Người Đi Âm

Chương 3

Chiều hôm sau, cả làng tới tham gia lễ tang của Ngọc. Chẳng biết ông thầy nào lại chọn cái giờ đưa ma tranh tối tranh sáng thế này, ai cũng thấy lạ, nhưng cũng chỉ dám bấm nhau xì xào chứ không dám ý kiến.

Đến giờ, người ta bắt đầu nâng quan. Nhưng chẳng hiểu sao có đến bốn người đàn ông to khỏe vạm vỡ mà không nâng nổi quan tài của chị Ngọc lên. Cả đám nghiến răng gồng người, gân xanh nổi cả trên trán mới nâng được cái quan tài khỏi giá đỡ.

Mọi người bắt đầu xôn xao. Ai đó run giọng hỏi: “Hay là làm bằng gỗ quý nên nặng?”

Lão Sáu chuyên làm quan tài trong làng vội vàng phân bua: “Có gỗ giời thì cũng không nặng thế này được. Lại nói, lúc thằng Tranh đến mua áo quan thì vừa lúc chỗ tôi không có cái nào tốt, bảo nó chờ thì không chịu nên chọn đại cái thường, gỗ ọp ẹp…”

Lão còn chưa dứt lời thì đã nghe “ầm” một tiếng. Bốn người nâng quan đồng loạt sụm chân, ngã quỳ giữa đường, cái quan tài mỏng dính rơi “bịch” xuống đất, nắp áo quan văng cả ra.

Xung quanh lặng ngắt như tờ. Lúc này thì ai cũng biết là có chuyện bất thường xảy ra rồi. Chú Tranh cố gượng cười, lầm bầm gì đó như ‘giờ tốt’, ‘sợ lỡ’. Mọi người cũng ăn ý lờ đi, người giúp nâng ghế, người đỡ mấy cậu trai nâng quan dậy, chỉ là mặt ai cũng căng như dây đàn.

Sợ di thể chị Ngọc không được ngay ngắn, My và vài người cứng gan khác tới chỉnh trang lại cho chị. Nhưng một người vừa nhìn vào trong đã gào ầm lên, mặt cắt không còn hột máu.

My vội vàng tiến lên thì thấy gương mặt vốn sạch sẽ của chị Ngọc đã lại như tối qua, mắt mở trừng trừng, mồm miệng ộc máu đen. Gió lạnh thổi qua, lá cây xào xạc như tiếng rủ rỉ khe khẽ của người khuất mày khuất mặt, tiếng quạ đen kêu the thé nơi xa càng khiến không khí trở nên gai người hơn.

Người làng im thin thít làm việc trong tay, tuyệt không có một ai dám mở miệng nói chuyện nữa.

Tới lần thứ hai, áo quan vẫn nặng trịch như chất đá bên trong, bốn người không đủ lại gọi thêm bốn người mà nó vẫn không chút di chuyển. Vợ chồng chú Tranh vừa khóc vừa thắp hương khấn vái, nhưng hương thì không cháy mà quan tài lại lần nữa đổ huỵch xuống.

Lần này không chỉ đổ mà cỗ áo quan sơn đỏ còn vỡ toạc cả đáy, xác Ngọc bên trong lăn ra ngoài, ai cũng thấy rõ đôi mắt mở to và dòng máu đen trên mặt Ngọc. Vợ chú Tranh khóc thét, vừa bò vừa lăn đến bên cạnh Ngọc, cố vuốt mắt lau máu cho con gái, nhưng có thế nào thì Ngọc cũng không chịu nhắm mắt, máu đen lau bao nhiêu thì lại chảy tràn ra bấy nhiêu.

Mấy người nâng quan bủn rủn chân tay, chú Tranh có cố năn nỉ thế nào cũng không chịu làm nữa, chỉ đưa Ngọc vào lại căn phòng cũ là tất cả ra về, đến tiền cũng không nhận, trà cũng không uống. Hàng xóm láng giềng cũng nhanh chóng tan hết, giờ thì người nào cũng biết Ngọc có oán nên không dám ở lâu.

My và mẹ cũng rời đi, trước khi đi, qua khóe mắt, cô như trông thấy một bóng trắng ôm mặt ngồi trên nắp quan tài.

Ngay tối hôm đấy, vợ chồng chú Tranh mang tiền vải, bánh trái đến nhà nhờ mẹ cô giúp đỡ. Bà Tiếu lắc đầu, chỉ nói Ngọc không được thanh thản nên chưa chịu ra đi, nếu muốn bà giúp thì phải nói rõ chị phải chịu oan khuất gì thì mới xong việc được.

Vợ chồng chú Tranh ấp úng hồi lâu, đến cuối cùng cũng không chịu nói. Bà Tiếu thở dài, cùng My tiễn hai người ra tận cổng, còn dặn hai người họ nghĩ kĩ, kẻo đến ngày hồi hồn thì sợ là không ai cứu được. Họ nhìn qua My, lần trước cô cũng nói y như vậy mà họ không nghe, lần này cũng vẫn không nghe, chỉ là thái độ đã không kiên quyết như trước.

Trên đường làng, vợ chồng chú gặp mấy bà hàng xóm cho con cháu đi chơi tối. Hai bên ngượng ngập chào hỏi nhau, đám trẻ ngoan ngoãn cũng đồng thanh “chào chú”, “chào thím”, “chào chị”. Lúc đầu mọi người tưởng đám nhóc chào My, nhưng nhìn lại mới phát hiện không phải.

My và mẹ đứng bên phải vợ chú Tranh, mà lũ trẻ rõ ràng lại nhìn bên trái. Nghĩ đến chuyện lúc chiều, ai cũng lạnh người, lại nghe có đứa hỏi mẹ “sao chị Ngọc lại khóc”, tức thì tất cả dựng tóc gáy. Mẹ đứa nhỏ mắng át đi rồi bế thốc con về nhà, những người khác cũng vội vàng đi thẳng, chẳng dám nán lại xã giao gì nữa.

My nheo mắt nhìn bóng vợ chồng chú Tranh đỡ nhau đi xa, quả thực có cái bóng con gái bám trên người họ, lúc ẩn lúc hiện. Cô quay sang nhìn mẹ, bà Tiếu cũng gật đầu, nghĩ ngợi một lúc rồi lại thở dài: “Oan có đầu, nợ có chủ.”