Trọng Sinh: Dạy Dỗ Em Dâu Không An Phận

Chương 85: Út Nhị

Người con gái mang tên út Nhị, Thị Tiêu lúc bấy giờ đã bước sang tuổi mười sáu, nhỏ hơn út Nhị năm tuổi. Mỗi khi Tiêu đứng cạnh út Nhị đều bị đám gia nhân râm ran bàn tán, họ ở sau lưng cười nhạo Tiêu, vì chiều cao của Tiêu so với út Nhị phải nói là chênh lệch rất lớn, nhìn sao cũng quá mức gây cười.

Lại nói đến nhân sinh út Nhị, cô hầu này là do bà cụ hội đồng mang về trong một lần đi thăm người bà con xa ở tận làng Mây. Út Nhị năm đó được hai mươi mốt tuổi, ngũ quan sắc sảo mắt phượng mày ngài, làn da trắng mịn hồng hào không giống với người thuộc tầng lớp thấp hèn trong xã hội.

Sở dĩ như vậy, bởi út Nhị vốn không phải có xuất thân hèn mọn. Cha cô trước đây là một thương lái giàu có nhất nhì làng Mây, từng là bậc thương nhân tiền tài không đếm xuể. Gia cảnh sung túc đủ đầy, út Nhị từ nhỏ đã được giáo dưỡng cẩn thận, học hành tử tế, cô lớn lên trong sự ấm no không phải lo nghĩ điều gì.

Có điều vận may không phải lúc nào cũng mỉm cười, nhiều năm trước gia đình cô lâm vào cảnh phá sản sau một loạt biến cố kinh thương. Từ chỗ giàu sang, họ bỗng chốc trắng tay phải bán đi từng mảnh ruộng để trả nợ. Túng quẫn ập tới không ai mong muốn, cha mẹ út Nhị tạm thời phải lánh mặt khỏi làng Mây, riêng út Nhị bị đám chủ nợ thi nhau cưỡng ép về làm thê thϊếp, mặc dù thời điểm đó cô chỉ mới mười bảy tuổi.

Từ một tiểu thư danh môn đài các bỗng trở thành người khốn khổ không chốn dung thân, út Nhị nhiều lần trốn chạy khỏi các tay chủ nợ nhưng không thành. Sau cùng, cô phải nén nước mắt tiếp nhận hôn phối của một tên phú hộ, về làm vợ lẽ của hắn. Có nào ngờ lên chức bà phú hộ chưa lâu thì hắn gặp tai nạn không qua khỏi, út Nhị mang tiếng sát phu, cô bị vợ cả giày xéo nguyền rủa, đuổi đi không chút niệm tình.

Sau khi rời khỏi ngôi nhà trang trọng mà cô chỉ mới nương thân được vài tháng, út Nhị chẳng biết đi đâu về đâu. Trong lúc cùng quẫn lang bạt lại để cô gặp được bà cụ hội đồng, tức mẹ chồng của cô Xuyến. Bà ta là một nhân vật có quyền có tiếng ở làng Xuân, cũng là vị cố nhân từng có giao hữu với ông cha út Nhị từ nhiều năm về trước.

Bà cụ hội đồng nghe qua câu chuyện của cô, sinh lòng thương cảm, thành thử sau đó bà quyết định mang cô trở về, giao phó cho cô những việc kiểm kê hàng hoá, tính toán sổ sách. Bởi nhà hội đồng Lý trước nay chỉ kinh doanh duy nhất mặt hàng tơ lụa nên không nghĩ sẽ thuê quản gia, trước đây thì có hiện tại thì không. Cũng vì một phần bà cụ hội đồng lo ngại thất thoát, một phần lo ngại phải chi ra mức lương khá chát so với đám người hầu, vậy nên vài năm gần đây bà đều giao cho cô Xuyến đảm đương hết thảy. Nhưng kể từ lúc mang út Nhị về nhà, mọi thứ từ trong ra ngoài đều tới tay út Nhị.

