Điềm Báo Mạt Thế

Chương 12: Thịt Lợn

Lần thu hoạch lớn này hóa giải nan đề thiếu lương thực của cả vùng, thôn Cẩm Khê cũng vững vàng hơn nhiều, sau ông nội Cẩm Khê lại đến cửa tiệm bán chum vại kia mua thêm một đợt nữa, kết quả chủ tiệm nhân cơ hội đòi tăng giá, có mua hay không cũng chả sao, dù sao nhà họ không còn thiếu lương thực nữa.

Thế giới ngày càng rối loạn, trong thành phố bắt đầu xuất hiện nạn cướp bóc, mỗi ngày đều có người chết vì bạo lực.

Trong thôn cũng không an ổn, mấy ngày nay trong thôn xuất hiện nhiều gương mặt lạ hoắc, có người là họ hàng xa nhà nào đó tới đây mua lương, có người chả biết từ đâu mò tới, Cẩm Khê thấy những người đó hình như không có ý tốt.

Sau khi có hai nhà xảy ra mất trộm, ông Sáu mở cuộc họp, tổ chức một nhóm thanh niên trong thôn thành một đội tuần tra, mỗi ngày hai mươi bốn giờ luân phiên đi tuần cả thôn.

Tuy bị mặt trời “xông khói” thê thảm, nhưng mấy người trẻ tuổi không thể rời thôn ra ngoài làm công lại khá thích thú, cảm thấy vác gậy gộc đi đi lại lại trong thôn rất oai vệ.

Dù sao đi nữa, mấy tầm mắt có ý xấu cũng ít đi rất nhiều.

Tháng Chín, Tào nhị tiên gói gém đồ đạc rời khỏi Tào gia thôn chuyển hẳn đến đây, ông ta không con không cái một thân một mình nên rất gọn gàng dứt khoát.

Đừng thấy ông ở nơi khác truyền thần tín Phật khá thuận lợi, ở thôn mình lại không hành nghề được, đều là những người nhìn ông lớn lên sao lại không biết ông là dạng người gì.

Kết quả là vì không tin nên mấy lời ông nói lúc lên đồng ở Diệp gia thôn chả ai thèm nghe.

Mấy ngày này không ít người oán giận ông, thấy ông ăn cây táo rào cây sung, có tin tức lại không thèm nói cho đồng hương biết.

Tào nhị tiên không còn bao nhiêu thân thích, sau khi cha mẹ qua đời thì hai người chú cũng không còn gặp ông nữa, cả đứa cháu đi trên đường có thấy ông cũng chả thèm chào hỏi.

Trong lòng ông ta rất nghẹn khuất, nghĩ đã như vậy thì mình còn lưu luyến chỗ này làm gì nữa, bèn chạy tới đây tìm Diệp lão lục.

Nếu là người khác Diệp lão lục có thể sẽ mặc kệ, nhưng Tào nhị tiên thì khác, không có ông ấy trong thôn nhất định không thể yên ổn như hiện tại.

Thế là ông mở hội nghị tụ tập mọi người trong thôn đến biểu quyết, trên cơ bản toàn bộ phiếu đều thông qua.

Tào nhị tiên tới đây chỗ ở là một vấn đề, bởi ông không phải ở tạm một ngày hai ngày mà là định cư nhập hộ khẩu luôn, xây nhà là cả một chuyện lớn.

Cuối cùng Diệp lão nhị đứng ra cho Tào nhị tiên mượn một căn nhà để ở, ông cũng nhấn mạnh là chỉ là cho mượn trú tạm thôi chứ không phải cho ông ta luôn.

Tào nhị tiên rất khách sáo nói không muốn chiếm lợi ích của ai, trong thôn cho ông một khối đất nện, chính thức nhập hộ tịch tại thôn, Tào nhị tiên liền chọn khối đất trống đằng trước nhà Cẩm Khê, bởi vì có quy định phải có nhà mới có thể nhập hộ khẩu nên Tào nhị tiên tìm vài người giúp ông ấy dựng tạm cái chòi, dùng đá tảng vây quanh thành tường che.

Ông nói là nếu tương lai có điều kiện sẽ xây nhà thế vào, nếu ông ta không may chết đi, khối đất kia sẽ để lại cho Cẩm Dương.

Nhà Cẩm Dương cũng chỉ có một đứa con trai, sẽ không ham thứ gì của ông, làm như thế chỉ là để hai bên đều yên tâm cũng là nói rõ Tào nhị tiên sẽ không chiếm căn nhà của họ.

Suy nghĩ dọn qua nhà cha ở của chú Hai Diệp đã có từ lâu. Thế đạo không tốt, cả gia đình ở chung với nhau vẫn an toàn hơn. Nửa năm này ngoại trừ lúc ngủ cả nhà chú đều ở đây, không bằng dọn qua luôn cho rồi.

