Sau Khi Chết, Tôi Trở Thành Mèo Của Trúc Mã

Chương 12


Đủ để một người học xong đại học, đủ để một gia đình vượt qua nỗi đau… Thời gian không thay đổi cậu, nhưng lại thay đổi mọi thứ xung quanh cậu. Cuối cùng, chỉ còn mình cậu kẹt lại trong ký ức cũ.

“Khi ấy tôi nghĩ, dù bố mẹ không nhận ra tôi nữa cũng chẳng sao, tôi vẫn có thể tìm đến Lục Nghi Xuyên, nũng nịu xin cậu ấy nuôi…”

Giọng cậu bắt đầu run rẩy, “Nhưng sao lại qua bốn năm rồi…”

Thời gian trôi qua, tình cảm bị bào mòn, những điều cậu từng tin tưởng, giờ đây đứng trước khoảng cách vô hình của thời gian, chẳng còn lý do nào để tin cậy.

Cậu lấy đâu ra tự tin rằng, sau bốn năm, trong lòng đối phương cậu vẫn còn chỗ đứng?

Cơn đau quặn lên từ bụng, cậu lại gắng nôn khan nhưng chẳng thể nôn ra gì vì chiều đến giờ cậu không ăn gì.

Mèo mướp sống lâu nên từng trải.

Nó ngồi bên cạnh cậu, “Cậu bị bệnh rồi.”

Trong thế giới của động vật không có những lời nói dối tử tế, nó dùng giọng điệu bình thản nhất nói với cậu sự thật tàn nhẫn nhất, “Nếu không được chữa trị, cậu nhiều nhất chỉ sống thêm hơn một tháng.”

Cậu im lặng một lúc rồi hỏi mèo mướp, “Cậu sống là vì điều gì?”

Lần đầu tiên mèo mướp bị một con mèo hỏi câu hỏi đầy triết lý như thế, suy nghĩ hồi lâu mới trả lời.

“Ánh nắng, không khí và nước.”

Trong tự nhiên, mọi thứ đều phải tự mình giành lấy, chỉ có ba điều đó là ân huệ của trời.

Góc tường, mèo trắng trở mình ngủ say, mèo mướp lại cọ vào cậu để liếʍ lông. Chú mèo nhỏ yếu đuối cuộn tròn trong vòng tay của mèo mướp, bóng cậu được mèo mướp che khuất, ánh sao lặng lẽ lóe sáng.

Một lúc lâu sau, cậu tuyên bố với mèo mướp, “Tôi muốn rời khỏi đây.”

Mèo mướp ngừng liếʍ lông, mắt không có vẻ buồn bã, “Cậu định đi đâu?”

Giữa đêm tĩnh lặng, đâu đó vang lên vài tiếng chó sủa, cậu đứng dậy. Giống như khi mỗi ngày ra ngoài tìm thức ăn, cậu ngẩng cao đầu, vẫy đuôi, lớn tiếng tuyên bố: “Tôi muốn đến ngôi trường đại học mà kiếp trước tôi chưa kịp học.”

Ngày hôm sau, ba chú mèo bắt đầu chuyến di cư của mình.

Khương Hành đã bệnh, cơ thể cậu yếu dần theo từng ngày. Hơn nữa, trong khu làng tạm này đầy những chó mèo hoang, chỉ dựa vào cậu và Tiểu Bạch thì khó mà sống sót.

Vì thế, cậu quyết định chuyển đến bồn hoa nơi hôm qua họ từng thấy. Ở đó vẫn còn thức ăn mèo, nếu không bị những con mèo khác tìm ra, có thể đủ để họ cầm cự vài ngày.

Nhưng cả ba đều là "người nhà" yếu đuối, bệnh tật và già nua, nên việc di chuyển diễn ra rất chậm chạp.

Bầu trời xám xịt, không khí trong khu làng này vẫn nặng nề và bẩn thỉu. Gió xuân và những cơn mưa không thể làm sạch nơi đây.

Đến trưa, họ mới tới được bồn hoa. May mắn là thức ăn và đồ hộp vẫn còn. Khương Hành sắp xếp cho mèo mướp ở lại trong bồn hoa rồi cùng Tiểu Bạch đi kiếm thức ăn.

Họ không thể ngồi chờ chết đói.

Chiều, trời bắt đầu mưa. Những dãy núi đằng xa ẩn hiện trong lớp sương mờ, màu xanh non dần phủ lên các nhánh cây khô cằn, hoa lê trắng nở dịu dàng giữa nền xanh.

Nhưng ở dưới chân núi, tiếng máy móc và những tòa nhà xám xịt lạnh lẽo phủ lên khung cảnh.

Trong thế giới của Khương Hành không còn mùa xuân. Ngẩng đầu lên, cậu chỉ thấy những chiếc xe tải lớn chạy qua lại trên những con phố đầy dầu nhớt. Khuôn mặt của công nhân nơi đây chỉ có sự mệt mỏi và đờ đẫn.

Chẳng ai quan tâm đến hai con mèo đang đội mưa di chuyển.

Cậu và Tiểu Bạch đến được viện phúc lợi mà cậu đã nhắm sẵn.

Cánh cổng của viện phúc lợi là hai tấm sắt cũ kỹ, hai bên là bức tường ngắn không quá cao. Cây leo phủ xanh bức tường, là sắc màu nổi bật nhất trên con phố này.

Tiếng cười đùa của trẻ con vang ra từ bên trong, Khương Hành và Tiểu Bạch ngồi trước cổng, suy nghĩ cách để vào.

Cánh cổng thì không hy vọng gì. Cuối cùng, cậu nhìn lên bức tường phủ đầy cây leo và phát hiện một lỗ chó ở góc tường.

Cậu dẫn Tiểu Bạch chui vào qua lỗ đó.

Viện phúc lợi nhỏ hẹp, chui qua lỗ là vào ngay sân chơi. Đúng giờ cơm trưa, một nhóm trẻ em xếp hàng chờ lấy cơm, quản lý cầm muôi đứng phát cơm cho từng em.

“Quần áo đều vừa thay sáng nay, lát ăn xong đứa nào dám làm bẩn thì coi chừng mông đấy nhé! Còn nữa, mấy điều cô giáo dạy nhớ kỹ chưa?”

Bọn trẻ ôm bát, đáp lời rời rạc, “Nhớ rồi… Phải lễ phép, phải chào hỏi, không được cãi khách, càng không được giận dỗi với khách…”