Trọng Sinh: Dạy Dỗ Em Dâu Không An Phận

Chương 84: Cô Xuyến

Là bà cụ. Thiếu chút nữa các cô bị doạ đến tái mặt. Du Lộ Khiết thở phào đáp, "Bà vào đi ạ."

Cô thoáng đưa mắt nhìn Nguyên Tình, chẳng thấy gì ngoài vẻ mặt điềm tĩnh như băng. Hoá ra những lời lẽ vừa rồi đối với cô ấy đều không đủ sức kích động.

Cô ấy lúc nào cũng rất giỏi che đậy cảm xúc.

Bà cụ lom khom tiến vào căn phòng, nhẹ nhàng đóng cửa lại, vừa buông tay nắm cửa ra bà liền xoay người bước về phía giường, cười ôn hậu, "Hai cháu đang tranh cãi chuyện gì đấy? Khuya thế này rồi, bộ hai đứa không tính cho bà nghỉ ngơi sao?"

Suýt chút quên mất ở bên cạnh là phòng bà cụ. Du Lộ Khiết chột dạ không dám nhìn lên, lấp lửng nói, "Cháu xin lỗi... Hay là để cháu dìu bà trở về nghỉ ngơi được không ạ? Lần này cháu sẽ không làm ồn nữa đâu."

Bà cụ chống gậy tiến tới ngồi bên mép giường, nheo mắt nhìn hai người các cô, giọng có chút trăn trở, "Nhưng sao hai đứa lại gây gổ? Có chuyện gì không thể thương lượng được sao?"

Nguyên Tình lên tiếng, "Có đấy bà ạ. Cháu yêu cô ấy cũng đã được mười năm rồi, thế mà cô ấy không thèm đếm xỉa, lúc nào cũng muốn xua đuổi cháu cứ như đuổi tà vậy."

Du Lộ Khiết: "..."

Du Lộ Khiết buồn bực chấn chỉnh, "Em có biết mình đang nói gì không? Chẳng lẽ gặp ai em cũng kể chuyện của mình ra được sao?"

Người này không biết xấu hổ, nhưng cô thì có đấy.

Đây là người lạ, không phải cô bạn thân có thể giúp cô ấy giải bầu tâm sự. Huống hồ cô cũng không thích chuyện riêng tư giữa các cô lại để cho người lạ tự do phán xét, đáng nói còn là một cụ bà.

Nguyên Tình bò ra mép giường ngồi cạnh cụ bà, mặc kệ Du Lộ Khiết bực tức thế nào cô vẫn nghịch ngợm hỏi, "Bà cao tuổi như vậy, không biết bà đã từng nghe qua "đồng tính" là thế nào chưa ạ?"

Bà cụ ôn tồn mỉm cười, có vẻ thích thú, "Bà không chỉ nghe qua, mà đã từng chứng kiến qua một mối tình đồng tính vô cùng sâu đậm, tiếc là quan niệm ngày xưa rất khắc nghiệt với vấn đề đồng tính luyến ái, dẫn đến một kết cục... không mấy tốt đẹp." Âm cuối của bà buông chậm dần, thoáng nghe còn có chút sầu não.

Nghe đến đây, ngay cả Du Lộ Khiết cũng không ngăn được tò mò. Cô cẩn thận bò ra mép giường ngồi cạnh cụ bà ở bên còn lại, liếc mắt nhìn vẻ mặt hứng khởi của Nguyên Tình ở bên kia.

Cô ấy cũng như cô, rất tò mò về "mối tình đồng tính sâu đậm" xa xưa mà cụ bà vừa nhắc tới.

Cụ bà đưa mắt nhìn ra song cửa, lắng tai nghe tiếng mưa, bà đan đôi bàn tay gầy guộc vào nhau như muốn giữ lại chút ấm áp tồn tại trong quá khứ. Những nếp nhăn trên gương mặt bà như tấm bản đồ in hằn thời gian, ghi dấu dòng hồi ức không thể xoá nhoà, vì bà không che giấu biểu cảm nên Nguyên Tình và Du Lộ Khiết đều có thể nhận rõ.

