Điềm Báo Mạt Thế

Chương 13: Vị Khách Không Mời Mà Tới

Cuối tháng Chín, trong nhà xuất hiện vài người khách ngoài ý muốn.

Từ lúc trời lạnh, công việc trong nhà cũng ít đi, bà nội, thím Hai và chị dâu liền tranh thủ dệt bông vải may áo quần cho cả nhà, lần trao đổi lương thực trước đó đổi được không ít bông vải, phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn đều biết làm, nhưng người trẻ tuổi không phải ai cũng biết, chẳng hạn như chị dâu Anh Tử, cô không biết cách làm nên rất nghiêm túc học hỏi bà nội và mẹ chồng, giờ đã có thể may một đôi bao tay cho Hổ Tử.

Áo lông Cẩm Khê mua cả nhà không mặc được, có lẽ là do không quen, hoặc giống như Đại Bảo là vì áo nóng quá không chịu nổi, Cẩm Khê nghe anh nói như vậy gương mặt không khỏi cứng đơ.

Hôm nay cậu ở trong sân dựng hàng rào, chuồng gà trong nhà không dùng được nữa.

Đầu của đám gà càng lúc càng lớn, không biết là do vấn đề khí hậu hay do từ trường biến đổi như mấy chuyên gia nói, động vật cũng to khoẻ hơn hẳn, hiện tại gà mái mỗi ngày đẻ một trứng, con trống vốn có tất cả ba con, hiện chỉ còn lại một con, hai con còn lại bị nó đá chết, sau nó cứ như người thắng cuộc chạy hơn mười vòng sân, vừa chạy vừa gáy to, tiếp theo ra vẻ như một quốc vương, dắt bà vợ gà của nó đi tản bộ, bất cứ con gà trống nào đến gần đều bị nó công kích.

Con gà trống lớn đó được Đại Bảo đặt cho cái tên Hồng Hồng, mỗi ngày ưỡn ngực hiên ngang đi tuần khắp sân, con chó Đại Hoàng trong nhà cũng bị nó mổ cho vài lần nên nhìn thấy nó là lủi mất tăm. Mỗi lần thấy cảnh đó Cẩm Khê đều nghĩ con Đại Hoàng này làm mất mặt họ nhà chó quá đi.

Dù thế nào đi nữa, cái đầu của Hồng Hồng vẫn càng lúc càng lớn, thân cao chân dài, móng vuốt sắc bén như móng ưng, mỗi ngày mang theo một cô gà mái ra ngoài tản bộ, khi trở về gà mái liền vội vàng lao vào ổ đẻ trứng.

Vì đám gà mái đẻ rất nhiều trứng nên tụi nó trở thành bảo bối trong nhà Cẩm Khê, hai tháng trước nhà họ vừa xây lại ổ cho đám gà, cái chuồng xây dựa vào gian nhà phía Tây Cẩm Khê đang ở, ổ gà có động tĩnh lớn gì cậu đều nghe được.

Có điều vì đẻ trứng nhiều nên chúng ăn cũng nhiều, hiện tại mỗi ngày có thể chén sạch một trái bắp tươi, sức ăn hơn hẳn hai ngày trước. Hồi châu chấu kéo đến phá, có người đi bắt châu chấu bán, giá không mắc nên nhà Cẩm Khê có mua một ít, sấy khô rồi giã ra đem cho gà ăn. Hồng Hồng thích ăn nhất đám, mỗi lần đều ăn một cách hung hãn, như có thâm cừu đại hận với chúng.

Hai ngày trước, lúc Hồng Hồng về nhà, trên mình nó có vết thương, mới nhìn thì có vẻ không nghiêm trọng nhưng khi tìm kỹ thì thấy trên đùi nó có một vết cắt bằng dao găm, Cẩm Dương ra ngoài đi một vòng thì nghe ngóng được Diệp Khoa bị thương tay áo bông bị rách, người khác hỏi hắn bị gì thì hắn không nói. Về nhà hai anh em ngẫm nghĩ một lúc liền đoán được Diệp Khoa muốn bắt gà nhà họ, kết quả bị Hồng Hồng mổ cho vài phát.

Diệp Khoa và bọn Cẩm Khê vốn cùng một tổ tông, ngày xưa mấy anh em cùng nhau chạy nạn đến đây, có điều giờ đã ngoài năm đời.

