Trong kho còn có ổ gà, tuy cũ nhưng vẫn dùng được. Có điều không biết là do đổi chỗ hay do thời tiết, con gà mái này chẳng thích đẻ trứng, đến mấy ngày rồi mới đẻ được có hai quả.
Nuôi gà mái có cái lợi là mấy món cơm thừa canh cặn thỉnh thoảng không phải bỏ đi đều có thể cho gà ăn.
Ở quê là vậy, gà, lợn, chó, mèo... toàn ăn đồ thừa của người.
Có điều chỉ cơm thừa thì không đủ. Bây giờ Tạ Thư Vân cho gà ăn cám là ngô xay vụn lấy từ nông trại của Ngô Mẫn Hân. Ăn hết rồi thì phải tự mua cám hoặc dùng thóc để cho ăn.
Tạ Thư Mẫn biết trong làng có người trồng nhiều ngô, nên nghĩ nếu cần thì có thể đi mua một ít, rồi xay luôn cả lõi ngô ra làm cám gà.
Còn ngô mà cô tự trồng thì lúc còn non đã hái đem trữ đông trong tủ lạnh để ăn sáng, giờ chỉ còn lại thân ngô trơ trọi ngoài ruộng.
Thân ngô sau khi thu hoạch có thể cắt nhỏ cho heo ăn, nhưng cho gà thì hơi thô.
Sang năm có thể trồng thêm ngô già, không chỉ có thể lấy hạt làm bột ngô ăn, mà còn có thể xay thành cám nuôi gà nuôi heo.
Năm nay tâm trạng không tốt nên Tạ Thư Vân không có hứng nuôi thêm mấy con vật này, nhưng sang năm thì lại muốn thử xem sao.
Dạo gần đây cô nghiện dưỡng sinh, đọc rất nhiều sách dưỡng sinh trung y, nhớ được chẳng bao nhiêu, nhưng gần như cuốn nào cũng nhấn mạnh việc dưỡng tỳ là quan trọng nhất.
Ai cũng nói tiểu mễ (kê) là thứ tốt nhất để dưỡng tỳ vị, thế nên bữa sáng của cô phần lớn đều là cháo kê.
Số kê tích trữ từ trước cũng sắp ăn hết rồi, mà mua kê lại tốn tiền, nên cô đang tính hay là sang năm tự trồng một ít.
Phượng Nhã nằm ở vùng đồi núi phía nam sông Dương Tử, bình thường chỉ trồng lúa nước, cải dầu và lúa mì, chưa từng nghe ai trồng kê bao giờ, cũng không biết có trồng được không.
Dù sao thì chuyện gì không biết thì hỏi Baidu, lát nữa tra thử xem, nếu không được thì hỏi mấy ông bà lớn tuổi trong làng.
Cô từng thấy có người trồng cao lương, mà đã trồng được cao lương thì biết đâu trồng kê cũng được. Có điều kê là cây trồng của vùng phía Bắc, chắc hợp với những nơi hơi khô hạn một chút.
Mảnh đất mà cô đang trồng hiện tại đều là đất bà nội Tạ để lại. Trong đó có hai mảnh nằm gần chân núi, cách xa nguồn nước, đất khá khô.
Bà nội Tạ là người không chịu ngồi yên, lúc chia đất theo hộ thì phần đất được chia bà đều nhường cho các con trai, sau đó những chỗ bà tự canh tác đều là đất hoang bà dần khai phá ra.
Nhà Tạ Thư Vân cũng có đất riêng, nhưng đều do bố cô canh tác.
Cô thấy bản thân đã tách hộ, sống độc lập rồi thì không muốn đυ.ng tới phần đất của nhà nữa.
Dù sao thì trước lúc bà nội mất cũng đã nói rõ ràng, nhà cửa và ruộng đất của bà đều là sau khi chia hộ mới dần tích cóp lại, tất cả đều để lại cho Tạ Thư Vân, những người khác đừng mong tới.
Nhà bác cả có ruộng đất riêng, bác hai thì thi đậu công chức từ lâu, giờ làm giáo viên ở thị trấn bên cạnh, hộ khẩu cũng đã chuyển đi, tuy còn nhà nhưng ít khi về làng, không có thời gian canh tác. Còn bố Tạ thì có ruộng đất riêng, nên mọi người đều không có ý kiến gì về sắp xếp của bà nội.
Ngoài vườn rau trước nhà, bà nội còn khai phá được mấy mảnh ruộng sát chân núi, vì xa nước nên toàn trồng hoa màu dễ sống, thu được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Mùa xuân năm nay, Tạ Thư Vân chợt thấy nhàn rỗi quá lại muốn vận động, không có việc gì liền ở nhà lục giống mà bà để lại, tìm thấy gì thì tìm đất trồng nấy, ngoài bí đỏ ra còn lần lượt trồng thêm vừng, đậu xanh, đậu đỏ, khoai lang, sắn dây các thứ.
May mà năm nay mưa nhiều, nên dù chỉ thỉnh thoảng nhổ cỏ, chẳng chăm sóc gì nhiều, mấy cây đó vẫn phát triển rất tốt.
Giờ thì mấy cây đó cũng già cỗi rồi.
Còn mấy gốc ngô sót lại trong ruộng cũng phải mau nhổ lên, cày đất phơi một chút để chuẩn bị trồng vụ rau kế tiếp.
Người làm nông chẳng bao giờ được rảnh, chỉ cần muốn làm thì ở đâu cũng có việc.
Tất nhiên nếu muốn lười cũng được, cứ vứt đại hạt giống xuống đất, phó mặc cho trời, được bao nhiêu thì được bấy nhiêu, còn có thu hoạch hay không, được bao nhiêu thì khó nói.