Lần hiếm hoi nàng không nghe lời khuyên, cố chấp quay lại tìm thuốc. Vừa nhìn thấy thứ gì có ánh sáng, nàng liền cúi người sờ thử hai cái, cố phân biệt xem có phải là lọ sứ bị rơi không. Đáng tiếc là đêm tối nhìn không rõ, dù tìm thế nào cũng chỉ uổng công. Một lúc sau, Dung Oanh thở hổn hển đứng dậy, cố nhớ xem vừa rồi mình đã ngã từ chỗ nào, trong lúc nhất thời không để ý dưới chân, bị rễ cây nhô lên vướng một cú ngã lăn nghiêng.
Văn Nhân Loan cứ thế chậm rãi đi theo phía sau Dung Oanh, thấy nàng đi hơi lệch mà cũng không nhắc nhở, nghĩ rằng đợi nàng tìm mệt rồi có lẽ sẽ tự bỏ cuộc. Không ngờ Dung Oanh bỗng dưng hét lên một tiếng, người đã không còn thấy đâu.
Đoán nàng là bị ngã, hắn không khỏi nhíu mày, bước nhanh về phía nàng. Nhưng cũng chẳng thấy bóng nàng đứng dậy. Mãi đến khi nghe tiếng rên vì đau truyền đến, hắn mới thấy dưới ánh trăng hiện ra một cái hố to, Dung Oanh đang nằm ở đó, ôm lấy mắt cá chân, đau đến ngây cả người.
Là một cái hố bẫy thú của thợ săn, may mà bố trí khá sơ sài, trong hố cũng không gài chông tre hay cọc nhọn.
Văn Nhân Loan thở dài, có chút hối hận vì vừa rồi không ngăn nàng lại.
“Công chúa còn đứng dậy được không?”
Dung Oanh ngoan ngoãn nằm sau lưng Văn Nhân Loan, không dám nhúc nhích, sợ mình động đậy mạnh quá sẽ làm động đến vết thương của hắn.
Văn Nhân Loan cõng tiểu cô nương lên lưng, chỉ cảm thấy nhẹ như không có trọng lượng gì.
Đi được một lúc lâu, Dung Oanh vẫn không nói một lời. Văn Nhân Loan vốn nghĩ tiểu cô nương mệt rồi, nhưng bỗng cảm nhận được chất lỏng ấm nóng nhỏ xuống cổ mình, ngay sau đó là tiếng nàng khe khẽ hít mũi.
Bước chân Văn Nhân Loan hơi khựng lại, cánh tay siết chặt hơn, hỏi nàng: “Đau lắm à?”
Dung Oanh đáp giọng nghẹn ngào, cố nén tiếng khóc: “Không đau.”
Hắn đoán được nguyên nhân, chỉ thấy vừa buồn cười vừa bất đắc dĩ: “Ta không có trách người.”
Dung Oanh càng cúi thấp người, nằm im lặng trên lưng hắn không nói tiếng nào.
Văn Nhân Loan cảm thấy Dung Oanh tính tình như đứa trẻ, không cần người dỗ dành thì lát nữa cũng sẽ ổn thôi.
Chờ thêm một lúc, hắn lại cảm thấy cánh tay đang vòng trước cổ mình khẽ động, nàng nhỏ giọng hỏi dò: “Có phải ta thật sự không khiến ai thích nổi không?”
“Công chúa sao lại nói vậy?”
Dung Oanh không còn khóc nữa, nhưng giọng vẫn trầm xuống, không biết là nhớ đến chuyện gì: “Ta biết bọn họ đều không thích ta, nên hồi nhỏ chẳng ai chịu chơi với ta. Phụ hoàng sẽ cùng Ngũ tỷ tỷ mừng sinh nhật, nhưng ta thì đã lâu lắm không nói chuyện với người rồi. Hồi nhỏ ta làm mất cây trâm của mẫu phi, bà nổi giận dữ lắm. Đêm đó nội điện bốc cháy, ta thấy bà đi vào trong biển lửa…”
Nàng nói: “Nếu lúc đó ta ngoan hơn một chút, nếu mẫu phi còn nghĩ đến ta, liệu bà có chịu sống tiếp không? Nếu ta không làm mất cây trâm, có lẽ bà đã không phải chết…”
Dung Oanh rất ít khi nhắc đến chuyện cũ giữa nàng và Triệu Cơ với Văn Nhân Loan. Đây cũng là lần đầu tiên hắn biết, thì ra trong lòng nàng vẫn luôn nghĩ như vậy.
“Chuyện đó không phải lỗi của công chúa.”
Dung Oanh nằm phía sau hắn, tóc nàng vương vào tóc hắn, lẫn vào cổ áo hắn…
“Ta không biết mẫu phi vì ai mà chết, nhưng ta biết, bà không muốn sống vì ta.” Nàng dừng một lát rồi nói: “Tên của ta, có nghĩa là Oanh Kỳ.”
“Ta biết.”
Oanh Kỳ — Là lúc cảnh xuân tươi đẹp nhất. (Chỉ khoảng thời gian tháng 3 khi mùa xuân đang rực rỡ, vạn vật sinh sôi, hoa nở chim hót. Là lúc đẹp nhất của mùa xuân.)
Thu năm ngoái, khi chớm thu, Văn Nhân Loan bệnh cũ tái phát, nằm liệt trên giường, khó mà xử lý những việc vụn vặt. Tin hắn dưỡng bệnh ở chùa Lung Sơn cũng không hề truyền ra ngoài.
Hắn đã dùng thân thể kéo dài hơi tàn này nhiều năm, lúc bệnh nặng đến mức đi vài bước cũng phải dựa vào vật khác, nói chưa được vài câu đã ho dữ dội. Chùa Lung Sơn hẻo lánh, hương khói thưa thớt, ngoài tiếng chim hót và tiếng chuông xa xăm, hầu như không còn âm thanh nào khác.
Văn Nhân Loan bệnh đến độ nghiêm trọng, tựa như cây cỏ héo úa cuối thu, yếu ớt đến mức chỉ cần gập nhẹ thôi là gãy.
Lần đầu tiên hắn nhìn thấy Dung Oanh, nàng lặng lẽ đặt một đĩa điểm tâm trước cửa sổ của hắn, giống như chú thỏ nhút nhát len lén ló đầu ra nhìn phản ứng của hắn.
Văn Nhân Loan che miệng ho vài tiếng, gương mặt tái nhợt vì cơn ho mà ửng đỏ.
Hắn cúi mắt nhìn chiếc đĩa, mỉm cười, chậm rãi nói: “Công chúa là ‘Oanh trong Oanh Kỳ’, chính là lúc xuân về rực rỡ, tên rất hay.”