Hắn và Diệp Trình là anh em họ, coi như đồng lứa với bọn Cẩm Khê. Con cháu đồng lứa trong cùng một chi sẽ có chữ lót giống nhau, khi đến đây lập gia phả, mấy anh em ở riêng nên cách đặt tên cho con cháu cũng khác đi, bên chi của Diệp Khoa tên con cháu về sau chỉ có một chữ, chi bên Cẩm Khê có hai chữ, lứa Cẩm Khê chữ lót là “Cẩm”. Cả hai chi đều là hộ khá giả trong thôn, Cẩm Khê không thích Diệp Khoa, thậm chí có hơi ghét, hồi bé trong đám trẻ con chế nhạo Đại Bảo cũng có mặt hắn, có điều không ngờ giờ hắn lại ăn trộm gà .

Đám gà là tài sản quan trọng trong nhà, Cẩm Khê không định thả chúng ra ngoài nữa, dù sao vườn rau cũng lớn, hiện lại không trồng gì, đủ không gian cho chúng, cậu rào lại để cho yên tâm hơn.

Đang cặm cụi làm thì nghe thấy tiếng ô tô ngoài cửa, tiếp theo là tiếng chó sủa, cậu bèn bỏ đồ trên tay xuống, đi ra cửa xem. Ông nội, chú Hai và anh Cẩm Dương đều đã ra ngoài hết, giờ trong nhà người có thể gánh vác chỉ còn cậu.

Chưa ra tới cửa đã nhìn thấy một chiếc Wrangler nhập khẩu, trên xe có miếng vải bạt che lại nên cậu không thấy được bên trong xe.

tải xuống

Xe Wrangler

Cửa chính vừa mở ra, người đàn ông trẻ tuổi ngồi ở ghế phụ bước xuống, người này ước chừng ba mươi tuổi, sắc mặt không tốt lắm, còn bám đầy bụi, xem ra tuổi thật của anh còn nhỏ hơn nữa. Người đàn ông này trông hơi quen, nhưng cậu không biết đã từng gặp anh ở đâu.

Lúc Cẩm Khê đang đánh giá người ta thì người ta cũng đang đánh giá cậu.

Tuy không dám khẳng định, nhưng Trương Trung không cho rằng người trẻ tuổi trước mặt này chính là Diệp Cẩm Khê mà thằng em nói, cậu ta mặc một bộ quần áo bông kiểu cũ, còn khoác thêm cái áo rách rưới ở ngoài, dưới chân mang đôi giày bằng vải bố, thoạt nhìn giống như người chân lấm tay bùn đã quen, nước da cũng không trắng nõn như lời thằng em tả, hơi đen gầy.

Có điều hai mắt sáng và linh động, nhìn cậu lại không có dáng vẻ quê mùa, độ tuổi tương đương, khuôn mặt cũng khá tuấn tú.

“Cậu là Diệp Cẩm Khê?” Trương Trung hỏi.

Diệp Cẩm Khê gật đầu “Đúng vậy! Còn anh là?”

“Tôi là anh của Trương Thành, Trương Trung.”

Diệp Cẩm Khê bừng tỉnh, cậu nhớ tên của hai anh em Trương Thành được đặt dựa theo hai chữ “trung thành”, cả hai lại giông giống nhau, chả trách cậu thấy quen mặt “

Chào anh Trương , anh đến đây chẳng lẽ Trương Thành gặp chuyện gì ư?”

Diệp Cẩm Khê đột nhiên lo lắng cho Trương Thành, vì bị mất sóng nên điện thoại di động của cậu không gọi được lâu rồi, dùng điện thoại cố định trong thôn cũng không tìm được, bởi vì điện thoại của Trương Thành cũng xảy ra vấn đề.

“Nó không sao. Chúng ta vào trong nói chuyện được không?”

Trương Trung thấy có vài người trong thôn đang đứng nhìn họ.

Cẩm Khê gật đầu, “Anh đậu xe vào trong sân đi!” Nói xong thì mở hết cửa ra. Lúc này thím Hai cũng từ trong nhà đi tới “Cẩm Khê, họ là?”

“Đây là anh của bạn học con ạ” Cẩm Khê đưa giới thiệu một chút, hướng dẫn chiếc xe đậu vào sân.

Sau đó Trương Trung mở cửa sau của xe ra, Cẩm Khê vừa nhìn suýt nữa đã chảy nước mắt, trên tay và đùi trái của Trương Thành đều bó nẹp, trên đầu cũng quấn đầy băng gạc, gương mặt trắng bệch, hai mắt nhắm nghiền, không biết là ngủ hay là bị ngất đi.