Nhà Cẩm Khê có ba gian nhà lớn, vừa vào cửa chính liền gặp gian nhà chính giữa nhỏ hơn hai gian còn lại, thường ngày là chỗ cả nhà ăn cơm, cũng là nơi nối liền gian phía Đông và gian phía Tây.

Trước đây ông nội Diệp và bà nội Diệp ở gian nhà phía Đông, cha mẹ Cẩm Khê ở gian nhà phía Tây, hai anh em cậu ở gian giữa.

Hiện tại nhà chú Hai dọn qua nên không biết phải sắp xếp thế nào. Cả nhà có tất cả ba chiếc giường đất, bốn năm người ngủ chung một giường vẫn còn thoải mái, nhưng nhiều người chen chúc với nhau không tiện, hơn nữa còn phải nghĩ cho sinh hoạt của vợ chồng Cẩm Dương nữa.

Cuối cùng Diệp lão gia tử vỗ tay một phát, quyết định xây thêm một cái giường đất ở hướng Nam tại gian nhà phía Đông, dùng ván gỗ làm vách ngăn, có thể kéo ra kéo vào, ban ngày đẩy ra, ban đêm kéo vào.

Làm một cái là làm, làm hai cái cũng là làm, cuối cùng lão gia tử ngăn gian nhà phía Đông thành ba gian nhỏ, vách ngăn do bốn tấm lớn ghép lại với nhau, hai tấm hai bên cố định, hai tấm ở giữa di động dùng để ra vào, hai gian ngoài đều có giường đất, ba mặt bên làm bằng gỗ có chạm trổ hoa văn, nhìn qua có cảm giác như khăn trải giường.

Cẩm Khê thấy rất thích, trời lạnh mà làm tổ trên giường này hẳn là ấm lắm.

Chị dâu vốn không muốn cùng cha mẹ chồng ở chung một phòng cho lắm, nên khi nhìn thấy hai tấm vách ngăn kia liền vui vẻ, đóng cửa lại, vì vách ngăn khá dày nên không nghe được người bên gian đối diện nói gì, nói nhỏ hơn lại càng không thể nghe được.

Như vậy lúc đôi vợ chồng trẻ muốn thì thì thầm thầm gì đó với nhau cũng không cần ngại ngùng nữa .

Chú Hai Diệp và thím Hai cùng Hổ Tử ở gian nhỏ phía Nam, gian nhỏ hướng Bắc để hai vợ chồng Cẩm Dương ở, thỉnh thoảng Hổ Tử cũng chạy sang gian cha mẹ nhóc.

Nhóc thích kiểu thiết kế này lắm, ban ngày nằm ngáy khò khò trên giường sưởi, đóng cửa lại bên ngoài có ồn ào mấy cũng không ảnh hưởng đến nhóc.

Chú Hai thím Hai Diệp không ở gian nhà phía Tây và gian nhà giữa, một nhà năm miệng ăn ngụ ở gian nhà chính phía Đông, một mặt là do không tiện ở gian giữa, còn một nguyên nhân nữa là gian nhà phía Tây vốn là nơi cha mẹ Cẩm Khê từng ở, nhiều năm như vậy mà bài trí trong phòng chưa từng thay đổi, họ cũng không muốn phá huỷ hiện trạng nguyên bản của căn phòng.

Khi chú Hai dọn qua thì Cẩm Khê và Đại Bảo đến gian nhà phía Tây ở. Ông lão bà lão ở bên hông nhà. Kỳ thực mấy căn buồng nhỏ ở gian nhà giữa là nơi ấm áp nhất nhà họ, bất quá vì nó thông với hai bên nên không đủ riêng tư. Đương nhiên việc này không hề ảnh hưởng đến hai ông bà lão.

Tháng Chín, hạt giống cây cải gieo xuống đất cũng sinh trưởng, vì thiếu nước nên vừa còi cọc vừa héo rũ, ước chừng vụ thu hoạch này không khá mấy, chỉ có nhà nào chăm chút tỉ mỉ mới sinh trưởng không tệ.

Đến tháng Mười vẫn sóng êm gió lặng, ngoại trừ việc người ngoài vào thôn thu mua lương thực, hết thảy dường như bình thường trở lại, chỉ có xem tin tức trên TV mới biết bên ngoài gian nan đến cỡ nào.

Trong nhà có máy phát điện bằng năng lượng mặt trời nên không hẳn là tối đen như mực, tivi cũng có thể xem được, tuy chỉ có hai đài hay có lúc còn không bắt được đài nào.

Xem tin tức mới biết tình hình hiện tại nguy cấp bao nhiêu, lúc trước vùng họ xảy ra nạn châu chấu nhưng không ai quan tâm, giờ thì đã lan ra các vùng sản xuất lương thực khắp cả nước, không còn lấy một nơi bình yên.