Trong trí nhớ của bà cụ hội đồng, út Nhị từ năm lên sáu đã tỏ ra thông minh lanh lợi, tám tuổi được theo chân ông cha đi khắp các nơi học hỏi kinh thương, nay cô đã trưởng thành, dĩ nhiên sẽ làm nên việc lớn. Bà cụ cho rằng, cô lâm vào quẫn cảnh như hiện tại chỉ là do kém may mắn thôi.

Út Nhị không phụ lòng của bà, chỉ sau hai tháng chứng minh thực lực, cô nhanh chóng được lên chức quản gia bởi sự tri thức khó ai bì kịp, cùng với đó là khả năng lường trước tính sau giúp cho bà cụ gặt hái không ít thành tựu trên thương trường. Út Nhị tuy là người ăn kẻ ở, nhưng không một ai có thể phủ nhận, cô chính là con hầu nổi bật nhất trong nhà hội đồng Lý, thậm chí còn được ca ngợi là quản gia giỏi nhất làng Xuân.

"Kẻ tám lạng người nửa cân. Thuở đầu út Nhị về nhà thật ra không được lòng cô Xuyến lắm đâu, bởi cô Xuyến là người rất hiếm khi nhàn rỗi, lúc nào cũng tìm kiếm sự bận rộn cho bản thân. Ai ngờ út Nhị vừa về đã được bà cụ hội đồng ưu ái ra mặt, giao hết việc cho mà làm, thành thử cô Xuyến không muốn thù ghét út Nhị cũng không được." Cụ Tiêu lắc đầu mỉm cười, trong chất giọng của bà như loé lên niềm vui nho nhỏ.

Du Lộ Khiết ngây ngốc hỏi bà, "Thù ghét cơ ạ? Nếu đã thù ghét nhau như vậy, sao lại có thể...?"

Sao lại có thể tiến triển thành mối tình sâu đậm như lời bà đã nói?

Nguyên Tình cùng chung thắc mắc, "Với cả, bà Xuyến hiền lương như vậy mà cũng thù ghét người khác ư?" Nghe có vẻ không được hợp lý cho lắm.

Cụ Tiêu khẽ cười, "Hiền lương là một lẽ, nhưng cô Xuyến vẫn chỉ là cô gái còn ở tuổi đôi mươi mà thôi, huống hồ khi đó cô Xuyến chỉ lớn hơn út Nhị 3 tuổi. Trước khi út Nhị xuất hiện, cô Xuyến vốn được ca ngợi hết lời, sau khi út Nhị về nhà hội đồng, bỗng dưng một nửa tiếng thơm đều bị đám gia nhân san sẻ cho út Nhị. Một số kẻ không sợ thị phi còn dám đem út Nhị so sánh với cô Xuyến, thử hỏi cô Xuyến sao có thể giả câm giả điếc xem như không biết chuyện gì?"

Bà nói xong liền quay sang Du Lộ Khiết, giải đáp câu hỏi của cô, "Không phải họ thù ghét nhau, mà chỉ mỗi mình cô Xuyến bất mãn út Nhị thôi. Về phần út Nhị, bà vì ngưỡng mộ chiều cao lẫn vẻ ngoài ưu tú của cổ nên tìm đến bắt chuyện ngay từ lúc cổ mới bước chân vào làm. Có ai mà ngờ, chỉ sau một lần út Nhị theo bà đi chào hỏi cô Xuyến, mấy ngày sau đó cổ cứ bám lấy bà thăm dò tứ tung, nào là hỏi cô Xuyến năm nay được bao tuổi, nào là hỏi sở thích của cô Xuyến. Lúc ấy bà không nghĩ nhiều, chỉ cảm thấy út Nhị hơi rộn chuyện, nhưng sau này bà mới hiểu, thì ra út Nhị đã phải lòng cô Xuyến ngay từ cái nhìn đầu tiên, đến chết cũng không chịu buông bỏ."

