Sau Khi Tỉnh Ngộ, Tiểu Ca Nhi Bị Đem Ra So Sánh Chọn Sống An Phận

Chương 26

Vài ngày sau, bà mối Vương Nguyệt Mai chính thức đến nhà.

Bà mang theo bát tự sinh thần của Lục Tùy. Vì Lục Tùy là con nuôi, nên ngày tháng sinh cũng không thật sự chính xác, cho nên phần xem bát tự này chỉ làm qua loa theo nghi lễ. Bà cũng lấy luôn bát tự của Hạ Thanh Đào để bên Lục gia chọn ngày tốt.

Sau đó, bà mối đưa ra danh sách sính lễ, nói rằng nếu bên nhà gái thấy không có vấn đề gì, thì sẽ chọn ngày đẹp để sang nhà chính thức dạm hỏi.

Lục gia rất coi trọng chuyện cưới xin, còn cẩn thận nhờ người có học trong thôn viết bản danh sách sính lễ. Hạ Thanh Đào vốn biết chữ, nhưng mẫu thân của y nói tự mình đọc thì không hợp lễ nghi, nên gọi A Công – người lớn tuổi, có uy trong thôn đến đọc.

“Sính lễ 20 lượng bạc, một cặp vòng trang sức, một cặp chim nhạn, hai cân trà, hai cân táo đỏ, óc chó và các loại quả khô khác, sáu lượng chỉ màu...”

Mặc dù đang vào mùa thu hoạch, nhưng vì hôm nay có bà mối đến dạm hỏi. Mà đối tượng lại chính là Hạ Thanh Đào, người từng khiến bao người bàn tán nên hàng xóm kéo tới xem rất đông. Nghe đến một loạt sính lễ như thế, ai cũng tấm tắc khen: “Nhà Thanh Đào Nhi đúng là có phúc, được nhà trai quý như vàng! Lễ hỏi nhiều đến thế kia!”

“Phải đó, riêng 20 lượng bạc là đã thấy ghê gớm rồi. Ngoài Hạ Miên ra, có ai từng được sính lễ lớn như vậy chưa?”

“Ta chỉ nghe nói mấy nhà giàu trên trấn mới đón dâu bằng chim nhạn, chứ nhà nông thì toàn mang vịt cho có lệ!”

“Đúng rồi, nghe nói nhà trai mang cặp chim nhạn làm sính lễ ta cũng thấy bất ngờ. Thanh Đào gả cho nhà nào mà có tiền dữ vậy trời!”

Sính lễ nhiều như vậy, nhà Hạ Thanh Đào đương nhiên cảm thấy rất hài lòng. Đồng thời cũng đưa ra danh sách của hồi môn. Danh sách này chính tay Hạ Thanh Đào viết, sau khi cả nhà bàn bạc vào mấy đêm trước:

Sáu mẫu ruộng, hai bộ chăn nệm, hai rương gỗ, một cặp thùng thiếc, một cặp thùng “con cháu đầy nhà”, tám cân bông, mười cân đường mía.

Vì đây là chuyện cưới hỏi, nên của hồi môn và sính lễ đều lấy số chẵn cho may mắn. Ngoài ruộng đất ra, những vật khác đều có ý nghĩa riêng: thùng thiếc tượng trưng “tiền vô như nước”, thùng con cháu tượng trưng “đông con đông phúc”, bông và đường mía tượng trưng cho cuộc sống sung túc ngọt ngào. Còn sáu mẫu ruộng ấy là do cha của Hạ Thanh Đào bỏ ra 7 lượng bạc để mua đất bên Lục gia, một phần là để bù cho nhà chồng thiếu ruộng, phần nữa là để Hạ Thanh Đào có tiếng nói ở nhà chồng. Vì của hồi môn thì nhà chồng không có quyền đυ.ng đến.

Hạ Thanh Đào thấy vậy thì rất cảm động. Một ca nhi được người nhà chuẩn bị cho của hồi môn, có cả ruộng đất là điều chỉ có ở mấy nhà địa chủ phú hộ. Còn bình thường, chuyện cưới gả chỉ cần giường nệm và ít đồ dùng là đủ mát mặt rồi. Bởi vậy, phụ thân và mẫu thân thương yêu y đến nhường nào.

Sau khi điều chỉnh lại danh sách sính lễ, bà mối liền rời đi. Bà ấy nói sẽ chọn ngày tốt để đến nhà gái hạ lễ và xin ngày cưới chính thức.

Vừa hay lúc này cũng gieo xong vụ đông mạch, trong nhà không còn bận rộn như trước, Hạ Thanh Đào bắt đầu tự tay thêu chăn cưới.

Trước kia y từng thêu chăn cưới cho tẩu tẩu và ca ca, ai xem qua cũng khen đẹp. Thím mợ trong thôn đều trầm trồ, nên lần cưới xin này không cần mua sẵn mà tự tay thêu là được. Mẫu thân của y nói nhà họ Lục thường chọn ngày cưới vào tháng Chạp, nên giục y tranh thủ thêu cho kịp.

Y định thêu một đôi uyên ương hí thủy và một cặp sen nở hoa. Hai mẫu này đều là kiểu y thêu quen tay, chỉ cần mất vài ngày là xong.

Dạo này mỗi lần ra ngoài gặp các thím trong thôn, ai cũng khen y có mắt nhìn người, vì được gả cho người thật thà tử tế. Dĩ nhiên, cũng có người ghen tị nói nhà Lục Tùy nghèo như vậy mà đưa được sính lễ lớn như thế. Nói không chừng là Lục Tùy vay mượn khắp nơi, sau này lấy về có khổ cũng phải tự gánh.

Nhưng tâm trạng của Hạ Thanh Đào đang rất tốt, nên chỉ nghe lời hay mà bỏ qua lời chua. Dù sao y thật lòng thích Lục Tùy, mà dù có khổ thì cũng đỡ hơn gả cho một tú tài suốt ngày ăn đói mặc khát mà còn bị người ta khinh thường.

Đến ngày 21 tháng 10, nhà trai cuối cùng cũng đến hạ lễ chính thức.