Văn Đình Lệ nhớ lại vài ngày trước, cô mới thấy bức ảnh của cậu Mạnh này trên tờ báo, tiêu đề bài viết là: [Hậu sinh khả úy - Ký sự về ông chủ Đại Xương Thực Nghiệp, Mạnh Kỳ Quang].
Bài báo nói rằng, khi Mạnh Kỳ Quang thừa kế tổ nghiệp, công ty Đại Xương đã gần như phá sản. Thế nhưng anh ta chỉ tốn thời gian hai ba năm ngắn ngủi đã mua lại toàn bộ nhà máy cũ mà người cha quá cố lúc còn sống làm thua lỗ mất. Hơn nữa còn lần lượt mở mới mấy nhà máy bột mì ở các nơi như Vũ Hán, Từ Khê, Ninh Ba. Bây giờ vốn liếng của Đại Xương đã tăng lên gấp mấy lần, nghiễm nhiên trở thành một ngôi sao mới nổi trong giới công thương nghiệp địa phương. Còn có tin đồn khác nói Mạnh Kỳ Quang có quan hệ mật thiết với đại ca các bang phái ở Thượng Hải, được hoan nghênh ở cả hai giới hắc bạch.
Các báo ca ngợi nào là: [Cậu Mạnh vừa có thực lực vừa có dã tâm, thông minh tháo vát hơn người cha đã mất mấy trăm lần], và rất nhiều câu tương tự như thế.
Đang suy nghĩ, một cô gái mặt tròn tóc ngắn thần thái hồng hào bên cạnh Mạnh Kỳ Quang bỗng lên tiếng nói: "Cô Văn còn nhớ tôi không?"
Văn Đình Lệ áy náy cười lắc đầu.
Cô gái tóc ngắn không bận tâm, tự giới thiệu một cách thoải mái: "Tôi tên là Hoàng Viễn Sơn, là đạo diễn của Công ty Điện ảnh Hoàng Kim."
Văn Đình Lệ giật mình, hễ là người thích xem phim thì không ai không biết đến tiếng tăm của Hoàng Viễn Sơn. Mấy năm gần đây, cô ấy nổi lên như một đạo diễn danh giá, phong cách tác phẩm rất độc đáo, điều hiếm có là bộ nào cũng ăn khách. Vì vậy, cô ấy rất được Công ty Điện ảnh Hoàng Kim coi trọng, ngôi sao lớn Đoàn Diệu Khanh đều do cô ấy một tay nâng đỡ cả.
Với tư cách là khách quen của rạp chiếu phim, bản thân cô đã xem tất cả các bộ phim của đạo diễn Hoàng Viễn Sơn. Bộ phim cô thích nhất là “Chuyện Cũ Xuân Thân” nổi đình nổi đám một thời vào năm ngoái.
Xuất phát từ sự tò mò, cô bắt đầu nghiêm túc quan sát Hoàng Viễn Sơn, tuổi chừng hai mươi bảy, hai mươi tám, tóc ngắn, đội mũ lưỡi trai, ăn mặc vô cùng tùy ý, nhưng ánh mắt thì sáng rực kiên định, vừa nhìn đã biết là một người đầu óc nhạy bén.
Hoàng Viễn Sơn chủ động đưa danh thϊếp qua: "Tôi từng gặp cô ở hội trường của trường cô. Tối đó cô Văn đóng vai chính trong “Mê Hồn Ký”, thật khiến người ta khó quên. Sau buổi diễn, tôi muốn đến chào hỏi cô, tiếc là cô Văn đã đi rồi."
Bên cạnh có người cười nói: "Chị Hoàng đây là lại sắp phát hiện thêm một ngôi sao lớn nữa rồi à?"
"Cô Văn vừa xinh đẹp vừa có tài năng, không đóng phim thì thật đáng tiếc. Thế nào, cô Văn có muốn đến công ty hèn của tôi đây thử vai không?"
Văn Đình Lệ mỉm cười lắc đầu: "Cảm ơn đạo diễn Hoàng đã yêu thích, đáng tiếc là tôi không mấy hứng thú với việc diễn xuất."
"Không có hứng thú thì sao cô có thể diễn hay như vậy? Cô Văn đừng hiểu lầm, công ty chúng tôi là công ty đứng đắn, từ trước đến nay chỉ xoay quanh phát triển phim nhựa thôi."