Mỗi tối cả gia đình đều vây quanh giường của ông bà cụ xem tin tức, trao cho nhau vài lời an ủi hay nói vài câu may mắn khích lệ.

Những ngày yên ổn cuối cùng cũng trôi qua. Một buổi tối, Cẩm Khê lại nằm mơ.

Từ lần Cẩm Khê dự cảm được nạn châu chấu cho đến giờ cũng không gặp cơn ác mộng nào nữa, buổi tối này cậu bị đông lạnh đến tỉnh giấc.

Sau khi tỉnh lại, Cẩm Khê nhìn ra bóng đêm đen như mực bên ngoài, nghĩ đến tình cảnh trong mộng, không biết lần này liệu có chính xác hay không, nhưng nhiều lần ăn khớp khiến cậu không thể không tin, mùa đông sắp tới rồi.

Sáng sớm hôm sau, Cẩm Khê nói chuyện này với ông nội, đồng thời thuyết phục ông thu hoạch cải trắng sớm, ngoài ra phải gia cố thêm cho chuồng gia súc, không thì bọn chúng sẽ không thể qua được mùa đông này.

Đối với dự cảm của Cẩm Khê, ông nội đã có thể dùng tâm tình bình tĩnh mà đối mặt, ngay cả bữa sáng ông cũng không ăn lập tức đi tìm Tào nhị tiên. Ông không thể không quan tâm đến mọi người trong thôn.

Tào nhị tiên lại đi thông tri cho trưởng thôn, sau đó trưởng thôn lại đến báo cho từng nhà, lần này không thể nói toạc ra được, thậm chí ông còn dặn người trong nhất định phải bảo mật, không được rêu rao ra ngoài, hiện trong thành phố cực kỳ căng thẳng, nếu Tào nhị tiên bị người ta bắt đi, thôn họ cũng gặp phiền phức.

Tuy không thể đảm bảo mỗi một người đều tuân thủ, nhưng chỉ cần đại đa số là được.

Thôn họ ở nơi xa xôi này cũng là một ưu thế. Chuyện về Tào nhị tiên thuộc về mê tín dị đoan nên không cách nào nói ra với bên ngoài, có nói cũng không mấy người tin, họ cũng không phải là những người vĩ đại sẵn sàng quên mình vì người khác. Rất nhiều chuyện không thể cầu toàn.

Diệp gia thôn, mỗi nhà mỗi hộ dù tin hay không cũng bắt đầu thu hoạch thức ăn, cải trắng như không đủ chất dinh dưỡng, nhìn giống cải thìa hơn, củ cải chỉ to bằng nắm đấm lớn.

Cánh đồng nhà Cẩm Khê cũng không thu hoạch được bao nhiêu.

Vào ngày thu hoạch thứ ba, một trận tuyết lớn đột ngột đổ bộ, không hề có dấu hiệu trước đó. Tối đó, rất nhiều người đang ngủ bị lạnh đến mức tỉnh giấc.

Đợt tuyết này kéo dài ba ngày, so với những trận tuyết lớn vào các năm trước thì không được tính là lớn, nhưng hiện chỉ mới trung tuần tháng Chín, từ cái nóng oi bức mùa hè đột nhiên chuyển sang cái lạnh giá rét run của mùa đông, dù là người nào cũng đều không thể thích ứng.

Tuyết dừng, hai anh em Cẩm Khê và Cẩm Dương mặc áo bông đội thêm mũ đi đến chuồng dê, mấy con heo thím Hai nuôi trước đó cũng được chuyển vào đây.

Quét đi lớp tuyết trên mình đám dê, hiện tại còn ba con dê lớn một con dê nhỏ, lúc mở cửa chuồng ra, đám dê đang run lẩy bẩy tụ lại một chỗ, mấy con heo ngăn bên cạnh cũng thế.

“Cha, mình gϊếŧ heo đi. Phí lương thực quá!”

Trong chuồng, Cẩm Dương kê thêm một tấm ván lót dưới sàn, giữa những tấm ván gỗ có lót rơm, trên mặt sàn cũng lót thêm tầng rơm nữa, đây đều là rơm rạ hồi năm ngoái, lúc trời còn nóng đã đem phơi nên cực kỳ khô ráo, vốn xung quanh chuồng dê có vây hàng rào, hiện tại cũng dỡ ra để lấy gỗ, tháng Chín đã lạnh như vậy, đến tháng Mười Hai phải làm sao đây.

Thấy cha mình đi ra, Cẩm Dương nhìn đám heo nhà mình, ra vẻ ghét bỏ nói.