“Cậu ấy bị sao vậy ạ?”

Cẩm Khê nói, vành mắt đỏ lên.

Cậu cố nén nước mắt, lúc gọi điện thoại người kia vẫn còn khoẻ mạnh, sao giờ lại thành thế này.

Vẻ mặt Trương Trung tốt hơn rất nhiều, tuy thằng em khăng khăng nói người bạn này của nó rất tốt, nhưng vào lúc này, tình bạn có thể duy trì bao lâu.

Giờ thấy Diệp Cẩm Khê lo lắng quan tâm không một chút che giấu làm lòng anh ấm lên nhiều lắm.

“Trời, đứa nhỏ này bị sao vậy? Mau vào trong nhà đi. Bên ngoài lạnh lắm.”

Thím Hai nói rồi mở cửa ra, sau đó bước nhanh vào nhà

“Cẩm Khê để bạn ở phòng con đi.”

Thím Hai bước nhanh đến gian nhà phía Tây, diện tích gian nhà phía Tây lớn, giường đất cũng lớn nữa. Thím Hai lấy chăn và gối đầu từ trong tủ ra rồi nhanh chóng trải lên giường.

“Mau đặt thằng bé lên đây, sáng sớm mới đốt lửa, giờ nóng hầm hập này”

Trương Trung và người đàn ông lái chiếc xe cùng nhau nâng Trương Thành vào phòng, Cẩm Khê theo bên cạnh, nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của Trương Thành.

Ở gian nhà giữa bà nội và chị dâu đang may chăn mền cũng đi xuống giường, Đại Bảo chơi đùa với Hổ Tử ở gian phía Đông cũng ôm Hổ Tử đứng tại cửa nhìn qua.

Đỡ người nằm xuống giường, bị lăn qua lăn lại cả một lúc mà Trương Thành vẫn không tỉnh.

“Không sao đâu, toàn là vết thương ngoài da thôi, hôm qua bó xương nên nó đau suốt đêm không ngủ được, trên đường đi cũng không ngủ, giờ chắc nó mệt muốn chết nên mới ngủ bất tỉnh nhân sự như vầy”

Trương Trung giải thích cho Cẩm Khê.

“Mọi người chắc chưa ăn cơm phải không. Anh Tử, trong nồi có nước nóng, múc chậu nước để họ rửa mặt đi, mẹ đi nấu cơm” Thím Hai sai con dâu.

Cẩm Khê cũng biết giờ không phải là lúc hỏi chuyện.

Cậu cẩn thận đắp chăn cho Trương Thành, cánh tay cậu ấy không được bó thạch cao, chân cũng vậy, chỉ dùng nẹp và băng vải cố định xương, có điều cách băng bó rất tốt.

Trương Trung là cựu sinh viên tám năm chuyên ngành Dược sĩ lâm sàng của Đại học Y tại thủ đô, vừa mới tốt nghiệp hồi năm ngoái, vết thương trên người cậu ấy hẳn là do Trương Trung xử lý.

Sắp xếp chỉnh chu cho Trương Thành một chút, Cẩm Khê mới ra khỏi phòng, bởi vì ông bà ở gian giữa nên bình thường cả nhà đều sinh hoạt ở đây, lúc chú Hai dọn tới có mang theo TV lớn đến cũng để ở đây luôn. Bà nội thoáng một cái đã cất xong chăn mền, kê thêm cái bàn nhỏ trên giường đất.

Hồi sáng cả nhà chỉ ăn bánh bao, không có cháo, thím Hai bèn làm thêm hai bát canh trứng, trong nhà không thiếu trứng gà, thím dùng đến bốn cái trứng nên trong bát canh đặc sệt trứng, ngoài ra còn thêm một dĩa dưa góp và dĩa khoai tây sốt tương nhà làm hôm kia

Khoai tây sốt tương là món ăn đặc sản nơi đây, lần này bà nội còn cho thêm thịt, đầu tiên chiên sơ hồi hương, hạt hoa tiêu với dầu rồi cho phần mỡ thịt vào, đợi đến khi mỡ tan ra thì cho thịt nạc, hành, gừng, tỏi, khoai tây nhỏ gọt vỏ rửa sạch để sang một bên, chờ thịt đổi màu thì thêm xì dầu và tương đậu, nhà cậu quen ăn đến hai muôi tương đậu, rồi thêm đường, cho nước vào, lần này bà nội tính làm khá nhiều, sau đó rải thêm ớt, đậu que hoặc đậu đũa, giờ đậu đũa không còn tươi nên trước đó đã ngâm với nước, xắt thêm rau thơm và dưa góp bỏ vào. Làm xong liền múc vào hũ để ăn dần, hiện trời lạnh nên thức ăn không dễ thiu.