Bà luồn tay vào bên trong túi áo, ẩn trong bộ áo gấm bà đang mặc được cất giữ một chiếc lược ngà. Chiếc lược màu trắng tự nhiên nay đã ngả vàng theo năm tháng, tuy trông có phần cũ kĩ nhưng thoạt nhìn liền có thể nhận ra nó được giữ gìn rất cẩn thận.

Cán lược chạm khắc tinh xảo, răng lược không quá thưa cũng không quá khít, điểm nổi bật khiến các cô chú ý chính là hoa văn hoạ tiết được chạm khắc hình con bướm, rất tỉ mỉ và mang đậm bản chất của các quý bà thời xa xưa. Các cô đánh giá chiếc lược này rất có giá trị tinh thần, tin chắc là món đồ lưu giữ rất nhiều kỷ niệm.

Tay bà cụ vuốt ve chiếc lược rồi lặng lẽ thở dài, ánh mắt xa xăm không thấy bến bờ, chất giọng đong đầy hoài niệm, "Năm ấy bà chỉ mới mười tuổi, cha mất sớm, mẹ bà vì gồng gánh sáu miệng ăn trong nhà nên chồng chất nhiều khoản nợ, buộc lòng phải bán bà làm con ở cho nhà ông hội đồng Lý chỉ mong kiếm chút tiền trang trải nợ nần và để các anh em trong nhà có cơm ăn áo mặc."

Ông hội đồng Lý là người có quyền uy lớn trong vùng, trái lại tiếng tăm chẳng tốt lành gì mấy. Ông nổi tiếng với thói trăng hoa, thường xuyên xa nhà để theo đuổi những cuộc vui bên ngoài, nhân phẩm vô cùng tệ hại. Thời điểm năm ấy, bà năm Tiêu hiện giờ ngồi ở trước mặt Du Lộ Khiết và Nguyên Tình tên gọi là Lê Thị Tiêu, mới hơn mười tuổi với dáng người nhỏ nhắn linh hoạt. Bởi Thị Tiêu sở hữu vẻ ngoài mộc mạc chân chất của thiếu nữ nhà quê nên nhanh chóng được bà hội đồng chú ý, thương cảm nhận Tiêu vào làm con ở.

Bà hội đồng Xuyến là hiện thân của vẻ đẹp truyền thống kết hợp với sự hoàn mỹ theo tiêu chuẩn thời đại. Sinh ra trong một gia đình thương buôn quyền quý, bà được giáo dục theo khuôn phép từ khi còn nhỏ, học cách ứng xử, lời ăn tiếng nói văn nhã dịu dàng. Hơn hết thảy, bà có đủ các kỹ năng gia chánh cần thiết để trở thành người vợ lý tưởng trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, được người người yêu mến và ngưỡng mộ.

Vừa tròn mười tám tuổi, cô Xuyến xinh đẹp thuần khiết trong lòng các trai làng buộc phải gả vào nhà hội đồng Lý, trở thành bà hội đồng vô cùng bất đắc dĩ.

Và cô Xuyến cũng không ưa thích được mọi người gọi với danh xưng "bà hội đồng". Dù đã khoác lên mình chiếc áo của một người phụ nữ quyền quý, song với đó, trong lòng cô vẫn khao khát những ước mơ tự do và giản dị, những lý tưởng mà danh vị hào nhoáng không thể nào khoả lấp. Thuở đầu Thị Tiêu trở thành con ở của Xuyến, đôi lần bị Xuyến nhắc nhở về lối xưng hô khiến Tiêu không khỏi ngạc nhiên, nhưng cũng dần hiểu rằng, dưới vỏ bọc của một bà hội đồng quyền uy Xuyến vẫn chỉ là một người phụ nữ thuần tuý, mong mỏi sự đồng cảm chân thành, không bị bó buộc bởi những lễ nghi hay danh phận hà khắc.

