Sau Khi Ra Tù, Bị Bốn Cực Phẩm Tranh Đoạt Không Dứt

Chương 1.1: Ra tù

Nông trường Kiến Thiết tọa lạc ở ngoại ô thành phố Hải Dương, được vây bên trong dãy tường cao và lớp hàng rào sắt kín không chỗ hở. Dưới chân tường có một cánh cửa sắt nhỏ, bình thường luôn khóa chết nhưng hôm nay bỗng vang lên một tiếng “cạch”, cửa mở, một cô gái cao khoảng mét sáu sáu bước ra, áo thun xám, tóc ngắn ngang tai, gọng kính đen to bản che khuất nửa khuôn mặt.

Cửa sắt sau lưng Mao Tiểu Phác lại cạch một tiếng khép lại, khớp liền mạch với bức tường cao như thể chưa từng mở ra bao giờ.

Mao Tiểu Phác ngẩng đầu nhìn trời rồi nhìn quanh, có chút mờ mịt.

Thường thì những người bước ra từ cánh cửa này đều mang tâm trạng rất kích động, vui sướиɠ, nhẹ nhõm. Qua khỏi cửa sắt, nghĩa là trên đời lại có thêm một công dân tự do.

Nhưng hiển nhiên Mao Tiểu Phác đã phá vỡ định luật đó. Lúc này trên mặt cô chỉ có hoang mang, thậm chí khi lần nữa gặp lại trời cao biển rộng, cô cảm thấy vô cùng luống cuống, cứ như trong lòng đột nhiên mọc lên một đồng cỏ hoang vô biên vô tận còn cô thì lạc lối trong đồng cỏ ấy vậy, bị nuốt chửng, bị mất phương hướng.

Hết cách rồi, ngồi tù lâu quá, dù môi trường khắc nghiệt đến đâu, chỉ cần thích nghi là có thể tự tại. Hơn nữa Mao Tiểu Phác cũng không cảm thấy nhà tù khắc nghiệt chỗ nào. Thói quen đã giúp cô yên ổn, còn thứ tạo nên thói quen đó chính là thời gian. Đúng, thời gian, trọn vẹn bảy năm.

Bảy năm xa cách với thế giới bên ngoài, thế giới rộng lớn nay đã trở nên vô cùng lạ lẫm. Ở lâu trong giếng rồi, cái giếng vẫn dễ sống hơn – con ếch dưới giếng nghĩ thế đó. Hay là làm chuyện gì phạm pháp để quay lại? Ý nghĩ vừa lóe lên, Mao Tiểu Phác lập tức nhăn mày bác bỏ. Cô nhìn nhìn túi nilon trong tay, trong túi có một phong thư, trên phong thư viết ba chữ to bằng mực đậm: “Đừng quay lại”, còn có thêm hai ngàn tệ tiền mặt.

Bà giám ngục béo ở Nông trường Kiến Thiết đúng là thấu suốt, bà đã nhận ra cô gái đầu óc đơn giản này sống ở cái nơi quỷ quái kêu trời không thấu kêu đất không nghe kia mà cứ tự do tự tại như đang ở nhà.

Nhà là khái niệm gì? Là khi làm việc thì không gọi khổ sai, gọi là lao động; bị nhốt bị mất tự do cũng không gọi là ngồi tù, gọi là trạch (ở nhà), Mao Tiểu Phác là “trạch nữ”, trạch một phát trạch suốt bảy năm.

(*Xin phép giữ nguyên từ “trạch” vì “trạch nữ” là tiếng lóng của Trung Quốc và đoạn này tác giả đang chơi chữ.)

Gặp phải đóa “kỳ hoa” ngồi tù ngồi tới cảnh giới cao nhất như Mao Tiểu Phát, trưởng giám ngục thực sự rất đau đầu, sợ cô không muốn đi. Bà nghiêm giọng nói: “Tiểu Phác, khi nào ra tù thì cầm tờ giấy này,” vừa nói vừa cẩn thận gấp chứng nhận mãn hạn tù đặt vào tay cô: “Mang đến đồn công an nơi cư trú để làm lại căn cước công dân, mất hai mươi ngày thôi, tiện thể làm luôn thẻ căn cước tạm thời, một hai hôm là có. Giờ đi tàu, ở trọ hay xin việc đều không thể thiếu cái này, sau đó tìm một công việc. Còn trẻ, cuộc sống tốt đẹp vẫn đang chờ phía trước, phải sống cho đàng hoàng. Nhớ kỹ, đừng quay lại, nhất định không được quay lại.”

Trưởng giám ngục nói như đang dỗ đứa con nít bị thiểu năng, kỹ càng tỉ mỉ từng chút một. Bà sợ cô suy nghĩ lệch lạc, sợ cô tìm đường chạy về nên dông dông dài dài một đống thứ. Cuối cùng vẫn không yên tâm, bà rút lại phong bì vừa đưa, tự tay viết thêm ba chữ “Đừng quay lại” thật to coi như yểm bùa.

Nhìn cô gái ngây ngốc ngơ ngác quay lưng đi, trưởng giám ngục thở dài một hơi. Thời nay làm quản lý trại giam thật chẳng dễ gì, đây đâu phải tiễn phạm nhân, đây là tiễn Phật Tổ.