Trương Trung và người đi cùng anh đã lâu không được ăn một bữa cơm nóng sốt rồi. Người đàn ông đi cùng rất khôi ngô, khoảng ba mươi lăm tuổi, bộ dạng nghiêm chỉnh đứng đắn nhưng có vẻ không thích nói chuyện, Cẩm Khê thấy hắn rất chăm sóc Trương Trung, trong bát có một miếng thịt liền gắp cho Trương Trung.

Cậu nhớ Trương Thành từng kể anh cậu có người bạn rất tốt, cùng theo họ đi từ thủ đô về nhà, lúc này lại cùng nhau tới đây, quan hệ của họ nhất định là đặc biệt tốt.

Lúc ăn cơm, cả nhà thấy Cẩm Khê không vội hỏi chuyện, như vậy ba người vừa đến hẳn là gặp phải chuyện khó khăn gì rồi. Ba người phụ nữ đến gian nhà phía Đông tiếp tục làm việc, Cẩm Khê ngồi với họ một lúc rồi đi lấy nước ấm lau mặt và tay cho Trương Thành, có lẽ họ đi rất vội, trên mặt còn dính vết máu khô.

Trương Trung ăn cơm xong thì ra xe lấy túi du lịch, vào nhà liền kiểm tra nhiệt độ cho Trương Thành, lại lấy thêm hai chai thuốc ra, nhìn đồng hồ rồi tiêm cho cậu ấy.

Cẩm Khê nghĩ hai người họ chắc cũng mệt mỏi lắm rồi bèn đề nghị họ ở gian nhà phía Tây ngủ một giấc, dù sao giường đất cũng lớn, không sợ họ va phải Trương Thành.

Có lẽ hai người kia cũng không còn chống đỡ nổi nữa, vừa nằm xuống không bao lâu đã ngủ thϊếp đi.

Hơn ba giờ chiều nhóm ba người ông nội, chú Hai và Cẩm Dương mới về, hiện trong nhà không cần dùng xe ba gác nữa, ra ngoài nếu không cởi xe đạp thì đi xe lừa, chú lừa con nhà họ cũng lớn, đã có thể kéo xe, chú Hai đặt người ta làm cái dây cương để hai con cùng kéo xe cho đỡ nặng.

Ba người họ sang thôn bên cạnh phụ đào hầm. Chú Hai và Cẩm Dương đào đất, ông nội đánh xe lên núi kéo đá, ông cũng không cần khiêng đá, chỉ đánh xe là được. Lần này họ kiếm về được ba bao tải đậu phộng chưa bóc vỏ, làm tổng cộng ba ngày, hôm nay là ngày cuối cùng.

Hồi đó đi làm công ba ngày không được hai trăm thì cũng được trăm rưỡi, hiện tại không cần tiền lương, nhà thuê họ có vài mẫu đậu phộng giờ cũng coi như là thứ quý, bên thôn họ không có nhiều lại không có chỗ nào bán.

Nhà đó thuộc hộ độc thân, không có thân thích nào trong thôn, có một cô con gái cũng đã gả đi nơi khác, nhờ người cùng thôn giúp đỡ thì sợ bị người ta nhớ thương, hơn nữa người nuôi gia súc để kéo xe trong thời này này rất ít, người còn trẻ khoẻ đều sắm xe ba gác, nhưng giờ dầu do còn quý hiếm hơn nữa, xe ba gác đều nghỉ hết.

Nếu có thân thích nhiều một chút thì cũng đâu cần nhờ người ngoài hỗ trợ, chỉ cần mời họ ăn một bữa là được, giống như nhà Cẩm Khê, nếu quả thật nhờ người khác đến giúp, cùng thế hệ với cậu có thể có tới hai mươi người, đều là thanh niên trai tráng, Cẩm Khê vì là con thứ nên trong đám anh em cùng lứa thì cậu được coi là nhỏ.

Ở thôn quê kết hôn rất sớm, hai mươi mốt tuổi đã làm cha cũng không có gì lạ.