Xuyên Không Làm Thợ May Ở Dân Quốc

Chương 3

Dù từng xem không dưới cả trăm buổi biểu diễn thời trang, cũng từng gặp qua vô số ngôi sao và người mẫu nổi tiếng, nhưng đến nay, số người có hình thể khiến Kỷ Khinh Chu hài lòng đến mức này, thực sự không nhiều.

Ít nhất trong bức ảnh này, từ vóc dáng, tỉ lệ đầu với thân, đến độ cân xứng giữa tay chân, tất cả đều hoàn hảo phù hợp với thẩm mỹ của cậu.

Đáng tiếc, nếu người đàn ông kia sinh ra ở thời hiện đại, thì dù có phải dụ dỗ lừa gạt hay ép buộc, cậu cũng phải khiến anh ta làm người mẫu của mình một lần cho bằng được.

Ngắm nghía lại bức ảnh vừa chụp xong, Kỷ Khinh Chu cầm điện thoại bước ra khỏi căn phòng chật kín người.

Cậu một tay đút túi quần, tựa người vào khung cửa, hít một hơi không khí mới mẻ nơi hành lang, lắng nghe âm thanh giọng thuyết minh trong phòng vẫn đều đều vang vọng ra ngoài:

“Trong hồi ký cuối đời của Khâu Văn Tín, có vài chương dành riêng để tưởng nhớ những người bạn đã khuất của ông.”

“Trong đó có một câu như thế này: “Ký ức về quá khứ, điều khiến tôi hoài niệm sâu đậm nhất chính là những bằng hữu tri âm năm xưa. Người thì kiên cường trầm lặng, mất vì tai họa; người thì ngây ngô nghịch ngợm, chết nơi chiến trường.””

“Chính là để nói về hai người trong bức ảnh này.”

“Nếu mọi người muốn tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện của họ, có thể xuống dưới mua một quyển hồi ký của ngài Khâu nhé…”

Dạo xong nhà cũ của Khâu Văn Tín, thời gian đã gần năm giờ chiều.

Trên bầu trời đã bị từng mảng mây đen đặc phủ kín, khiến cho tầm nhìn lập tức tối hơn rất nhiều.

“Cái thời tiết quỷ quái này, chẳng lẽ trời sắp mưa?”

Kỷ Khinh Chu liếc đồng hồ, hơi bực mình kéo vali đi về phía nhà nghỉ cổ kế bên.

Chỗ cậu đặt là một nhà nghỉ cổ có tiếng là mang đậm dấu ấn trăm năm lịch sử.

Cũng là nhà cổ, nhưng nhà cũ của Khâu Văn Tín lại mang phong cách thuần Trung Hoa, từ bố cục đến sân vườn, từng viên gạch từng mái ngói đều toát lên hồn Giang Nam cổ kính.

Còn căn nhà nghỉ cổ nằm sát vách ấy, lại rõ ràng là kiến trúc kiểu Tây Dương.

Tường đỏ ngói đỏ, nhà hai tầng có thêm gác mái, mái hiên và cửa sổ được sơn màu trắng kem, lan can uốn cong bằng sắt đúc đính đầy dây leo hoa nở rực rỡ.

Toàn bộ khung cảnh toát lên vẻ cổ điển, thanh lịch có cảm tình.

Chỉ tính riêng phần nhìn bên ngoài, Kỷ Khinh Chu cảm thấy cũng khá hài lòng.

Chuyến du lịch đầu tiên sau khi về nước, Kỷ Khinh Chu chọn đặt chân đến Tô Châu là vì hai lý do. Một là nơi đây khá gần Thượng Hải, di chuyển thuận tiện; hai là cậu muốn cảm nhận sâu sắc bầu không khí nhân văn của thành phố này.

Xét cho cùng, Tô Hàng từ xưa đã nổi danh là trung tâm ngành tơ lụa dệt may, phụ nữ Tô Châu với phong cách ăn mặc thời thượng, đường kim mũi chỉ tinh xảo, từng một thời có tiếng tăm.

Chính vì thế, cậu đến Tô Châu để tìm cảm hứng từ các loại hình kiến trúc, ảnh chụp cổ, và những sản phẩm dệt may, cũng là một bước chuẩn bị cho kế hoạch mở xưởng thiết kế thời trang sau này, chính là mục đích cốt lõi của chuyến đi này.

Kéo vali bước lên bậc thềm, đi vào sảnh chính, đập vào mắt đầu tiên là quầy lễ tân hình vòng cung nằm phía bên phải.

Kỷ Khinh Chu làm thủ tục nhận phòng tại quầy, từ chối lời đề nghị xách hành lý giúp của chủ nhà, nhận lấy chiếc chìa khóa khắc số phòng “206” và tự mình lên lầu hai.

Ngày nay, khách sạn trong nước vẫn dùng chìa khóa để mở cửa phòng quả thực không nhiều. Nhưng nghĩ lại, nơi này vốn là nhà nghỉ cổ cải tạo từ nhà cổ, vẫn còn giữ lại một số nét xưa cũ, cũng chẳng có gì khó hiểu.

Để giữ không gian yên tĩnh, cầu thang xoắn cùng hành lang tầng hai đều được lát thảm dày.

Thế nhưng, dù đã có thảm cách âm, căn nhà vốn đã có tuổi, lúc cậu xách vali bước lên, vẫn nghe rõ tiếng kẽo kẹt khe khẽ phát ra từ những tấm ván gỗ lót sàn phía dưới.

Lên đến tầng hai, đi theo hướng dẫn rẽ trái vào hành lang, Kỷ Khinh Chu vừa tìm số phòng của mình, vừa ngắm nhìn những bức ảnh treo trên tường.

Đó đều là những hình ảnh ghi lại diện mạo ngôi nhà trước khi được cải tạo. Phần lớn vẫn còn nguyên như cũ, chỉ có vài chi tiết là thay đổi dễ nhận thấy nhất.