Cái Giá Của Hạnh Phúc

Chương 17: Nỗ Lực Không Ngừng

Những ngày sau đó, cô tiếp tục di chuyển từ nơi này đến nơi khác, tham gia các hội thảo và triển lãm về giải trí, nhưng câu chuyện lặp lại nhiều lần. Các đối tác tiềm năng đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước ý tưởng mới mẻ của cô, nhưng phần lớn đều e ngại rủi ro. Không ai muốn đầu tư vào một lĩnh vực mà thị trường chưa được định hình rõ ràng. Có lần, cô thậm chí còn bị từ chối thẳng thừng ngay tại buổi họp:

"Cô Ngọc, tôi rất trân trọng sự sáng tạo của các bạn, nhưng thực tế là người Việt Nam vẫn chuộng hình ảnh hơn. Nếu không có gì để "nhìn", khán giả sẽ không hứng thú."

Lời nhận xét ấy khiến cô cảm thấy bị tổn thương, khi trở về văn phòng vào buổi chiều muộn, Bảo Ngọc ngồi lặng lẽ trước bàn làm việc. Căn phòng rộng rãi nhưng vắng lặng đến mức cô có thể nghe thấy tiếng kim đồng hồ tích tắc. Những tài liệu, kế hoạch hợp tác và báo cáo tài chính chất thành đống trên bàn, nhưng ánh mắt cô lại dán vào màn hình điện thoại, nơi tin nhắn của các đối tác vẫn im lìm.

Cô gục đầu xuống bàn, mệt mỏi kéo dài sau những ngày liên tục di chuyển và họp hành. Những lời từ chối và ánh mắt nghi ngờ cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí. Có lúc, cô tự hỏi liệu bản thân có đang đi quá xa không? Liệu kịch truyền thanh có thực sự là một giấc mơ có thể trở thành hiện thực, hay nó chỉ là một ý tưởng viển vông mà cô đang cố bám víu?

Nhưng rồi, hình ảnh Ngân Tuệ hiện lên trong tâm trí cô, Ngân Tuệ đứng trong phòng thu, giọng nói ấm áp và truyền cảm cất lên từ micro, hòa quyện cùng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, tạo nên một khung cảnh đầy ma lực. Đó là lý do Bảo Ngọc không thể bỏ cuộc.

Dù khoảng cách giữa hai người đã khác trước, nhưng Bảo Ngọc vẫn muốn bảo vệ giấc mơ mà cả hai từng chia sẻ. Chính niềm đam mê của Ngân Tuệ đã truyền động lực cho cô từ những ngày đầu.

Sau mỗi lần thất bại, cô quay trở lại văn phòng, nhìn vào những bản kế hoạch và dữ liệu phân tích thị trường, cố tìm ra một hướng đi mới. Cô bắt đầu thử những ý tưởng táo bạo hơn, như kết hợp kịch truyền thanh với các sự kiện trực tiếp để khán giả có thể vừa nghe vừa tương tác, hoặc tạo ra các chương trình podcast đặc biệt về hậu trường sản xuất để thu hút sự chú ý.

Sau khi đã lấy lại tinh thần, cô tiếp tục gặp gỡ và thương thảo với các đối tác tiềm năng. Bấp chấp những khó khăn và thất bại, Bảo Ngọc không hề chùn bước. Cô tìm đến các hội nghị về truyền thông, các sự kiện dành cho các nhà sáng tạo nội dung và liên hệ với các tổ chức quốc tế về sáng tạo âm thanh. Mỗi lần tiếp xúc, cô không chỉ phải giải thích về kịch truyền thanh là gì, mà còn phải thuyết phục họ về tiềm năng phát triển lâu dài của ngành này.

Tại một hội thảo quốc tế về giải trí âm thanh, Bảo Ngọc gặp một đối tác tiềm năng - ông Tùng, giám đốc của một công ty truyền thông lớn có mặt trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình và các chương trình radio. Dù đã nghe qua về kịch truyền thanh, ông Tùng vẫn tỏ ra khá e dè: "Cô nói rằng có thể chuyển thể những bộ tiểu thuyết nổi tiếng, nhưng liệu điều này có đủ sức hấp dẫn đối với đối tượng người nghe truyền thống? Họ có thực sự mong muốn một thể loại giải trí mà chỉ có âm thanh?"

