Tiến Sĩ Thần Kinh Xuyên Tới Triều Thanh

Chương 1

Vừa tới giờ Dần*, Lư Hi Ninh đã bị gọi dậy. Sau khi rửa mặt, sửa soạn quần áo chỉnh tề, đại tẩu Lý thị đích thân chải đầu, vấn tóc cho nàng.

*Giờ Dần: từ 3 - 5 giờ sáng.

Lực tay của Lý thị rất mạnh, như thể mang theo mối thù sâu đậm. Nàng ấy chia mái tóc của nàng làm đôi, rồi búi thành búi tròn.

Da đầu Lư Hi Ninh bị kéo căng, nàng cảm thấy chỉ cần khẽ động đậy, da đầu sẽ lập tức bị xé toạc.

Qua tấm gương đồng, Lư Hi Ninh nhìn thấy Lý thị nghiến răng nghiến lợi, gương mặt tràn ngập vẻ hung dữ. Nàng vừa mấp máy môi, định nói gì đó, Lý thị đã cản lại: "Phải búi thật chặt, không được để tóc tai lòa xòa. Thất nghi trước ngự tiền là tội lớn, nhà ta không gánh nổi đâu."

Lư Hi Ninh bèn ngậm miệng.

Lý thị ngắm nghía tiểu cô trong gương. Lư Hi Ninh vốn đã rất xinh đẹp, đẹp nhất là đôi mắt phượng cong cong, vô cùng có hồn. Nay được trang điểm, mắt phượng như thể sắp tung cánh bay đi, tràn ngập vẻ sắc sảo.

Tuyển tú sẽ được diện kiến Đế Hậu, mà dáng vẻ hiện tại của Lư Hi Ninh còn có khí thế hơn cả Hoàng Hậu. Lý thị cảm thấy không ổn, lập tức tháo hai búi tóc của Lư Hi Ninh ra, búi lỏng hơn một chút. Nhưng mái tóc đen mượt của nàng lại không nghe lời, vừa búi lên đã tuột ra.

Lý thị lâm vào thế khó, cuối cùng đành cố kiềm chế sự không nỡ trong lòng, cao giọng gọi với ra ngoài: "Trương bà tử, cầm lọ dầu dưỡng tóc trong phòng ta sang đây."

Nhà họ Lư là người Hán quân kỳ, năm đó sau khi được tiên đế ban quan, nhà họ được chia cho một tòa tam hợp viện ở phía Đông Tử Cấm Thành. Phu thê Lý thị sống ở chính viện, Lư Hi Ninh sống ở Đông khóa viện, còn tiểu thϊếp và thứ nữ của phụ thân Lư Hi Ninh thì sống ở Tây khóa viện.

Trương bà tử là hạ nhân duy nhất của Đông khóa viện, có lẽ đang bận chuyện khác, nên đợi một lúc lâu mà vẫn không nghe thấy tiếng bà ta đáp lại, Lý thị chỉ đành ngồi bên bàn trang điểm chờ đợi.

Lư Hi Ninh không nói gì, Lý thị cũng đã quen với sự trầm tĩnh của nàng, nên cũng im lặng theo, chỉ nhìn chằm chằm vào gương. Sau hồi lâu, nàng ấy đột nhiên thở dài: "Năm đó trong nhà tôi tớ thành đàn, nào có chuyện để chủ tử chờ như hiện tại."

Những lời nói tiếp theo của Lý thị, suốt hai tháng nay, Lư Hi Ninh đã nghe nhiều tới độ tai mọc kén. Nàng có năng lực nhìn, nghe một lần là nhớ, nên đã sớm thuộc làu làu mấy lời than vãn của nàng ấy.

Lư Hi Ninh khẽ gõ nhẹ đầu ngón tay lên đầu gối, như để đệm nhạc cho câu từ của Lý thị: "Nhà họ Lư từng là quan lớn nhất phẩm chấn giữ biên cương, chẳng ngờ trụ cột gia đình vừa rời đi, nhà ta đã suy tàn tới mức này. Đúng là nghiệp chướng mà."

Quan lớn nhất phẩm chấn giữ biên cương mà Lý thị nhắc tới là Lư Hưng Tổ - a mã của nguyên chủ, đã qua đời từ bảy năm trước. Lư Hi Ninh nghe Trương bà tử kể, do Tô Khắc Tát Cáp - kỳ chủ của Bạch Kỳ - một trong tứ đại đại thần cố mệnh* - thất thế, Lư Hưng Tổ chịu liên lụy, bị Khang Hi quở mắng. Sau khi từ quan, ông hồi kinh rồi tự vẫn mà chết.

*Đại thần cố mệnh: quan nhϊếp chính.

Nhà họ Lư là người Bát Kỳ, nữ tử Bát Kỳ phải tham gia tuyển tú. Nguyên chủ đáng thương, a mã và ngạch nương lần lượt qua đời, nàng lần lượt chịu tang, nên mới lở dở tới tận bây giờ. Năm nay nàng đã mười tám tuổi, tìm khắp kinh thành chẳng ai bằng tuổi nàng mà vẫn là cô nương khuê phòng.

Trương bà tử nói, nàng nhất định phải gả trong năm nay. Chờ thẻ bài tuyển tú bị đánh rớt, phải nhanh chóng tìm một gia đình để gả đi, nếu không sẽ thật sự quá lứa lỡ thì.

Dường như Lý thị đã phát hiện ra động tác gõ ngón tay của Lư Hi Ninh, nàng ấy chợt ngậm miệng lại, ngước mắt nhìn nàng, đối diện với ánh mắt tò mò của nàng.

Sau một trận giằng co, Lý thị thua thảm bại. Nghe thấy tiếng bước chân ngoài phòng, nàng ấy đứng dậy đi ra ngoài.

Ôi!

Năm đó khi Lư Hưng Tổ còn sống, ông từng nói Lư Hi Ninh là đứa bé thông minh nhất nhà họ Lư, dù mấy huynh đệ tỷ muội khác có hợp lại, cũng chẳng thông minh bằng nàng.

Lý thị lại cảm thấy, Lư Hưng Tổ chỉ nói đúng một nửa.

Trước kia Lư Hi Ninh rất trầm tĩnh, dùng gậy cạy miệng cũng chẳng nói câu nào, thường xuyên nhốt bản thân trong phòng, cả người ngây ngây ngốc ngốc. Hiện tại Lư Hi Ninh vẫn rất trầm tĩnh, nhưng không còn ngây ngốc nữa, chẳng qua lời nàng nói ra còn thẳng và thô hơn khúc gỗ của thợ mộc, khiến Lý thị chỉ ước nàng câm luôn cho rồi.

Người thẳng tuột không am hiểu đạo lý đối nhân xử thế như thế, thì thông minh nỗi gì.