Yêu Em Cả Đời

Chương 1

Chiều hôm đó, Văn Đình Lệ đi từ trường ra, gọi một chiếc xe kéo ở cổng trường, vội vã trở về nhà.

Cô đang theo học tại Trường Trung học Nữ sinh Tú Đức, gần đây vừa mới có bạn trai, bạn trai tên là Kiều Hạnh Sơ, cháu trai trưởng của gia đình dệt vải danh tiếng Kiều Bồi Anh ở Ninh Ba.

Tối nay, nhà họ Kiều chuẩn bị tổ chức tiệc chiêu đãi những người có tiếng ở Thượng Hải. Vì Văn Đình Lệ là bạn gái nhỏ của Kiều Hạnh Sơ nên cũng nằm trong danh sách khách mời. Cô rất muốn để lại ấn tượng tốt cho người nhà họ Kiều, sợ buổi tối tan học xong mới trang điểm sửa soạn thì không kịp, bèn dứt khoát xin phép nghỉ bệnh ở trường.

Chuyện "giả bệnh" này, người khác làm có thể rất khó, nhưng đối với Văn Đình Lệ thì luôn thuận buồm xuôi gió.

Từ nhỏ, cô đã có một thứ bản lĩnh mà người khác không có, lúc muốn khóc thì chỉ cần chớp mắt một chút là những giọt nước mắt trong veo sẽ trào ra như chuỗi ngọc, bộ dạng tội nghiệp đẫm nước mắt ấy dù là ai thấy cũng sẽ mềm lòng. Nếu cô xoa mạnh mặt một chút, mũi và má sẽ lập tức ửng đỏ, kết hợp với đôi mắt đẫm lệ sưng lên do khóc, trông không khác gì người bị bệnh cấp tính. Nhờ vậy mà lần nào cô giả bệnh đều thành công hết.

Lần này tất nhiên không ngoại lệ. Về đến nhà, Văn Đình Lệ chẳng quan tâm tới việc thay đồ, vui vẻ làm mặt quỷ với chính mình trong gương trước.

"Đồ lừa đảo này! Tiền bị ngươi lừa hết rồi, trái tim cũng bị ngươi lừa mất…"

Đó là câu thoại và động tác trong vở kịch "Loan Phượng Hòa Minh" mà cô xem lần trước. Cô không mấy chú tâm vào học hành, nhưng nhớ thoại kịch thì lại nhanh hơn bất kỳ ai.

Đứng trước gương tự diễn một hồi, Văn Đình Lệ vui vẻ cười rộ lên, đặt bộ sườn xám trong tay xuống, cầm một chiếc váy lụa Pháp màu trắng ngà lên.

Kiều Hạnh Sơ đã nói sẽ đến đón cô lúc năm giờ, cô còn một giờ để trang điểm ăn diện cho mình.

Đó là một ngày tháng Sáu, thời tiết tốt đến lạ, sau bữa trưa, những người phụ nữ trong con hẻm (*) tụ tập ở vòi nước công cộng vừa cười nói vừa giặt quần áo.

(*) "衖堂" là một từ trong tiếng Trung để chỉ những con hẻm nhỏ hay đường nhỏ giữa các dãy nhà trong khu dân cư, phổ biến ở các thành phố như Thượng Hải hoặc Bắc Kinh. Các con hẻm này thường là nơi sinh hoạt của cư dân, nơi mọi người qua lại, tụ họp, và là phần không thể thiếu của kiến trúc đô thị truyền thống Trung Quốc.

Văn Đình Lệ nghe tiếng ồn ào ấy, trong lòng dâng lên sự vui vẻ không diễn tả được. Nói đến bốn mùa, cô thích nhất là đầu hạ, không vì lý do đặc biệt gì cả, đơn giản do trong mùa này vạn vật đều vô cùng rực rỡ, như lúc này, ngoài cửa sổ là bầu trời xanh với những đám mây trắng như bông, màu sắc ấy trong trẻo đến mức tưởng như không giống thật. Còn có những chiếc váy đang bày ra trước mặt cô ngay giờ phút này đây, đó cũng là sự rực rỡ mà chỉ mùa hè mới có.

Cô phấn khởi thay quần áo trước gương, dưới lầu bỗng trở nên yên tĩnh. Có vẻ như hàng xóm nhìn thấy điều gì đó lạ thường, tất cả đều ngậm miệng lại, cuối cùng không biết là ai lên tiếng ho một cái trước: "Đến tìm Đình Lệ à? Có nhà, cô ấy ở nhà."