Cô Xuyến được ví như hoa sen tinh khiết nổi lênh đênh giữa đầm lầy, làn da trắng ngần không thấy tì vết, mông cong, eo nhỏ, đôi mắt trong veo tựa như suối nước mùa thu. Đôi môi cô Xuyến không cần son cũng tô lên màu hồng nhạt, lúc nào cũng như đang mỉm cười, tạo cho người đối diện cảm giác ấm áp nhưng đâu đó lại u trầm vô hạn.

Dáng vóc cô Xuyến thanh thoát uyển chuyển, toát lên vẻ yêu kiều của người phụ nữ Việt xưa. Mỗi bước đi nhẹ nhàng lay động, thướt tha, thổi tới một làn gió xuân nồng đậm hương trà, rất có ý vị.

Tuy rằng là vậy, chẳng mấy ai biết được ẩn trong lớp vỏ bọc hoàn mỹ ấy là một trái tim mang nặng những nỗi niềm u uất. Cô Xuyến vốn có tri thức, lại được dạy dỗ kỹ lưỡng về cả học vấn lẫn đạo đức. Cô thích đọc sách và đặc biệt lưu ý những tác phẩm triết lý nhân sinh, thường ngâm nga các bài thơ giúp tâm tình được khuây khoả. Thế mà số phận tréo ngoe khi cô bị ép gả cho ông hội đồng Lý, một gã đàn ông giàu có nhưng đầy tham vọng, không biết cảm thông, một chút cũng không đáng tin cậy.

Cuộc hôn nhân này vốn không có tình yêu, không tồn tại sự thổn thức giữa hai trái tim hoà chung nhịp đập. Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó. Chỉ vì lợi ích hai nhà, chỉ vì bốn chữ "môn đăng hộ đối" mà cô Xuyến buộc lòng phải gả đi không chút tình nguyện. Dù có sống trong nhung lụa cô vẫn hoài nghi nhân sinh chính mình, không biết cuộc hôn nhân tạm bợ này sẽ kéo dài bao lâu, có thể đến một lúc nào đó cô mới đủ can đảm tìm lại sự tự do, hoặc cũng có thể, vĩnh viễn không cách nào gỡ bỏ gông xiềng trói buộc tình cảm.

Dẫu vậy, cô Xuyến luôn giữ mình trong khuôn khổ của một người phụ nữ đức hạnh. Hầu chồng trong khả năng, đảm đang việc bếp núc, nỗ lực làm tròn bổn phận của một người vợ, người con dâu trong nhà hội đồng. Nét đẹp của cô không chỉ nằm ở ngoại hình mà còn ở cốt cách thanh tao, ở trí tuệ và sự rắn rỏi ẩn trong tâm hồn, dù bị giam cầm bởi những lễ giáo và áp lực phong kiến.

"Cô Xuyến là biểu tượng của người phụ nữ truyền thống, đẹp người đẹp nết, duyên dáng thuỳ mị hơn nữa còn rất quan tâm người ăn kẻ ở trong nhà. Nhưng cô Xuyến cũng là người phụ nữ bất hạnh trong cuộc hôn nhân do chính cha mẹ mình sắp đặt." Cụ Tiêu nghẹn lòng kể lại, mỗi khi bà thốt ra một câu, bàn tay lại vô thức vuốt ve, mân mê chiếc lược ngà.

Nguyên Tình có chút ngớ người, "Vậy... vậy mối tình đồng tính sâu đậm mà bà nói... là phát sinh giữa bà và bà Xuyến sao ạ?"

Chuyện cách đây đã gần trăm năm, nhưng thuở đó cụ bà chỉ mới hơn mười tuổi... không lý nào lại còn... "trổ bóng" sớm hơn cả cô kia chứ?

Cụ Tiêu bật cười giòn giã, "Không đâu. Bà vốn dĩ không phải nhân vật chính của câu chuyện, cùng lắm chỉ là người qua đường vô tình được chứng kiến thôi."

Kể rõ đến từng chi tiết như vậy nhưng chỉ là "người qua đường" thôi á? Du Lộ Khiết và Nguyên Tình thấp thoáng nhìn nhau, nội tâm háo hức, mong ngóng được lắng nghe tường tận.