“Đem gϊếŧ đi.” Chú Hai Diệp có chút hối hận, mấy năm trước nuôi heo còn kiếm được chút tiền, năm nay đừng nói đến lời, chưa gì đã lỗ không ít rồi.

Sau khi tuyết ngừng, khí trời ấm lên một chút, nhưng lại bắt đầu có gió, ở chỗ họ tình hình thời tiết như vầy rất bất thường. Buổi tối, TV đưa tin nhiệt độ các vùng trong cả nước đều hạ xuống, không ít người ngã bệnh vì sự giảm nhiệt đột biến này.

Lại qua bảy tám ngày nữa, TV đưa tin số người mất tại bệnh viện vì trận hạ nhiệt độ này. Vì thôn Diệp gia cách bên đó rất xa, thêm thông tin liên lạc gặp trở ngại nên công tác thống kê trên TV không có tính đến nơi này.

Bởi vì trận tuyết thình lình xảy ra này, Diệp gia thôn có sáu người qua đời, bao gồm cả bà Tư của Diệp Cẩm Khê, theo lời của ông chú Tư, dạo này sức khoẻ bà Tư không mấy tốt, lại không ngờ bà không thể vượt qua được.

Năm người khác có ba người họ Diệp, là anh em họ hàng cách ba đời của ông nội Diệp, hai người khác đều là trẻ con, một đứa hai tuổi, một đứa năm tuổi.

Một đồng hương qua đời luôn để lại nỗi bi thương cho những người khác, huống chi là đến mấy cái đám tang một lúc.

Lần này lễ tang tổ chức tập thể, mọi người cùng nhau lo liệu, đơn giản mà long trọng, nhà nhà trong thôn đều đến đưa tiễn, có lẽ trong lúc này ai nấy đều mang cảm giác “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, ai biết người tiếp theo là ai.

Lễ tang qua đi, thời tiết trở lạnh thấu xương, thời điểm ấm nhất trong ngày cũng xuống dưới âm độ.

Thừa dịp trời lạnh nhà Cẩm Khê gϊếŧ heo, lần này họ không nhờ người khác đến phụ, mỗi con chỉ nặng hơn trăm cân, nuôi nửa năm mà mới như vậy, nếu tìm người khác gϊếŧ e là không đủ thịt để chia

Ba người Cẩm Khê, Cẩm Dương, Đại Bảo cùng giữ chặt con heo, chú Hai phụ trách bổ dao xuống, lúc này Cẩm Khê cũng không lo sẽ làm Đại Bảo sợ, dù sao Đại Bảo cũng phải tập thích ứng với thế giới này. Cũng may anh đủ kiên cường, sợ lắm nhưng tay vẫn không buông ra, chỉ là ban đêm liền thấy ác mộng, Cẩm Khê an ủi anh rất lâu.

Liên tục gϊếŧ bốn con heo, lão gia tử chia cho mấy anh em mỗi nhà hai cân thịt, Diệp gia gϊếŧ heo cũng không phải là chuyện bí mật gì trong thôn, bất quá lúc này không có ai đến đây, tối đa có vài người trẻ tuổi đến xem náo nhiệt, phụ giúp một chút sau đó không đợi người trong nhà làm bữa đã đi.

Đương nhiên trong thôn cũng có mấy đứa du côn hay tới cửa nhà người khác cọ cơm. Nhưng Diệp lão gia tử trong thôn nổi danh lợi hại, anh em trong nhà toàn người kiên cường nên không ai dám tới cửa gây chuyện, vài ngày nữa sẽ có nhà khác gϊếŧ heo cũng không chừng.

Nếu nói trời lạnh có chỗ tốt nào thì chỗ tốt duy nhất chính là làm đông thịt.

Gian nhà giữa đối diện cửa ra vào có hai nhà kho, xây bằng gạch nhưng có chỗ hở nên gió lọt vào được, những năm trước họ đều cất lương thực ở đây, hiện bên trong chỉ để chứa cỏ khô, rơm rạ.

Thịt cắt thành từng khối rồi treo trên xà nhà kho rất nhanh liền bị đông cứng rồi đem cất vào hầm, nhiệt độ trong hầm cao hơn bên ngoài nhưng cũng xuống tới âm lẻ mấy độ, ít nhất có thể đảm bảo thịt không bị thiu, họ không dám treo ngoài nhà kho, gần đây nhiều nhà trong thôn hay bị mất trộm.

Hôm gϊếŧ lợn nhà họ cũng không làm nhiều món, chỉ hầm ít thịt heo với miến và hấp một khúc dồi trường, so với lần gϊếŧ lợn cuối năm ngoái ít món hơn nhiều, nhưng bữa đó người nào người nấy hớn hở ra mặt, kỳ thực họ rất dễ thỏa mãn, chỉ cần thỉnh thoảng được ăn một bữa ngon cũng hạnh phúc lắm rồi.