Hôm nay là thứ 2 ngày 24 tháng 7.
Đại học Lafami sẽ khai giảng tuần đầu tiên vào tháng 8, theo lịch năm nay vừa đúng ngày 1 tháng 8.
Cách tính lịch của thế giới này khá giống Trái Đất, một năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, một tuần có 7 ngày. Có điều những ngày lễ và ngày nghỉ thì khác với Trái Đất.
Chương trình giáo dục của trường đại học gồm 3 học kỳ trong 1 năm. Học kỳ 1 sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới cuối tháng 10 hằng năm, kế đó là hai tuần nghỉ đông. Nếu mùa mưa kéo dài, thời gian nghỉ đông cũng sẽ kéo dài.
Học kỳ 2 bắt đầu từ đầu tháng 11 tới tháng 2 sang năm, cuối tháng hai sẽ có một tháng nghỉ xuân. Giống với kỳ nghỉ đông, kỳ nghỉ xuân là ngày nghỉ chào đón mùa xuân.
Học kỳ 3 là từ cuối tháng 3 tới đầu tháng 7. Bình thường đầu tháng 7 sẽ có buổi kiểm tra, sau đó sẽ có ba tuần nghỉ còn được gọi là nghỉ hè, hoặc là kỳ nghỉ mưa tháng 7.
Những sinh viên tốt nghiệp mỗi năm đều sẽ được nghỉ sớm hơn một chút, họ sẽ có đủ thời gian tìm công việc.
Siles vẫn là sinh viên của trường đại học Lafami nên anh đã khá quen thuộc với chương trình giáo dục của trường. Nhưng vì anh đã trở thành giáo sư, mọi chuyện lại càng phức tạp hơn.
Hiện tại vào tuần cuối cùng của tháng 7, anh đang rất đau đầu chuẩn bị giáo án.
Trường yêu cầu anh giảng dạy hai môn chung tự chọn, hai môn chuyên ngành tự chọn. Hai môn chung sẽ trải dài từ HK1 tới hai tuần đầu HK2, 2 môn chuyên ngành một môn học trong 2 học kỳ đầu, môn còn lại học ở HK3.
Môn chuyên ngành bắt đầu vào HK3 còn đỡ, nhưng hai môn chung và môn chuyên ngành còn lại như lửa sém lông mày, một tuần nữa là phải đối diện với học sinh rồi.
Siles than ngắn thở dài.
Anh nhanh chóng tính toán lịch trình tuần tới. Chiều thứ 4 và thứ 7 phải tới Hội Lịch Sử Học. Chủ nhật phải chuyển nhà và dọn dẹp văn phòng. Nói cách khác, anh chỉ còn nguyên ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 6.
Ngoài ra, anh còn phải nghiên cứu tài liệu giảng dạy và sách cho học sinh, hơn nữa phải chuẩn bị tốt tâm lý ứng xử với sinh viên học việc vẫn chưa biết tên và đề tài nghiên cứu.
Thật là gấp rút mà.
Anh rũ mắt viết tên các môn học lên giấy nháp, “Tổng Quan Văn Học Từ Thời Đại Thần Thánh Đến Thời Đại Sương Mù”, “Phân Tích Văn Học Thời Đại Im Lặng”, “Văn Học Và Diễn Biến Lý Luận Của Thời Đại Im Lặng – Lấy Ví Dụ Từ Ba Tác Giả Nổi Tiếng Của Thời Đại Im Lặng”.
Hai cái trước là môn chung tự chọn, môn sau là môn tự chọn chuyên ngành cho hai học kỳ đầu.
Nhìn chung đó đều là môn học nhất quán về nội dung chuyên sâu. Anh hoàn toàn có thể đồng thời chuẩn bị ba môn học này.
Cuối cùng anh viết ba chữ bên dưới gạch ngang, thời đại thần thánh, thời đại im lặng, thời đại sương mù.
Theo lịch sử ghi chép đến nay, thời đại thần thánh là kỷ nguyên đầu tiên của thế giới này, nghe đồn, đó là thời đại thần được sinh ra.
Sau khi thần ra đời. Con người tín ngưỡng, sùng bái thần, vậy nên kỷ nguyên thứ hai được gọi là thời đại tín ngưỡng.
