Nguyên chủ tên là Văn Gia, tên ở nhà là Gia Gia, trùng tên với cô, ngay cả hoàn cảnh lớn lên cũng có chút tương đồng.
Cô được nhận nuôi, nguyên chủ thì được cho làm con nuôi.
Khác biệt là cô gặp được một đôi bố mẹ nuôi rất tốt, còn nguyên chủ thì không.
Nguyên chủ sinh năm 1953, từ nhỏ đã theo bố mẹ sống ở đội sản xuất Phù Dương.
Năm 1959 gặp phải thiên tai, cuộc sống khổ cực không kể xiết. Đúng lúc có họ hàng đến xin nhận nuôi cô, bố mẹ liền nuốt nước mắt gửi cô cho người họ hàng làm ở nhà máy thực phẩm trong huyện, ăn lương nhà nước.
Bảy năm trước, mẹ nuôi bất ngờ mang thai, cô liền trở thành rau muống luộc trong nhà, thành trâu già ngoài đồng, thành ô sin không công.
Nếu không phải mẹ nuôi có một đối thủ không đội trời chung làm ở Hội Phụ nữ, có lẽ nguyên chủ còn chẳng được đi học.
Cách đây không lâu, bố mẹ nuôi của nguyên chủ móc nối được với lãnh đạo nhà máy mới nhậm chức. Nguyên chủ lúc này đã trổ mã xinh đẹp, ưa nhìn liền có tác dụng mới trong mắt họ, đó là gả cô cho đứa con trai ngốc của vị lãnh đạo kia để làm cầu nối thăng tiến cho mình.
Nguyên chủ là một cô gái thông minh, lanh lợi. Sau khi tự thấy bảy năm làm trâu làm ngựa đã đủ để trả ơn nuôi dưỡng của bố mẹ nuôi, cô liền làm ầm ĩ cả nhà máy thực phẩm lên.
Cô đã tìm đúng thời cơ khi có lãnh đạo cấp trên xuống nhà máy thị sát, phanh phui toàn bộ giao dịch giữa bố mẹ nuôi và vị lãnh đạo nhà máy kia. Cuối cùng, cô và bố mẹ nuôi ân đoạn nghĩa tuyệt, ngay cả vị lãnh đạo nhà máy nọ cũng bị ghi một lỗi kỷ luật.
Trong tình huống đó, làm sao cô còn ở lại thành phố được nữa?
Không thể ở lại dù chỉ nửa ngày!
Tối hôm đó, cô cầm hành lý đã gói sẵn từ trước chạy đến văn phòng Hội Phụ nữ ở tạm. Ngày hôm sau, cũng chính là hôm nay, cô gói ghém đồ đạc trở về đội sản xuất Phù Dương.
Nguyên chủ có đầu óc, có thủ đoạn, với trí tuệ của cô ấy, cuộc sống sau này không sợ không tốt đẹp. Chỉ tiếc là trên đời này, tai ương muốn ập đến lúc nào thì ập đến.
Gần đây là mùa nấm mọc, nhiều dân làng thường vào núi hái nấm vào sáng sớm. May mắn thì hái được nửa sọt lớn, đủ ăn mấy ngày không cần lo rau cỏ, có khi còn phơi được ít nấm khô để dành đến Tết hầm thịt ăn.
Nhà họ Văn xui xẻo chính là vì nấm!
Không biết ai đã hái phải nấm độc, cả nhà bảy người thì năm người ngã gục, kéo theo cả nguyên chủ bị dọa chết khϊếp. Chỉ còn lại hai đứa trẻ con, vì không ăn nấm nên mới giữ được mạng sống.
Nhớ lại cảnh tượng đó, mồ hôi lạnh túa ra khắp người Văn Gia Gia, da gà da vịt nổi hết cả lên. Cô thầm nghĩ, thảo nào nguyên chủ lại bị dọa đứt hơi.
Nếu không phải có người đi ngang qua đưa cô đến trạm y tế, thì Văn Gia Gia vừa mới chết đi sống lại nhìn thấy cảnh này cũng phải sợ chết thêm lần nữa.
Nhưng họa phúc khó lường, cô đột tử là họa, nhưng bất ngờ xuyên không, chết đi sống lại lại là phúc.
Mà người nhà nguyên chủ, nhờ có sự xuất hiện của cô mà mở ra đường hầm thời không đi đến một thế giới khác, có lẽ đó cũng là phúc của họ.
Văn Gia Gia nghĩ ngợi một lát, vén chăn xuống giường. Lúc này cô phải đi lo hậu sự cho người nhà nguyên chủ.
Nhưng chưa kịp xuống giường, ngoài cửa đã có tiếng động, rồi cửa bị đẩy ra. Một cô gái mặc áo xanh lam, quần đen, trước ngực tết hai bím tóc bước vào.
Cô ấy vui mừng kêu lên: "Chị tỉnh rồi!"
Không đợi Văn Gia Gia hỏi, sắc mặt cô gái lại thay đổi, nói tiếp: "Chị thấy trong người thế nào rồi? Lúc ông chú em đi có dặn chị bị sốc quá nên ngất đi thôi. Nếu chị thấy khó chịu chỗ nào thì cứ nói với em, chị yên tâm, ông chú em sắp về rồi."
Văn Gia Gia vội hỏi: "Người nhà tôi đâu rồi?"
Cô gái trẻ lộ vẻ khó xử, ngập ngừng một lát rồi nói: "Đều đang quàn ở nhà chị cả rồi."
Văn Gia Gia: "Vậy tôi phải về thôi."