Gả Nhầm Cho Đại Lão Trong Truyện Thập Niên

Chương 2

Trên mặt Nghiêm Tuyết vẫn là nụ cười tươi, giọng dịu dàng, lặp lại nguyên câu cậu ta vừa nói.

Nói mấy câu đạo lý đại loại như “không được nhại giọng người khác” với mấy đứa nghịch ngợm thế này cũng chẳng ích gì. Cha mẹ chúng chẳng quản lý, chỉ bảo con nít giỡn với nhau chứ có gì đâu, còn đổ ngược lại do cô làm quá lên.

Nghiêm Tuyết cũng chẳng buồn dạy con thay người khác nữa, thấy lần nào thì đánh lần đó, xem thử khi nào tụi nó mới nhớ ra được bài học.

Thấy cậu ta nghẹn họng, Nghiêm Tuyết còn giơ tay lên dọa:

“Nếu thấy chị đánh mạnh quá, chị làm lại phát nữa nhé, lần này bảo đảm nhẹ nhàng hơn.”

Nghiêm Kế Tông dám tin lần nữa mới lạ. Lần trước cậu ta bị lừa, suýt nữa ăn một bạt tai bay luôn cả xuống đất.

Cậu ta ôm đầu bỏ chạy:

“Em đâu có ngu!”

Xem ra cũng không hoàn toàn vô tích sự.

Lúc này Nghiêm Tuyết mới bước vào nhà, nhìn em trai đang đứng trước cửa buồng hỏi:

“Kế Tông đến chơi à?”

Thật ra cô cũng biết rõ, thằng nhóc đó dạo gần đây chẳng mấy khi chạy sang đây nữa, vì biết Kế Cương không thích ra ngoài, cũng không thích nói chuyện.

Lúc hỏi, Nghiêm Tuyết nói chậm rãi, ngữ điệu tự nhiên, thoải mái như hỏi vu vơ. Đó là cách nói cô từng nghe người ta dạy, môi trường ngôn ngữ chậm rãi sẽ giúp người mắc chứng nói lắp giảm căng thẳng và cải thiện khả năng nói.

Tính ra cô xuyên không đến đây cũng đã một năm, hoặc có thể còn sớm hơn. Từ lúc va đầu chảy máu, đầu óc cô bỗng dưng có thêm một đoạn ký ức, hai mảng ký ức cứ đan xen, tranh giành trong đầu, khiến cô phát bệnh cả nửa năm trời. Tới giờ vẫn chưa rõ mình là hồn xuyên không hay xác xuyên không.

Chỉ biết rằng dù hai đoạn ký ức cách nhau gần sáu mươi năm, nhưng lại có một điểm giống nhau, đều là lúc vừa mất cha.

Chỉ khác ở chỗ, một người là cha ruột, một người là cha dượng; một người bỏ cô lại một mình, một người để lại cho cô một đứa em trai khác mẹ.

Còn mẹ... kiếp trước bỏ đi sớm, chẳng để lại mấy ấn tượng. Kiếp này thì thương con, dù có khổ đến mấy cũng không bỏ rơi hai chị em. Tiếc rằng bà mệnh yểu, sinh xong Kế Cương được mấy năm thì bệnh nặng qua đời. Tuy cô mang họ Nghiêm nhưng không phải con ruột nhà họ Nghiêm, là được cha dượng một tay nuôi lớn.

Nghiêm Tuyết và Kế Cương thật sự là dựa vào nhau mà sống. Hồi cô bệnh nặng nhất, chính cậu bé này đã cắn răng chống đỡ, tự tay chăm sóc chị.

Không có người ngoài, Kế Cương quả nhiên đỡ căng thẳng hơn nhiều. Bắt chước cách cô nói chuyện, cố gắng nói chậm rãi từng chữ:

“Không phải. Anh ấy... mang đồ tới, nói là... bác gái đưa.”

Dù vẫn còn khó khăn, nhưng ít ra không bị lắp bắp.