Mới nghe đã thấy hấp dẫn, nhưng càng lôi cuốn hơn chính là ngôn từ hoa mỹ cụ Tiêu dành để ca ngợi bà Xuyến. Nguyên Tình len lén nhìn sang người bên kia, không biết Du Lộ Khiết có cùng suy nghĩ với cô không, nhưng "bà hội đồng" trong miệng cụ Tiêu nghe thế nào cũng có chút tương đồng với cô ấy.

Tương đồng với hình tượng Du Lộ Khiết trong mắt cô, đã mười năm vẫn không có gì thay đổi. Người như Du Lộ Khiết nếu sống ở thời đại trăm năm trước, có lẽ sẽ không bị đánh giá là "bà cô già".

Tính cách cổ hủ cũng có thể xem là một nét đẹp riêng của cô ấy.

Cụ Tiêu dùng ngón trỏ chậm rãi vuốt một đường dài trên cán lược, mắt long lanh đượm buồn, nghẹn ngào buông giọng, "Vào những năm ấy bà đã trở thành con hầu được cô Xuyến tin cậy nhất, hễ cô Xuyến đi đâu, bà cũng được đi theo cùng. Cô Xuyến nuôi tóc rất dài, mỗi lần tắm gội xong đều sai bà chải tóc. Bà không nói ngoa đâu, đến tận bây giờ bà vẫn nhớ rõ hương thơm ở trên người cổ."

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Thị Tiêu sau sáu năm ròng đã trở thành con hầu thân tín bên cạnh cô Xuyến. Tiêu dần làm quen với việc gã hội đồng Lý thi thoảng sẽ vắng nhà ít hôm, thậm chí có khi vài tuần Tiêu cũng không thấy mặt. Ngần ấy năm trôi đi, cô Xuyến vốn dĩ là người vợ được ông hết mực cưng chiều lại bị ghẻ lạnh vì mãi không sinh được mụn con. Ấy nhưng, thay vì bị nhà hội đồng Lý vùi dập thì cô Xuyến vẫn nghiễm nhiên sống tốt như chẳng xảy ra vấn đề gì.

Nói đến chuyện này, Tiêu biết được rằng kể từ lúc làm dâu nhà hội đồng Lý, cô Xuyến đã nhiều lần ra mặt giúp chồng giải quyết tất cả các khoản nợ, giải quyết không ít chuyện phiền phức trong giới thượng lưu, cứu vãn danh dự và địa vị của hội đồng Lý trong xã hội. Thành thử ông Lý đối với nhà ngoại, đối với người vợ danh giá của mình cũng có đôi ba phần kiêng nể.

Cho nên mới nói, ngoài việc thờ ơ xa cách cô Xuyến, để mặc ông tự do buông thả bên ngoài thì cả nhà hội đồng cũng chẳng thể làm gì cô được.

Nhưng điều khiến Thị Tiêu trăn trở chính là, cô Xuyến một chút cũng không quản thúc chồng mình ong bướm ra sao, thậm chí còn dung túng mỗi khi cha mẹ hỏi tới, ừ à cho qua, cấm Tiêu không được bép xép lung tung ở trước mặt ông bà.

Mãi đến sau này, ở cái tuổi gần đất xa trời ngồi ngẫm lại chuyện xưa, Thị Tiêu năm nào mới thấu hiểu rằng hoá ra cô Xuyến chưa một lần để mắt tới chồng, chưa một lần chân chính xem mình là con dâu nhà hội đồng Lý. Cô Xuyến thuở xưa mà Thị Tiêu dốc tâm hầu hạ, thực chất trái tim đã lạnh băng từ rất lâu rồi. Bẵng đến khi xuất hiện một cô gái với nụ cười rạng rỡ như ánh trăng, đôi mắt hiền từ như nắng hạ, sự xuất hiện đột ngột của người con gái ấy cứ như dòng suối mơ tuôn chảy ấm áp giữa trời đông lạnh giá, cũng làm tan chảy cõi lòng cô Xuyến lúc nào không hay.