Văn Đình Lệ len lén nhìn xuống dưới lầu, nghe thấy bà vυ' thím Chu ở ngoài gõ cửa: "Tiểu thư, có khách đến."

Nương theo đó là tiếng la lối của Tiểu Đào Tử: "Chị ơi..."

Văn Đình Lệ mở cửa bế Tiểu Đào Tử vào lòng, nhưng không chịu để thím Chu đi theo, tiện tay đóng cửa lại.

Tiểu Đào Tử đã ngủ suốt cả buổi chiều, giờ nhìn thấy chị thì vui mừng khôn xiết, đôi tay nhỏ nhắn nhẹ nhàng chạm vào mặt chị, miệng ê a không ngừng. Văn Đình Lệ thơm vài cái vào má em gái, đặt Tiểu Đào Tử xuống đất, tìm chút sô-cô-la cho nó ăn, còn mình thì quay lại trước gương tiếp tục chỉnh trang.

Tiểu Đào Tử ở bên cạnh ngẩng mặt nhìn chị, đầy vẻ tò mò.

Văn Đình Lệ trong lúc bận rộn liếc thấy vẻ ngây thơ của Tiểu Đào Tử qua gương, không nhịn được cười khúc khích: "Em cũng muốn giúp chị đưa ra ý kiến đúng không? Vậy em nói xem, chị mặc cái này hay cái kia thì đẹp hơn?"

***

Dưới lầu, Văn Đức Sinh đang ân cần tiếp đãi Kiều Hạnh Sơ. Ngoài Kiều Hạnh Sơ, cùng đến còn có vài bạn học cả nam lẫn nữ ăn mặc lịch sự, lấy cớ tham gia buổi sinh hoạt tôn giáo (*) để mời Văn Đình Lệ đi chơi.

(*) "团契" (đoàn khế) là một từ dùng trong ngữ cảnh tôn giáo, đặc biệt là trong Cơ Đốc giáo (Kitô giáo), để chỉ sự nhóm họp, gắn kết của một nhóm tín hữu có cùng đức tin. "Đoàn khế" có nghĩa là sự giao lưu, kết nối giữa những người cùng tôn giáo, thường được tổ chức dưới hình thức các buổi sinh hoạt, chia sẻ về đạo lý, cầu nguyện, hoặc học hỏi Kinh Thánh.

Trong lòng Văn Đức Sinh rất hài lòng.

Chàng trai họ Kiều có thể sắp xếp được như vậy, ít nhất cho thấy anh ta rất biết giữ gìn danh tiếng thay con gái ông.

Nói mới nhớ, đây là lần thứ hai Kiều Hạnh Sơ đến thăm nhà họ Văn. Tình hình nhà họ Kiều, Văn Đức Sinh đã tìm hiểu rõ ràng ngay từ lần gặp đầu tiên. Về người này, bất kể là gia thế hay diện mạo, ông đều không thể chê vào đâu được.

Nhưng thân thiện thì thân thiện, ông tuyệt đối không bao giờ để Kiều Hạnh Sơ bước lên cầu thang một bước, thanh danh của con gái rất quan trọng, ông không muốn sau này hàng xóm láng giềng lại bàn tán điều tiếng không hay.

Lần này ông vẫn làm như lần trước, mở rộng cửa nhà, dùng trà bánh để giữ chân nhóm thanh niên ở dưới lầu. Một mắt ông dán chặt vào Kiều Hạnh Sơ, mắt còn lại thỉnh thoảng liếc nhìn bóng dáng thấp thoáng ngoài cửa, thần thái như muốn nói với đám hàng xóm láng giềng rằng: "Thấy không? Con gái của Văn Đức Sinh tôi, cư xử rất đàng hoàng."

May mắn là Kiều Hạnh Sơ cũng rất hiểu lễ nghĩa. Đừng nói là kiếm cớ lên lầu tìm con gái, ngay cả nhìn lên lầu anh ta còn không liếc lấy một cái.

Văn Đức Sinh thấy vậy, khuôn mặt gầy gò của ông thêm mấy phần ý cười. Văn Đức Sinh cả đời chỉ làm được hai việc đáng tự hào: Một là cưới được một người vợ ưng ý, hai là sinh được hai cô con gái xinh đẹp như hoa.

Năm ngoái, vợ ông qua đời vì bệnh, ông cũng bị ốm nặng một trận, trong cơn đau ốm thậm chí đã từng muốn đi theo vợ, nhưng vì hai cô con gái chưa trưởng thành mới miễn cưỡng chống đỡ.

