Năm Tháng Biết Mùa Hạ Dài

Chương 9

Sáng hôm sau, Lâm Tri Hạ lại ra ngoài giao sữa như thường lệ.

Những nhà hôm qua chưa nhận được sữa hôm nay đều được bù thêm một chai. Không chỉ vậy, trên mỗi chai sữa còn dán kèm một mảnh giấy ghi chú nho nhỏ.

“Chú/Dì kính mến: Hôm qua do xe sữa bị người khác đá đổ nên cháu không kịp giao sữa đến. Cháu thật lòng xin lỗi. Cháu hứa sẽ không để xảy ra sai sót như vậy nữa. Chúc chú/dì một ngày vui vẻ. – Tiểu Lâm.”

Nét chữ bút máy thanh tú, ngay ngắn, lời lẽ nhã nhặn, toát lên vẻ chững chạc và mộc mạc của một học sinh ngoan.

Mảnh giấy xin lỗi be bé ấy lại khiến cả khu Vĩnh An dậy sóng một phen nho nhỏ.

Ở khu này, số người từng học hết cấp hai chưa tới một phần ba. Đại đa số dân cư đều sống nhờ vào chút tay nghề mưu sinh trong thành phố. Những ai có chút tài cán đã sớm rời đi, chỉ còn lại những con người bị cuộc sống mài giũa đến khô cứng và thô ráp.

Lời xin lỗi ở nơi đây là thứ hiếm hoi chẳng khác gì cảnh tuyết rơi giữa mùa hè.

Người dân Vĩnh An từ lâu đã quen giải quyết tranh chấp bằng cãi vã, thậm chí động tay động chân chỉ để giành giật chút lợi ích cỏn con hay không gian sinh sống chật hẹp. Ai mặt dày hơn thì kẻ đó chính là kẻ thắng.

Cho nên, một mảnh giấy xin lỗi tinh tế như vậy với người nơi đây quả là của hiếm ngàn năm có một.

Sau khi vừa đoán vừa luận để hiểu được nội dung trên giấy, các bà nội trợ trong khu đều không khỏi dấy lên lòng thương mến, tự nhiên mà sinh ra cảm tình với cậu bé “Tiểu Lâm” có nét chữ đẹp như in ấy.

“Quả là học sinh trường Trung học số 9, lễ phép hiểu chuyện, làm việc cũng giỏi giang!”

“Nghe đâu nhà chỉ có một người cha mù lòa, nghỉ hè nên ra ngoài đi làm kiếm tiền. Không biết đứa nào mất nết ra tay ác độc như thế, đi bắt nạt cả một đứa con nít.”

Nói xong thì các bà lại quay đầu, túm tai con mình mà mắng một trận:

“Nhìn con nhà người ta kìa, vừa biết học vừa biết làm, phúc đức mấy đời mới có đứa con ngoan như thế! Còn mày thì sao? Nghỉ hè là chỉ biết chạy rong ngoài đường, đến chút việc nên làm cũng không động tay, cái bùn trong mương Kim Hà còn sạch hơn mày đấy!”

Chuyện Tiểu Lâm giao sữa bị bắt nạt, xe sữa bị đá đổ nhanh chóng lan truyền khắp trong ngoài khu Vĩnh An qua những chiếc miệng của các bà nội trợ.

Lâm Tri Hạ đạp xe ba bánh đi khắp các ngõ ngách, mồ hôi ướt đẫm trán, má đỏ hây hây, vậy mà vẫn lễ phép ngoan ngoãn, ai nhìn thấy cũng vừa thương vừa quý.

Chỉ trong thời gian ngắn cậu đã trở thành một “tiểu minh tinh” được yêu mến trong khu. Dù vô tình khiến không ít đám trẻ con ganh tỵ nhưng lại giành được trọn vẹn thiện cảm của các bà các thím.

Sáng ngày thứ tư, thấy thời cơ đã chín muồi, Lâm Tri Hạ kéo theo cả một sọt chai sữa vỡ lỉnh kỉnh, tiếng thủy tinh va nhau leng keng, thẳng tiến đến trước cửa nhà họ Thịnh.

Điều kiện kinh tế nhà họ Thịnh dễ dàng đè bẹp nhà họ Lâm nửa con phố.

Cha của Thịnh Lãng – ông Thịnh Quảng Toàn nổi tiếng là “kẻ đầu xanh” (ý chỉ đàn ông bị cắm sừng), có một căn nhà nhỏ gần bờ sông ở khu Nam, mở một nhà trọ bình dân.

Tòa nhà bốn tầng, cửa sổ khung nhôm kính, kính màu xanh lam, tường lát gạch sứ màu hồng phấn, trước cửa treo một tấm bảng đỏ chữ vàng chói mắt: “Nhà trọ Tụ Phúc.”

Lâm Tri Hạ nhìn cái gu thẩm mỹ “hoa hoè hoa sói” ấy mà phải câm nín một hồi lâu.

Khu Nam quả đúng là nơi nhà trọ mọc lên như nấm. Riêng con phố nhà họ Thịnh tọa lạc cũng đếm được năm, sáu nhà trọ san sát.

Như Tôn Minh Châu từng nói, cửa chính tuy không treo l*иg đèn đỏ thì cũng phải điểm xuyết tí đỏ tí tím, nhìn kiểu gì cũng thấy không đứng đắn.

Ngay bên ngoài khu Nam chính là chiếc cầu cổ Phong Hà, đối diện là khu đô thị mới đang được xây dựng rầm rộ.

Mỗi chiều tà, công nhân tan ca lại từng tốp từng tốp đổ qua cầu, bước vào khu Nam Vĩnh An rồi tản vào những nhà trọ nhỏ. Trong vòng tay mềm mại thơm tho của đàn bà, những thân xác rẻ rúng và linh hồn mỏi mệt kia được tạm thời buông lơi.

Lúc này đang là sáng sớm, dãy nhà trọ vẫn chưa mở cửa, cả con phố chỉ có vài con chim nhỏ đang tìm mồi.

Lâm Tri Hạ lấy chiếc loa mượn từ trạm sữa, ngẩng đầu nhìn lên khung cửa sổ xanh của nhà họ Thịnh, trên gương mặt trắng trẻo ngoan ngoãn lại lộ ra nụ cười có chút… tà khí.

Phòng của Thịnh Lãng nằm ở ngay góc cầu thang, chật hẹp chẳng lớn hơn cái quan tài là bao. Mùa hè nóng nực, hắn lại ghét tiếng ồn mỗi khi khách lui tới nên thường ra ngủ trên mái nhà dưới cái chòi dựng tạm.

Sáng sớm hôm đó, hắn còn đang nằm ngủ phơi bụng thì chợt bị một âm thanh the thé như còi báo động giật thót cả người, bật dậy như cá nảy khỏi mặt nước.