Đến chết cũng không chịu buông bỏ... Du Lộ Khiết nghe xong lời này, thoáng chột dạ nhìn sang Nguyên Tình thì bắt gặp ánh mắt đối phương đang dừng trên người cô, như thể muốn nhìn thấu cô.

Ánh nhìn ấy khiến cô cảm thấy như mình bị xâm phạm, như chỉ vài ba giây tiếp theo, cô sẽ hoá thân thành quyển sách mở sẵn chỉ để chờ người khác đọc qua, bao nhiêu bí mật cất giấu sẽ bị lột trần chỉ trong tích tắc.

Tuy khó chịu nhưng cô vẫn khéo léo che đậy biểu cảm, lẳng lặng nhìn sang cụ bà.

Cụ Tiêu lắng giọng, "Uống trộm một ánh mắt, cơn say theo cả đời. Người con gái mang tên út Nhị chính là chiếc chìa khoá gỡ bỏ gông xiềng treo trên cổ cô Xuyến bấy lâu. Mặc dù bà là con hầu luôn theo sát bên cạnh cô Xuyến, nhưng trớ trêu thay, bà lại không nhận ra tâm tư chủ nhân mình biến đổi kể từ khi út Nhị xuất hiện. Không biết bắt đầu từ lúc nào, cô Xuyến lạnh lùng thờ ơ với tất thảy mọi thứ lại chú ý quan tâm đến một người nhiều như vậy." Cụ Tiêu miên man hồi tưởng, nhưng khác với nụ cười trầm ấm trước đó, lúc bà nói ra những lời này, trong đôi mắt nhăn nheo như có một rặng mây đen che phủ.

Cô Xuyến nắm giữ cương vị bà hội đồng được sáu năm, cũng trong sáu năm này, Xuyến đã rất nhập vai khi trở thành vợ hiền dâu ngoan trong mắt những người khác. Xuyến nổi tiếng khắp vùng là hiền lương thục đức, không chỉ giỏi việc nhà, còn đảm đương luôn việc giải quyết các vấn đề lớn nhỏ mọc ra từ người chồng tiếng thơm thì ít, tiếng xấu thì nhiều của mình.

Ấy nhưng, chỉ có mỗi mình út Nhị là Xuyến không quản nổi.

Còn riêng út Nhị, từ lúc cô ấy nhận chức quản gia, hết thảy những việc quan trọng trong nhà đều đóng góp công lao của cô ấy, trên dưới hạ nhân thức thời nể mặt. Sang năm tiếp theo, một nửa công việc của Xuyến đều phải san sẻ cho út Nhị, dù muốn hay không, mỗi ngày theo quy định Xuyến phải gặp riêng út Nhị để bàn giao sổ sách, không thể trái ý bà cụ hội đồng.

Mỗi lần bàn giao như vậy có khi kéo dài đến tận nửa đêm, chập tối Thị Tiêu đứng chải tóc cho cô Xuyến cũng thấy út Nhị ngồi đó, khuya lắc khuya lơ đấm lưng cho cô Xuyến vẫn thấy út Nhị ngồi yên đó. Mang tiếng là quản gia giỏi nhất làng Xuân, vậy mà ở trước mặt cô Xuyến, năng lực tính toán sổ sách của út Nhị lại bị trì trệ hơn nửa thời gian, chậm ơi là chậm.

Lúc mới đầu đôi bên chưa tiến triển quy trình bàn giao công việc, Xuyến lo việc đằng đông, út Nhị lo việc đằng tây, vì vậy mà Xuyến không quá quan tâm đến sự xuất hiện của người nọ, thiết nghĩ út Nhị chỉ là người ăn kẻ ở trong nhà, không liên quan và cũng không xứng đáng để Xuyến đếm xỉa. Có điều, Xuyến vốn nghĩ nhân vật được đám gia nhân đặt lên bàn cân so sánh với mình hẳn phải là ưu tú lắm. Nào là tính toán thần tốc, nào là khả năng lãnh đạo tài tình, cô nghe đến nỗi muốn đóng kén lỗ tai. Nếu không phải mẹ chồng viện cớ muốn tốt cho cô, nói muốn cô được nghỉ ngơi nhiều hơn một chút, cô bất đắc dĩ phải gặp gỡ người này mỗi ngày để bàn giao sổ sách thì cũng chẳng thiết tha gọi cô ta đến phòng làm gì.