Giờ ông không mong gì hơn, chỉ mong con gái sau này có thể lấy được người chồng tốt.

Người nghèo thì ông không chấp nhận.

Sống hơn nửa đời người, ông đã chịu đủ nỗi khổ của sự "nghèo" rồi. Năm xưa, ông đưa vợ và anh em từ Nam Kinh đến Thượng Hải lánh nạn, lăn lộn mấy năm trời mới tích góp đủ tiền để mở một cửa hàng quần áo Tây, hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực, việc kinh doanh ngày một phát đạt, giờ nhắc đến tiệm quần áo Tây "Đức Sinh", cũng coi như là xa gần nghe tiếng. Nhưng những ngọt bùi cay đắng trong đó, chỉ có ông và vợ mới hiểu. Tương lai nếu con gái gả cho một chàng trai nghèo, chẳng phải là sẽ chịu khổ như mẹ nó sao?

Nhắc đến người anh em kết nghĩa năm đó cùng đến Thượng Hải với ông, không thể không cảm thán một câu tạo hóa trêu ngươi. Người đó tên là Khâu Đại Bằng, mới đến Thượng Hải không lâu đã phát tài, lái xe Tây, ở nhà biệt thự, thậm chí ngay cả thuốc lá cũng chỉ hút "Garrik". Biệt thự nhà họ Khâu cách nhà ông không xa, bình thường không có việc gì ông sẽ đưa vợ con sang thăm chơi.

Khi Văn Đức Sinh vẫn còn tự hào về việc mỗi tuần dẫn các con gái đi chơi ở Đại Thế Giới một lần thì con trai Khâu Đại Bằng đã là khách quen của Ciros rồi, trong nhà thuê hai đầu bếp, một Trung một Tây, mỗi ngày đổi kiểu đổi dáng làm đủ loại món ăn ngon. Muốn ăn điểm tâm gì, chỉ cần một cuộc điện thoại, bồi Tây từ quán cà phê Phì Đạt sẽ mang điểm tâm kiểu Tây sang trọng được đóng hộp tỉ mỉ tới cửa.

Văn Đức Sinh nhìn mà ghen tị, nhưng vợ ông lại luôn tỏ ra lạnh nhạt với nhà họ Khâu.

Năm kia, sau khi vợ của Khâu Đại Bằng là bà Khâu qua đời vì bệnh, hai cha con họ càng thường xuyên sang nhà ông hơn, người chậm chạp như ông đến lúc này mới nhìn ra người nhà họ Khâu ôm tâm tư gì.

Mấy năm gần đây Đình Lệ trổ mã duyên dáng yêu kiều, lại thi đỗ vào Trường Trung học Nữ sinh Tú Đức. Khâu Đại Bằng rõ ràng có ý định làm mai con trai mình với Đình Lệ. Nhưng vợ ông nói Khâu Đại Bằng không phải người đứng đắn, nhất quyết không chịu đồng ý. Trước khi chết, bà còn trừng mắt nhìn ông, ép ông thề rằng tuyệt đối không để Đình Lệ gả cho Khâu Lăng Vân thì mới chịu nhắm mắt.

Thế nhưng điều này không ngăn được Khâu Lăng Vân nhớ thương Đình Lệ. Trong hai năm qua, tên nhóc này không có chuyện gì là lại lái xe Tây đến trường chặn đường Đình Lệ. Đình Lệ là người láu cá, tự có cách sỉ nhục thằng nhóc đó, nhưng người làm cha như ông đây vẫn không ít lần phiền lòng vì chuyện này.

May mắn thay, con gái ông không chịu thua kém, lặng lẽ dẫn một người bạn trai về. So với công tử Kiều trước mặt đây, thằng nhóc Khâu Lăng Vân kia chính là một tên bụi đời. Khâu Lăng Vân có lẽ cũng sợ tự chuốc nhục nhã, từ khi Kiều Hạnh Sơ xuất hiện bên cạnh Đình Lệ, cậu ta không còn lảng vảng quanh trường con gái nữa.

Vừa nghĩ đến đây, trong lòng Văn Đức Sinh chợt thoáng qua một chút bất an. Khi còn sống, vợ ông thường nói với ông: Thà đắc tội với quân tử, chứ đừng đắc tội với kẻ tiểu nhân… Ông không chắc Khâu Đại Bằng có phải là tiểu nhân hay không, chỉ biết đắc tội với người khác dù sao đều là không tốt. Hay là hôm nào mang chút gì đó đến thăm nhà Khâu Đại Bằng?