Có vẻ cô ấy đã quyết tâm muốn thuyết phục Văn Đình Lệ, trong lúc nói chuyện còn lấy một tấm vé vào cửa của rạp Hoàng Kim ra muốn đưa cho cô.
Văn Đình Lệ khó xử mỉm cười, dù cô yêu thích hí kịch, nhưng lại không muốn dính líu gì đến các công ty điện ảnh. Mạnh Kỳ Quang ở bên cạnh cười nói: "Hà tất phải làm khó cô gái người ta chứ? Công ty của cô nhiều diễn viên như vậy, nào là Đoàn Diệu Khanh, Thẩm Thanh, ai cũng đang nổi như cồn, lẽ nào còn thiếu một người này sao?"
Đúng lúc đó mấy phu nhân bên ngoài đi ngang qua, nghe thấy lời này liền lắc đầu với Hoàng Viễn Sơn: "Hiếm khi tham gia dạ tiệc, con bé này vẫn toàn nói chuyện phim với ảnh. Chả trách cha cô lại tức giận đến thế, bỏ mặc việc kinh doanh gia đình, suốt ngày làm văn hóa kiểu mới gì gì đó. Cô không nghĩ mà xem, con gái ngoan nhà ai lại đi đóng phim chứ? Cô gái người ta là bạn học của Bảo Tâm, đồng ý với cô mới lạ đó."
"Thành kiến!" Hoàng Viễn Sơn đỏ mặt: "Những gì mấy bà nói đều là thành kiến! Điện ảnh là một trong tám loại hình nghệ thuật lớn của thế giới mà…"
Lúc này, quản gia nhà họ Kiều đưa vài người trẻ tuổi ăn mặc sang trọng vào. Thấy Mạnh Kỳ Quang và Hoàng Viễn Sơn, họ cười nói: "Hai người sao đến sớm vậy?"
Văn Đình Lệ chỉ khó hiểu vì sao Kiều Hạnh Sơ mãi không tới tìm cô. Cũng may có mấy lời chen vào này, Hoàng Viễn Sơn cuối cùng cũng chịu bỏ qua chủ đề vừa rồi: "Tôi và Kỳ Quang đang chờ người."
"Không nghe nhầm chứ? Ai mà có mặt mũi lớn đến mức hai vị phải chờ đợi vậy?"
"Các cậu không biết à? Tối nay, ông Lục của Hồng Nghiệp Nam Dương cũng đến."
Cả phòng im lặng, mấy người đang ngồi hầu như đều đã nghe nói đến tiếng tăm của “nhà họ Lục Hồng Nghiệp Nam Dương”.
Nhà họ Lục có tổ tiên là người Thượng Hải, nhưng lại làm giàu ở vùng Nam Dương. Nghe nói, năm đó vị tổ tiên nào đó của nhà họ Lục đã vượt biển đến Nam Dương mưu sinh, ban đầu làm thợ mỏ, sau đó học việc tại một ngân hàng. Sau khi đã tích cóp đủ tiền thì mở một cửa hàng tạp hóa cỡ lớn tại địa phương, làm ăn rất thịnh vượng phát đạt. Mấy năm sau đó, ông ấy bán hết tài sản để thuê người khai thác mỏ ở Văn Đông, không ngờ lại đào được mỏ thiếc, từ đó phát tài lớn. Nhân cơ hội ấy, ông ấy tiếp tục mua lượng lớn đất để trồng cao su, nhảy lên trở thành ông vua cao su nổi tiếng ở Nam Dương.
Ông Lục là người thừa kế đời thứ hai của Hồng Nghiệp nhà họ Lục. Sau khi thừa kế sự nghiệp của cha mình, ông Lục tiến thêm một bước mở rộng sang các lĩnh vực như vận tải đường biển và máy móc nhà máy bông vải đay, giúp cho tài sản của nhà họ Lục trải rộng khắp các vùng Ba Thành, Medan và Sumatra.
Sau đó, với lòng yêu nước sâu sắc, ông Lục đã nhiệt tình đầu tư một phần tài sản vào trong nước. Trong hai mươi năm qua, ông liên tục đầu tư vào các nơi như Thượng Hải, Bắc Bình, Thiên Tân, Hồng Kông. Chỉ riêng Ngân hàng Lực Tân bên cạnh cầu Tô Châu cũng đã có thể cung cấp khoảng ba, bốn mươi triệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ yêu nước vay mỗi năm (chú thích).