Trong Đại hội Kiếm Tiên, không chỉ có tài năng mà còn là sự khéo léo, may mắn và khả năng đối đầu với những tình huống bất ngờ.
------
Tuần học thứ nhất trôi qua nhanh chóng, và Nghê Mạn Thiên không quên lời nói với Vân Đoan, nàng bắt đầu hòa vào guồng quay của việc học sau khoảng thời gian đầu làm quen và xả hơi. Mỗi buổi sáng, Nghê Mạn Thiên dậy từ giờ Mão, chong đèn trong phòng ký túc và chăm chỉ đọc sách. Nàng lên lớp chăm chú nghe giảng, hăng hái tham gia vào các cuộc thảo luận và thực hành. Trong những buổi học, nàng không ngừng phát biểu, đưa ra các câu hỏi và tham khảo ý kiến từ các tiên sư để hiểu rõ hơn về những khía cạnh phức tạp trong bài giảng.
Giờ nghỉ trưa, nàng ăn vội một bữa đơn giản rồi dành nửa canh giờ ngủ ngắn để lấy lại sức. Buổi chiều, các môn học tiếp tục đến hết tiết thứ tư. Tan học, nàng kéo Vân Đoan tới Tàng Thư Các làm bài tập về nhà, rồi cả hai cùng về dùng bữa tối. Sau bữa ăn, Nghê Mạn Thiên ôn tập lại kiến thức đã học cho xuôi cơm trước khi xách kiếm đến thung lũng nhỏ sau núi luyện tập.
Thung lũng yên tĩnh, chỉ có tiếng gió và tiếng vung kiếm xé không khí. Nghê Mạn Thiên luôn luyện đến giờ Tí mới quay về Hội Sinh Quán. Nàng và Vân Đoan đều tuân thủ kỷ luật học tập chặt chẽ, hiếm có thời gian cho việc trò chuyện phiếm hay giải trí. Nhưng trong sự bận rộn đó, cả hai đều lặng lẽ tận hưởng. Cảm giác được học tập, rèn luyện trong một môi trường hoàn thiện như Trường Lưu Sơn, cùng với sự tiến bộ ngày qua ngày thật sự là một cảm giác rất tuyệt vời.
Đối với việc này các tiên sư tất nhiên là rất quý nàng. Ngược lại trong mắt một số đệ tử tọc mạch nhiều chuyện lại cho rằng nàng quá thể hiện. Nàng biết họ thường kéo bè kéo phái thì thầm sau lưng nàng với ánh mắt không mấy thiện cảm.
Mẹ nàng từng nói, quản thiên quản địa cũng chẳng quản được cái miệng của thiên hạ, nên nàng càng tập trung vào việc học tập, coi đó như động lực để trở nên tốt hơn. Một số khác thường tranh thủ lúc giáo viên chưa vào lớp mang vở đến chỗ nàng hỏi bài, nàng cũng vui vẻ chỉ bọn họ, nhóm người kia lại càng ngứa mắt, có người còn chán ghét ra mặt. Một số khác chỉ hóng chuyện và đánh giá nàng, trong số đó có cả Khinh Thuỷ, Nghê Mạn Thiên không khỏi thở dài.
Khinh Thủy thực ra không phải là người quá tệ. Nàng là người phàm nhưng khả năng tiếp thu nằm ở mức tốt. Kinh Thuỷ nhanh chóng trở thành một trong những tân đệ tử có tiềm năng nhất lớp Quý. Khinh Thủy luôn cố gắng và nỗ lực trong học tập, nhưng sự khác biệt về xuất thân và môi trường trưởng thành dường như tạo ra một rào cản vô hình giữa nàng và Nghê Mạn Thiên.
Cũng may mối quan hệ của Nghê Mạn Thiên với các thành viên khác trong nội bộ lớp Giáp khá tốt. Họ không ngần ngại trao đổi kiến thức, chia sẻ các cách giải quyết và tiếp cận vấn đề khác nhau. Mọi người thường cùng nhau ôn bài và cùng tìm cách để nâng cao khả năng của mình. Nghĩa Dũng còn thường cùng Nghê Mạn Thiên và Vân Đoan làm bài tập ở Tàng Thư Các. Tạo nên một nhóm học tập vô cùng hòa thuận và bổ ích.
Thời gian trôi qua êm đềm, chớp mắt đã sang tuần cuối cùng của tháng bảy. Buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, các nàng ngồi trong lớp học tiết Lịch sử Lục Giới. Không khí trong lớp lặng im, chỉ có giọng nói của Đào Ông vang lên đều đặn, say sưa giảng về những biến động và sự phát triển của Lục Giới qua các thời kỳ. Nghê Mạn Thiên chăm chú lắng nghe, nhưng rồi bỗng nhiên, ánh mắt nàng lơ đãng rời khỏi bài giảng và liếc ra hành lang.
Bên ngoài, nàng bắt gặp bóng dáng một người cao gầy trong bộ y phục trắng muốt đang chậm rãi tiến về phía lớp. Người ấy không đi một mình, mà dắt theo một chàng trai thấp hơn, dáng vẻ nghiêm túc và điềm đạm. Đôi mắt của Nghê Mạn Thiên thoáng mơ màng, không suy nghĩ nhiều về hình ảnh đó, cho đến khi hai bóng dáng ấy lại gần hơn.
Nhận ra điều gì đó quen thuộc trong phong thái như tùng giữa tuyết của người mặc áo trắng, một cảm giác kỳ lạ bắt đầu dâng lên trong lòng nàng. Khi nàng ngẩng mặt lên và nhìn rõ hơn, từng đợt ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Trời đất, đó là Tôn Thượng! Chưởng môn đại nhân của Trường Lưu Sơn! Tôn Thượng – người mà ai cũng kính nể và sợ hãi – đang bước thẳng về phía lớp học của họ!
Lời của tác giả: Nếu có gì mà mình thích ở tiểu thuyết Hoa Thiên Cố nhất thì chính là cơ chế giáo dục của Trường Lưu Sơn được xây dựng ở mức tốt so với nhiều truyện khác. Mỗi đệ tử ban đầu đều được hưởng mặt bằng giáo dục như nhau, sau đó tuỳ vào tài năng và sự cần cù của mỗi người để bái sư. Rất nhiều truyện tu tiên khác ngay khi các bé nhập môn các sư phụ nhìn thích đứa nào thì nhận, nhìn chung sẽ thiếu công bằng cho mấy bé không có điều kiện từ trước trừ khi mấy ẻm là nhân vật chính. Cách giáo dục ở Trường Lưu Sơn dù không thể hoàn toàn cào bằng nhưng ít nhất sẽ cho các em một khoảng thời gian để cố gắng, để xem bản thân có phù hợp với con đường tu tiên hay không.