Mọi người đang trò chuyện thì nghe thấy tiếng bước chân vang lên từ cầu thang. Thì ra là Văn Đình Lệ dắt tay Tiểu Đào Tử bước xuống.

Kiều Hạnh Sơ ngẩng đầu lên nhìn, trong mắt không khỏi hiện lên sự hớn hở. Uổng công cô ở trong phòng lần mò hồi lâu, cuối cùng lại chọn một bộ trang phục kiểu dáng bảo thủ nhất để mặc, một chiếc sườn xám rộng màu hồng nhạt, phía dưới là đôi giày đế bằng màu trắng ngà, trên người hoàn toàn không có đồ trang sức, chỉ cài một chiếc kẹp tóc ngọc trai. Trông cô như một đóa hoa bách hợp trong bình, quả nhiên là yểu điệu vô song.

Vừa nhìn, Kiều Hạnh Sơ lại nhớ về cảnh tượng lần đầu tiên gặp Văn Đình Lệ vài tháng trước.

Hôm đó, một số trường nữ sinh ở Thượng Hải liên kết tổ chức buổi diễn văn nghệ yêu nước, trường của em gái anh ta cũng có tiết mục. Vì là lần đầu tiên lên sân khấu, em gái anh ta hơi hồi hộp, bắt anh trai phải đến xem bằng được.

Hôm đó có rất đông người đến xem biểu diễn, em gái anh ta cố ý giữ chỗ cho anh ta ở hàng ghế khách quý bên phía Đông. Khi anh ta tìm đến lối đi nhỏ đó, đang muốn vào hội trường thì tấm màn cửa nhung thiên nga màu đỏ thẫm khẽ động, một cô gái bước ra từ bên trong.

Cô ấy ôm trong tay một bó hoa bách hợp, nhất thời không để ý suýt nữa va vào ngực anh ta.

Cô gái vội vàng dừng lại. Kiều Hạnh Sơ cũng dừng chân, cúi đầu xuống, rồi bất ngờ nhìn thấy một khuôn mặt cực kỳ xinh đẹp. Đôi mắt dưới hàng lông mi dài như ẩn chứa ánh sao, ánh mắt lấp lánh khiến lòng người ngỡ ngàng.

Cô gái xác nhận mình chưa đυ.ng vào Kiều Hạnh Sơ thì chỉ cười một tiếng rồi chạy đi.

Trong một tiết mục sau đó, Kiều Hạnh Sơ lại lần nữa nhìn thấy cô gái ấy. Đó là một vở kịch của Shakespeare, cô gái đóng vai Juliet, một nữ sinh khác của trường Tú Đức đóng vai Romeo.

Mọi người đều diễn rất đạt, nhưng ánh mắt của Kiều Hạnh Sơ lại gần như không thể rời khỏi cô gái kia. Diễn xuất của cô như có ma lực nào đó, một cái nhăn mày, một nụ cười đã có thể dễ dàng lôi cuốn người xem vào vở kịch.

Anh ta nghe thấy có người phía sau cười khẽ nói với người khác: "Danh bất hư truyền đúng không? Đó là hoa khôi của trường Tú Đức..."

***

Khi anh ta vẫn đang ở đó ngẩn ngơ thì Văn Đình Lệ đã dắt tay Tiểu Đào Tử bước đến, chào hỏi các bạn học, chỉ duy nhất không để ý đến Kiều Hạnh Sơ. Cuối cùng cô đưa Tiểu Đào Tử cho thím Chu, khoác tay hai người bạn nữ bước ra ngoài, cất giọng nói: "Cha, bọn con đi đây."

Kiều Hạnh Sơ mỉm cười nhẹ, ngồi xổm xuống nắm bàn tay nhỏ của Tiểu Đào Tử, sau đó đưa cho Tiểu Đào Tử một hộp quà lớn: "Chị em nói em thích đọc truyện tranh phải không?"

Sự chú ý của Tiểu Đào Tử bị cái bàn sau lưng Kiều Hạnh Sơ thu hút sự chú ý, trên đó bày đầy các món bánh ngọt đủ mọi màu sắc mà Kiều Hạnh Sơ mang tới.

Văn Đức Sinh khách sáo từ chối vài câu, thấy thật sự không được nên đành thôi. Nhìn thấy nhóm người sắp đi, ông không đích thân ra tiễn, chỉ đứng ở cửa mỉm cười dặn dò: "Chín giờ nhất định phải về. Bạn Lưu, bạn Trần, cậu Kiều... làm phiền các cậu chăm sóc Đình Lệ nhé."