Bảo Ngọc kiên nhẫn trả lời: "Đúng, những người nghe truyền thống có thể sẽ cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận, nhưng đó chính là thách thức mà chúng tôi muốn vượt qua. Kịch truyền thanh không chỉ là việc kể chuyện qua âm thanh, mà còn là việc tạo dựng một không gian tưởng tượng, một thế giới mà người nghe phải tự mình xây dựng trong tâm trí. Và đó chính là điều mà các chương trình truyền hình không thể mang lại: sức mạnh của sự sáng tạo và sự tham gia của người nghe."

Ông Tùng lắng nghe, gật gù sau khi cô trình bày xong. Tuy nhiên, ông vẫn chưa sẵn sàng cam kết: "Chúng tôi cần nghiên cứu thêm. Đừng quên, ngành truyền hình vẫn còn rất mạnh mẽ và không dễ để thuyết phục một đối tác có nhiều kinh nghiệm như chúng tôi."

Dù buổi gặp gỡ này không mang lại kết quả ngay lập tức, Bảo Ngọc vẫn không bỏ cuộc. Cô tiếp tục thu thập thông tin, tìm kiếm cơ hội và không ngừng làm việc để xây dựng thương hiệu cho công ty. Mỗi lần thất bại, cô lại càng thêm quyết tâm.

Càng gặp khó khăn, Bảo Ngọc càng nhận ra rằng thành công không đến từ việc thuyết phục những người không tin tưởng vào tầm nhìn của mình, mà đến từ việc biến những người tin tưởng thành đồng minh mạnh mẽ nhất, những người cũng có niềm đam mê và tin tưởng vào giấc mơ kịch truyền thanh. Cô bắt đầu tổ chức những cuộc họp nhóm để thảo luận về các chiến lược sáng tạo, cải tiến sản phẩm và làm việc chặt chẽ hơn với đội ngũ l*иg tiếng.

Dù nhiều đêm thức trắng vì lo lắng và mệt mỏi, Bảo Ngọc vẫn không cho phép mình bỏ cuộc. Cô hiểu rằng việc xây dựng một ngành công nghiệp mới là con đường đầy chông gai, nhưng nếu cô thành công, không chỉ cô mà cả đội ngũ của cô, đặc biệt là Ngân Tuệ, sẽ có một nơi để theo đuổi đam mê và biến nó thành hiện thực. Và hơn hết, cô tin rằng giọng nói của con người luôn có sức mạnh - sức mạnh để chạm đến những cảm xúc sâu thẳm nhất mà không cần đến bất kỳ hình ảnh nào.

Và sau những ngày nỗ lực không ngừng của Bảo Ngọc cuối cùng đã có kết quả. Sau một thời gian dài thử sức với nhiều đối tác, công ty cô đã ký kết hợp đồng với một đài phát thanh lớn, nơi họ sẽ cùng nhau phát hành các bộ kịch truyền thanh, bao gồm cả những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng. Mặc dù đây mới chỉ là bước đầu, nhưng nó đánh dấu một thành công quan trọng trong việc đưa kịch truyền thanh đến gần hơn với công chúng và gây dựng lòng tin trong giới đầu tư.

Trong một buổi chiều tối, khi Bảo Ngọc trở về văn phòng sau một ngày dài làm việc, cô ngồi một mình trong căn phòng yên tĩnh. Cô nhìn những tài liệu hợp đồng trên bàn và mỉm cười. Đó là một bước đi vững chắc, và cô cảm thấy rằng mình đã gần như chạm tay vào giấc mơ mà cô và Ngân Tuệ đã từng chia sẻ. Dù giờ đây Ngân Tuệ đã không còn bên cạnh cô như trước, nhưng những ký ức về những ngày tháng hai người cùng làm việc, cùng mơ ước, vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí Bảo Ngọc.

Cô ngồi lặng lẽ, đôi mắt đăm chiêu nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi những ánh đèn thành phố mờ ảo dưới ánh trăng. Cô biết rằng hành trình phía trước sẽ không hề dễ dàng, nhưng nếu kiên trì và bền bỉ, cuối cùng cô sẽ đạt được mục tiêu của mình. Và dù thế nào đi nữa, kịch truyền thanh sẽ luôn là niềm đam mê, là phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.

----