Mọi người thường gọi nó là Đảo Đồng Tiền Nhãn Tử – chỉ biết chăm chăm thu tiền. Mỗi mùa cá đến, thuỷ sư lại dong thuyền ra giữa biển, người dân chỉ đành nghiến răng nộp bạc, âm thầm chửi rủa rồi tự an ủi bản thân rằng:
“Tiền ấy là để xua tai trừ họa.”
Đảo này đến tận đời sau vẫn giữ nguyên tên, hai công sở trên đảo vẫn còn tồn tại, Giang Doanh Tri từng tới đó một lần khi đi du lịch.
Xa nhất, không nhìn rõ là Đồng Tiền Tiêu, Đảo Tây Sơn, cùng vô số hòn đảo lớn nhỏ vây quanh trấn Hải Phổ như một bức tường chắn gió bão từ biển khơi, khiến nơi đây phồn thịnh, trở thành bến đỗ của thuyền bè khắp các phủ.
Giang Doanh Tri âm thầm đối chiếu từng hòn đảo trong trí nhớ với trước mắt, hòn nào cũng khớp. Nàng cảm thấy những điều mông lung hư ảo giờ đây đều trở nên chân thực.
Đây chính là trấn Hải Phổ xưa kia!
Tuy chẳng phải nơi nàng từng sống hai mươi bốn năm, nhưng lại mang mối liên kết kỳ lạ, tựa tơ nhện đan dệt. Cảm giác bất an của một kẻ lạc vào vùng đất xa lạ dần tan biến.
Trên đường trở về, Tiểu Mai dè dặt hỏi:
“Tỷ Tiểu Mãn, tỷ đã có nơi nào để đi chưa? Nếu chưa thì cứ tạm ở lại chỗ muội mấy hôm, đợi gom đủ tiền lộ phí rồi đi cũng không muộn.”
Tiểu cô nương thật lòng mong tỷ tỷ ở lại, dẫu sao ngoài Hải Oa, tiểu cô nương cũng chẳng có ai để trò chuyện.
Giang Doanh Tri đáp, nàng muốn đến miếu Hải Thần thử xem, hy vọng có thể tìm được cách trở về. Dù nơi đây biển xanh trời biếc, tươi đẹp lạ thường, nhưng nàng vẫn muốn quay lại hiện đại – nơi có biến cố thủy triều đỏ, nơi đã chẳng còn người thân yêu nhất của nàng nữa.
Vẻ mặt Tiểu Mai thoáng phức tạp, tiểu cô nương hé miệng định nói gì đó, song lại ngập ngừng không thốt nên lời. Trầm ngâm một lúc, tiểu cô nương mới nhẹ giọng: “Miếu Hải Thần có miếu quan trông giữ. Không phải ngày nào cũng được vào bái thần đâu.”
“Ngoài mùng hai tháng hai cúng Thượng Nguyên, mùng ba tháng ba tế ra khơi và mùa cá, thì ngày thường chỉ mở cửa vào mùng năm với mùng tám âm lịch thôi.”
“Mà tỷ phải nộp năm đồng tiền, coi như lễ vật vào miếu. Đã vào trong, nhất định phải mua hương khói, giấy tiền của miếu mới được.”
Tiểu cô nương không đành lòng giấu diếm, dè dặt hỏi: “Tỷ Tiểu Mãn, tỷ còn tiền tiêu xài không?”
Giang Doanh Tri lục lọi khắp người, một đồng cũng chẳng thấy. Gió biển luồn qua ống tay áo rộng thùng thình, lạnh buốt cả da thịt lẫn cõi lòng.
Thế nhưng nàng là người biết thích nghi, nhanh chóng mỉm cười: “Ở đây có thể đi bắt hải sản không? Nếu bắt được, tỷ có thể đem đổi lấy tiền. Tỷ cũng có thể dạy muội làm vài món ăn để bán.”
Nàng thầm nghĩ, chỉ cần dạy mấy cách chế biến hải sản đơn giản là đủ để Tiểu Mai và Hải Oa dựng được căn nhà mới tươm tất hơn.
Tiểu Mai chỉ đáp câu đầu: “Có thể bắt hải sản ven bờ, nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Từ mùng bốn đến mười một là nước ròng, hôm nay là mùng năm, chỉ nhặt được vài con nhỏ lẻ.”
Đi bắt hải sản cũng phải xem con nước. Triều nhỏ thì ít cá, triều lớn mới phong phú.
Giang Doanh Tri nghe xong, định nói gì đó nhưng khi trông thấy cái bếp lò ngoài nhà thì nghẹn lời.
Bếp lò thấp lè tè, chỉ cao tới bắp chân. Một bên đặt chiếc nồi đất đen kịt, Tiểu Mai nói đó là nồi nấu canh, dùng đun nước. Bên kia là nồi sắt, xung quanh dính đầy thứ gì đó đen nhầy, trông chẳng sạch sẽ chút nào.
Chậu nước đặt trong nhà, hứng nước mưa, thoang thoảng mùi phèn chua.
Tiểu Mai đậy nắp cẩn thận, không nỡ để bay hơi, nhỏ giọng bảo:
“Nước ngọt hiếm lắm tỷ. Hoặc đi lấy ở khe suối trên núi, nhưng đường xa lại dốc, muội vác không nổi; hoặc phải xuống giếng dưới chân núi gánh, mỗi thùng tốn hai đồng.”
Tiểu cô nương không đành tiêu tiền, chỉ còn cách chờ trời mưa, hứng nước rồi cho chút phèn chua vào khuấy, vậy là có thể uống.
Giang Doanh Tri thở dài, lục lọi quanh bếp tìm gia vị. Chỉ có một hũ muối và một ống tre đựng dầu. Muối là muối thô, nàng chấm thử một ít, mặn chát đến mức nàng phải nhíu mày.
Không có vải màn, không có dụng cụ lọc, muối tinh là điều xa xỉ. Nàng đành tạm dùng muối thô vậy.