Nào ngờ, năm sau, quản sự nhà Lễ Bộ Thị Lang cầm biên lai đến chuộc bình sứ. Học đồ trong tiệm vào kho lấy ra, mới phát hiện trên thân bình có thêm ba vết rạn. Bình sứ đã có tì vết, giá trị liền giảm đi đáng kể. Vị quản sự kia liền khẳng định đây không phải chiếc bình mà chủ nhân nhà hắn từng mang đến cầm cố, mà chỉ là một món đồ phỏng chế từ lò gốm Thông Châu.
Đường phụ vội mời mấy vị đồng nghiệp có tiếng trong nghề đến xem xét, ai nấy đều nhận định đây quả thực là hàng giả, không phải gốm sứ Nhữ Châu chính gốc.
Nhưng biên lai cầm đồ vẫn còn đó, giấy trắng mực đen rõ ràng. Quản sự nhà Lễ Bộ Thị Lang liền yêu cầu bồi thường gấp đôi số ngân lượng theo luật pháp Sở quốc, nếu không sẽ báo quan xử lý.
Dân đâu thể đấu với quan, định luật này, thời đại nào cũng đúng. Luật pháp Sở quốc quy định, nếu vật phẩm đã cầm cố bị tổn hại hoặc thất lạc, cửa tiệm phải bồi thường theo giá trị ban đầu. Nếu phát hiện giả mạo hoặc có gian lận, khoản bồi thường phải gấp đôi.
Đường phụ không còn cách nào khác, đành gom toàn bộ số ngân lượng còn lại trong tiệm để bồi thường cho Lễ Bộ Thị Lang. Thậm chí, ông còn bán cả một trang viên ở ngoại ô Kinh Giao, cùng hai cửa hàng ở thành Tây, mới đủ trả hết số bạc nợ.
Không còn ngân lượng xoay vòng, hiệu cầm đồ chẳng thể tiếp tục buôn bán, gia sản nhiều năm tích góp cũng tiêu tan. Đường phụ tinh thần sa sút, mất hẳn nhuệ khí. Ông bắt đầu hoài nghi chính mình không đủ năng lực nhìn hàng, sợ lại bị lừa gạt, chẳng dám tùy tiện tiếp khách nữa. Chỉ cầm cự giữ tiệm, chờ những người đã từng cầm đồ đến chuộc lại, nhờ đó thu chút lợi tức để duy trì sinh kế.
Nhưng có lẽ Đường phụ vẫn chưa cam lòng. Ông không tin bản thân lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng như vậy. Một món đồ gốm sứ quý giá của Nhữ Diêu, từ chỗ chỉ bị hư tổn, lại biến thành hàng giả? Nghĩ tới nghĩ lui, ông ngày đêm trằn trọc, cuối cùng phát hiện ra chân tướng: hóa ra học đồ cùng nhị chưởng quầy trong tiệm đã âm thầm đánh tráo món đồ rồi mang đi bán. Chiếc bình sứ men xanh thẫm kia chính là đồ thay thế.
Nhị chưởng quầy và Đường phụ là huynh đệ kết giao nhiều năm, lại phản bội cửa tiệm. Trước đó không lâu, y lấy lý do mẫu thân qua đời để trở về quê chịu tang, sau đó dọn nhà rời đi, biệt tăm biệt tích. Đường phụ có muốn báo quan cũng chẳng biết tìm ai để tố cáo. Cú sốc quá lớn khiến ông tức giận đến mức thổ huyết, ngã quỵ, từ đó thân thể suy sụp hoàn toàn.
Từ nhỏ, Đường Nguyệt đã theo cha mẹ làm việc trong hiệu cầm đồ, tận mắt chứng kiến cửa tiệm nhỏ được gây dựng ra sao, sinh ý từng thịnh vượng cỡ nào. Cảm tình của nguyên chủ với nơi này vốn chẳng thể nói hết bằng lời. Mẫu thân vừa qua đời chưa bao lâu, nguyên chủ còn chưa nguôi ngoai nỗi bi thương, lại phải chứng kiến hiệu cầm đồ rơi vào cảnh khốn đốn, phụ thân cũng không thể xoay chuyển cục diện.
Nàng ấy không biết cách viết biên lai, chẳng hiểu cách xem sổ sách, càng không biết đánh giá vật phẩm. Trước cảnh gia nghiệp lung lay sắp đổ, nàng bất lực đến mức ngay trong lễ mai táng của Đường phụ, liền ngất xỉu tại chỗ.
Nàng* đã hôn mê suốt hai ngày.
* Nàng ở đây ý chỉ nguyên chủ nhé mọi người