Ấy thế mà, tí tẹo sổ sách lại tính toán cả nửa ngày không cho ra kết quả.

Thị Tiêu mỗi lần nhìn sang út Nhị đều chỉ lắc đầu ngao ngán, rõ ràng lúc sáng út Nhị còn nhanh nhẹn hoạt bát lắm cơ mà, sao cứ đến tối muộn lại đần độn thế kia? Có đánh chết Tiêu và Xuyến cũng không nhận ra, bộ dạng ngốc nghếch chậm chạp của út Nhị vào mỗi đêm ở phòng cô Xuyến bàn giao sổ sách, thật ra chỉ là giả vờ.

Giả vờ tính toán lâu hơn một chút, vậy thì có thể nhìn trộm cô Xuyến nhiều hơn một chút.

Út Nhị cho rằng, từ thuở chào đời cho đến lúc lớn khôn, cho đến tận thời điểm tiểu thư đài các như cô biến thành kẻ trắng tay không còn cha mẹ để nương tựa, cô cũng chưa một lần được chiêm ngưỡng nét đẹp thuần khiết thiện lương như bà hội đồng mang tên "Xuyến" đang sở hữu, thanh tao và đầy dịu dàng.

"Bà ơi, hình như chỗ này bị sai sót thì phải..."

"Chỗ này con không hiểu, bà giải thích dùm con có được không?"

Một tiếng cũng bà ơi, hai tiếng cũng bà ơi, sự cách biệt giai cấp được phân rõ qua từng tiếng gọi. Và đương nhiên, những câu giao tiếp đầu tiên giữa Xuyến và út Nhị chỉ diễn ra như vậy. Hầu như cô Xuyến không màng đối đáp, tuy không thích nhưng vẫn cố làm tròn bổn phận, chỉ dạy út Nhị khá nhiệt tình.

Xuyến còn ngây thơ cho rằng, nhờ một tay cô đốc thúc dạy bảo mới giúp út Nhị nhanh nhẹn hơn trước đó, thành thử ra, những ngày kế tiếp cô nhìn út Nhị trông cũng thuận mắt hơn.

"Bà ơi, hôm nay con có làm chút bánh mứt, bà ăn thử xem có ngon không?"

"Sáng nay con không thấy bà ra sảnh kiểm hàng như mọi khi, bà bị ốm sao ạ?"

"Bà có lạnh không? Ngồi lâu như vậy, bà không cần khoác thêm áo ấm sao?"

Cứ mỗi ngày tiếp xúc lẫn nhau, út Nhị như làm quen dần và phóng to lá gan bắt chuyện với cô Xuyến nhiều hơn một chút, thậm chí có hơi quá phận. Thị Tiêu phát hiện, hoá ra út Nhị cũng giỏi nịnh bợ có kém gì ai đâu? Mỗi lần gặp chỉ hỏi toàn những chuyện trên trời dưới đất, mang bánh cho cô Xuyến ăn, chẳng qua cô Xuyến vẫn như cũ thờ ơ đạm nhạt. Bánh thì không ăn, mặc kệ út Nhị hỏi gì, Xuyến nửa câu cũng không thèm đáp lại.

Cho đến một ngày, Xuyến chờ mãi không thấy út Nhị như thường lệ đến phòng mình bàn giao, hỏi ra thì mới biết út Nhị bận việc đột xuất, tối muộn vẫn phải theo chân bà cụ hội đồng đến tận làng Sen đàm phán thương lượng, nghe đâu là việc rất quan trọng.