Nền văn minh của con người dần phồn vinh phát triển, thành lập đế quốc, nâng cao sản xuất, giữa lúc các quốc gia chinh chiến chém gϊếŧ lẫn nhau, các vị thần cũng đứng phía sau bảo hộ và chống đỡ cho những kẻ thờ phụng mình. Kỷ nguyên thứ 3 được gọi là thời đại đế quốc, đó là một kỷ nguyên dài lâu và huy hoàng.
Kỷ nguyên thứ 4 là một thời đại thần bí, hiện tại không có nhiều tư liệu lưu giữ, hơn nữa đa số đều dùng từ ngữ mơ hồ, giữ kín như bưng. Căn cứ vào một số tư liệu và bút ký ghi lại, nó được gọi là thời đại bóng ma. Vì đó là một kỷ nguyên bị ẩn giấu sau bóng ma.
Sau thời đại bóng ma, giữa thần và con người dần tiến vào giai đoạn cực đoan lụi tàn. Vào kỷ nguyên thứ 5, thần đều đã ngã xuống, đại lục bị bao phủ bởi sương mù, bản đồ của các quốc gia phân cách tứ tán, mọi người bị tách biệt. Đây là thời đại im lặng, một thời đại tràn ngập sự hỗn loạn và tĩnh lặng.
Sau kỷ nguyên thứ 5, con người đã nghỉ ngơi lấy lại sức vào kỷ nguyên thứ 6. Thần quá khứ và lịch sử xuất hiện, mọi người lần nữa phát triển dưới sự bảo hộ của thần, lại lần nữa mở rộng phạm vi thế lực của mình tới vùng đất không tàn.
Giai đoạn chia tách giữa thời đại im lặng và thời đại sương mù chính là lúc Antinum xuất hiện.
Đó là vị thần còn tồn tại tới tận giờ, được cho là thần bảo vệ con người. Thần tồn tại thật, hơn nữa còn phù hộ con người dưới cách thức nào đó.
Nhớ lại ký hiệu con mắt trên cánh cửa, Siles không khỏi suy nghĩ, liệu vị thần của quá khứ và lịch sử đó có phải nguồn gốc sức mạnh của người tiết lộ không? Hay là thần đã chủ động giao sức mạnh cho người tiết lộ?
Suy ngẫm một lúc, Siles lắc đầu, vẫn còn quá ít manh mối.
Anh dứt khoát không nghĩ nữa, nhìn mấy chương trình học mình viết trên nháp, nghĩ rồi anh mở tài liệu đã lấy từ văn phòng giáo sư Cabell ra.
Một số trong đó nằm trong giáo án chương trình học đã được sắp xếp chỉn chu. Siles may mắn phát hiện giáo án và đại cương giảng dạy đầy đủ về môn Tổng Quan Văn Học Từ Thời Đại Thần Thánh Đến Thời Đại Sương Mù trong đó.
Anh lập tức để nguyên bản sang một bên để xem kỹ hơn sau.
Anh tiếp tục lật tài liệu, lại tìm được một số giáo án và tài liệu rải rác khác. Nhưng anh nhức đầu nhận ra, chỉ e anh phải tự mình sắp xếp các tài liệu, sách vở, chuẩn bị lại những thứ liên quan tới thời đại im lặng của hai môn kia.
Cũng may ít nhất Siles cũng có nền tảng kiến thức chuyên ngành.
Anh đặt những tài liệu hữu dụng sang một bên, định bụng mai tới trường tìm ghi chép của mình ở trường, tổng hợp và sửa sang lại hệ thống giảng dạy cho hai môn này.
Anh nhớ mình từng tham gia môn tự chọn chuyên ngành của giáo sư Cabell. Nhưng anh không thể rập khuôn đi theo chương trình dạy trước đó của giáo sư Cabell, thế là không đúng mực.
Siles vừa nghĩ vừa tiện tay lật bản nháp ra.
Anh rũ mắt nhìn thoáng qua, đột nhiên giật mình, bởi vì anh phát hiện nội dung bản nháp này hình như không có liên quan gì tới các nội dung giảng dạy của giáo sư Cabell.
Hình như đó chỉ là vài nội dung giáo sư Cabell tiện tay viết ra, quét mắt một cái là có thể thấy được các chữ như “điên cuồng”, “bóng ma”.
Liên tưởng tới thời đại bóng ma của kỷ nguyên thứ 4, Siles chợt thấy hứng thú với nội dung trên bản nháp này.