"Quan trọng cỡ nào? Có quan trọng đến mức không cần thông qua ý ta, chỉ mỗi mình út Nhị đi theo là giúp được rồi không?" Xuyến không phải hạng người hay so đo tiểu tiết, nhưng mẹ chồng nhất bên trọng, nhất bên khinh như vậy khiến cô không tài nào nhắm mắt làm ngơ, cơn buồn bực này đành phải phát tiết với Thị Tiêu đang đứng hầu bên cạnh.

Thị Tiêu vừa quạt cho cô Xuyến, vừa cúi đầu đáp lại, giọng hơi ngập ngừng, "Con vừa biết chuyện mới đây thôi... nhưng mà, con nghe phong phanh là bà lớn nói chuyện này không có út Nhị là không được."

Xuyến cười nhạt như không, "Ngay cả ta cũng không được sao?"

Thị Tiêu lúng túng, hạ thấp giọng, "Cái này... còn phải coi bà có biết tiếng Tây không đã."

Nghe vậy, Xuyến lập tức nhướn mi nhìn qua, "Tiếng Tây? Con nhỏ đó..." Cô ngừng một chút, chỉ sợ bản thân nghe lầm nên hỏi lại, "Út Nhị biết tiếng Tây thật ư?"

Thị Tiêu lễ phép gật đầu, "Dạ, con nghe nói bà lớn tới làng Sen gặp mấy ông Tây Dương, hình như mấy ổng muốn mua tơ lụa thượng hạng tặng cho ai đó, mua nhiều lắm."

Vậy ra bà cụ không biết tiếng Tây nên mới phải mang theo út Nhị. Sau khi Xuyến tỏ tường, chỉ thờ dài và lạnh lùng xoay đi.

Thất bại trầm trọng. Cô cảm thấy mình còn thua cả một con hầu.

Chuyến đi kéo dài hai ba ngày ngắn ngủi, từ làng Sen xa xôi, út Nhị trở về với hai ổ bánh được gói gọn trong lớp giấy bản*, đựng bằng giỏ tre, gần nửa đêm vẫn mạnh dạn chạy tới gõ cửa phòng cô Xuyến.

(*Giấy mỏng làm từ vỏ cây, thường dùng để gói bánh cốm, bánh đậu xanh.)

Lúc cánh cửa mở ra, út Nhị mừng rỡ vì cũng may cô Xuyến chưa đi ngủ, nhưng đáng buồn là, cô Xuyến đã không chút do dự từ chối ý tốt của cô, quyết không nhận bánh.

"Bánh ngon lắm, con khó khăn lắm mới xin trộm được mấy ông Tây, bà không ăn thật sao?" Út Nhị không khỏi mất mát, nghe đâu xứ mình không có loại bánh này nên cô háo hức muốn mang về cho cô Xuyến ăn thử, nào ngờ cô Xuyến không muốn ăn, thậm chí còn không thèm nhìn qua ổ bánh.

Cô lấy hết dũng khí, dùng hai tay nâng giỏ tre đặt ngang tầm mắt cô Xuyến lần nữa.

Xuyến ngó một chút hai ổ bánh được gói thật đẹp bên trong giỏ tre, sau đó mới nhìn vào mắt út Nhị, cánh môi vốn đang đóng chặt cũng bắt đầu mấp máy, nhỏ giọng bảo, "Sau này đừng gọi ta là "bà" nữa, tổn thọ lắm có biết không."

Xuyến lạnh nhạt nói dứt câu, cửa phòng sau đó cũng khép lại, để mặc út Nhị cầm giỏ tre đứng bên ngoài vẫn chưa thôi ngơ ngác.

Mất khá lâu út Nhị mới ngộ ra gì đó, rồi lại trộm mỉm cười. Cô biết, đây chính là khoảnh khắc đánh dấu sự chuyển biến tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai người các cô. Kể từ nay, lối xưng hô nhàm chán do sự áp đặt giai cấp tầng lớp đã ngấm ngầm thay đổi, cô không cần tiếp tục gọi người con gái tuổi đôi mươi này là "bà" nữa rồi.